Nghiên cứu: Virus tái hoạt động sau COVID-19 và vaccine COVID-19 có thể liên quan đến tình trạng giảm bạch cầu lympho

Sau khi nhiễm COVID-19 hoặc chích vaccine, một số người bị nhiễm trùng tái phát và nhiễm trùng hiện tại, bao gồm herpes, virus Epstein-Barr (EBV), nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) và thậm chí cả COVID-19.

Một số nghiên cứu mới đang liên kết hiện tượng này với chứng giảm bạch cầu lympho, còn gọi là lymphopenia.

Tế bào lympho là một nhóm lớn các tế bào miễn dịch, bao gồm các tế bào tiêu diệt tự nhiên, đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu diệt tế bào ung thư và tế bào bị nhiễm bệnh. Hàng phòng thủ cuối cùng của cơ thể, tế bào B và T, cũng là các tế bào lympho.

Giảm bạch cầu lympho dai dẳng

Tiến sĩ Keith Berkowitz, bác sĩ nội khoa cho biết, “Thông thường, với bất kỳ loại nhiễm trùng nào, số lượng bạch cầu có thể tăng hoặc giảm, và theo thời gian, lượng bạch cầu sẽ trở lại mức bình thường. Nhưng trong trường hợp giảm bạch cầu lympho, chúng tôi thấy quá trình ức chế diễn ra kéo dài liên quan đến tế bào lympho.”

Tiến sĩ Berkowitz đã điều trị cho hơn 200 bệnh nhân COVID kéo dài và bệnh nhân gặp biến chứng do chích vaccine. Ông nói rằng nhiều bệnh nhân của ông đã làm xét nghiệm [và] có số lượng tế bào T thấp.

Thông thường, tình trạng giảm tế bào miễn dịch sau nhiễm trùng hoặc chích ngừa trở lại mức bình thường khi bệnh nhân bị bệnh nhiễm trùng [khác] sau này. Tuy nhiên, những bệnh nhân của ông vẫn tiếp tục có số lượng tế bào T thấp mặc dù đã bị một bệnh [khác] sau đó.

Giảm bạch cầu lympho dai dẳng là dấu hiệu của suy giảm miễn dịch, có thể khiến mọi người có nguy cơ bị nhiễm trùng cơ hội, bao gồm các bệnh do virus tái phát và nhiễm trùng do vi khuẩn như nhiễm trùng đường tiết niệu.

Tiến sĩ Berkowitz nói rằng một số bệnh nhân nữ của ông có số lượng tế bào T thấp cũng nói rằng họ bị nhiễm trùng đường tiết niệu dai dẳng.

Trong khi nhiễm trùng tiết niệu có xu hướng ảnh hưởng đến phụ nữ cao niên, ông Berkowitz phát hiện rằng phụ nữ trung niên trẻ hơn cũng bị ảnh hưởng tương tự với các bệnh nhiễm trùng dai dẳng, cho thấy khả năng suy giảm miễn dịch tiềm tàng.

Nhiều nghiên cứu cũng báo cáo rằng các bệnh nhiễm virus tái phát như EBV và herpes, khá phổ biến. Theo Tiến sĩ Berkowitz, chúng ta khó phân biệt được liệu các triệu chứng sau nhiễm COVID kéo dài và sau chích vaccine của bệnh nhân là do nhiễm COVID-19, vaccine hay nhiễm virus dai dẳng.

Các triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm tiểu không tự chủ, đi tiểu nhiều hơn bình thường, đi tiểu đau và các bất thường khác của đường tiết niệu. Trước đây Bác sĩ tâm thần Amanda McDonald, người đã điều trị cho hàng trăm bệnh nhân COVID kéo dài và bệnh nhân gặp biến chứng sau chích vaccine, đã nói với The Epoch Times rằng tiểu không tự chủ là một vấn đề phổ biến ở những bệnh nhân có các triệu chứng sau chích vaccine.

Giảm bạch cầu lympho và COVID-19

Chưa rõ lý do tại sao số lượng bạch cầu lympho giảm sau khi nhiễm COVID-19 và sau chích vaccine.

Tuy nhiên, Bác sĩ tâm thần Adonis Sfera, người đã công bố một số nghiên cứu về COVID-19, nói rằng cả virus và protein gai còn sót lại có thể liên kết và tiêu diệt tế bào lympho, dẫn đến chứng giảm bạch cầu lympho.

Virus và protein gai có thể liên kết với các thụ thể ACE-2, CD4 và CD8, tất cả đều có mặt trên bề mặt của tế bào T.

Bên cạnh COVID-19, giảm bạch cầu lympho là một hiện tượng phổ biến xảy ra trong và sau khi mắc các bệnh nhiễm trùng như HIV, cúm và các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác. Vaccine, bao gồm vaccine COVID-19 và cúm, có thể dẫn đến tình trạng giảm bạch cầu lympho tạm thời sau chích ngừa.

Vì giảm bạch cầu có thể là dấu hiệu của cơ thể vẫn đang chống lại nhiễm trùng hoặc mầm bệnh còn sót lại, Tiến sĩ Sfera cho rằng tình trạng giảm bạch cầu lympho dai dẳng ở những bệnh nhân COVID kéo dài và sau chích vaccine cho thấy virus hoặc tàn dư của virus vẫn còn tồn tại.

Không rõ virus và tàn dư của virus có thể tồn tại trong cơ thể trong bao lâu. Nghiên cứu của Tiến sĩ Bruce Patterson, nhà nghiên cứu bệnh học, cho thấy ở những bệnh nhân COVID kéo dài, protein gai có thể tồn tại đến 15 tháng trong các tế bào miễn dịch. Một nghiên cứu khác cho thấy protein gai từ vaccine có thể tồn tại trong 6 tháng.

Tiến sĩ Sfera nói rằng COVID-19 và HIV tương tự nhau ở chỗ cả hai dường như đều gây giảm bạch cầu lympho trong tế bào T và kích hoạt retrovirus nội sinh ở người, còn gọi là HERV.

HERV là gen của con người, được cho là thừa hưởng từ việc nhiễm virus, chiếm 8% bộ gen của con người. Mặc dù HERV không hoàn toàn là gen gây hại, nhưng HERV được kích hoạt trong đợt nhiễm COVID-19 có liên quan đến bệnh nặng và chứng giảm bạch cầu lympho.

Một số nghiên cứu đã nhấn mạnh khả năng giảm tế bào T helper nhiều hơn so với các tế bào T khác sau khi nhiễm COVID-19.

Tế bào T helper trợ là những tế bào quan trọng nhất trong hệ miễn dịch. Những tế bào này điều chỉnh hoạt động của các tế bào khác và thông báo cho các tế bào miễn dịch khác tiếp tục chống lại nhiễm trùng hoặc dừng lại.

Khi mất các tế bào T helper, hệ miễn dịch có thể trở nên tăng viêm và tự gây tổn thương. Điều này cũng có thể giải thích tại sao bệnh nhân bị giảm bạch cầu lympho nhưng lại tăng viêm trong vài ngày đầu sau nhiễm trùng trong đại dịch.

Tiến sĩ Sfera cho biết, “Tế bào T hỗ trợ là những tế bào chủ yếu liên quan đến khả năng chịu đựng của hệ miễn dịch, giống như đối với HIV.”

Giảm bạch cầu lympho kéo dài, ngoài việc dẫn đến suy giảm miễn dịch, còn khiến cơ thể có nguy cơ cạn kiệt miễn dịch.

Trong tình trạng cạn kiệt miễn dịch, các tế bào miễn dịch ngừng phản ứng với virus hoặc tàn dư của virus. Một số nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng đây có thể là những gì đang xảy ra với những bệnh nhân COVID kéo dài và bệnh nhân chích vaccine ngừa virus nhiều lần.

Giảm bạch cầu lympho có thể điều trị được

Nếu nhiễm trùng hoặc bệnh chưa được giải quyết gây giảm bạch cầu lympho dai dẳng, việc điều trị căn bệnh dẫn đến giảm bạch cầu lympho thường là bước đầu tiên trong việc đưa số lượng tế bào lympho về mức bình thường. Các virus tái hoạt động cũng làm kéo dài tình trạng giảm bạch cầu lympho, vì theo bản năng cơ thể sẽ hướng đến việc chống nhiễm trùng.

Việc thiếu hụt một số chất dinh dưỡng nhất định như kẽm, folate và cobalamin (vitamin B-12), có thể gây giảm bạch cầu lympho. Nồng độ sắt cao cũng có thể khiến người ta có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, điều này có thể làm tình trạng giảm bạch cầu trở nên trầm trọng hơn.

Nhiều bệnh nhân có số lượng tế bào T thấp của Tiến sĩ Berkowitz cũng bị căng thẳng thần kinh. Ông Berkowitz phát hiện ra rằng một khi ông làm dịu hệ thần kinh [của bệnh nhân] bằng cách sử dụng liệu pháp truyền dịch tĩnh mạch và các chất bổ sung khuyến khích cơ thể nghỉ ngơi, hệ miễn dịch bắt đầu tự phục hồi, với mức tế bào T trở lại bình thường.

N-acetylcystein, tiền chất của glutathione, một acid amino trong cơ thể, cũng có thể giúp điều chỉnh hệ miễn dịch và khuyến khích sự tăng sinh tế bào lympho. Bệnh nhân bị giảm bạch cầu nặng có thể được điều trị bằng chích immunoglobulin miễn dịch để bảo đảm chức năng miễn dịch. Chích bổ sung các protein kích thích sự phát triển của tế bào miễn dịch cũng có thể làm tăng số lượng tế bào lympho.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Marina Zhang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Marina Zhang là một cây viết về sức khỏe của The Epoch Times, cư trú tại New York. Tốt nghiệp cử nhân y sinh học tại Đại học Melbourne, cô chuyên đưa tin về các câu chuyện về COVID-19 và hệ thống chăm sóc sức khỏe. Quý vị có thể liên lạc với cô qua [email protected].
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn