Bản tin đặc biệt

Người đàn ông với sứ mệnh chấm dứt chứng nghiện chi tiêu của Hoa Thịnh Đốn

Trong nhiều thập niên, cả hai đảng chính trị đã luôn trốn tránh trách nhiệm về vấn đề nợ quốc gia ngày càng tăng.

Dân biểu Jodey Arrington lớn lên ở miền Tây tiểu bang Texas, nơi phong cảnh không có gì khác ngoài những con đường dài và người ta chỉ nhìn thấy hàng nhiều dặm không có gì khác ngoài những con đường dài và những con đường dài. Khi cử tri bầu ông làm đại diện cho họ ở Hoa Thịnh Đốn vào năm 2016, họ đã đưa ông đến một nơi chẳng có gì ngoài thâm hụt chi tiêu và nợ nần.

Sáu năm sau, ông Arrington đã trở thành chủ tịch của Ủy ban Ngân sách Hạ viện. Ông đã thực hiện sứ mệnh của mình là tìm cách gắn kết các thành viên Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa để tìm ra phương pháp chữa trị chứng nghiện tiêu tiền thuế liên bang và khiến quốc gia lún sâu hơn vào nợ nần của Hoa Thịnh Đốn.

Người đàn ông Texas 51 tuổi này quyết tâm là người dẫn đường cho Quốc hội đưa nền tài khóa của quốc gia vào trật tự vì các thế hệ tương lai.

Người đàn ông với sứ mệnh chấm dứt chứng nghiện chi tiêu của Hoa Thịnh Đốn

Ông Arrington nói tại một phiên điều trần gần đây của ủy ban: “Đây không phải là vấn đề của Đảng Cộng Hòa hay Đảng Dân Chủ, đây là vấn đề của nước Mỹ, là vấn đề của chúng ta, và chúng ta phải tìm ra cách giải quyết nó.”

“Tôi luôn khắc sâu vấn đề này trong tâm khảm. Tôi vô cùng lo ngại về tình hình tài khóa ảm đạm, mong manh, và đang xấu đi nhanh chóng ở quốc gia vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại này.”

Mặc dù chỉ mới tham gia Quốc hội được ba nhiệm kỳ nhưng ông Arrington có vị thế đặc biệt trong các vấn đề về ngân sách. Bên cạnh việc chủ trì ủy ban ngân sách, ông còn là thành viên có ảnh hưởng của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện, nơi giải quyết các vấn đề về thuế, và Ủy ban Kinh tế Liên hợp của Quốc hội, nơi đề nghị các chính sách cũng như cải tổ tài khóa.

Ông đang cố gắng leo lên một trong những ngọn núi dốc nhất ở Hoa Thịnh Đốn. Chưa có quốc gia nào trong lịch sử từng gánh khoản nợ quốc gia lên tới 33.77 ngàn tỷ USD, vì vậy chưa có tiền lệ nào hướng dẫn các nhà hoạch định chính sách ở Hoa Kỳ tìm ra một giải pháp cho điều mà một số người cho là thảm họa tài khóa đối với quốc gia này.

Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Jodey Arrington (Cộng Hòa-Texas) (trái) đến dự cuộc họp hội nghị hàng tuần của Đảng Cộng Hòa Hạ viện tại tầng hầm của Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn hôm 07/11/2023. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Jodey Arrington (Cộng Hòa-Texas) (trái) đến dự cuộc họp hội nghị hàng tuần của Đảng Cộng Hòa Hạ viện tại tầng hầm của Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn hôm 07/11/2023. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Sự bùng nổ chi tiêu thâm hụt trong những năm COVID từ 2020 đến 2022 đã làm tăng thêm 7.28 ngàn tỷ USD tiền nợ mới, chiếm hơn ⅕ trong tổng số 33.78 ngàn tỷ USD nợ quốc gia hiện tại của Hoa Kỳ. Nhìn chung, chi tiêu liên bang ở mức hiện tại tương đương với 53,000 USD mỗi giây, theo Dân biểu Ralph Norman (Cộng Hòa-South Carolina), thành viên Đảng Cộng Hòa đứng thứ hai trong ủy ban của ông Arrington.

Trọng tâm của vấn đề là khoản chi tiêu bắt buộc hiện đang tiêu tốn ⅔ ngân sách liên bang mỗi năm.

Theo những bên nhận ủy thác của các chương trình An sinh Xã hội và Medicare, nếu không có những cải tổ lớn, thì quỹ An sinh Xã hội sẽ mất khả năng thanh toán vào năm 2034 và chương trình Medicare sẽ mất khả năng thanh toán vào năm 2031. Trong trường hợp mất khả năng thanh toán, các phúc lợi của An sinh Xã hội sẽ phải giảm 20% và các phúc lợi Medicare sẽ phải giảm 11% trên toàn diện.

Người đàn ông với sứ mệnh chấm dứt chứng nghiện chi tiêu của Hoa Thịnh Đốn

Nhưng ngay cả trước khi tập trung vào việc leo lên ngọn núi đó, các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện trước tiên phải chứng minh được rằng họ có khả năng khôi phục “trật tự bình thường” bằng cách hoàn tất hành động về bốn dự luật phân bổ ngân sách lớn còn tồn đọng và gửi các dự luật này đến Thượng viện trước hai thời hạn ngày 19/01 và ngày 02/02/2024. Hôm 14/12, các dân biểu Hạ viện, trong đó có ông Arrington, đã bỏ phiếu ủng hộ Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng trị giá 886.3 tỷ USD và gửi đến bàn làm việc của Tổng thống Joe Biden.

Ông Arrington cho biết nợ quốc gia vẫn là trở ngại lớn cho sự thịnh vượng trong tương lai và thậm chí là sự tồn vong của quốc gia này. Trọng tâm của vấn đề là văn hóa Quốc hội được thể hiện trong câu châm ngôn quen thuộc rằng “khi tất cả mọi thứ đã được nói và làm ở Hoa Thịnh Đốn, thì sẽ có nhiều thứ được nói hơn là được làm.”

Câu châm ngôn đó là đúng bất kể là vào thời kỳ Đảng Dân Chủ hay Đảng Cộng Hòa chiếm đa số, và theo vị dân biểu Texas này thì sớm muộn gì các thành viên của cả hai đảng cũng phải gạt bỏ những khác biệt sang một bên vì lợi ích quốc gia, hoặc ít nhất là đồng ý chia nhỏ những khác biệt để đạt được tiến bộ.

Dân biểu Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky) đeo một chiếc ghim theo dõi Nợ Quốc gia của Hoa Kỳ tại Hoa Thịnh Đốn hôm 14/11/2023. (Ảnh: Anna Rose Layden/Getty Images)
Dân biểu Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky) đeo một chiếc ghim theo dõi Nợ Quốc gia của Hoa Kỳ tại Hoa Thịnh Đốn hôm 14/11/2023. (Ảnh: Anna Rose Layden/Getty Images)

“Tôi tin rằng đây là thử thách quan trọng nhất mà đất nước chúng ta phải đối diện trong thế kỷ 21, chi tiêu liên bang vượt mức và nợ quốc gia không bền vững đang đe dọa không chỉ nền kinh tế mà còn cả an ninh quốc gia, đe dọa đến lối sống, vai trò lãnh đạo của chúng ta trên thế giới, mọi điều tốt đẹp về sự ảnh hưởng của nước Mỹ, và tương lai của con em chúng ta,” ông Arrington nói tại phiên điều trần.

“Tôi nghĩ cần phải nhắc lại một vài số liệu thống kê đáng kinh ngạc để cho thấy tình hình đang mong manh đến mức nào và chúng ta đang gặp khó khăn như thế nào nhìn từ góc độ tài khóa. Tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 120% của chúng ta là mức nợ cao nhất trong lịch sử của đất nước chúng ta, vượt qua thời Đệ nhị Thế chiến — mà đó là chúng ta còn đang không có chiến tranh. Chúng ta đang trong thời kỳ tương đối hòa bình và thịnh vượng nhưng mọi chuyện sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn,” ông nói.

“Dự báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) trong 30 năm tới cho thấy số nợ của chúng ta cao gấp đôi quy mô của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Thâm hụt hàng năm của chúng ta đã lên tới gần 2 ngàn tỷ USD trong năm qua. CBO dự đoán thâm hụt sẽ tăng gấp đôi. Chúng ta sẽ còn thâm hụt thêm 20 ngàn tỷ USD nữa nếu chúng ta cứ giữ nguyên các chính sách như hiện tại.”

Và số tiền lãi phải trả để tránh thảm họa phá sản quốc gia đang ngày càng tăng.

“Một nửa trong số 20 ngàn tỷ USD đó chỉ dành cho chi phí lãi vay. Và theo CBO, tiền lãi sẽ tăng gấp ba. Tiền lãi đã chạm mức gần ¾ ngàn tỷ USD trong năm nay và dự kiến sẽ lên tới 1 ngàn tỷ USD,” ông Arrington nói. “Chỉ riêng lãi nợ của chúng ta cũng sẽ vượt quá số tiền chúng ta chi cho quốc phòng.”

“Nếu dự báo đó vẫn là chưa đủ để đánh thức tất cả chúng ta và mang lại cho chúng ta cảm giác cấp bách, thì tôi không biết còn điều gì sẽ có hiệu quả như vậy nữa. Không một nhà lãnh đạo có trách nhiệm nào có thể nhìn vào tình hình xấu đi nhanh chóng của bảng cân đối kế toán của chúng ta, những dự đoán của CBO về những khoản thâm hụt không bền vững này, và những khoản nợ dài hạn không được tài trợ của đất nước chúng ta, mà không cảm thấy cần phải can thiệp và thay đổi hướng đi. Không một nhà lãnh đạo có trách nhiệm nào có thể làm ngơ như thế.”

Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ nhìn từ chân Đài tưởng niệm Washington ở Hoa Thịnh Đốn hôm 25/06/2023. (Ảnh: Samuel Corum/Getty Images)
Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ nhìn từ chân Đài tưởng niệm Washington ở Hoa Thịnh Đốn hôm 25/06/2023. (Ảnh: Samuel Corum/Getty Images)

Hai phiên điều trần gần đây của ủy ban ngân sách — diễn ra vào hôm 15/10 và hôm 29/11 — tập trung vào cách tiếp cận ưa thích của ông Arrington, bổ nhiệm một hoặc có thể là hai ủy ban tài khóa có lệnh của Quốc hội để đề ra bất cứ chủ ý nào cần thiết nhằm giải quyết vấn đề nợ.

Nhiều cách tiếp cận cho một ủy ban như vậy đã được đề ra tại Quốc hội năm 2023 với sự ủng hộ của lưỡng đảng.

Phiên điều trần hôm 29/11 của ủy ban ngân sách tập trung vào ba điểm chính, Nghị quyết Hạ viện 5779 (H.R. 5779) do Dân biểu William Huizenga (Cộng Hòa-Michigan) và Dân biểu Scott Peters (Dân Chủ-California) giới thiệu; Nghị quyết Hạ viện 710 (H.R. 710) do Dân biểu Ed Case (Dân Chủ-Hawaii) giới thiệu; và Dự luật Thượng viện 3262 (S. 3262), do Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) và Thượng nghị sĩ Mitt Romney (Cộng Hòa-Utah) giới thiệu. Các thành viên Đảng Cộng Hòa Zachary Nunn đến từ Iowa và Steve Womack đến từ Arkansas là những nhà lập pháp đồng bảo trợ cho biện pháp của ông Case, và ông Case cũng là người đồng bảo trợ cho dự luật của hai ông Huizenga và Peters.

Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Nội quy Hạ viện Tom Cole (Cộng Hòa-Oklahoma) đã giới thiệu Nghị quyết Hạ viện 281 (H.R. 281), Đạo luật Ủy ban An sinh Xã hội Lưỡng đảng, tập trung chủ yếu vào việc tiết kiệm phần lớn nhất trong số các chương trình phúc lợi lớn của liên bang. Ông Cole cũng đồng bảo trợ cho dự luật của hai ông Huizenga và Peters.

Có sự khác biệt giữa bốn dự luật này, nhưng cả bốn đều lập ra các ủy ban có các thành viên Quốc hội và các chuyên gia bên ngoài, với mỗi ủy ban có điều lệ thành lập được xây dựng xoay quanh việc đề xướng các biện pháp được thiết kế để hạn chế chi tiêu liên bang dưới một hình thức nào đó, cùng với các cải tổ khác nhau trong các chương trình phúc lợi như tăng số tiền thu nhập chịu thuế phải đóng đối với các khoản An sinh Xã hội.

Thành viên cao cấp của Ủy ban Nội quy Hạ viện, Dân biểu Jim McGovern (Dân Chủ-Massachuset) (trái) xem qua các ghi chú với nhân viên khi chủ tịch ủy ban, Dân biểu Tom Cole (Cộng Hòa-Oklahoma) (Cộng Hòa) lắng nghe trong cuộc họp của ủy ban tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn hôm 30/05/2023. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)
Thành viên cao cấp của Ủy ban Nội quy Hạ viện, Dân biểu Jim McGovern (Dân Chủ-Massachuset) (trái) xem qua các ghi chú với nhân viên khi chủ tịch ủy ban, Dân biểu Tom Cole (Cộng Hòa-Oklahoma) (Cộng Hòa) lắng nghe trong cuộc họp của ủy ban tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn hôm 30/05/2023. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Trong số các thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện, ông Peters, thành viên ủy ban ngân sách, cho biết ông lo lắng rằng “dù cho có sở hữu một nền kinh tế lành mạnh đi chăng nữa, thì thâm hụt của đất nước chúng ta vẫn ngày càng tăng.”

Ông nói tại phiên điều trần hôm 29/11, “Chúng ta đang vay gần 2 ngàn tỷ USD mỗi năm chỉ để trang trải cho các chi phí của mình, và kết quả là, năm nay chúng ta phải chi 663 tỷ USD chỉ để trả lãi — nhiều hơn số tiền chúng ta chi cho Medicaid hoặc cho con của chính mình, và sẽ sớm nhiều hơn số tiền chúng ta chi tiêu cho quốc phòng.”

“Các khoản thanh toán lãi suất này lấn át các khoản đầu tư như mở rộng tín thuế trẻ em, các khoản tạo thuận lợi cho việc học đại học với chi phí phải chăng và mở rộng việc học nghề, lấn át khả năng của chúng ta trong việc bảo đảm quá trình chuyển đổi năng lượng sạch sẽ không để ai bị bỏ lại phía sau. Các nghị sĩ Đảng Dân Chủ nên rất lo lắng về việc số nợ và lãi đang ngày càng tăng lên sẽ có ý nghĩa gì đối với các khoản đầu tư hiện tại và tương lai cho con em chúng ta.”

Ông Peters đồng tình với ông Arrington khi cho rằng “việc Quốc hội không quản lý được nợ quốc gia không phải là trách nhiệm của riêng một đảng hay một chính phủ nào.”

Người đàn ông với sứ mệnh chấm dứt chứng nghiện chi tiêu của Hoa Thịnh Đốn

Thành viên Đảng Dân Chủ hàng đầu của ủy ban, Dân biểu Brendan Boyle (Dân Chủ-Pennsylvania), cho biết trong cùng một phiên điều trần rằng thay vì dựa vào một ủy ban, ông tin là Quốc hội nên nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế để khôi phục khả năng thanh toán dài hạn của quỹ An sinh Xã hội.

“Tôi quả thực đã đề ra một kế hoạch trên giấy nhằm kéo dài thời gian hoạt động của Quỹ Tín thác An sinh Xã hội cho đến năm 2100,” ông Boyle nói. Ông cho biết ông đã soạn thảo một dự luật cùng với Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse (Dân Chủ-Rhode Island), chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện, mà sẽ giải quyết vấn đề này “đơn giản bằng cách mang lại nhiều doanh thu hơn từ những người kiếm được hơn 400,000 USD một năm.”

Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm (CFRB) nằm trong số những bên ủng hộ mạnh mẽ nhất cho cách tiếp cận thành lập một ủy ban. Bà Maya MacGuineas, chủ tịch CFRB, cho biết: “Đất nước chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức tài khóa vô cùng nghiêm trọng trong những năm tới và điều chúng ta cần bây giờ là kiểu lãnh đạo chu đáo và nghiêm túc vẫn thường thiếu ở Hoa Thịnh Đốn.”

Một người đàn ông mặc chiếc áo có dòng chữ “Save Social Security” (Cứu Quỹ An sinh Xã hội) đi dọc theo một con phố ở thành phố New York hôm 02/11/2020. (Ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times)
Một người đàn ông mặc chiếc áo có dòng chữ “Save Social Security” (Cứu Quỹ An sinh Xã hội) đi dọc theo một con phố ở thành phố New York hôm 02/11/2020. (Ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times)

Bà MacGuineas nói với The Epoch Times: “Một ủy ban tài khóa lưỡng đảng sẽ cho phép các nhà lãnh đạo nghiêm túc đặt mọi thứ lên bàn đàm phán — các khoản thuế, chi tiêu, và các quỹ tín thác vô cùng quan trọng của chúng ta — và làm những gì phù hợp với sức khỏe lâu dài của chúng ta.”

“Các ủy ban không làm cho tất cả mọi người hài lòng, nhưng có thể giúp chúng ta hướng tới một lộ trình tài khóa tốt hơn. Chúng tôi khen ngợi các nhà lập pháp đã nhân danh lưỡng đảng đứng lên để thành lập một ủy ban tài khóa.”

Nhưng các ủy ban của Quốc hội có một lịch sử đầy sóng gió, và ông Arrington đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng “các ủy ban không phải là điều gì mới, nhưng thời điểm trong chính trị là vô cùng quan trọng.”

“Việc quan trọng là xác định được điều gì trong các ủy ban trước đây đã khởi tác dụng tốt và điều gì là sự cản trở đối với việc chuyển những lời thảo luận suông sang những kết quả thực tế có thể tiến hành được.”

Ông Arrington nói, một việc trọng yếu là yêu cầu toàn Quốc hội xem xét các khuyến nghị của ủy ban trong một cuộc bỏ phiếu thuận hoặc chống mà các lãnh đạo Quốc hội không thể ngăn cản hoặc trì hoãn, hoặc tổng thống không thể phớt lờ.

Bà Romina Boccia, giám đốc ngân sách và chính sách quyền lợi tại Viện Cato, đề nghị lập ra hai ủy ban, cộng với một phương thức hoạt động “dự phòng.”

Bà đã viết trên trang web của tổ chức nghiên cứu này: “Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào một ủy ban để gây dựng một kế hoạch nhằm ổn định nợ, Quốc hội có thể lập ra hai ủy ban tài khóa làm việc theo các lộ trình song song, để tăng khả năng có được một kiến nghị hiệu quả từ bất kỳ ủy ban nào.”

“Một trong các ủy ban sẽ là ủy ban của Quốc hội, do các thành viên Quốc hội đứng đầu, được một nhân viên có năng lực và có lẽ là một số chuyên gia bên ngoài hướng dẫn. Ủy ban còn lại sẽ là một ủy ban độc lập, toàn bộ đều là các chuyên gia bên ngoài, được các nhân viên có năng lực hướng dẫn, và có lẽ còn có cả một số cựu thành viên Quốc hội (những người không có ý định tái tranh cử lần nữa, không bao giờ).”

Điều khoản về phương thức hoạt động dự phòng của bà Romina là mượn từ ý tưởng được đón nhận rộng rãi vào năm 1988 về Ủy ban Sắp xếp và Đóng cửa Căn cứ (BRAC) của Bộ Quốc phòng.

Nếu ủy ban tại Quốc hội không đề ra được giải pháp giành được thế đa số lưỡng đảng trong Quốc hội, thì các khuyến nghị của ủy ban độc lập thứ hai sẽ trở thành luật nếu tổng thống phê chuẩn và Quốc hội không thông qua nghị quyết phản đối trong vòng 45 ngày.

Khi được hỏi về đề xướng của Viện Cato, ông Arrington cho biết vấn đề với Quốc hội “không phải là danh sách các ý tưởng về cách khắc phục vấn đề, mà là sự can đảm chính trị để thực hiện những ý tưởng đó.”

Một nhóm nhỏ các nhà hoạt động phản đối kế hoạch chăm sóc sức khỏe của Đảng Cộng Hòa bên ngoài Câu lạc bộ Đảng Cộng Hòa Đô thị ở thành phố New York hôm 05/07/2017. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)
Một nhóm nhỏ các nhà hoạt động phản đối kế hoạch chăm sóc sức khỏe của Đảng Cộng Hòa bên ngoài Câu lạc bộ Đảng Cộng Hòa Đô thị ở thành phố New York hôm 05/07/2017. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Ông nói với The Epoch Times: “Tôi nghĩ rằng có một bài kiểm tra thực tiễn để bảo đảm rằng tất cả chúng ta đều đồng thuận với nhau về các kết quả toán học, về các con số, tỷ lệ nợ trên GDP, lãi suất trên GDP, về tất cả các cách chúng ta đo lường mức nợ của Mỹ và các dự báo về khoản nợ không bền vững — chúng ta phải đồng thuận ngay từ đầu. Đó là điều đầu tiên phải xảy ra.”

Dân biểu Đảng Cộng Hòa đến từ Texas này cho biết: “Việc có những người từ khu vực tư nhân của cả hai đảng tham gia sẽ giúp giữ cho chúng tôi, với tư cách là các thành viên của Hạ viện và Thượng viện, luôn trung thực. Rốt cuộc, Quốc hội vẫn sẽ phải ra quyết định và không có phương thuốc thần kỳ nào đem lại nhiều ý chí chính trị hơn cho chúng ta vào hôm nay so với ngày hôm qua.”

Ông Cole đến từ Oklahoma đồng ý và nói với The Epoch Times rằng: “Ở đây quý vị phải có những người sẵn sàng bỏ phiếu cho những thứ chưa hoàn hảo, như cách họ đã làm vào năm 1983.”

Ông đang đề cập đến Ủy ban Quốc gia về Cải tổ An sinh Xã hội do cựu Tổng thống Ronald Reagan thành lập và do cựu Chủ tịch Ủy ban Dự trữ Liên bang Alan Greenspan làm chủ tịch. Ủy ban của ông Greenspan đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong việc thực hiện các cải tổ An sinh Xã hội rất cần thiết và cùng với BRAC, ủy ban này được xem là một trong hai ủy ban thành công nhất trong thời gian gần đây.

Dân biểu Josh Brecheen (Cộng Hòa-Oklahoma) cho biết cách tiếp cận thành lập ủy ban có thể có hiệu quả, nhưng trước khi bất cứ vấn đề nào trong ngân sách liên bang thường niên có thể được “giải quyết một cách hiệu quả, trước tiên Quốc hội phải thể hiện được sự can đảm chính trị để cắt giảm ⅓ quỹ thuộc về ngân sách tùy nghi.”

Người đàn ông với sứ mệnh chấm dứt chứng nghiện chi tiêu của Hoa Thịnh Đốn

Ông Brecheen nói với The Epoch Times: “Chà, tôi nghĩ đó có thể là một yếu tố có khả năng kích hoạt suy nghĩ lý trí về phương diện ngân sách bắt buộc, nhưng hãy nhớ rằng quý vị vẫn phải nói về khía cạnh ngân sách tùy nghi.”

“Điều mà nhiều người trong chúng tôi đồng ý là chúng tôi phải giải quyết mặt ngân sách bắt buộc, nhưng vấn đề là nếu chúng tôi không thể thuyết phục được ai đó bắt đầu trở thành người lớn trong phòng trong vấn đề về ngân sách tùy nghi, thì nhiều người trong chúng tôi sẽ nói rằng chúng tôi sẽ không bao giờ có đủ can đảm để cắt giảm phần ngân sách bắt buộc này.”

Có một người hoài nghi sâu sắc về các ủy ban. Cựu Chuyên gia kinh tế trưởng của Ủy ban Ngân sách Thượng viện, ông Bill Beach, đã nói với The Epoch Times rằng, “Các ủy ban của Quốc hội thường là một chiến lược ‘câu giờ’ của các nhà hoạch định chính sách: Để có vẻ như có hoạt động mang tính xây dựng đang diễn ra, nhưng mục tiêu thực sự là là rời khỏi sàn diễn với ít thiệt hại nhất có thể.”

“Điều mà chúng ta cần là những cải tổ đáng kể đối với các nguyên nhân chính gây ra nợ hoặc đối với chi tiêu bắt buộc, đặc biệt là chi tiêu cho An sinh Xã hội và Medicare/Medicaid.”

Ông Beach, người từng là ủy viên Cục Thống kê Lao động dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nói thêm: “Quốc hội dành phần lớn thời gian cho chỉ ⅓ ngân sách. Phần còn lại là được tự động gia hạn, và đó là phần làm tăng thâm hụt và nợ trong ngân sách của chúng ta.”

“Hãy đảo ngược điều đó. Hãy dành phần lớn thời gian của quý vị để sửa chữa những chương trình đã hỏng đang cướp đi tương lai kinh tế và xã hội của giới trẻ Mỹ.”

Vân Du biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times