Bản tin đặc biệt

Hoa Kỳ: 4 vụ án có thể kiềm chế nhà nước hành chính đang chờ Tối cao Pháp viện thụ lý

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã chấp thuận thụ lý một vài vụ án đặt ra những thách thức đối với nhà nước hành chính trong nhiệm kỳ này, sau nhiều năm có sự phản đối hiệp lực về mặt pháp lý và chính trị đối với tính hợp pháp của nó.

Cụ thể, các thẩm phán sẽ đánh giá lại học thuyết hàng chục năm tuổi gọi là sự tuân thủ của Chevron. Học thuyết này liên quan đến vụ Chevron kiện NRDC (Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên), vốn đã được các tòa án liên bang trích dẫn hơn 18,000 lần và “chắc chắn là một trong những phán quyết mang tính nền tảng trong luật hành chính,” theo Vụ Khảo cứu Quốc hội.

Án lệ năm 1984 này cho rằng các tòa án nhìn chung nên tuân theo cách giải thích của các cơ quan về ngôn ngữ mơ hồ của các đạo luật từ Quốc hội.

Trong nhiệm kỳ này, ở hai vụ án có liên quan, Pháp viện đang xem xét liệu Bộ Thương mại có tuân thủ các hướng dẫn của Quốc hội hay không khi yêu cầu các công ty đánh bắt thương mại trả tiền cho các quan sát viên liên bang theo dõi hoạt động của họ trên tàu. Một vài doanh nghiệp trong ngành đã khởi kiện, cho rằng Quốc hội đã không cho phép yêu cầu đó trong Đạo luật Quản lý và Bảo tồn Ngư nghiệp Magnuson Stevens.

Chính phủ phản đối rằng yêu cầu này là một cách làm hợp lý để áp dụng đạo luật. Các vụ án được thụ lý là Loper Bright Enterprises kiện bà Raimondo và Relentless Inc. kiện Bộ Thương mại. Tranh luận bằng miệng dự kiến diễn ra vào ngày 17/01.

Hai vụ kiện khác — Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) kiện Hiệp hội Dịch vụ Tài chính Cộng đồng Hoa Kỳ (CFSA) và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) kiện ông Jarkesy — đánh giá cách các cơ quan có thể phân xử các tranh chấp tại tòa án hành chính như thế nào, cũng như việc phân bổ hoặc phân phát vốn theo cách mà nhiều người cho rằng nên để Quốc hội quyết định ra sao. Thay vì đánh giá lại học thuyết tư pháp lâu đời, thì các vụ việc này lại xem xét những hành động cụ thể của Quốc hội và cơ quan hành pháp dựa trên những hạn chế theo Hiến Pháp.

Chẳng hạn, vụ kiện của CFPB nghi ngờ liệu Quốc hội có vi phạm điều khoản phân bổ ngân sách của Hiến Pháp Hoa Kỳ hay không khi cho phép cơ quan này xác định các mức tài trợ của chính mình trong khi rút tiền từ Hệ thống Dự trữ Liên bang bán độc lập. Trong khi đó, vụ Jarkesy xem xét liệu các tòa án hành chính của SEC có vi phạm Tu chính án thứ Bảy hay không khi không triệu tập bồi thẩm đoàn.

Giám đốc Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Richard Cordray điều trần trước Ủy ban các Vấn đề Đô thị, Nhà ở, và Ngân hàng Thượng viện tại Điện Capitol ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 07/04/2016. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)
Giám đốc Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Richard Cordray điều trần trước Ủy ban các Vấn đề Đô thị, Nhà ở, và Ngân hàng Thượng viện tại Điện Capitol ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 07/04/2016. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Sự phản đối mới đối với quyền hành pháp

Giáo sư luật Richard Pierce của Đại học George Washington, tác giả của hơn 20 cuốn sách về luật hành chính, nói với The Epoch Times rằng danh sách các vụ án trong nhiệm kỳ này có ý nghĩa lịch sử “quan trọng.”

Những người ủng hộ như ông Pierce đứng về phía cơ quan hành chính và cho rằng án lệ Chevron đã có đầy đủ cơ sở trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông nói rằng chỉ gần đây mới có một nỗ lực phối hợp như vậy nhằm phá hoại các nền tảng của án lệ này.

Ông Pierce nói: “Có một cuộc tấn công tổng lực vào nhà nước hành chính từ một nhóm những luật sư cánh hữu, và tòa án đã đưa ra một số tín hiệu khuyến khích một cuộc tấn công như vậy.”

Khó có thể tìm ra chính xác sự phản đối đối với nhà nước hành chính đã tăng cao như thế nào trong thập niên qua nhưng ông Pierce và những người khác cho rằng sự phản đối lần này có thể một phần trong phản ứng đối với các chính sách của cựu Tổng thống Barack Obama.

Nhậm chức trong bối cảnh Đại Suy Thoái, Tổng thống đương thời Obama đã ủng hộ các biện pháp can thiệp trên quy mô lớn khiến ông được Time Magazine so sánh với cựu Tổng thống Franklin Delano Roosevelt. Sau chiến thắng của Tổng thống đắc cử Obama vào tháng 11/2008, trang bìa của tạp chí này đã để hình ông cùng với dòng chữ “Thỏa thuận mới Mới” (The New New Deal).

Một chiếc máy xúc làm chậm lại giao thông trên Đại lộ Sunset, nơi tiến hành công trình nâng cấp trị giá 7 triệu USD ở West Hollywood, California, được khởi công vào ngày 28/01/2010. Thành phố West Hollywood đã nhận được 1 triệu USD từ các quỹ liên bang cho dự án này. (Ảnh: Kevork Djansezian/Getty Images)
Một chiếc máy xúc làm chậm lại giao thông trên Đại lộ Sunset, nơi tiến hành công trình nâng cấp trị giá 7 triệu USD ở West Hollywood, California, được khởi công vào ngày 28/01/2010. Thành phố West Hollywood đã nhận được 1 triệu USD từ các quỹ liên bang cho dự án này. (Ảnh: Kevork Djansezian/Getty Images)

Dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Quy định của Đại học George Washington chỉ ra rằng trong khi các chính phủ gần đây nhìn chung đã tăng số lượng các quy định hành chính, thì tính theo tổng số, chính phủ cựu Tổng thống Obama lại có các quy định có ý nghĩa kinh tế lớn nhất so với các chính phủ từ thời cựu Tổng thống Ronald Reagan trở đi.

Trích dẫn một sắc lệnh năm 1993, Trung tâm này định nghĩa các quy định có ý nghĩa kinh tế là những quy định có khả năng “có tác động hàng năm trị giá 100 triệu USD trở lên đến nền kinh tế hoặc ảnh hưởng bất lợi đáng kể đến nền kinh tế, một lĩnh vực của nền kinh tế, năng suất, cạnh tranh, việc làm, môi trường, sức khỏe hoặc an toàn công cộng, hoặc đến các chính phủ hoặc cộng đồng của tiểu bang, địa phương, hoặc bộ lạc.”

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump giám sát số lượng lớn nhất các quy định quan trọng cuối cùng — trong đó bao gồm cả các nỗ lực bãi bỏ quy định — được công bố trong vòng một năm (2020).

Số các quy định cuối cùng có ý nghĩa kinh tế đáng kể theo thời chính phủ

Một biểu đồ mô tả tổng số các quy định cuối cùng có ý nghĩa kinh tế đáng kể trong các chính phủ gần đây. Chú thích: Trục hoành: Số tháng tại vị, Trục tung: Số các quy định cuối cùng có ý nghĩa kinh tế đáng kể đã công bố, Nguồn: Văn phòng Công báo Liên bang (federalregister.gov) của chính phủ Tổng thống Biden; Văn phòng Thông tin và các Vấn đề về Quy định (OIRA) (reginfo.gov) của tất cả các chính phủ tiền nhiệm. (Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu Quy định của Đại học George Washington)
Một biểu đồ mô tả tổng số các quy định cuối cùng có ý nghĩa kinh tế đáng kể trong các chính phủ gần đây. Chú thích: Trục hoành: Số tháng tại vị, Trục tung: Số các quy định cuối cùng có ý nghĩa kinh tế đáng kể đã công bố, Nguồn: Văn phòng Công báo Liên bang (federalregister.gov) của chính phủ Tổng thống Biden; Văn phòng Thông tin và các Vấn đề về Quy định (OIRA) (reginfo.gov) của tất cả các chính phủ tiền nhiệm. (Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu Quy định của Đại học George Washington)

Bà Susan Dudley, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quy định của Đại học George Washington và là cựu quản trị viên Văn phòng Thông tin và các Vấn đề về Quy định dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, nói với The Epoch Times: “Không phải là chúng tôi tô vẽ ra đâu … số lượng quy định đang ngày càng tăng lên.”

“Quy mô và phạm vi của quy định đang ngày càng tăng lên khi mà khả năng tìm thấy những đoạn quy chế nhỏ được viết từ lâu để tạo ra các chương trình mới có quy mô lớn tăng cao.”

Ông Pierce nói rằng giáo sư Luật Columbia Philip Hamburger là một người có ảnh hưởng quan trọng đến việc phản đối quyền lực cơ quan. “Tôi phải thừa nhận rằng ông Phil Hamburger đã tạo ra một phong trào,” ông Pierce nói với The Epoch Times. “Ông ấy đã khiến rất nhiều người khó chịu về điều này.”

Ông Hamburger chỉ trích luật hành chính là vi hiến trong cuốn sách “Luật Hành Chính Có Vi Phạm Pháp Luật Không?” (Is Administrative Law Unlawful?) xuất bản năm 2014 của ông, sau nhiều năm Tổng thống Obama thúc đẩy việc mở rộng cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, ông Hamburger nói rằng cuốn sách không phải là phản ứng đối với vị tổng thống thứ 44 này.

Liên minh Tự do Dân sự Mới của ông đang đại diện cho các nguyên đơn trong một trong những vụ kiện có thể lật đổ phán quyết vụ Chevron.

Các giao dịch viên làm việc trên sàn của Sở Giao dịch Chứng khoán New York khi cựu Tổng thống Barack Obama được chiếu trên màn hình tivi tại lễ ký dự luật kích thích kinh tế, ở thành phố New York vào ngày 17/02/2009. Cổ phiếu đã giảm sau khi Tổng thống Obama ký dự luật này. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)
Các giao dịch viên làm việc trên sàn của Sở Giao dịch Chứng khoán New York khi cựu Tổng thống Barack Obama được chiếu trên màn hình tivi tại lễ ký dự luật kích thích kinh tế, ở thành phố New York vào ngày 17/02/2009. Cổ phiếu đã giảm sau khi Tổng thống Obama ký dự luật này. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Ông nói với The Epoch Times rằng nhà nước hành chính “đã hủy hoại tính hợp pháp của chính mình.”

“Trong một thời gian dài, nhà nước hành chính được xem là một trợ thủ đắc lực cho quyền lực của Quốc hội,” ông nói. “Nhưng giờ đây nhà nước này đã trở nên mất kiểm soát, vượt quá giới hạn Hiến Pháp một cách trắng trợn và đe dọa đến quyền tự do dân sự của chúng ta.”

Trong những năm gần đây, Tối cao Pháp viện đã sử dụng các chính sách của cựu Tổng thống Obama để kiềm chế quyền lực hành chính. Một phần trong phản ứng của cựu Tổng thống Obama đối với cuộc khủng hoảng tài chính 2008–2009 gồm việc ký thành luật CFPB, cơ chế tài trợ hiện đang được tòa án xem xét và đã vấp phải sự khiển trách của các thẩm phán trong vụ tranh chấp về việc tổng thống không thể sa thải giám đốc cơ quan.

Trong vụ Seila Law LLC kiện CFPB, các thẩm phán đã ra phán quyết rằng thỏa thuận này là vi hiến và cơ quan này có thể tiếp tục hoạt động miễn là nó khiến giám đốc phải chịu trách nhiệm chính trị nhiều hơn. Không rõ tòa án sẽ ra phán quyết như thế nào trong vụ CFPB kiện CFSA, nhưng rủi ro dường như có thể cao hơn vì chính sách được đề cập đang cung cấp nguồn tài trợ cho cơ quan này. Giả sử các thẩm phán không duy trì cơ chế tài trợ, thì liệu họ có cho phép sửa chữa nhanh chóng cơ quan này hay tước bỏ nguồn tài trợ của CFPB cho đến khi Quốc hội thay đổi quy chế?

Một loạt các lựa chọn có sẵn cho các thẩm phán có nghĩa là phán quyết của họ có thể có ý nghĩa sâu sắc đối với các cơ quan cũng như doanh nghiệp.

Ghế và chỗ ngồi của Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg được phủ vải đen sau khi bà qua đời, tại Hoa Thịnh Đốn hôm 19/09/2020. (Ảnh: Fred Schilling/Bộ sưu tập của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ /Getty Images).
Ghế và chỗ ngồi của Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg được phủ vải đen sau khi bà qua đời, tại Hoa Thịnh Đốn hôm 19/09/2020. (Ảnh: Fred Schilling/Bộ sưu tập của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ /Getty Images).

Việc lật ngược vụ Chevron sẽ hơi giống với việc lật ngược vụ Roe kiện Wade ở chỗ án lệ này đã định hình cả luật học và chính sách trong nhiều thập niên. Mặc dù các chuyên gia cho rằng Tối cao Pháp viện đã sử dụng học thuyết này ít hơn nhiều trong những năm gần đây, nhưng đây vẫn là điều mà các tòa án có thể hướng tới và các cơ quan như Bộ Thương mại có thể viện dẫn học thuyết này để điều chỉnh ngành công nghiệp Mỹ.

Các thẩm phán hiện tại đã chỉ trích việc trao quá nhiều quyền lực cho các quan chức không được bầu chọn định hình môi trường pháp lý. Ông Paul Ray, người từng giữ chức quản trị viên Văn phòng Thông tin và các Vấn đề Quy định dưới thời cựu Tổng thống Trump, cho biết: “Trong thập niên qua, tòa án đã thể hiện sự hoài nghi ngày càng tăng đối với các trụ cột của nhà nước hành chính.”

Ông nói thêm: “Việc chấp thuận kiến nghị certiorari cho những vụ án này phù hợp với xu hướng gần đây,” đề cập đến việc chấp thuận kiến nghị certiorari, hoặc việc Pháp viện đồng ý xem xét các vụ việc từ các tòa án cấp dưới.

“Không khó để hiểu tại sao một số thẩm phán lại lo ngại về quyền lực ngày càng tăng của nhánh hành pháp, vốn hiện đang giải quyết những vấn đề quan trọng nhất về chính sách đối nội mà không có sự tham gia của các đại diện của người dân trong cơ quan lập pháp.”

Quyền hành chính bị ảnh hưởng vào năm 2022 khi Tối cao Pháp viện chính thức công nhận “học thuyết các vấn đề trọng yếu” (major questions doctrine) mà Tạp chí Luật Yale cho biết “chỉ thị cho các tòa án giả định rằng Quốc hội không giao các quyết định chính sách có tầm quan trọng lớn về kinh tế và chính trị cho các cơ quan.”

Học thuyết này xuất phát từ một thách thức khác đối với một trong những chính sách của cựu Tổng thống Obama — lần này là quản lý các nhà máy điện thông qua Cục Bảo vệ Môi trường. Bản thân vụ Chevron bắt nguồn từ một thách thức khác đối với cơ quan này, dưới thời cựu Tổng thống Reagan — khi quản trị viên là bà Anne Gorsuch (mẹ của Thẩm phán Neil Gorsuch) — trong khi vụ việc được tiến hành thông qua các tòa án cấp dưới.

Một luồng khí thải kéo dài từ Nhà máy điện Mitchell, một nhà máy điện đốt than được xây dựng dọc theo sông Monongahela ở New Eagle, Pennsylvania, hôm 24/09/2013. Cục Bảo vệ Môi trường và chính phủ cựu Tổng thống Obama đã thực hiện các bước quan trọng để khiến các nhà máy điện đốt than tuân thủ các quy định về không khí sạch. (Ảnh: Jeff Swensen/Getty Images)
Một luồng khí thải kéo dài từ Nhà máy điện Mitchell, một nhà máy điện đốt than được xây dựng dọc theo sông Monongahela ở New Eagle, Pennsylvania, hôm 24/09/2013. Cục Bảo vệ Môi trường và chính phủ cựu Tổng thống Obama đã thực hiện các bước quan trọng để khiến các nhà máy điện đốt than tuân thủ các quy định về không khí sạch. (Ảnh: Jeff Swensen/Getty Images)

Thẩm phán Gorsuch, người đã ký phán quyết năm 2022, có thể viết ý kiến lật ngược học thuyết mà mẹ ông đã giúp thiết lập.

Ông và Thẩm phán Clarence Thomas, cả hai đều do các tổng thống Đảng Cộng Hòa bổ nhiệm, đã chỉ trích vai trò của nhà nước hành chính trong khi những người khác cũng tỏ ra hoài nghi, theo ông Pierce.

“Mỗi người trong số sáu thẩm phán phe bảo tồn truyền thống đôi khi đã nói những điều cho thấy họ rất hoài nghi về nhà nước hành chính… nên không có gì ngẫu nhiên [rằng Pháp viện thụ lý những vụ việc này], và tôi mong đợi [việc xem xét lại quyền lực của cơ quan hành chính] sẽ tiếp tục trong nhiệm kỳ tiếp theo,” ông nói.

Cựu Tổng thống Donald Trump chào đón Thẩm phán Neil Gorsuch của Tối cao Pháp viện trước khi có bài diễn văn Thông điệp Liên bang tại Hoa Thịnh Đốn hôm 04/02/2020. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)
Cựu Tổng thống Donald Trump chào đón Thẩm phán Neil Gorsuch của Tối cao Pháp viện trước khi có bài diễn văn Thông điệp Liên bang tại Hoa Thịnh Đốn hôm 04/02/2020. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Tương lai không chắc chắn của nhà nước hành chính

Các quyết định của Tối cao Pháp viện nổi tiếng là khó dự đoán nhưng có thể tuân theo các xu hướng được chứng kiến trong tranh luận trực tiếp bằng miệng. Nếu tranh luận trực tiếp trong vụ CFPB kiện CFSA có cho thấy bất cứ điều gì, thì đó là tòa án có thể sẽ dùng dao mổ chính xác thay vì rìu đối với vụ Chevron nói riêng và quyền hành pháp nói chung.

Các nhà quan sát đã lưu ý rằng các thẩm phán có khuynh hướng bảo tồn truyền thống dường như hoài nghi về quan điểm của CFSA trong các cuộc tranh luận trực tiếp vào ngày 03/10. “Bốn người trong số họ đã chấp nhận vấn đề này nhưng không ai trong số những thẩm phán mà tôi nghĩ sẽ cứng rắn nhất chống lại cơ quan này là cứng rắn cả,” ông Jim Burling, phó giám đốc đặc trách các vấn đề pháp lý của Tổ chức Pháp lý Thái Bình Dương cho biết. Ông Burling đang ám chỉ đến thực tế là ít nhất bốn thẩm phán cần phê chuẩn đơn yêu cầu xét xử lại trước khi Pháp viện xem xét.

Pháp viện đã để lại cho một số người ấn tượng rằng họ thích những thay đổi từng bước hơn so với thay đổi án lệ. Chẳng hạn, ngoài việc lật ngược án lệ Roe, Pháp viện đã từ chối lật ngược tiền lệ gây tranh cãi năm 1990 trong án lệ Bộ phận Việc làm kiện Smith, mặc dù những người có tư tưởng bảo tồn truyền thống đang tìm kiếm kết quả đó.

Mỗi vụ kiện luật hành chính nói trên trong nhiệm kỳ này đang giải quyết những câu hỏi lớn, chẳng hạn như ý nghĩa của điều khoản phân bổ ngân sách trong Hiến Pháp Hoa Kỳ và liệu Quốc hội có thể cho phép tiến hành các thủ tục xét xử bên ngoài tòa án quận hay không.

Hoa Kỳ: 4 vụ án có thể kiềm chế nhà nước hành chính đang chờ Tối cao Pháp viện thụ lý

Đối với các vụ Relentless và Loper Bright về án lệ Chevron, Tối cao Pháp viện đã đồng ý xem xét liệu toàn bộ học thuyết có nên bị bác bỏ hay không “hoặc ít nhất làm rõ rằng sự im lặng theo luật định liên quan đến các quyền lực gây tranh cãi được cấp một cách rõ ràng nhưng hạn hẹp ở những nơi khác trong đạo luật không cấu thành sự mơ hồ đòi hỏi sự tuân thủ của các cơ quan.”

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu tranh chấp về người giám sát việc đánh bắt có phải là phương tiện tốt nhất để đạt được sự thay đổi mạnh mẽ như vậy với các thẩm phán này hay không. Bản thân vụ kiện này dường như ít liên quan hơn đến loại kiến thức chuyên môn mà những người ủng hộ nhà nước hành chính có thể viện dẫn khi lập luận rằng các chuyên gia, chứ không phải các nhà lập pháp, nên xây dựng chính sách.

Giáo sư Christopher Walker thuộc Trường Luật Đại học Michigan là một người có khuynh hướng bảo tồn truyền thống, đã gợi ý rằng mặc dù quy định về đánh bắt cá có thể là vi hiến nhưng tòa án nên duy trì sự tuân thủ của Chevron vì những lý do mang tính quyết định. Việc lật đổ những loại học thuyết có căn cứ vững chắc và có ảnh hưởng rộng rãi đó, đôi khi được gọi là “siêu án lệ,” làm dấy lên mối lo ngại về tính ổn định của luật pháp do lịch sử lâu dài và ảnh hưởng tích lũy của các án lệ này đối với chính sách. Một lập luận tương tự đã được đề ra về việc không lật đổ án lệ Roe gần 50 năm sau khi phán quyết được thực hiện.

Ông Walker nói với The Epoch Times rằng nếu không có vụ Chevron, “sẽ có các tòa địa hạt và tòa phúc thẩm trên khắp đất nước diễn giải một đạo luật theo những cách khác nhau… sẽ khó dự đoán hơn rất nhiều liệu cách diễn giải của một cơ quan có giành chiến thắng hay không.”

Giá xăng được niêm yết tại một trạm xăng Chevron ở Los Angeles, vào ngày 13/02/2023. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)
Giá xăng được niêm yết tại một trạm xăng Chevron ở Los Angeles, vào ngày 13/02/2023. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Những người khác lập luận rằng việc lật ngược án lệ Chevron sẽ khôi phục sự ổn định vì án lệ này đã cho phép các cơ quan ban hành các quy định khó lường dựa trên ngôn ngữ luật định mơ hồ. Ông Hamburger cho biết bản thân học thuyết này cũng vi phạm quy trình tố tụng hợp pháp bằng cách tạo ra thành kiến mang tính hệ thống đối với các cá nhân và doanh nghiệp thách thức các cơ quan trước tòa.

Ông nói: “Lý lẽ về độ tin cậy hợp lý dựa trên một số giả định không rõ ràng.”

“Các doanh nghiệp lớn có xu hướng được hưởng lợi nhiều hơn từ các quy định hành chính so với các doanh nghiệp nhỏ hơn, và do đó không thể cho rằng tất cả các doanh nghiệp đều dựa vào vụ Chevron như nhau. Hơn nữa, sự phụ thuộc đó có vẻ không hợp lý cho lắm. Thế nào là hợp lý khi dựa vào một học thuyết đòi hỏi thẩm phán từ bỏ nghĩa vụ phán xét độc lập?”

“Thế nào là hợp lý khi dựa vào một học thuyết yêu cầu các thẩm phán phải thiên vị ủng hộ đương sự quyền lực nhất vi phạm thủ tục tố tụng hợp pháp? Và thế nào là hợp lý khi dựa vào một học thuyết mà Tối cao Pháp viện đã từ chối tuân theo trong gần một thập niên qua? Không có điều nào trong số này hợp lý cho lắm. Ngược lại, tất cả chúng ta đều có quyền dựa vào Hiến Pháp một cách rất hợp lý,” ông Hamburger nói.

Các vấn đề phức tạp là học thuyết về những vấn đề chính, có lẽ sẽ vẫn có hiệu lực sau khi án lệ Chevron bị loại bỏ. “Tôi nghĩ rằng, cho đến nay, hành động quan trọng đối với học thuyết ngày nay là học thuyết về các vấn đề trọng yếu,” ông Pierce nói. “Học thuyết này thực sự đang tạo ra những vấn đề lớn cho toàn bộ chính phủ.”

Một sĩ quan cảnh sát San Ramon nhìn những người biểu tình bên ngoài trụ sở Chevron ở San Ramon, California, vào ngày 15/02/2011 (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)
Một sĩ quan cảnh sát San Ramon nhìn những người biểu tình bên ngoài trụ sở Chevron ở San Ramon, California, vào ngày 15/02/2011 (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Ông nói “không ai biết giới hạn của học thuyết này là gì” và học thuyết này đang “làm các cơ quan sợ hãi. Nó khiến nhiều cơ quan rất lo ngại — liệu chúng ta có thực sự thực hiện được hành động này không? Hay điều đó sẽ được gọi là một vấn đề trọng yếu?”

Ông Hamburger lập luận rằng bằng cách thay thế quyền lực của Quốc hội và tập trung vào cơ quan hành pháp, quyền hành chính sâu rộng sẽ khơi dậy chủ nghĩa cực đoan chính trị và góp phần tạo nên “tính chất sống còn của các cuộc bầu cử tổng thống.”

Ông nói, việc loại bỏ án lệ Chevron “có nghĩa là việc chuyển từ chính phủ này sang chính phủ khác sẽ không cung cấp cơ hội tạo ra các quy định độc lập với Quốc hội. Điều đó có nghĩa là các quy định sẽ được củng cố chặt chẽ hơn và chúng ta sẽ không có những cuộc bầu cử tổng thống giống như một cuộc chiến.”

Ông Walker đồng tình với những lập luận xung quanh sự bất ổn, cho rằng các chính phủ gần đây đã vượt xa kiểu linh hoạt mà vụ Chevron ban đầu đã cung cấp.

Hoa Kỳ: 4 vụ án có thể kiềm chế nhà nước hành chính đang chờ Tối cao Pháp viện thụ lý

Ông nói: “Chúng ta đã thấy, kể từ nhiệm kỳ thứ hai của chính phủ TT Obama, ba vị tổng thống không chỉ thay đổi đường hướng một chút khi đắc cử. Ông ví vụ Chevron như một “sự điều chỉnh hướng 30 độ”, trong khi những quyết định gần đây hơn đã tạo ra sự thay đổi 90 độ hoặc 180 độ trong chính sách.

Bất kể Chevron sẽ tác động đến sự bất ổn như thế nào, việc lật ngược án lệ này có thể sẽ buộc các nhà lập pháp cũng như các quan chức phải thay đổi việc ra quyết định. Tuy nhiên, cuối cùng Quốc hội sẽ thực thi bao nhiêu quyền lực vẫn còn là vấn đề chưa biết, do những động cơ mà các nhà phê bình cho rằng các nhà lập pháp đang có đối với việc đẩy các quyết định chính sách khó khăn sang cho các cơ quan.

Cả bà Dudley và đồng nghiệp của bà, nhà khoa học chính trị Steven Balla của Đại học George Washington, đều lập luận rằng Quốc hội đã sử dụng ngôn ngữ luật định mơ hồ hơn để tránh tranh cãi chính trị và để khi có vấn đề nảy sinh từ thẩm quyền mà họ cấp, họ có thể tự xem mình là người đang sửa chữa những quyết định tồi tệ ở các cơ quan.

“Tôi không nghĩ nhà nước hành chính đang thúc đẩy [sự phân cực chính trị gần đây],” ông Balla nói với The Epoch Times. “Tôi nghĩ nhà nước này bị cuốn vào sự phân cực,” mà theo ông, vốn ảnh hưởng đến những người nắm giữ chức vụ và từ đó, ảnh hưởng đến việc lắng nghe những tiếng nói ở phía đối lập về ý thức hệ.

Ông Balla nói thêm: “Tôi nghĩ điều đó có tác động lớn đến khả năng thực hiện bất kỳ cải tổ quy định thực sự nào có thể mang lại bất kỳ sự điều độ hoặc lưỡng đảng nào.”

Cẩm An, Doanh Doanh, và Nguyễn Lê biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times