Nghiên cứu: Virus COVID-19 có thể tồn tại trong phổi 18 tháng mà không bị phát hiện

Nghiên cứu cho thấy virus có thể sống trong phổi tới 18 tháng sau nhiễm trong cái mà các nhà khoa học gọi là ‘ổ chứa virus’

Một nghiên cứu mới cho thấy virus COVID-19 có thể sống trong phổi sau nhiều tháng kể từ khi một người nhiễm bệnh—mặc dù các xét nghiệm không kê đơn (OTC) không phát hiện được virus.

Nghiên cứu trên được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học đến từ Viện Pasteur ở Pháp và được công bố trên tập san Nature Immunology (Miễn dịch học tự nhiên), cho thấy virus có thể sống tới 18 tháng sau khi lây nhiễm trong cái mà các nhà khoa học gọi là “ổ chứa virus” tại phổi.

Nhóm tác giả phát hiện ra cái gọi là ổ chứa virus nhờ việc phân tích mẫu bệnh phẩm từ các mô hình linh trưởng không phải người bị nhiễm virus SARS-CoV-2, nguyên nhân gây ra COVID-19. Kết quả sơ bộ cho thấy virus được tìm thấy trong phổi của một số động vật sau 6 đến 18 tháng nhiễm bệnh, mặc dù virus không được phát hiện trong máu hoặc đường hô hấp trên, chẳng hạn như mũi, họng hoặc thanh quản.

Các nhà nghiên cứu tin rằng những ổ chứa này hoạt động gần giống mạch nước nóng không hoạt động và có thể phun trào bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi được kích hoạt bởi một tác nhân cụ thể. Việc virus tái hoạt động hay không cũng phụ thuộc vào khả năng miễn dịch bẩm sinh của một người.

Để hiểu cách mà miễn dịch bẩm sinh chống lại ổ chứa virus, nhóm tác giả ở Viện Pasteur đã nghiên cứu cách mà đại thực bào và tế bào tiêu diệt tự nhiên hoạt động chống lại virus COVID-19, tìm kiếm manh mối về sự hình thành ổ chứa virus.

Đại thực bào và tế bào tiêu diệt tự nhiên là các tế bào bạch cầu. Trong khi tế bào tiêu diệt tự nhiên chịu trách nhiệm tiêu diệt tế bào bị bệnh thì đại thực bào sẽ loại bỏ tế bào chết và mảnh vụn tế bào. Theo nhóm nghiên cứu, đối với COVID-19, đại thực bào là tế bào chịu trách nhiệm cho phần lớn công việc ở phổi vì chúng chiếm tới 70% lượng bạch cầu trong phổi.

Tế bào tiêu diệt tự nhiên còn được gọi là tế bào lympho, là nền tảng chính của hệ miễn dịch bẩm sinh. Ở một số cá nhân trong nghiên cứu, các tế bào tiêu diệt tự nhiên có thể thích nghi và kiểm soát ổ chứa virus; về bản chất, tế bào hoạt động để làm khô ổ chứa. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng khi tế bào tiêu diệt tự nhiên gia tăng trong máu thì tải lượng virus sẽ giảm. Các tế bào tiêu diệt tự nhiên không thể thích nghi trong một số trường hợp, sẽ tạo điều kiện cho ổ chứa phát triển. Do đó, các nhà nghiên cứu lý giải rằng số lượng tế bào tiêu diệt tự nhiên càng thấp thì một cá nhân càng có nhiều khả năng nhiễm virus COVID-19 dai dẳng hoặc tái phát triệu chứng.

Manh mối về COVID kéo dài

Bà Michaela Müller-Trutwin, người đứng đầu Đơn vị HIV, Inflammation and Persistence của Viện Pasteur, lưu ý trong một thông cáo báo chí rằng việc phát hiện các ổ virus có thể là manh mối giải thích tại sao một số người bị COVID kéo dài.

Trước khi nghiên cứu của Viện Pasteur được công bố, các nhà khoa học tin rằng việc virus COVID-19 tái hoạt động chính là nguyên nhân gây ra COVID kéo dài. Khái niệm về ổ chứa virus đã được xác nhận trong nghiên cứu trước đây. Hơn nữa, nghiên cứu mới khẳng định quan điểm trước đó rằng tình trạng COVID kéo dài có thể là do tế bào miễn dịch hoạt động quá mức, dẫn đến phóng thích lượng lớn chất gây viêm vào cơ thể.

Một cuộc thăm dò của KFF vào tháng 01/2023 cho thấy 28% số người bị COVID-19 đã phát triển thành COVID kéo dài. Tỷ lệ phần trăm có giảm so với lần đầu tiên KFF thăm dò ý kiến ​​người Mỹ vào tháng 06/2022, trong đó 35% số người bị COVID kéo dài.

Viện Y tế Quốc gia (NIH) đã báo cáo các yếu tố rủi ro liên quan đến COVID kéo dài. Theo cơ quan này, những người phải nhập viện do virus, có bệnh lý tiềm ẩn, chưa được chích ngừa hoặc có hội chứng viêm đa hệ thống dễ bị COVID kéo dài hơn.

Trong khi hầu hết người nhiễm COVID-19 đều hồi phục sau vài ngày đến vài tuần, một số người có thể trải qua các triệu chứng trong bốn tuần hoặc lâu hơn. Triệu chứng của COVID kéo dài khá đa dạng, nhưng phổ biến nhất là sốt, mệt mỏi hoặc kiệt sức, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của một người, đồng thời, các triệu chứng cũng trở nên trầm trọng hơn sau khi gắng sức về thể chất hoặc tinh thần. Người bệnh cũng có thể gặp nhiều triệu chứng về hô hấp, tim mạch, thần kinh và tiêu hóa. Cuộc thăm dò của KFF báo cáo rằng tình trạng COVID kéo dài khiến nhiều bệnh nhân bị hạn chế đáng kể trong sinh hoạt, và điều này chiếm đến 79% số người bị bệnh.

Không có phương pháp hoặc cách điều trị cụ thể nào với COVID kéo dài. Kế hoạch điều trị khác nhau tùy theo triệu chứng của từng người bệnh.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amie Dahnke
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do ở tiểu bang California. Bà đưa tin về báo chí cộng đồng và tin tức chăm sóc sức khỏe trong gần một thập niên và đã đạt Giải thưởng Xuất bản Báo chí California cho các tác phẩm đã đăng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn