Bản tin đặc biệt

Tại sao các doanh nghiệp Hoa Kỳ nóng lòng rời khỏi Trung Quốc

Sau khi thúc đẩy sự tăng trưởng của Trung Quốc trong nhiều thập niên, các doanh nghiệp Hoa Kỳ hiện đang rời khỏi Trung Quốc, vào lúc bối cảnh chính trị và kinh doanh của nước này thay đổi.

Đầu tư ngoại quốc đang rời khỏi Trung Quốc

Theo báo cáo của JPMorgan vào tháng trước (09/2023), một nửa trong số các khoản đầu tư trái phiếu trị giá 250 tỷ đến 300 tỷ USD của ngoại quốc đã rút đi kể từ năm 2019, đồng thời dòng đầu tư vốn cổ phần tư nhân và vốn mạo hiểm của Hoa Kỳ vào Trung Quốc đã giảm hơn 50%.

Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, đầu tư trực tiếp ngoại quốc vào Trung Quốc trong quý 2 năm nay đã đạt mức thấp nhất trong vòng 25 năm ở mức 4.9 tỷ USD, giảm 87% so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Dữ liệu của Bloomberg và fDi Markets về các dự án đầu tư mới — một chỉ báo rõ ràng hơn về việc liệu các công ty ngoại quốc có còn đầu tư vào Trung Quốc hay không — cho thấy mức 120 tỷ USD của năm 2019 đã giảm 40% xuống còn 74 tỷ USD vào năm 2020, và giảm thêm 45% nữa xuống còn 41 tỷ USD vào năm 2022 — mức thấp nhất kể từ năm 2010.

Mặc dù các giao dịch tài chính rất dễ theo dõi mà không có nhiều độ trễ, nhưng có thể phải mất nhiều năm để dữ liệu đầu tư trực tiếp ngoại quốc phản ánh được sách lược đa dạng hóa khỏi Trung Quốc của các công ty phương Tây.

Vì lý do này, các nhà phân tích của Rhodium Group, một công ty nghiên cứu hàng đầu về nền kinh tế Trung Quốc, đã cảnh báo trong một báo cáo gần đây rằng Bắc Kinh có thể không nhận ra được mức độ nghiêm trọng thực sự của tình trạng đầu tư trực tiếp ngoại quốc [tháo chạy].

Báo cáo cho biết: “Trong bối cảnh một cuộc suy thoái rộng hơn về mặt cấu trúc diễn ra trong nền kinh tế Trung Quốc, những phản ứng chậm trễ có thể góp phần gây tổn thất thêm về năng suất và tăng trưởng kinh tế.”

Giả định ngụ ý ở đây là việc ngăn ngừa thiệt hại kinh tế là ưu tiên hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tuy nhiên, một số chuyên gia về Trung Quốc không đồng ý với quan điểm này.

Ông Derek Scissors, nhà kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu China Beige Book và là thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Hoa Kỳ có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times: “Không phải là ông Tập Cận Bình và giới lãnh đạo ĐCSTQ không thích tăng trưởng kinh tế — mà là tăng trưởng kinh tế không phải là ưu tiên hàng đầu.”

Ông nói, “Ưu tiên hàng đầu là kiểm soát xã hội, bao gồm cả nền kinh tế. Vì vậy, bất cứ lúc nào có sự đánh đổi giữa kiểm soát và tăng trưởng kinh tế, họ sẽ chọn kiểm soát.”

“Và khi chúng ta nói, ‘Ồ, các vị biết đấy, các vị lẽ ra đã có thể phát triển được nhanh hơn. Tại sao các vị lại làm những việc đó?’ thì câu trả lời rất rõ ràng: Đó là bởi vì đó không phải là ưu tiên của họ.”

Ông Scissors và các chuyên gia khác nói với The Epoch Times rằng tăng trưởng kinh tế nhìn chung không phải là ưu tiên hàng đầu trong nghị trình của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình. Thay vào đó, về mặt bản chất, Trung Quốc đang trải qua một sự thay đổi mô hình trong cách nước này tương tác với nền kinh tế toàn cầu và đang lựa chọn và sàng lọc các nhà đầu tư ngoại quốc trung thành với ông Tập.

Kết quả là, bối cảnh chính trị và kinh doanh của Trung Quốc nhìn chung đang lật đổ kinh nghiệm trong quá khứ, và những diễn giải của phương Tây sẽ đặt ra những giả định sai lầm về Trung Quốc — thậm chí còn sai lầm nhiều hơn trước.

Tại sao các doanh nghiệp Hoa Kỳ nóng lòng rời khỏi Trung Quốc
Theo doanh nhân Mike Sun, lãnh đạo Đảng Cộng sản Tập Cận Bình đã đảo ngược sự hội nhập của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, một xu hướng đã hình thành từ hai thập niên trước. (Ảnh: Marco Di Lauro/Getty Images)

3 giai đoạn đầu tư trực tiếp ngoại quốc

Khi Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đến thăm Trung Quốc hồi tháng Tám, bà đã cảnh báo rằng nước này có thể trở thành nơi “không thể đầu tư” nếu các loại hành vi khó lường từ phía chính quyền, chẳng hạn như tấn công các công ty Hoa Kỳ, không chấm dứt. Năm nay, văn phòng Bắc Kinh của Mintz Group đã bị đột kích hồi tháng Ba, văn phòng Thượng Hải của Bain & Co. hồi tháng Tư, và văn phòng của Capvision Partners ở nhiều thành phố hồi tháng Năm.

Môi trường kinh doanh ở Trung Quốc đối với các công ty Hoa Kỳ không phải lúc nào cũng như vậy.

Ông Mike Sun, một doanh nhân ở Hoa Kỳ với hàng chục năm kinh nghiệm tư vấn cho các nhà đầu tư và thương nhân ngoại quốc kinh doanh tại Trung Quốc, nhớ lại rằng thế hệ nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tiên đã đến thăm Trung Quốc đại lục với tinh thần tiên phong. Ông đã nói chuyện với The Epoch Times bằng cách sử dụng bí danh để bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình ở Trung Quốc.

Vào đầu những năm 1990, ông cho biết một doanh nhân người Hoa Kỳ gốc Do Thái đã nói với ông rằng: “Tôi muốn trở thành Marco Polo của Hoa Kỳ,” ngụ ý nói về nhà thám hiểm người Ý đã giới thiệu người Âu Châu đến với Trung Quốc. Doanh nhân này nói thông thạo tiếng Trung Quốc phổ thông và đã kết hôn với một phụ nữ Trung Quốc.

Tại sao các doanh nghiệp Hoa Kỳ nóng lòng rời khỏi Trung Quốc
Mọi người đi ngang qua một nhà hàng McDonald’s ở Bắc Kinh năm 1994. Đầu những năm 1990, Tập đoàn McDonald’s là một trong những doanh nghiệp Hoa Kỳ tiên phong tại Trung Quốc. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Hồi đó, có rất nhiều cơ hội ở Trung Quốc.

Nếu đầu tư vào Trung Quốc trong những năm đó giống như một cuộc phiêu lưu mạo hiểm thì việc việc đó đã trở thành điều hiển nhiên trong thập niên tiếp theo, từ năm 2000 đến năm 2012. Sẽ thật ngu ngốc nếu không đầu tư vào Trung Quốc, ông Sun nhớ lại.

Ông nói, vinh quang tột đỉnh của ĐCSTQ là Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Khi Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush và gia đình ngồi cạnh Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) tại trận đấu bóng rổ giữa hai nước, điều đó đã trở thành biểu tượng cho sự chấp nhận của cộng đồng quốc tế đối với ĐCSTQ.

Tại sao các doanh nghiệp Hoa Kỳ nóng lòng rời khỏi Trung Quốc
(Ảnh bên trái) Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đương thời Dương Khiết Trì (trái), Tổng thống Hoa Kỳ đương thời George W. Bush, cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger (thứ 2 từ phải sang), và Đệ nhất Phu nhân đương thời Laura Bush tham dự một trận đấu bóng rổ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008. (Ảnh: Jed Jacobsohn/Getty Images) (Ảnh bên phải) Thị phần toàn cầu của Trung Quốc trong chuỗi giá trị gia tăng sản xuất. (Ảnh: The Epoch Times)

Trung Quốc đã trở thành “nhà xưởng của thế giới” sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng giá trị gia tăng sản xuất toàn cầu của nước này đã tăng từ 9% năm 2004 lên 22% năm 2012 và 30% vào năm 2022.

Nhưng việc ông Tập lên nắm quyền hồi tháng 03/2013 đã báo trước một thập niên khác. Năm 2015, nhà lãnh đạo này đã bắt đầu kế hoạch công nghiệp “Sản xuất tại Trung Quốc 2025,” hướng tới thống trị toàn cầu trong các lĩnh vực sản xuất tân tiến như vi mạch bán dẫn và năng lượng mới.

Để đạt được mục tiêu này, chính quyền Bắc KInh đã khuyến khích hành vi đánh cắp công nghệ từ các quốc gia phương Tây trên diện rộng.

Theo quan điểm của ông Sun, ông Tập đã đảo ngược quá trình hội nhập của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, một xu hướng đã hình thành từ hai thập niên trước.

Ông Sun nói, “Ông Tập không muốn Trung Quốc trở thành nước Nga thứ hai.”

Từ năm 2014 đến năm 2016, Nga đã trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính do giá mặt hàng xuất cảng lớn là dầu thô giảm mạnh, và các lệnh trừng phạt quốc tế do sáp nhập Crimea. Theo tổ chức nghiên cứu Âu Châu Bruegel, kể từ đó, triển vọng tăng trưởng của Nga vẫn ảm đạm vì những thách thức trong việc đa dạng hóa các ngành công nghiệp chính và các lệnh trừng phạt đang diễn ra của phương Tây.

Sau khi Nga xâm chiếm Ukraine hồi tháng 02/2022, Nga đã phải hứng chịu hơn 13,000 biện pháp hạn chế. Theo phát hiện của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, các lệnh trừng phạt đã khiến Nga bị loại khỏi các lĩnh vực công nghệ tân tiến ở ngoại quốc và buộc nước này phải sử dụng lại giao dịch hàng hóa năng lượng để duy trì tăng trưởng kinh tế.

Ông Sun cho biết những thay đổi của Trung Quốc đã trở nên rõ ràng hơn trong hai đến ba năm qua, trùng với thời điểm đại dịch COVID-19, trong đó ông Tập phần lớn đã hoàn thành việc củng cố quyền lực của mình.

Đó là điều mà ông Mạnh Quân (Meng Jun), một doanh nhân Trung Quốc, cho biết ông đã trải qua.

Ông Mạnh kinh doanh sản phẩm cao su với doanh thu hàng năm là 15 triệu USD. Vào năm 2021, khi phần còn lại của thế giới mở cửa trở lại, nhà máy của ông ở Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc, bắt đầu nhận đơn đặt hàng trở lại. Tuy nhiên, ông không thể tiếp tục sản xuất vì lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 của ĐCSTQ.

Ban đầu, ông có thể hối lộ các quan chức địa phương để nhà máy của ông có thể hoạt động vào ban đêm trong khi các nhà máy khác phải đóng cửa. Nhưng sau này, không ai bẻ cong được quy định vì các quan chức không muốn mất việc trước khả năng trường hợp nhiễm COVID-19 sẽ bị truy nguyên từ một nhà máy không được phép hoạt động theo chính sách Zero COVID của Trung Quốc. Ông đã mất hàng triệu USD.

Ông đã đóng cửa công việc kinh doanh vào năm ngoái và rời đi Hoa Kỳ.

Tại sao các doanh nghiệp Hoa Kỳ nóng lòng rời khỏi Trung Quốc
Đường phố vắng tanh trong thời gian chính quyền Trung Quốc phong tỏa vì dịch COVID-19 ở Thượng Hải hôm 01/04/2022. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Ông Mạnh nói với The Epoch Times: “Ông Tập Cận Bình đã giành được quyền kiểm soát hoàn toàn xã hội Trung Quốc và ông ấy biết điều đó.”

“Ông ta đã thử nghiệm nó trong ba năm bị phong tỏa. Chỉ với một vài người trong ủy ban khu phố đơn vị kiểm soát thấp nhất của ĐCSTQ ở khu vực thành thị mặc đồ bảo hộ trắng, không một ai trong các khu chung cư có dân số từ vài ngàn đến hàng chục ngàn người dám bất chấp quy định và bỏ đi.”

Tại sao các doanh nghiệp Hoa Kỳ nóng lòng rời khỏi Trung Quốc

Theo ông Sun, mọi người không nên nhìn nhận nền kinh tế Trung Quốc qua lăng kính kinh tế của phương Tây. “Người phương Tây nghĩ rằng nền kinh tế Trung Quốc quá tệ với tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao và lĩnh vực địa ốc mất khả năng thanh toán, nhưng ông Tập cho rằng điều đó không sao cả.”

Ông Scissors đồng ý: “Mục tiêu của ông Tập và Đảng là bảo đảm họ kiểm soát được nền kinh tế, và mục tiêu đó sắp đạt được. Vì vậy, họ thấy không có khủng hoảng nào ở đây và tôi nghĩ họ đúng.”

Luật pháp cố ý mơ hồ

Theo khảo sát năm 2023 của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Trung Quốc, hơn ⅓ số doanh nghiệp Hoa Kỳ đã giảm hoặc tạm dừng đầu tư theo kế hoạch vào Trung Quốc trong năm qua. Mối quan tâm hàng đầu của họ là địa chính trị và chính sách đối nội.

Tại sao các doanh nghiệp Hoa Kỳ nóng lòng rời khỏi Trung Quốc

Hôm 03/10, Capvision Partners, một trong những công ty Hoa Kỳ bị đột kích hồi đầu năm nay, thông báo rằng họ đã hoàn thành một “sự điều chỉnh” được chính quyền Trung Quốc chấp thuận. Công ty lặp lại mệnh lệnh của ĐCSTQ và thề sẽ “đi đầu trong việc bảo vệ điểm mấu chốt về an ninh trong ngành tư vấn” và “đóng góp một phần nhỏ vào quá trình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.” Ngay sau cuộc đột kích, tuyên truyền của Trung Quốc đã cho rằng các cố vấn của Capvision đã tham gia vào hoạt động gián điệp quốc tế.

Ngoài các cuộc đột kích, các giám đốc điều hành phương Tây còn bị cấm rời khỏi Trung Quốc.

Tại sao các doanh nghiệp Hoa Kỳ nóng lòng rời khỏi Trung Quốc

Theo nhóm nhân quyền Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha, Trung Quốc hiện có 15 luật cấm xuất cảnh khác nhau cho phép chính quyền ngăn chặn người dân rời khỏi đất nước này.

Ông Sun cho biết ông từng bị cấm xuất cảnh sau khi ông Tập tiếp quản ĐCSTQ. Dựa trên kinh nghiệm của mình, ông cho biết các đồn công an, bao gồm cả các đồn công an ở cấp thị trấn, có thể đưa ra lệnh cấm xuất cảnh đối với một người trong hệ thống an ninh công cộng. Các nhân viên kiểm soát biên giới thực hiện lệnh cấm không đưa ra lời biện minh nào, trừ phi người bị cấm cũng bị bắt.

Lệnh cấm xuất cảnh có thể kéo dài từ vài tháng đến nhiều năm và không có thông báo chính thức về thời điểm lệnh cấm được dỡ bỏ. Những người bị cấm phải sử dụng mạng lưới cá nhân của mình để tìm ra lý do thực sự của lệnh cấm và cố gắng rời khỏi đất nước để xem liệu lệnh cấm có còn hiệu lực hay không.

Ông Tôn không biết chính xác thời hạn cấm xuất cảnh của mình. Luật sư của ông đoán rằng thời hạn đó là hơn một năm.

Tại sao các doanh nghiệp Hoa Kỳ nóng lòng rời khỏi Trung Quốc
Hành khách tại phi trường quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh hôm 28/04/2023. Lệnh cấm xuất cảnh cho phép chính quyền Trung Quốc ngăn chặn người dân rời khỏi đất nước. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

“Giống như một người hầu như bị khóa mà không rõ nguyên nhân và chìa khóa lại nằm trong tay người khác,” ông Sun nói. “Một người có thể bị điều khiển từ xa; đó là trường hợp ở Trung Quốc.”

Ông cho biết lệnh cấm xuất cảnh ngày càng tăng ở Trung Quốc khiến ông nhớ đến trường hợp của cựu giám đốc đại tập đoàn khai thác mỏ Rio Tinto của Úc tại Trung Quốc. Ông Hồ Sĩ Thái (Stern Hu), một người Úc gốc Hoa, bị buộc tội “làm rò rỉ bí mật nhà nước” vào tháng 07/2009 và bị kết án 10 năm tù vào tháng 03/2010 vì tội “hối lộ và xâm phạm bí mật thương mại.”

Ông Sun cho biết nguyên nhân thực sự dẫn đến số phận của ông Hồ là do Rio Tinto thoái lui khỏi việc bán cổ phần trong các tài sản quan trọng cho công ty quốc doanh Tập đoàn Nhôm Trung Quốc (Chalco). Bloomberg đưa tin công ty này đã níu giữ ông Henry Kissinger để giải quyết vụ bắt giữ ông Hồ và ba nhân viên khác, mặc dù cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết ông không thể làm gì cho họ. Ông Hồ được trả tự do vào năm 2018 sau tám năm thụ án trong một nhà tù gần Thượng Hải. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông được giảm án vì “tuân theo quản lý và giáo dục.”

Tua nhanh sang năm 2023, nguy cơ vi phạm tuân thủ và chi phí do không tuân thủ thậm chí còn cao hơn.

Ông Sun nói, “Luật chống gián điệp có những điều khoản mơ hồ theo cách giải thích của ĐCSTQ. Trung Cộng cố tình tạo ra sự không chắc chắn này để các nhà đầu tư ngoại quốc không biết phải làm gì và không thể tránh khỏi rủi ro ngoại trừ việc tuân theo ĐCSTQ.”

Đầu năm nay, chính quyền này đã mở rộng mạnh mẽ luật chống gián điệp năm 2014, vốn trao cho họ quyền lực sâu rộng để thăm dò bất cứ điều gì mà đảng này cho là ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Ông nói thêm: “Luật này nhằm mục đích tạo ra nỗi sợ hãi khiến mọi người không dám đả động đến bất cứ thứ gì có thể gây ra rắc rối dù là nhỏ nhất.”

Tại sao các doanh nghiệp Hoa Kỳ nóng lòng rời khỏi Trung Quốc
Nhân viên Đại sứ quán Úc đi trước Tòa án Trung cấp Nhân dân Số 2 Bắc Kinh, nơi ký giả Úc Thành Lôi (Cheng Lei) phải đối mặt với phiên tòa sau 18 tháng bị giam giữ vì cung cấp bí mật nhà nước, hôm 31/03/2022. (Ảnh: Noel Celis/AFP qua Getty Images)

Tổ chức tư vấn Quỹ Bảo vệ các Nền dân chủ cũng quan sát thấy một xu hướng tương tự. Nhóm này cho biết trong một báo cáo hồi tháng trước: “Bắc Kinh đang tái cấu trúc các điều kiện cho các doanh nghiệp ngoại quốc bằng một loạt luật và quy định mới nhằm tìm cách uốn nắn các nhà đầu tư tuân theo các ưu tiên của đảng cầm quyền và khiến các cơ quan quản lý ở ngoại quốc không còn liên quan nữa.”

Ông Sun và ông Mạnh cho biết “những người được chọn” trong tương lai để kiếm tiền ở Trung Quốc sẽ là những người trung thành với ông Tập và ĐCSTQ.

Tuy nhiên, vẫn có một cái giá phải trả.

Ông Mạnh từng bị đánh thức bởi một cuộc gọi trong đêm từ một quan chức cấp tỉnh của ĐCSTQ vào lúc 2 giờ sáng để ra lệnh giao ngay hàng trăm ngàn nhân dân tệ vì quan chức này cần tiền mặt để đánh bạc. Một lần khác, ông phải điều hành một khách sạn cao cấp ở tỉnh Quảng Tây để tiếp đãi miễn phí các quan chức của đảng này. Các đối tác của ông đã tiếp quản khách sạn này vào năm 2005 sau khi ông bắt đầu đi lại giữa Quảng Tây và Bắc Kinh.

Mặc dù các doanh nhân ngoại quốc có thể không cần phải làm đến mức đó để lấy lòng các quan chức, những cảm giác sỉ nhục vẫn có thể là tương tự, ông Mạnh nói, đồng thời cho biết thêm rằng môi trường kinh doanh của Trung Quốc đang trở nên lố bịch với những tuyên truyền chính thức kêu gọi người dân khắc ghi “Tư tưởng Tập Cận Bình” trong “bộ não, trái tim, và tâm hồn” của họ.

Đối với ông Mạnh, điều đó có nghĩa là sống một cuộc sống không có phẩm giá. Vì vậy ông đã rời Trung Quốc vào tháng 04/2022.

Tương lai phía trước là gì?

Ông Sun cho biết, bất chấp rủi ro, nhiều doanh nhân vẫn sẵn sàng hiểu các quy định mới xung quanh việc đầu tư vào Trung Quốc, bởi vì xét cho cùng, thị trường rộng lớn của đất nước này rất hấp dẫn.

Trong trường hợp không có lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Trung Quốc, các nhà tư bản Hoa Kỳ sẽ không từ bỏ thị trường này. Ông Sun cho biết ông có thể nghĩ ra hai kịch bản sẽ gây ra một cuộc di cư rời bỏ: Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan hoặc việc chính quyền đàn áp bạo lực một cuộc biểu tình nội bộ ở quy mô tương tự như vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.

Tại sao các doanh nghiệp Hoa Kỳ nóng lòng rời khỏi Trung Quốc
Lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ở Moscow hôm 21/03/2023. (Ảnh: Alexey Maishev/sputnik/AFP via Getty Images)

Ông Mạnh cho biết ông không nghĩ các vấn đề kinh tế sẽ khiến ông Tập phải hạ đài. Nhưng nếu các nhà lãnh đạo chống ông Tập có thể quy cho ông là đã mắc một sai lầm chính trị nghiêm trọng (ví dụ, ủng hộ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine nếu Nga bị đánh bại), thì họ có thể buộc ông ấy phải từ chức.

Bất kể tương lai ra sao, thì bối cảnh kinh doanh của Trung Quốc đang trải qua quá trình thay đổi mang tính cấu trúc.

Ông Scissors nói: “Tôi nghĩ ông Tập Cận Bình muốn ngoại quốc ít tham gia hơn vào nền kinh tế Trung Quốc.”

“Vì vậy, nếu ông ấy có thể tiếp tục duy trì sự tham gia của ngoại quốc vào những lĩnh vực mà ông ấy muốn, trong khi sự tham gia của ngoại quốc trong các lĩnh vực khác giảm sút thì ông ấy hoàn toàn thấy không sao.”

Vân Du biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ the Epoch Times