Bản tin đặc biệt

China Press có liên hệ sâu sắc với ĐCSTQ nhưng không ghi danh là đại diện ngoại quốc ở Hoa Kỳ

Tờ báo có trụ sở tại Hoa Kỳ này dùng tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc để nhắm đến những người nhập cư Trung Quốc.

Sau cuộc thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, mối bang giao của Hoa Kỳ và Trung Quốc đã hạ xuống một mức thấp mới. Các hãng truyền thông chính thức của Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã phải hứng chịu một phản ứng dữ dội đến nỗi khi đó Bắc Kinh bức thiết muốn tìm kiếm những con đường thay thế để phát sóng luận điệu của mình.

Sau đó, tại New York, China Press đã ra đời: một tờ báo Hoa ngữ được thành lập bởi ký giả quá cố Tạ Nhất Ninh (Xie Yining), người xem việc thúc đẩy mối bang giao nồng ấm hơn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là sứ mệnh của tờ báo này.

Ông Tạ từng làm thông tín viên Tòa Bạch Ốc cho China News Service (Trung Quốc Tân Văn Xã), hãng thông tấn nhà nước lớn thứ hai của Trung Quốc, được Hoa Kỳ xác định là cơ quan đại diện ngoại quốc vào năm 2020.

China Press, vẫn duy trì một văn phòng tại Bắc Kinh, đã nổi lên như một báu vật đối với Bắc Kinh nhờ việc chuyên đưa tin về Trung Quốc, vào thời điểm mà “tiếng nói của Trung Quốc hầu như không có cách nào khác để lan truyền ra ngoại quốc,” ông Du Giang (You Jiang), Tổng giám đốc của China Press viết trong một bài luận phác thảo kế hoạch mở rộng của hãng thông tấn này vào năm 2014.

Ông Du kể lại rằng, trong thời kỳ non trẻ của tờ báo, các lãnh đạo cộng sản hàng đầu đã “thường xuyên đến gặp” các giám đốc điều hành của China Press, dành cho tờ báo những cuộc phỏng vấn hiếm hoi và tặng các tác phẩm thư pháp để thể hiện sự coi trọng, những cử chỉ “chắc chắn đã giúp đỡ China Press khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực đưa tin về Trung Quốc.” Ông mô tả các hãng truyền thông Trung Quốc ở hải ngoại như tờ báo của ông là “một phần bổ sung quan trọng” cho hoạt động tuyên truyền ở hải ngoại của ĐCSTQ.

Với những đặc quyền như vậy, China Press đã phát triển mạnh mẽ. Theo như tường thuật của chính tờ báo này, “ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng” của nhà cầm quyền và “việc số lượng người nhập cư từ Hoa lục tăng lên nhanh chóng” đã giúp China Press trở thành “tờ báo Hoa ngữ phát triển nhanh nhất ở Mỹ.”

Tên tiếng Hoa của China Press là Kiều Báo (Qiaobao), có nghĩa là “tờ báo của người Hoa ở hải ngoại.” Các quan chức của ĐCSTQ đã mô tả các hãng truyền thông Hoa ngữ ở hải ngoại như tờ báo này là một trong “ba báu vật” để tăng cường sự kiểm soát của nhà cầm quyền đối với cộng đồng Hoa kiều.

Chữ “Kiều” trong tên của tờ báo này vừa có nghĩa là người dân ở hải ngoại trong từ “kiều dân” (侨民), vừa có nghĩa là cây cầu trong từ “kiều” (桥). Văn phòng Kiều vụ, cơ quan cấp bộ chỉ huy hoạt động bí mật gây ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh, đã viện dẫn phép chơi chữ đồng âm này vào đầu những năm 1990 để định hình lại diễn ngôn toàn cầu, sử dụng “cộng đồng hải ngoại” làm “cầu nối”, theo một cựu nhân viên báo chí của cơ quan này.

“Những ấn phẩm ‘Kiều’ này mang trong mình sức mạnh mà ‘quân đội chính quy’ không có được,” nhân viên báo chí này nhớ lại câu nói của các quan chức ĐCSTQ. Nhân viên này chia sẻ với The Epoch Times rằng họ được thông báo là họ có thể sử dụng những ấn phẩm này như những cây cầu để “vươn ra thế giới.”

China Press đã nhân cơ hội này để nhanh chóng phát triển.

Tòa nhà China Press ở Alhambra, California, vào ngày 16/11/2018. Ông Tạ Nhất Ninh (Xia Yining), người sáng lập kiêm chủ tịch của tờ báo này, đã bị bắn tử vong bên trong văn phòng của ấn phẩm này vào ngày 16/11/2018. (Ảnh: Linda Jiang/The Epoch Times)
Tòa nhà China Press ở Alhambra, California, vào ngày 16/11/2018. Ông Tạ Nhất Ninh (Xia Yining), người sáng lập kiêm chủ tịch của tờ báo này, đã bị bắn tử vong bên trong văn phòng của ấn phẩm này vào ngày 16/11/2018. (Ảnh: Linda Jiang/The Epoch Times)

China Press hiện tự mô tả bản thân là hãng thông tấn Hoa ngữ duy nhất ở Hoa Kỳ sử dụng chữ giản thể và có một trung tâm tin tức có trụ sở tại Bắc Kinh để phục vụ cho người nhập cư từ Hoa lục.

Logo màu đỏ tươi của tờ báo, màu sắc được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ưa chuộng, đã xâm nhập vào các cửa hàng bách hóa và quầy báo tiếng Hoa ở một số thành phố lớn nhất của Hoa Kỳ, như New York, Chicago, Los Angeles, và thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Tờ báo này đã liên tục nhận được sự ưu ái của các quan chức ĐCSTQ. Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập tờ báo vào năm 2015, bà Chương Khởi Nguyệt (Zhang Qiyue), khi đó là Tổng lãnh sự Trung Quốc tại New York, đã gọi đây là “một tờ báo tiếng Hoa của Mỹ xây dựng cầu nối giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ” trong một lời đề tặng.

Các giám đốc điều hành của China Press là khách mời thường xuyên tại các diễn đàn truyền thông cấp cao được tổ chức ở Trung Quốc và đã thực hiện một số cuộc phỏng vấn độc quyền với các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, bao gồm cả lãnh đạo Đảng Giang Trạch Dân, phó Thủ tướng Tiền Kỳ Tham (Qian Qichen), và đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Dương Khiết Trì, người về sau được thăng chức bộ trưởng ngoại giao vào năm 2007.

Một cựu biên tập viên yêu cầu ẩn danh từng làm việc tại văn phòng của ông Du Giang ở New York cho biết, có một một bức thư pháp do ông Giang Trạch Dân viết treo trên tường của văn phòng này.

China Press có liên hệ sâu sắc với ĐCSTQ nhưng không ghi danh là đại diện ngoại quốc ở Hoa Kỳ

Với việc Hoa Kỳ ngày càng cảnh giác trước việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng, vai trò của truyền thông hải ngoại như một nhánh tuyên truyền cũng đã trở thành tâm điểm.

“Tầm với của Trung Quốc cộng sản là không có giới hạn. Các hãng thông tấn phải cảnh giác trước các chiến thuật lừa đảo của Bắc Kinh, vốn tìm cách làm suy yếu các lợi ích và giá trị của chúng ta cũng như thao túng luồng thông tin,” Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) nói với The Epoch Times. “Chúng ta phải luôn cảnh giác và kiên quyết bảo vệ nền tự do của mình trước những mối đe dọa này.”

Hồi năm ngoái (2023), Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), chủ tịch sắp mãn nhiệm của Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về ĐCSTQ, đã nói với The Epoch Times rằng “cần có một biển hiệu cảnh báo” nói rõ tổ chức này là “một phần phụ của ĐCSTQ và hệ thống tuyên truyền của đảng này.”

Trong một video ngắn có tựa đề “Mặt trận Thống nhất 101” hồi tháng 12/2023, ông đã gọi China Press bằng tên tiếng Hoa của tờ báo này, Kiều Báo.

Ông nói, “Một số hãng truyền thông tiếng Hoa ở hải ngoại là do do Ban Công tác Mặt trận Thống nhất sở hữu hoặc kiểm soát thông qua các cơ quan thông tấn của Trung Quốc, trong đó có Kiều Báo hoạt động ở Hoa Kỳ.”

Nhất quán đưa tin ủng hộ Bắc Kinh

Hồi tháng 07/1997, China Press khoe rằng họ là tờ báo Hoa ngữ duy nhất ở hải ngoại được phép tham dự lễ trao trả Hồng Kông về dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.

Chương trình đưa tin đặc biệt của tờ báo này bắt đầu 30 ngày trước sự kiện. Trong khoảng thời gian này, tờ báo đã phát hành 10 bài xã luận, hết lời ủng hộ việc chuyển giao này.

Một người đàn ông cầm tấm bích chương hình “Tank Man” nổi tiếng, chụp cảnh một người đàn ông đang đứng trước xe tăng quân sự Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 05/06/1989, trong lễ tưởng niệm sự kiện Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, tại Công viên Victoria ở Hồng Kông, vào ngày 04/06/2020. (Ảnh: Anthony Wallace/AFP qua Getty Images)
Một người đàn ông cầm tấm bích chương hình “Tank Man” nổi tiếng, chụp cảnh một người đàn ông đang đứng trước xe tăng quân sự Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 05/06/1989, trong lễ tưởng niệm sự kiện Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, tại Công viên Victoria ở Hồng Kông, vào ngày 04/06/2020. (Ảnh: Anthony Wallace/AFP qua Getty Images)

Trong các thông điệp từ Hồng Kông, phóng viên của tờ báo này đã nói về việc ông Đổng Kiến Hoa (Tung Chee-hwa), người trở thành tân lãnh đạo đầu tiên của Hồng Kông và là phó chủ tịch của cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc trong 18 năm, đã “duyên dáng” phớt lờ câu hỏi về vụ thảm sát Quảng trường Thiên An Môn bằng cách tập trung vào không khí ăn mừng.

Vào đêm trước sự kiện này, sau khi hàng ngàn binh sĩ Trung Quốc diễn hành vào Hồng Kông, phóng viên của hãng thông tấn China Press đã cảnh báo Hoa Thịnh Đốn hãy cẩn trọng về phát ngôn của mình và đừng “can thiệp” vào công việc của Bắc Kinh.

Một lời khiển trách như vậy sẽ không có gì đáng chú ý trên bất kỳ hãng truyền thông nào do nhà nước Trung Quốc kiểm soát. Tuy nhiên, bề ngoài thì China Press là một hãng tư nhân được thành lập tại Hoa Kỳ.

Các bài báo trên truyền thông Trung Quốc và các bài cáo phó do các phóng viên China Press viết cho thấy ông Tạ đã tuyên bố chính sách không khoan nhượng đối với bất kỳ điều gì được xem là cản trở “sự thống nhất với mẫu quốc.”

Đối với bất kỳ tin tức nào phản ánh “mặt tối của xã hội Trung Quốc,” ông ấy sẽ chỉ thị các phóng viên “điều tra sát sao để xem những tin tức đó có thật hay không.”

Các quan chức Trung Quốc thường xuyên khẳng định công việc của China Press trước công chúng. Theo các bài báo của truyền thông Trung Quốc, ông Trịnh Y Đức (I-Der Jeng), phóng viên được cử đến Hồng Kông vào năm 1997 và hiện là tổng biên tập của China Press, là cố vấn cho một tạp chí nhà nước Trung Quốc được các quan chức hàng đầu ưa chuộng và là khách mời trong buổi lễ chính thức kỷ niệm 70 năm thành lập nhà nước cộng sản này vào năm 2019. Những lời khen ngợi của ông về Bắc Kinh thường xuyên xuất hiện trên các trang truyền thông nhà nước lớn của Trung Quốc.

Cựu biên tập viên yêu cầu ẩn danh của China Press cho biết ông Du đã trở lại Trung Quốc vào năm 2020.

Ông trở thành phó giám đốc của một tạp chí Hồng Kông (tờ “Văn học Hương Cảng”), và sắp xếp các nhà văn của thành phố đến thăm Hoa lục để “giao lưu văn học.”

Văn phòng của China Press tại thành phố New York, hôm 08/04/2024. (Ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times)
Văn phòng của China Press tại thành phố New York, hôm 08/04/2024. (Ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times)

‘Đường dây cứu sinh’

Trách nhiệm chính của Văn phòng Kiều vụ có trụ sở tại Bắc Kinh là chỉ thị công tác “Mặt trận Thống nhất” của ĐCSTQ, nhằm định hình lại các lối tường thuật, thúc đẩy nghị trình của nhà cầm quyền này, và đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến.

Mặc dù China Press luôn phủ nhận có bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào với văn phòng này, nhưng các nhân viên cũ của họ lại có quan điểm khác. Một cựu phóng viên của China Press, người trở về Trung Quốc trước khi dịch bệnh bùng phát, từng tuyên bố trên mạng xã hội rằng nơi làm việc của mình là văn phòng này. Mô tả kinh nghiệm làm việc của anh này trên LinkedIn nhấn mạnh rằng “Công tác Mặt trận Thống nhất” là trách nhiệm chính của anh tại tờ báo.

Ngoài ra, nguồn tài chính của China Press cũng đặt ra nhiều nghi vấn.

China Press dường như không kiếm được nhiều lợi nhuận từ việc phát hành báo. Tờ báo này được phân phối miễn phí ở New Jersey, Los Angeles, và Boston, và được bán với giá 50 cent ở khu phố người Hoa ở New York. Theo một bản tin của Đại học Staten Island nêu bật mức độ đưa tin của tờ báo này, tính đến năm 2018, China Press đã có số lượng phát hành hàng ngày là 75,000 bản tại thành phố New York, Boston, và Hoa Thịnh Đốn.

“Với rất ít quảng cáo và không có người mua như vậy, thì họ lấy tiền ở đâu?” một cựu biên tập viên phụ trách phân công công việc của một cơ quan truyền thông nhà nước ở Trung Quốc nói với The Epoch Times, yêu cầu ẩn danh vì sợ bị trả thù.

Ông phỏng đoán rằng một phần không nhỏ trong nguồn kinh phí của họ đến từ China News Service, hãng truyền thông do Văn phòng Kiều vụ giám sát. Ông nói, số tiền này có thể không đến trực tiếp từ chính quyền Trung Quốc hoặc dịch vụ tin tức mà thông qua các tổ chức khác của Trung Quốc để che giấu nguồn gốc dòng tiền.

China Press có liên hệ sâu sắc với ĐCSTQ nhưng không ghi danh là đại diện ngoại quốc ở Hoa Kỳ

Một cách độc lập, hai cựu nhân viên của China Press cũng nói điều tương tự.

“China Press không kiếm được tiền. Đường dây cứu sinh của tờ báo này là ĐCSTQ,” một cựu biên tập viên của tờ báo nói với The Epoch Times.

Người thứ hai, là một cựu phóng viên, đồng ý với nhận định nói trên.

“Khi nhà nước là bên tài trợ, thì chắc chắn sẽ có cách,” ông nói với The Epoch Times. “Điều gì sẽ xảy ra nếu họ lấy một tờ giấy rồi phóng đại một vài con số giao dịch? Họ cũng có thể lấy tiền qua các nguồn chính thức, hoặc nhận tiền từ Lãnh sự quán Trung Quốc mà không bị phát hiện. Họ có thể kinh doanh với các công ty có trụ sở tại đây.”

Ngay cả khi gạt bỏ yếu tố nguồn tài chính đáng ngờ sang một bên, thì vẫn khó có thể bỏ qua mối liên hệ chặt chẽ giữa China Press và các tổ chức nhà nước Trung Quốc.

Trong “các khóa đào tạo nâng cao về truyền thông Trung Quốc ở hải ngoại” hàng năm được tổ chức tại Bắc Kinh, các nhân viên cấp cao của China Press, và hãng truyền thông cùng hệ thống SinoVision chuyên về phát thanh truyền hình, đã thể hiện mình là những học viên nhiệt thành.

Theo các bản tin của truyền thông nhà nước, tại một buổi lễ tốt nghiệp, trong đó một giám đốc điều hành của China Press lên trình bày, một quan chức của Văn phòng Kiều vụ đã chúc mừng các học viên đã hoàn thành lớp học và bày tỏ kỳ vọng họ sẽ là “người xây dựng, phổ biến, và bảo vệ hình ảnh Trung Quốc ở ngoại quốc.”

China News Service là một trong nhiều hãng thông tấn Trung Quốc hợp tác với China Press. Theo cựu biên tập viên China Press, trong nhiều năm, tờ báo có trụ sở tại Bắc Kinh này đã cử nhân viên đến làm việc tại văn phòng China Press ở New York. Họ thường ở lại trong nhiều tháng.

Tờ báo cũng đã đạt được một thỏa thuận với Trường Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung ương Trung Quốc, nơi đào tạo các lãnh đạo cộng sản trẻ. Theo thỏa thuận, các sinh viên sau đại học cũng làm việc cùng với nhân viên của China Press ở New York và xuất bản tác phẩm của họ trên báo, theo hồ sơ lưu trữ về chương trình của trường.

Các thành viên dàn hợp xướng Trung Quốc đứng cùng nhau tại buổi lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, vào ngày 01/07/2021. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)
Các thành viên dàn hợp xướng Trung Quốc đứng cùng nhau tại buổi lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, vào ngày 01/07/2021. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Không có sự giám sát của Hoa Kỳ

Không giống như các cơ quan chính thức liên kết với nhà nước Trung Quốc như China Daily (Trung Quốc Nhật Báo), quyền sở hữu tư nhân của China Press đã bảo vệ hãng thông tấn này khỏi sự giám sát của Hoa Kỳ. Tờ báo không ghi danh làm đại diện ngoại quốc với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, nên sẽ không bị buộc phải minh bạch hơn về hoạt động của mình.

Tuy nhiên, các nhà phân tích Trung Quốc và những người đã làm việc với các tổ chức có liên kết với Bắc Kinh trong nhiều năm nói rằng trên thực tế, việc tờ báo có thuộc sở hữu tư nhân hay không cũng không tạo ra nhiều khác biệt.

Bà Sarah Cook, một nhà nghiên cứu độc lập và là tác giả chính của báo cáo năm 2022 của Freedom House về ảnh hưởng truyền thông toàn cầu của Bắc Kinh, nói với The Epoch Times, “Trông mặt mà bắt hình dong: Nếu thứ gì đó trông giống một con vịt và kêu như một con vịt thì đó là một con vịt.”

Cựu biên tập viên phụ trách phân công công việc ở Trung Quốc được đề cập ở trên hiện là người đã có thẻ xanh và sống ở Hoa Kỳ. Ông kể rằng cách đây vài năm, một người Trung Quốc đã tiếp cận ông và mời ông làm việc cho bất kỳ cơ quan truyền thông nào của Trung Quốc ở hải ngoại mà ông lựa chọn, và China Press là một trong số đó.

Cựu nhân viên báo chí của Văn phòng Kiều vụ vào những năm 1990 đã nhận được mệnh lệnh là phải thường xuyên cung cấp nội dung cho chuyên mục đặc biệt mới của China Press về “quảng bá những thành tựu xây dựng quốc gia của Trung Quốc.”

China Press có liên hệ sâu sắc với ĐCSTQ nhưng không ghi danh là đại diện ngoại quốc ở Hoa Kỳ

Nội dung của chuyên mục có cùng phông chữ với phần còn lại của tờ báo và đến từ các cơ quan thông tấn nhà nước và cơ quan chính phủ khác của Trung Quốc, chẳng hạn như Tân Hoa Xã và China News Service. Theo các phương tiện truyền thông nhà nước địa phương, một thành phố ở phía đông bắc Trung Quốc đã ghi công cho những tin tức này vì mang về “hơn 20 bản fax” từ năm nhà đầu tư tiềm năng của Hoa Kỳ.

Trong những năm qua, những chuyên mục như vậy chỉ mở rộng thêm. Phiên bản kỹ thuật số của tờ báo được dành để đưa tin chuyên sâu về các thành phố và chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc. Ví dụ, trong một bài viết, tờ báo này đã ca ngợi chương trình xóa đói giảm nghèo “thần kỳ” của một ngôi làng đã “phổ biến ra toàn cầu” như thế nào.

“China Press là một công cụ tuyên truyền ở hải ngoại của ĐCSTQ,” cựu nhân viên báo chí yêu cầu ẩn danh của Văn phòng Kiều vụ nói với The Epoch Times.

Cô Trương Tinh (Zhang Jing), một cựu biên tập viên tin tức của World Journal (Thế Giới Nhật Báo) có trụ sở tại New York và Minh Báo (Ming Pao) của Hồng Kông, cũng cho biết điều tương tự.

Cô nói với The Epoch Times: “Sự khác biệt duy nhất chỉ là ở tên gọi.”

Cô nói, trong một “môi trường tự do như Hoa Kỳ,” China Press có thể làm rất nhiều điều để giúp đỡ nhà cầm quyền.

“China Press về cơ bản là một ống dẫn oxy” cho Bắc Kinh.

Ảnh chụp màn hình cho thấy báo China Press không nằm trong danh sách Đạo luật Ghi danh Đại diện Ngoại quốc. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình thông qua The Epoch Times, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ)
Ảnh chụp màn hình cho thấy báo China Press không nằm trong danh sách Đạo luật Ghi danh Đại diện Ngoại quốc. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình thông qua The Epoch Times, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ)

‘Họ sẽ tin đó là sự thật’

Cộng đồng Hoa kiều ở Hoa Kỳ là cộng đồng Hoa kiều lớn nhất bên ngoài châu Á. Theo dữ liệu điều tra dân số, vào năm 2022 ước tính có hơn 5.4 triệu người Hoa sống ở Hoa Kỳ.

Trong số họ, ⅔ nói tiếng Hoa ở nhà và ⅓ có trình độ tiếng Anh hạn chế nên phải phụ thuộc vào các nguồn thông tin Hoa ngữ.

China Press nhận thấy cơ hội trong nhóm dân nhập cư này.

Ông Tạ là người đã lãnh đạo China Press trong gần ba thập niên cho đến khi một đồng nghiệp bắn ông tử vong tại tòa soạn ở Alhambra, California của tờ báo vì một vụ tranh chấp. Ông từng dẫn lời phát ngôn viên của chế độ Trung Quốc Triệu Khải Chính (Zhao Qizheng) rằng, “Nếu quý vị không kể câu chuyện của Trung Quốc, thì những người khác sẽ làm như vậy. Nếu quý vị không kể câu chuyện có thật, thì tin giả sẽ nảy sinh,” theo báo cáo của China News Service.

Câu hỏi được đặt ra là, ai là người quyết định đâu là thật, đâu là giả?

Về các vấn đề nóng ở Trung Quốc, các báo cáo của China Press bám sát lối tường thuật của Bắc Kinh. Các bài xã luận của họ công khai ủng hộ TikTok khi ứng dụng này phải đối mặt với áp lực từ Hoa Kỳ trong việc thoái vốn khỏi quyền sở hữu của Trung Quốc. Những người thẳng thắn phê bình Bắc Kinh như Thượng nghị sĩ Rubio và Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa-New Jerry) thì bị gán mác “phản Hoa.”

Hãng thông tấn này đã bị kiện — và được Bắc Kinh công nhận — vì hàng trăm bản tin phỉ báng Pháp Luân Công, một môn thiền định đã thu hút hàng chục triệu người Trung Quốc thực hành vào những năm 1990, trong hai năm đầu tiên của cuộc đàn áp của nhà cầm quyền đối với nhóm này vào những năm đầu của thế kỷ 21. ĐCSTQ đã sử dụng một chiến dịch xuyên tạc mạnh mẽ chống lại môn tu luyện này để tẩy bạch và biện minh cho cuộc đàn áp sâu rộng của họ, bao gồm giam giữ hàng loạt, lao động cưỡng bức, tra tấn,thu hoạch nội tạng cưỡng bức.

Giờ đây, tất cả các bản tin đề cập đến Pháp Luân Công hiện đã biến mất khỏi trang web của China Press. Những sự kiện quan trọng như vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn hay còn gọi là Sự kiện Lục Tứ cũng đã biến mất.

Điều ngược lại vẫn đúng đối với những vấn đề mà tờ báo này xem là quan trọng. Khi cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou), người nổi tiếng với việc tán thành mối quan hệ thân thiện hơn với Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm 11 ngày chưa từng có tới Trung Quốc vào ngày 01/04, mười câu chuyện rực rỡ đã xuất hiện trên China Press trong vòng chưa đầy hai giờ, tất cả chỉ để truyền tải một thông điệp: Đài Loan, hòn đảo dân chủ tự trị, nên thống nhất với Hoa lục.

Một chủ nhà hàng xem truyền hình trực tiếp cuộc gặp ở Bắc Kinh giữa lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu, tại Singapore, vào ngày 07/11/2015. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)
Một chủ nhà hàng xem truyền hình trực tiếp cuộc gặp ở Bắc Kinh giữa lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu, tại Singapore, vào ngày 07/11/2015. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Trong các sự kiện như Thế vận hội Bắc Kinh 2022 và hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Trung Quốc vào tháng 11/2023 tại San Francisco, China Press đã trở thành một không gian nơi các nhóm Mặt trận Thống nhất của Bắc Kinh thể hiện lòng nhiệt thành.

Những quảng cáo cỡ lớn đã chạy trên báo này trong nhiều ngày, phát đi thông điệp mà Đảng muốn được nghe bằng những ký tự lớn màu đỏ.

“Truyền năng lượng tích cực đến Châu Á-Thái Bình Dương và thế giới,” một quảng cáo tháng 11/2023 liệt kê tên của hơn 100 nhóm thân Bắc Kinh cho biết.

Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi các quan chức Trung Quốc đáp lại sự ủng hộ này.

Trong một bài diễn văn năm 2012 đánh dấu kỷ niệm 20 năm xuất bản ấn phẩm San Francisco của China Press, lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco đương thời là ông Cao Chiêm Sinh (Gao Zhansheng) đã ca ngợi tờ báo này vì đã “đưa tin chính xác, kịp thời, và sâu sắc về các sự kiện chính trong chính trị và ngoại giao trong nước Trung Quốc cũng như các sự kiện quốc tế quan trọng.”

Theo lời của ông, việc đó đã “mở ra một cánh cửa quan trọng” cho Hoa kiều “hiểu được quê cha đất tổ.”

Cựu phóng viên China Press cho biết anh chưa bao giờ đọc tờ báo này, kể cả khi làm việc ở đó. “Đó chỉ là một công việc,” anh nói. Anh cho biết cùng lắm anh chỉ kiểm tra xem bài viết của mình có được xuất bản hay không.

“Rất nhiều người Phúc Kiến đọc China Press,” anh nói, đề cập đến tỉnh ven biển phía đông nam Trung Quốc, quê hương của phần lớn người Hoa nhập cư vào Hoa Kỳ.

“Họ sẽ tin vào lời nói của tờ báo vì kiều bào của chúng tôi vẫn yêu quê hương của mình,” ông nói. “Khi họ đọc China Press, thì họ sẽ tin đó là sự thật.”

Điều này cũng thuận tiện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc “rửa” thông tin: bất cứ điều gì họ in ra để ủng hộ chế độ, thì truyền thông Hoa lục đều có thể trích dẫn và mô tả đó là quan điểm của Hoa Kỳ, bởi vì tờ báo “đại diện cho người dân Trung Quốc tại Hoa Kỳ.”

Gieo mầm ‘những người truyền bá trong tương lai’

Để đạt được chỉ thị “kể câu chuyện hay về Trung Quốc” của nhà cầm quyền, thì ý tưởng là phải có nhiều tiếng nói hơn — để “cùng nhau kể câu chuyện đó,” bà Tôn Ngọc Mai (Sun Yumei), phó chủ tịch của tờ Overseas Chinese Newspaper of Europe (Âu Châu Kiều Báo), cho biết tại một hội nghị chiến lược ở Bắc Kinh năm 2022 về cách truyền bá ảnh hưởng của Trung Quốc. Tờ báo của bà có chức năng tương tự như China Press.

Bà đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo thế hệ Hoa kiều trẻ tuổi để trở thành “những người truyền bá câu chuyện về Trung Quốc trong tương lai.”

China Press đã làm chính xác điều đó trong nhiều năm.

Với mục đích bề ngoài là tạo cơ hội cho thanh thiếu niên người Mỹ gốc Hoa đạt được các kỹ năng báo chí thực tiễn, kể từ năm 2013 China Press đã thành lập “câu lạc bộ phóng viên trẻ”, mỗi năm chọn một nhóm nhỏ tham gia một chuyến du lịch đến Trung Quốc. Tính đến năm 2019, chương trình toàn quốc này đã thu hút gần 200 thanh thiếu niên lớn lên ở Hoa Kỳ có kỹ năng về Hoa ngữ.

Chính quyền Trung Quốc đóng vai một chủ nhà nhã nhặn, mang đến cho những du khách trẻ tuổi cơ hội tiếp cận và khoảng thời gian hiếm hoi với các quan chức cấp cao, đồng thời khuyến khích họ xây dựng sự nghiệp ở Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc đã đăng tải những nhận xét bồng bột của những người tham gia.

Ông Trịnh, tổng biên tập của China Press, là người dẫn dắt những chương trình đầu tiên. Một thông cáo báo chí năm 2013 từ một trường học Hoa ngữ ở New York dẫn lời ông cho biết, những thanh thiếu niên Mỹ này đang “trải nghiệm một Trung Quốc mà ít người có thể trải nghiệm,” với những đặc quyền mà ngay cả những ký giả thực thụ cũng có thể không được hưởng.

Những bài báo của truyền thông nhà nước Trung Quốc cho thấy nỗ lực chuyển hóa trái tim và tâm trí của giới trẻ đang tỏ ra hiệu quả.

Tòa nhà Viện Khổng Tử trong khuôn viên Đại học Troy ở Troy, Alabama, vào ngày 16/03/2018. (Ảnh: Kreeder13 qua Wikimedia Commons)
Tòa nhà Viện Khổng Tử trong khuôn viên Đại học Troy ở Troy, Alabama, vào ngày 16/03/2018. (Ảnh: Kreeder13 qua Wikimedia Commons)

Một bài báo năm 2016 trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng, đã viết rằng, “Họ được giáo dục ở Mỹ, nhưng trong lớp học, họ đủ táo bạo để thách thức những giáo viên có thành kiến với Trung Quốc, nói với các bạn cùng lớp về Trung Quốc thực sự là như thế nào.”

Những thanh thiếu niên này đã ca xướng những bài ca yêu nước, ngưỡng mộ về “khả năng ứng đối khéo léo” các câu hỏi đầy thách thức của phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, và ra về khi nhớ đến Viện Khổng Tử — chương trình do nhà nước tài trợ thường bị chỉ trích vì khuếch đại tuyên truyền của Trung Quốc ở phương Tây — như một “nền tảng quan trọng để thế giới hiểu về Trung Quốc.”

Một người từng tham gia chuyến đi hai lần sau đó đã quay lại học tại Thanh Hoa, một trường đại học ưu tú ở Bắc Kinh, cơ quan ngôn luận nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin hồi năm 2017. Một thành viên khác của câu lạc bộ này, một học sinh lớp 9, đã viết trên China Press vào năm 2020 rằng mặc dù các cuộc phong tỏa đại dịch hà khắc của nhà cầm quyền này đã gây thiệt hại trong thời gian ngắn, nhưng “đã nhanh chóng ngăn chặn virus và bảo vệ những người ốm yếu và người cao niên.”

Chiến tranh chính trị?

Đại dịch dường như đã khiến China Press chịu tổn thất nặng nề.

Phạm vi lưu hành của tờ báo này bị thu hẹp lại. Người cựu nhân viên cho biết địa điểm phân phát ấn bản Boston đã biến mất sau tháng 11/2019. Ấn bản cuối tuần này đã bị hủy bỏ và kéo theo đó là việc sa thải nhân viên. Các hoạt động của câu lạc bộ phóng viên trẻ đã bị đình chỉ sau lễ trao giải cuối năm 2020.

Nhưng lập trường của ban biên tập vẫn được giữ nguyên — cũng như sự hỗ trợ rõ ràng từ mạng lưới Mặt trận Thống nhất. Năm nay, từ ngày 28/02 đến tháng Ba, mạng lưới này đã chạy chín quảng cáo toàn trang trên tờ báo này để vinh danh ngày kỷ niệm của nhiều nhóm bình phong khác nhau ở New York.

Các tổ chức này thường hợp tác chặt chẽ với lãnh sự quán Trung Quốc và đôi khi là với các quan chức ở Trung Quốc.

Cựu phóng viên của China Press cho biết: “Những quảng cáo này không dành cho độc giả, mà là cho lãnh sự quán Trung Quốc. Quý vị còn có thể đăng những quảng cáo như vậy ở đâu ngoại trừ trên China Press?”

Trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung ở San Francisco hồi tháng 11/2023, các thành viên của các hiệp hội này đã tụ tập tại quảng trường phía trước khách sạn của ông Tập Cận Bình với mũ đỏ, vẫy biểu ngữ đỏ, và một số người đã hành hung một phóng viên và các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc.

Hai nhà lãnh đạo của Hiệp hội Trường Lạc Hoa Kỳ (America ChangLe Association), một hiệp hội xuất hiện trong một trong những quảng cáo hồi tháng Ba, được cho là điều hành một đồn công an chìm của Trung Quốc tại khu phố người Hoa ở Manhattan, New York. Một trong số họ đã nhận được bằng khen từ một quan chức Bộ Công an Trung Quốc vì công việc quấy rối các cuộc biểu tình của Pháp Luân Công khi ông Tập ở Hoa Thịnh Đốn vào năm 2015.

Một người đàn ông đi ngang qua một tòa nhà (ở giữa) bị nghi ngờ là đồn công an chìm do Bắc Kinh kiểm soát dùng để đàn áp những người bất đồng chính kiến đang sống ở Hoa Kỳ, tại khu phố người Hoa của thành phố New York hôm 18/04/2023. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)
Một người đàn ông đi ngang qua một tòa nhà (ở giữa) bị nghi ngờ là đồn công an chìm do Bắc Kinh kiểm soát dùng để đàn áp những người bất đồng chính kiến đang sống ở Hoa Kỳ, tại khu phố người Hoa của thành phố New York hôm 18/04/2023. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Các công tố viên Hoa Kỳ cho biết, ông Lương Lợi Đường (Liang Litang), một lãnh đạo Mặt trận Thống nhất ở Boston, đã gửi những bức ảnh và thông tin chi tiết khác về những người bất đồng chính kiến ​​cho lãnh sự quán Trung Quốc ở New York và các quan chức tại Trung Quốc theo chỉ thị của họ.

Cô Trương, cựu biên tập viên của World Journal cho biết các tổ chức như China Press cũng thực hiện nhiều công việc bí mật hơn cho chế độ này.

Cô cho biết chính quyền Trung Quốc có thể cử nhân sự từ đại lục đến làm việc tại các tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ này, sử dụng các tổ chức này như những vỏ bọc.

Một cựu phóng viên cấp cao đã về hưu của một tờ báo Hoa ngữ ủng hộ Bắc Kinh ở New York đã xác nhận tình hình này với The Epoch Times dưới bí danh Triệu Vy (Zhao Wei). Bà kể lại rằng một người quản lý của China Press đã thừa nhận mình được “điều động đến” từ Trung Quốc.

Theo bà Triệu, người này nói: “Tôi không biết mình có thể làm việc ở đây bao lâu.” Bà nghi ngờ người này là nhân viên của cục tình báo Trung Quốc.

The Epoch Times không thể xác minh độc lập những tuyên bố của bà.

Một số thành viên Quốc hội đã nghiên cứu về lý lịch của China Press nhận thấy điều này thật đáng lo ngại.

China Press có liên hệ sâu sắc với ĐCSTQ nhưng không ghi danh là đại diện ngoại quốc ở Hoa Kỳ

Hồi tháng Ba, Dân biểu Jim Banks (Cộng Hòa-Indiana), người thúc đẩy các biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc, đã giới thiệu một dự luật mang tên “Đạo luật Chống Chiến tranh Chính trị của Trung Quốc” để nhắm vào các nhóm Mặt trận Thống nhất.

Ông nói với The Epoch Times: “China Press được thành lập bởi nhánh tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Mặt trận Thống nhất, với mục đích tẩy bạch cho những tội ác và sự đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ.”

Ông Banks cho biết tờ báo này “cần phải bị điều tra và trừng phạt” vì vi phạm Đạo luật Ghi danh Đại diện Ngoại quốc, vốn yêu cầu các tổ chức đại diện cho lợi ích ngoại quốc phải tiết lộ thông tin.

Ông cho biết, đó là nơi dự luật của ông có thể tạo ra sự khác biệt: trao quyền cho các nhà chức trách “xử phạt các chủ sở hữu thực sự của China Press ở Bắc Kinh vì tiến hành cuộc chiến chính trị chống lại Hoa Kỳ.”

The Epoch Times đã gửi một danh sách các câu hỏi tới China Press, nhưng không nhận được phản hồi trước thời điểm phát hành bản tin này.

Bản tin có sự đóng góp của Hannah Cai và Sophia Lam

Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times