Bản tin đặc biệt

Đằng sau những nỗ lực của Đảng Dân Chủ nhằm chỉnh lý Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ

Các chuyên gia pháp lý cho rằng Đảng Dân Chủ đang cố gắng quấy rối Pháp viện nghiêng về khuynh hướng bảo tồn truyền thống này khi các phán quyết không theo ý họ.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng việc Đảng Dân Chủ thúc đẩy áp đặt quy tắc ứng xử lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ là bởi vì họ mong muốn thực thi quyền lực đối với một tòa án nào không đưa ra phán quyết theo ý họ trong các vấn đề then chốt.

Trong hai năm qua, Đảng Dân Chủ và các đồng minh vốn là những nhà hoạt động cánh tả của họ đã vô cùng tức giận khi Pháp viện trao lại vấn đề phá thai cho các tiểu bang, hạn chế hành động khẳng định trong tuyển sinh đại học, củng cố quyền sử dụng súng, và cầu nguyện công khai, ủng hộ quyền của một nhà thiết kế trang web trong việc không quảng bá cho một đám cưới đồng giới, và củng cố quyền sở hữu tư nhân đồng thời làm suy yếu quyền lực quản lý của chính phủ đối với môi trường.

Một số chuyên gia nói với The Epoch Times rằng phe cánh tả không thể chấp nhận khối bảo tồn truyền thống chiếm đa số trong Tối cao Pháp viện, vì vậy họ sẽ tiếp tục kích động phản đối điều đó và cố gắng làm suy yếu tính hợp pháp của Pháp viện trong mắt công chúng.

Cho đến nay, sự kích động này đã thúc đẩy Pháp viện thông qua quy tắc ứng xử chính thức đầu tiên được ban hành hôm 13/11, nhưng Đảng Dân Chủ cho rằng đó là một hành động vô dụng và sẽ không khắc phục được điều mà họ cho là một Pháp viện quá đồng tình với những lợi ích kinh doanh và những chính nghĩa theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Dick Durbin (Dân Chủ-Illinois) nói rằng, “Quy tắc ứng xử mới của Pháp viện còn lâu mới đáp ứng được những gì chúng tôi mong đợi từ tòa án cao nhất của đất nước.”

“Mặc dù quy tắc ứng xử này cấm thể hiện hành vi không đúng mực nhưng lại cho phép thẩm phán xác định bằng cách riêng rằng liệu hành vi của chính họ có tạo ra biểu hiện như vậy trong tâm trí của ‘những người biết lẽ phải trong công chúng’ hay không. Đây là điều mà các thẩm phán đã nhiều lần không thể làm được trong vài năm gần đây.”

Để khắc phục điều được cho là cuộc khủng hoảng tại Pháp viện, ông Durbin ủng hộ Đạo luật Đạo đức, Cáo tỵ, và Minh bạch của Tối cao Pháp viện (SCERT) năm 2023 do ủy ban của ông đề nghị và đã thông qua trong một cuộc bỏ phiếu theo đường hướng đảng phái hồi tháng Bảy.

Đề nghị này, bị Đảng Cộng Hòa phản đối là vi hiến, sẽ tạo ra một định chế cho phép công chúng nộp đơn khiếu nại các thẩm phán vì vi phạm quy tắc ứng xử được đề xướng hoặc tham gia vào “hành vi làm suy yếu tính liêm chính của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.”

Bên cạnh những điều khác, dự luật cũng sẽ áp đặt các tiêu chuẩn cáo tỵ bắt buộc và thành lập một hội đồng thẩm phán tòa án cấp dưới để điều tra các khiếu nại nhắm vào Tối cao Pháp viện.

Ông Steven J. Allen, một thành viên cao cấp xuất sắc tại Trung tâm Nghiên cứu Thủ đô, một tổ chức giám sát, cho rằng Đảng Dân Chủ đang đề xướng bộ quy tắc ứng xử của họ “để họ có thể kiểm soát Tối cao Pháp viện.”

“Họ đang làm điều này để loại bỏ một hoặc nhiều thẩm phán Đảng Cộng Hòa được bổ nhiệm để họ có thể thay thế,” ông Allen nói.

“Điều đó gần như là định nghĩa của ‘cuộc chiến pháp lý’ — sử dụng hệ thống pháp lý để gây chiến với đối thủ của quý vị. Quý vị mở rộng Pháp viện bằng cách loại bỏ một hoặc hai thẩm phán Đảng Cộng Hòa.”

Ông Durbin, một người lâu nay luôn phản đối Thẩm phán Clarence Thomas — người được nhiều người xem là luật gia thiên về bảo tồn truyền thống xuất sắc của Pháp viện — đã đặc biệt tập trung vào những điều được xem là những hành vi vi phạm của vị thẩm phán này.

Thẩm phán Tối cao Pháp viện Clarence Thomas đến dự lễ tuyên thệ của Thẩm phán Brett Kavanaugh tại Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 08/10/2018. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
Thẩm phán Tối cao Pháp viện Clarence Thomas đến dự lễ tuyên thệ của Thẩm phán Brett Kavanaugh tại Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 08/10/2018. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Thẩm phán Thomas từ lâu đã trở thành người mà cánh tả nhắm vào chỉ trích.

Ông Allen dự đoán “chiến dịch bôi nhọ” Thẩm phán Thomas “sẽ tiếp tục chừng nào ông ấy còn sống.”

Ông Durbin và các đồng nghiệp trong ủy ban của ông đã làm dấy lên một làn sóng chỉ trích công khai khi hồi đầu năm nay có thông tin cho rằng tỷ phú Harlan Crow, một nhà tài trợ lớn của Đảng Cộng Hòa, đã tặng Thẩm phán Thomas một loạt kỳ nghỉ sang trọng và giúp đỡ tiền học phí cho một đứa cháu trai mà vị thẩm phán này đã nuôi dạy, ngoài ra ông còn mua địa ốc từ gia đình của thẩm phán này.

Lúc đó, Thẩm phán Thomas không tiết lộ những sự kiện này, nói rằng ông được khuyên rằng điều đó là không cần thiết, nhưng ông cam kết sẽ tiết lộ những sự kiện như vậy trong tương lai.

Không có bằng chứng nào được phát hiện cho thấy những món quà kể trên gây ảnh hưởng đến việc bỏ phiếu của thẩm phán này trong các vụ án của Pháp viện. Những người bảo vệ thẩm phán này nói rằng có những người bạn giàu có không phải là vi phạm pháp luật.

Thẩm phán Thomas cũng thường xuyên bị chỉ trích vì hoạt động bảo tồn truyền thống của vợ ông, bà Ginni Thomas, một người ủng hộ quan trọng của cựu Tổng thống Donald Trump.

Các thành viên Đảng Dân Chủ, những người coi nỗ lực của Đảng Cộng Hòa trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2020 sau Ngày Bầu Cử là hành động xúc phạm đến nền dân chủ, đã tức giận khi bà Thomas được cho là đã ký các mẫu đơn kêu gọi các nhà lập pháp các tiểu bang ở Arizona và Wisconsin lật ngược chiến thắng bầu cử của Tổng thống Joe Biden.

Bà Thomas cũng cho biết bà tin rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã bị dàn xếp.

Một đoạn video xác nhận năm 1991 của Thẩm phán Tối cao Pháp viện Clarence Thomas được phát trong phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện về cải tổ đạo đức Tối cao Pháp viện tại Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 02/05/2023. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
Một đoạn video xác nhận năm 1991 của Thẩm phán Tối cao Pháp viện Clarence Thomas được phát trong phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện về cải tổ đạo đức Tối cao Pháp viện tại Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 02/05/2023. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Các nhóm thiên tả đã kêu gọi Thẩm phán Thomas hãy tự cáo tỵ khỏi rất nhiều vụ án liên quan đến cuộc bầu cử và các vụ truy tố hình sự cựu Tổng thống Trump đang diễn ra. Họ cho rằng vợ chồng Thẩm phán Thomas quá thân thiết với Đảng Cộng Hòa.

Người quan sát Tối cao Pháp viện kỳ cựu Curt Levey, chủ tịch Ủy ban Tư pháp theo phái bảo tồn truyền thống, cho biết đây là một ý tưởng thiên vị.

Ông nói, “Tỷ lệ các nghị sĩ Đảng Dân Chủ ở Thượng viện kêu gọi một trong những thẩm phán thiên tả này cáo tỵ sẽ là bao nhiêu nếu vợ hoặc chồng của thẩm phán đó bày tỏ quan điểm mạnh mẽ trước công chúng về việc cuộc bầu cử là công bằng?”

Ông nói rằng họ sẽ không bao giờ yêu cầu một vị thẩm phán thiên tả cáo tỵ “bởi vì vợ hoặc chồng đã bày tỏ quan điểm chính trị về các sự kiện đáng chú ý.”

Chiến dịch gây áp lực

Ông Jim Burling, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý của Tổ chức Pháp lý Thái Bình Dương, một công ty luật bất vụ lợi quốc gia phản đối sự lạm dụng của chính phủ, cho biết dự luật SCERT do ông Durbin hậu thuẫn và cuộc điều tra của ủy ban của ông nhắm vào các thẩm phán theo phái bảo tồn truyền thống là một nỗ lực “cố gắng hạn chế tính hợp pháp của Pháp viện này.”

“Họ không thích sự thật là chúng ta hiện đang có một tòa án vốn không làm những gì mà những người cấp tiến cho rằng tòa án này nên làm,” ông nói.

Ông Burling cho rằng điều khiến họ khó chịu là tòa án “ngày nay rất khác” so với thời của Chánh án Earl Warren (từ năm 1953 đến 1969) và Chánh án Warren Burger (từ năm 1969 đến 1986) khi tòa án này đi theo khuynh tả.

“Họ bực bội vì không thể thắng kiện bằng thực chất, vì vậy thay vào đó quý vị chỉ cần bôi nhọ và cố gắng khiến người ta sao nhãng khỏi vấn đề thật sự ở đây.”

Những người biểu tình phản đối trước lối vào của cộng đồng khép kín nơi Thẩm phán Tối cao Pháp viện Thomas Clarence sinh sống ở Fairfax, Virginia, vào ngày 24/06/2022. (Ảnh: Roberto Schmidt/AFP qua Getty Images)
Những người biểu tình phản đối trước lối vào của cộng đồng khép kín nơi Thẩm phán Tối cao Pháp viện Thomas Clarence sinh sống ở Fairfax, Virginia, vào ngày 24/06/2022. (Ảnh: Roberto Schmidt/AFP qua Getty Images)

Ông Levey cho biết Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse (Dân Chủ-Rhode Island), nhà bảo trợ cho Đạo luật SCERT, đã cho thấy rằng ông muốn tiếp tục gây áp lực lên các thẩm phán theo phái bảo tồn truyền thống của Pháp viện.

Ông nói, sự kiện Pháp viện áp dụng quy tắc ứng xử riêng của mình cho thấy “ngay cả Tối cao Pháp viện, nơi họ có nhiệm kỳ trọn đời, cũng có thể bị gây áp lực.”

“Đây là lý do tại sao Đảng Dân Chủ liên tục tấn công Tối cao Pháp viện vì tòa án này có một sự tác động và quý vị có thể thấy sự tác động ở đây,” ông Levey nói.

“Đây chỉ là một hình thức cố gắng quấy rối và uy hiếp Pháp viện. Trong nhiều năm, Đảng Dân Chủ đã phát hiện ra rằng nếu quý vị cho các thẩm phán theo phái bảo tồn truyền thống biết rằng quý vị sẽ không để cho họ yên thân … thì một số thẩm phán trung hữu khá dễ bị uy hiếp.”

Theo ông Levey, có thể khoảng một nửa số thẩm phán đó sẽ “cố gắng không quá chọc giận Đảng Dân Chủ.”

Ông Allen nói, các chính trị gia đã cố gắng thao túng Tối cao Pháp viện trong một thời gian dài, “bằng cách cơ bản là quấy rối họ.”

Ông nêu lên Thông điệp Liên bang năm 2010 khi cựu Tổng thống Barack Obama thực hiện một bước bất thường là chỉ trích các thẩm phán Tối cao Pháp viện mặc áo choàng ngồi trước mặt ông vì phán quyết của họ trong vụ kiện của Citizens United, trong đó đã thay đổi các hạn chế về tài chính cho chiến dịch tranh cử.

Ông nói: “Bằng tất cả sự tôn trọng thích đáng đối với sự phân chia quyền lực,” tiền lệ của vụ Citizens United “sẽ mở ra các cơ hội tràn lan cho các nhóm lợi ích đặc biệt — kể cả các tập đoàn ngoại quốc — chi tiêu không giới hạn trong các cuộc bầu cử của chúng ta.”

Thẩm phán Samuel Alito đã lắc đầu biểu hiện không đồng tình, dường như ông đang nói, “Không đúng sự thật.”

Và hồi tháng 03/2020, tại một cuộc biểu tình ủng hộ phá thai bên ngoài Tối cao Pháp viện, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã tuyên bố sẽ trừng phạt (nhưng không nói rõ sẽ áp dụng biện pháp gì) đối với các thẩm phán theo phái bảo tồn truyền thống Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh nếu họ bỏ phiếu ủng hộ luật của Louisiana trong đó đã áp đặt các hạn chế phá thai.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) giơ nắm đấm tại một cuộc biểu tình ủng hộ phá thai bên ngoài Tối cao Pháp viện ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 04/03/2020. (Ảnh: Sarah Silbiger/Getty Images)
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) giơ nắm đấm tại một cuộc biểu tình ủng hộ phá thai bên ngoài Tối cao Pháp viện ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 04/03/2020. (Ảnh: Sarah Silbiger/Getty Images)

“Tôi muốn nói với ông, ông Gorsuch à, và tôi muốn nói với ông, ông Kavanaugh à. Các ông đã gieo gió thì các ông sẽ phải gặt bão! Các ông sẽ không thể ngờ điều gì sẽ xảy ra với bản thân đâu nếu các ông tiếp tục đưa ra những phán quyết tồi tệ này,” ông Schumer nói khi vụ án đang được tranh luận bên trong.

Đạo luật SCERT

Ông Burling cho biết ông hiểu lý do tại sao các thẩm phán lại đưa ra quy tắc riêng của họ.

“Không có gì trong dự luật này [được tòa án phê chuẩn] đặc biệt quan trọng cả … nhưng điều này đã được thực hiện vì đã có quá nhiều tuyên bố nói rằng tòa án này không có đạo đức. Chà, điều đó không đúng. Điều đó chưa bao giờ đúng. Và vì vậy họ nói, ‘hãy xem này, đây là những quy tắc đạo đức mà chúng tôi đã tuân theo trong một thời gian dài,’” ông nói.

Nhưng ông Burling nói rằng điều khoản trong dự luật SCERT cho phép công dân nộp đơn kiện Tối cao Pháp viện là “vô lý.”

“Đây là chúng ta đang nói đến Tối cao Pháp viện, và tòa án này phải chịu để cho công chúng khiếu nại — tôi không thể tưởng tượng sẽ hỗn loạn như thế nào nếu có việc như vậy,” ông nói.

“Ai mà không hài lòng với những gì Pháp viện đã phán quyết trong một vụ án, bất kỳ ai có vụ kiện trình lên Pháp viện mà bị bác bỏ, hoặc được chấp nhận, hoặc nhận được phán quyết theo cách mà họ không thích, đều có thể nộp đơn khiếu nại.”

Một nhà hoạt động trình bày bên ngoài Tối Cao Pháp viện để phản đối luật phá thai mới của Texas khi tiểu bang này cấm phá thai từ sáu tuần trở đi, tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào ngày 02/09/2021. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)
Một nhà hoạt động trình bày bên ngoài Tối Cao Pháp viện để phản đối luật phá thai mới của Texas khi tiểu bang này cấm phá thai từ sáu tuần trở đi, tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào ngày 02/09/2021. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

“Và quý vị sẽ phải thiết lập một thủ tục để giải quyết những khiếu nại đó, mà sẽ hoàn toàn rút cạn sinh lực của Pháp viện vì thủ tục này sẽ rất rắc rối.”

Ông cho rằng biện pháp thích hợp để giải quyết các vấn đề của các thẩm phán là đàn hặc, như được quy định trong Hiến Pháp.

“Chúng ta không cần thêm một cơ quan nào để làm điều đó,” và ngoài ra, Quốc hội đã có quyền thực hiện một số quyền kiểm soát đối với Tối cao Pháp viện. Ông cho biết Thượng viện có thể từ chối các đề cử đến cho Pháp viện.

Đằng sau những nỗ lực của Đảng Dân Chủ nhằm chỉnh lý Tối cao Pháp viện Hoa KỳÔng cho rằng Quốc hội “không thể thành lập một loại cơ quan hành chính nào đó để quản lý Pháp viện. Đó không phải là cách mà Quốc hội làm việc.”

Ông cho rằng Tối cao Pháp viện là “một nhánh chính phủ bình đẳng, và một nhánh chính phủ không được quản lý một nhánh chính phủ khác ngoài bối cảnh Hiến Pháp.”

“Không có cách nào hợp hiến để có được loại quy định thực thi mà những người cấp tiến đã nói đến.”

Ông Allen cho biết quy định về khiếu nại cá nhân sẽ làm nảy sinh các hành vi tai hại.

Ông cho rằng Đảng Dân Chủ và các đồng minh của họ “sẽ gửi đủ loại khiếu nại, và để trí tưởng tượng của họ đạt tới mức độ không giới hạn với những thứ được cho là xung đột, để họ có thể theo đuổi những cáo buộc này và chỉ khiến Pháp viện sa lầy.”

Theo Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina), người đã cáo buộc Đảng Dân Chủ tiến hành một cuộc “thánh chiến” chống lại Pháp viện, Đảng Dân Chủ đã không cố gắng đưa dự luật này ra trước toàn thể Thượng viện vì họ không có số phiếu cần thiết.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) trình bày trong phiên họp điều hành công việc của Ủy ban Tư pháp Thượng viện ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, hôm 09/11/2023. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) trình bày trong phiên họp điều hành công việc của Ủy ban Tư pháp Thượng viện ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, hôm 09/11/2023. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi được Thượng viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát chấp thuận thì dự luật này cũng khó có thể qua được Hạ viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát.

“Tôi nghĩ cơ hội để dự luật này được Thượng viện thông qua là từ 0 đến dưới 0,” ông Burling nói.

“Đó chỉ đơn giản là sự gây chú ý về mặt chính trị … để cố gắng tập hợp nhóm cấp tiến trong các cuộc tấn công vào tính hợp pháp của Pháp viện. Và tôi không nghĩ hầu hết mọi người đều tin vào điều này.”

Ông Levey cũng cho biết dự luật SCERT đối mặt với cơ hội thành công thấp.

“Vì dự luật này sẽ phải vượt một ngưỡng tranh luận không giới hạn (filibuster), nên sẽ cần 60 phiếu bầu. Tôi sẽ nói [cơ hội của dự luật này] rất nhỏ hoặc là không có. Và sau đó ngay cả khi được Thượng viện thông qua thì dự luật này sẽ phải được Hạ viện thông qua, mà rõ ràng là có cơ hội thành công thấp,” ông nói.

Những Thẩm phán khác

Ngoài một vụ việc cách đây nhiều thập niên, những lời phàn nàn về đạo đức của các thẩm phán hiếm khi đi đến đâu.

Năm 1969, cố Thẩm phán Abe Fortas trở thành thẩm phán duy nhất từ chức dưới áp lực của tòa án cao nhất quốc gia sau khi người ta phát hiện ra rằng ông đã nhận khoản tiền giữ lại 20,000 USD hàng năm từ một nhà tài chính ở Wall Street. Người này sau đó đã phải vào tù vì vi phạm luật chứng khoán. Thẩm phán Fortas cũng bị chỉ trích vì mối quan hệ cá nhân thân thiết với người đã bổ nhiệm ông, Tổng thống Lyndon Johnson, một thành viên Đảng Dân Chủ.

Mặc dù Thẩm phán Thomas đã hứng chịu hầu hết những lời chỉ trích của Đảng Dân Chủ, nhưng ông không phải là thẩm phán duy nhất cho tới hiện tại hoặc cho tới gần đây bị nghi ngờ về đạo đức.

Thẩm phán Alito, một người có tư tưởng bảo tồn truyền thống, thường tự cáo tỵ khỏi các vụ án liên quan đến các công ty mà ông đã đầu tư, nhưng ông đã không cáo tỵ khỏi một số vụ được cho là liên quan đến quỹ phòng hộ của người bạn tỷ phú của ông, ông Paul Singer.

Thẩm phán Alito đã có một kỳ nghỉ câu cá xa hoa ở Alaska vào năm 2008 và bay đến đó bằng một chiếc phi cơ riêng do ông Singer trả tiền. Vào thời điểm đó, vị thẩm phán này đã không khai báo chuyến đi này trong báo cáo tài chính hằng năm của ông. Sau đó ông đã bác bỏ mọi hành vi sai trái.

(Từ trái sang phải) Ông Samuel Alito, Thẩm phán Tối cao Pháp viện, tại một sự kiện ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn năm 2016, bà Ruth Bader Ginsburg, Thẩm phán Tối cao Pháp viện, tại buổi trình bày Thông điệp Liên bang ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn năm 2009, và ông John Roberts, Chánh án Tối cao Pháp viện, ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào năm 2018. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images, Nicholas Kamm/AFP qua Getty Images, J. Scott Applewhite/AP Photo)
(Từ trái sang phải) Ông Samuel Alito, Thẩm phán Tối cao Pháp viện, tại một sự kiện ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn năm 2016, bà Ruth Bader Ginsburg, Thẩm phán Tối cao Pháp viện, tại buổi trình bày Thông điệp Liên bang ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn năm 2009, và ông John Roberts, Chánh án Tối cao Pháp viện, ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào năm 2018. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images, Nicholas Kamm/AFP qua Getty Images, J. Scott Applewhite/AP Photo)

Thẩm phán Gorsuch, một người theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống, là chủ sở hữu một phần của một khu đất rộng 40 mẫu Anh đã được bán cho ông Brian Duffy, giám đốc điều hành của công ty luật Greenberg Traurig, công ty đã có các vấn đề pháp lý đưa ra trước Pháp viện. Thẩm phán này không nêu tên người mua trên các bản khai tài chính của mình. Địa sản này được rao bán trên thị trường vào năm 2015 nhưng mãi đến năm 2017 mới bán được, hơn một tuần sau khi Thượng viện xác nhận đề cử thẩm phán này vào Pháp viện.

Nhân viên của Thẩm phán thiên tả Sonia Sotomayor, được cho là đã thúc giục các tổ chức công nơi bà nói chuyện để họ mua sách của bà; đây là một vấn đề mà ông Durbin thỉnh thoảng nêu ra tại các phiên điều trần của ủy ban.

Chánh án John Roberts, được coi là một trong những người theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống ôn hòa hơn tại Pháp viện, đã bị chỉ trích vì vợ ông được cho là đã kiếm được hơn 10 triệu USD tiền hoa hồng để tuyển dụng các luật sư cho các công ty luật có uy tín, trong đó có một số công ty đã có các vấn đề pháp lý đưa ra trước Pháp viện.

Trước đó, cựu Thẩm phán thiên tả Stephen Breyer và cố Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, cũng như cố Thẩm phán có tư tưởng bảo tồn truyền thống Antonin Scalia, cũng bị chỉ trích vì cáo buộc có vấn đề về đạo đức.

Thẩm phán Scalia thường xuyên bị Đảng Dân Chủ chỉ trích vì thực hiện các chuyến đi do các nhà tài trợ tư nhân trả tiền. Trung tâm Phản ứng Chính trị cho biết ông đã thực hiện 258 chuyến đi được tài trợ từ năm 2004 đến năm 2014.

Hai trường hợp liên quan đến vợ hoặc chồng của các thẩm phán.

Vào năm 2015, Thẩm phán Breyer đã từ chối cáo tỵ khỏi một vụ kiện về năng lượng mặc dù vợ ông nắm giữ 30,000 USD cổ phiếu của một công ty liên quan đến vụ kiện này.

Thẩm phán Ginsburg đã không cáo tỵ khỏi hơn 20 vụ án liên quan đến các công ty mà chồng bà nắm giữ cổ phần.

Thanh Nguyên và Vân Sa biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times