Các bài báo có sai sót về COVID-19 được trích dẫn trung bình 53 lần trên mỗi bài báo trong nghiên cứu và truyền thông

Một cuộc điều tra về các nghiên cứu liên quan đến COVID-19 cho thấy, trong số hơn 270,000 bài báo được đăng tải kể từ khi đại dịch bắt đầu, có 212 bài báo bị thu hồi được trích dẫn 2,697 lần, với trung vị là 7 và trung bình là 53 lần cho mỗi bài báo.

Một nghiên cứu bị thu hồi đề cập đến việc thuốc chống sốt rét Hydroxychloroquine làm tăng nguy cơ tử vong và rối loạn nhịp tim. Đây là bài báo được trích dẫn nhiều nhất với 1,360 lượt trích dẫn tại thời điểm trích xuất dữ liệu.

Theo ông Steve McDonald, đồng tác giả của cuộc điều tra và là giám đốc của Cochrane Australia, các quy trình xuất bản thường bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Nhà nghiên cứu cao cấp, ông McDonald, cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực nhằm đưa thông tin đến với công chúng một cách nhanh nhất. Cùng với đó, do có nhiều người thực hiện và nhanh chóng công bố nghiên cứu về COVID, số lượng thu hồi đang gia tăng đột biến.”

18% trích dẫn từ các bài báo bị thu hồi mang ý nghĩa quan trọng và “có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăm sóc bệnh nhân,” các tác giả viết trong bài nghiên cứu (pdf).

Bất chấp việc bị thu hồi, các bài báo vẫn gây ra nhiều thiệt hại do được các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này trích dẫn, tạo ra ngày càng nhiều trích dẫn hơn.

Nhiều nghiên cứu cũng được đưa tin trên các phương tiện truyền thông, làm thay đổi xu hướng hoạch định chính sách, bao gồm các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và kiểm soát lây nhiễm, gây ra vô số gián đoạn cho người dân.

Các bài báo có sai sót về COVID-19 được trích dẫn trung bình 53 lần trên mỗi bài báo trong nghiên cứu và truyền thông
Nhân viên chăm sóc sức khỏe Dante Hills (trái) chuyển giấy tờ cho một phụ nữ trong xe tại điểm xét nghiệm COVID-19 bên ngoài Công viên Marlins, tiểu bang Miami, ngày 27/07/2020. (Ảnh: Lynne Sladky/AP Photo)

Việc thu hồi là giải pháp bảo vệ giúp tránh các lỗi và hành vi sai trái, chấm dứt các nghiên cứu ảnh hưởng đến ý tưởng khoa học và thực hành lâm sàng, đồng thời là điều rất quan trọng để duy trì tính toàn vẹn của khoa học.

Tuy nhiên, báo cáo cho thấy ngay cả các tập san y khoa nổi tiếng cũng trở nên hấp tấp trong đại dịch COVID-19.

Điều này xảy ra sau khi hàng trăm bài báo về COVID-19 bị xóa do vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức, chẳng hạn như dùng dữ liệu bệnh nhân giả mạo hoặc đáng ngờ, và bị các tập san y khoa nổi tiếng thu hồi hoặc xóa vĩnh viễn.

Hỗn loạn với các giải pháp điều trị thay thế

Bằng chứng về việc tài liệu nghiên cứu làm thay đổi quỹ đạo ra quyết định của chính phủ được thấy rõ trong trường hợp của kháng thể đơn dòng. Phương pháp này đã làm dấy lên tranh cãi sau khi một số nhà khoa học cho biết một số nhãn hiệu của phương pháp điều trị COVID-19 chính không hiệu quả đối với biến thể Omicron.

Vài tháng sau khi bản in gốc do các nhà khoa học viết được đăng tải, kháng thể đơn dòng “sotrovimb” đã bị mất Giấy phép Sử dụng Khẩn cấp, khiến các nhà hoạch định chính sách chuyển sang dùng thuốc COVID-19, như remdesivir.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) sau đó đã mở rộng chỉ định remdesivir cho điều trị ngoại trú và bệnh nhân nhi.

Cuối cùng, các nhà phê bình phản ứng đại dịch đã đưa kháng thể đơn dòng vào nhóm điều trị thay thế, khiến phương pháp này bị hạn chế dùng hoặc bị công khai xem xét kỹ lưỡng là không an toàn hoặc không hiệu quả.

Các bài báo có sai sót về COVID-19 được trích dẫn trung bình 53 lần trên mỗi bài báo trong nghiên cứu và truyền thông
Một túi truyền kháng thể đơn dòng Regeneron. (Ảnh: Joe Cavaretta/South Florida Sun-Sentinel via AP)

Một ví dụ quan trọng khác về việc chính phủ và Tổ chức Y tế Thế giới đã hành động dựa trên dữ liệu bị nghi ngờ gian lận và không thể kiểm chứng là ví dụ về nghiên cứu hydroxychloroquine.

Được đăng trên tập san Lancet vào tháng 05/2020, nghiên cứu kết luận rằng các loại thuốc hydroxychloroquine và chloroquine làm tăng khả năng tử vong do COVID-19 vào thời điểm mà loại thuốc này phần lớn chưa được thử nghiệm.

Các tác giả của nghiên cứu tuyên bố đã thu thập hồ sơ y tế của gần 100,000 bệnh nhân từ hàng trăm bệnh viện trên sáu lục địa. Nhưng hơn 100 nhà khoa học khi phân tích các phát hiện lại nhận thấy có những vấn đề lớn trong đó, bao gồm điều chỉnh không đầy đủ các biến số, thiếu đánh giá về đạo đức và các con số dường như không liên quan đến bệnh nhân ở Úc và Phi Châu.

Bài báo, dù bị thu hồi sau hai tuần, lại gây chấn động trong giới khoa học, khiến Tổ chức Y tế Thế giới và chính quyền Pháp đình chỉ các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến hydroxychloroquine trong điều trị COVID-19.

Mặc dù một số nghiên cứu cho biết bệnh nhân có thể gặp vấn đề về tim khi dùng hydroxychloroquine hoặc chloroquine, nhưng các loại thuốc này đã được phê duyệt từ nhiều thập niên và được mọi người dùng trong lịch sử để chống lại bệnh sốt rét và các bệnh khác với ít tác dụng phụ.

Tại sao điều này lại xảy ra?

Ông McDonald nói rằng các bản preprint— cho phép tác giả công bố phiên bản đầu tiên của bài báo nghiên cứu trước khi được bình duyệt hoặc đăng tải trên tập san — dẫn đến các bằng chứng khoa học COVID-19 đáng ngờ, vì các học giả có thể khai thác sơ hở trong quy trình.

Hơn nữa, các nghiên cứu bị thu hồi cũng không được quản lý nghiêm ngặt, ông McDonald nói.

Ông nói: “Về lý thuyết, khi mọi người trích dẫn các nghiên cứu bị thu hồi, họ nên trích dẫn theo cách phê phán, chỉ ra rằng những bài báo này bị thu hồi vì nghiên cứu trong đó không đáng tin cậy.”

“Nhưng những gì chúng tôi phát hiện ra là, trên thực tế, trong rất nhiều trường hợp, ngay cả khi nhóm tác giả trích dẫn bài báo bị thu hồi từ rất lâu, họ không hề đề cập đến việc bài báo bị thu hồi.”

“Họ đang lấy đó làm bằng chứng cho thấy ‘sự can thiệp cụ thể này có hiệu quả’, hoặc ‘không có gì là sai trái với nghiên cứu đó’. Do vậy, họ đã trích dẫn các bài báo bị thu hồi một cách thiếu phê phán.”

Khối lượng nghiên cứu về COVID-19 so với các đại dịch khác

Các nguồn khác nhau tuyên bố rằng khoảng 90,000 đến 450,000 bài báo về COVID-19 đã được gửi trực tuyến kể từ khi đại dịch bắt đầu, vượt xa các đại dịch khác “về số lượng.”

Một nguồn tin cho biết gần 28,000 bài báo nghiên cứu về COVID-19 được đăng tải vào năm 2020, tăng đến gần 68,000 bài trong cả năm 2021 và 2022. Trong khi đó, một nghiên cứu khác cho biết có 404,541 bài báo về COVID-19 từ năm 2020 đến năm 2022 được đăng tải.

Viện Thông tin Khoa học đã kiểm tra sự phát triển của các nghiên cứu liên quan đến năm đại dịch—SARS, MERS, H1N1, vi rút Zika và COVID-19.

Họ phát hiện chỉ H1N1 có số lượng nghiên cứu gần bằng COVID-19, đạt mức cao nhất là khoảng 1,300 bài vào năm 2011.

Ông McDonald cho biết đại dịch đã bộc lộ những điểm yếu trong xuất bản khoa học, đây sẽ là lời cảnh báo cho cộng đồng khoa học y tế.

Ông nói: “Việc trích dẫn một cách mù quáng các bài báo — bất kể chúng được công bố ở đâu — mà không đánh giá trước độ tin cậy hoặc tình trạng thu hồi, có thể khuếch đại sai lầm của các nghiên cứu kém chất lượng và gian lận, từ đó gây hại cho chính những người mà nghiên cứu đó lẽ ra giúp ích.”

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Jessie Zhang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Jessie Zhang là một phóng viên thường trú tại Sydney. Cô chuyên đưa tin về các tin tức của Úc, tập trung vào vấn đề về sức khỏe và môi trường. Quý vị có thể liên hệ với cô Zhang qua [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn