Vì sao chúng ta thường ngủ quên trên ghế sofa nhưng lại tỉnh táo khi nằm trên giường?

Có nhiều lý do khiến việc ngủ trên giường trở nên khó khăn, đặc biệt là sau khi thức dậy từ ghế sofa. Vậy đâu là nguyên nhân và làm thế nào để chìm vào giấc ngủ sâu trên giường một cách dễ dàng?

Sau một ngày dài, bạn thả mình xuống ghế sofa và thấy buồn ngủ khi xem TV. Căn phòng đẹp và ấm áp, ghế sofa dễ chịu và tiếng ồn của TV sẽ ru bạn vào giấc ngủ.

Sau đó, một người thân yêu sẽ đánh thức và nhắc bạn đi lên giường để ngủ. Nhưng khi này, bạn lại thấy thất vọng vì mình hoàn toàn tỉnh táo.

Tại sao giấc ngủ đến thật dễ dàng khi nằm trên sofa nhưng lại trằn trọc khi ở trên giường?

Tại sao bạn dễ dàng ngủ quên trên ghế sofa?

Áp lực giấc ngủ là một trong những lý do khiến bạn ngủ quên trên ghế sofa. (Áp lực giấc ngủ là hiện tượng khiến bạn mệt mỏi, buồn ngủ và giúp bạn chìm vào giấc ngủ dễ dàng.) Bạn thức càng lâu thì áp lực giấc ngủ càng lớn.

Nhịp sinh học là một yếu tố khác giúp bạn dễ ngủ. Đây là cơ chế khiến bạn thức vào ban ngày và ngủ vào ban đêm.

Môi trường xung quanh cũng ảnh hưởng đến khả năng chìm vào giấc ngủ. Khi vừa mới ăn xong, bạn thả mình trên chiếc sofa dễ chịu trong căn phòng ấm cúng với ánh sáng mờ, và có thể trước mặt là một chương trình TV. Với nhiều người, đó là môi trường hoàn hảo để chìm vào giấc ngủ.

Vì vậy, vào cuối ngày, khi áp lực giấc ngủ rất cao, nhịp sinh học cho biết đã đến giờ đi ngủ, cộng thêm môi trường xung quanh ấm cúng và thư thái, bạn sẽ dễ dàng đi vào giấc ngủ.

Điều gì xảy ra sau khi ngủ trên ghế sofa?

Thức dậy sau khi chợp mắt một lúc trên ghế sofa, áp lực giấc ngủ của bạn có thể giảm đi nhiều so với thời điểm trước khi ngủ chợp, bạn sẽ tỉnh táo như vừa mới thức dậy. Khi đó, bạn vào giường và sẽ phát hiện rằng cơn buồn ngủ đã biến mất, bạn sẽ trằn trọc mãi trên giường.

Nếu chỉ ngủ quên trên ghế sofa trong năm phút, bạn không gặp quá nhiều khó khăn khi vào giường vì giấc ngủ ngắn khó làm giảm áp lực giấc ngủ. Nhưng nếu thời gian ngủ chợp kéo dài khoảng một tiếng, đó có thể là một câu chuyện khác.

Chu kỳ giấc ngủ cũng có thể gây khó ngủ. Hầu hết chu kỳ giấc ngủ đều dài khoảng 90 phút, bắt đầu bằng giấc ngủ nông, sau đó là giấc ngủ sâu và kết thúc bằng giấc ngủ nông. Nếu thức dậy khi đang ngủ sâu, bạn có thể sẽ cảm thấy choáng váng và dễ quay lại vào giấc ngủ. Nhưng nếu thức dậy khi đang ngủ nông, bạn sẽ khó ngủ lại trên giường.

Sau khi tỉnh dậy khỏi ghế sofa, những hành động như bật đèn sáng hoặc đánh răng cũng khiến cơ thể trở nên tỉnh táo và khó ngủ lại hơn.

Đánh răng trong phòng tắm có ánh sáng chói có thể không tốt với giấc ngủ. (Ảnh: Monkey Business Images/Shutterstock)
Đánh răng trong phòng tắm có ánh sáng chói có thể không tốt với giấc ngủ. (Ảnh: Monkey Business Images/Shutterstock)

Tại sao bạn không thể ngủ lại khi nằm trên giường?

Có nhiều lý do khiến việc ngủ trên giường trở nên khó khăn. Nhiều người cảm thấy lo lắng về việc giấc ngủ có đủ không hay bản thân đã ngủ quá nhanh … khiến việc đi ngủ trở nên khó hơn. Nhưng trên sofa, nơi ít căng thẳng hơn thì họ lại có thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ.

Bạn cũng khó ngủ trên giường hơn vì vệ sinh giấc ngủ kém, bao gồm hành vi trước khi ngủ và môi trường ngủ.

Vệ sinh giấc ngủ tốt hay thói quen ngủ lành mạnh, bao gồm thói quen ngủ đều đặn trước khi đi ngủ, ngủ trong phòng tối, yên tĩnh, và không dùng điện thoại di động trên giường.

Làm thế nào để có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ trên giường hơn?

Đầu tiên, hãy chắc chắn rằng phòng ngủ đã tối, yên tĩnh và dễ chịu. Vào mùa đông, bạn nên bật máy sưởi 20 phút trước khi đi ngủ hoặc mang theo túi chườm nóng khi đi ngủ. Vào mùa hè, bạn có thể cân nhắc dùng điều hòa hoặc quạt để phòng ngủ được mát mẻ.

Nếu bạn thấy dễ ngủ khi bật TV, bạn có thể phát “tiếng ồn trắng” trong phòng khi chìm vào giấc ngủ. Một số bằng chứng cho thấy điều này có thể giúp dễ ngủ hơn bằng cách che đi những tiếng ồn gây rối khác.

Hành vi trước khi đi ngủ cũng ảnh hưởng đến việc dễ đi vào giấc ngủ như thế nào. Bảo đảm việc tuân theo cùng một thói quen đi ngủ mỗi tối (bao gồm cả việc đi ngủ vào cùng một thời điểm) có thể hữu ích.

Ngoài ra, mặc dù khó khăn nhưng hãy cố gắng đừng nhìn vào điện thoại khi ở trên giường. Lướt điện thoại trước khi đi ngủ có thể gây khó ngủ hơn do ánh sáng xanh và tác động tiềm ẩn gây căng thẳng hoặc cảnh báo của nội dung mà bạn xem.

Lời kết

Cách tốt nhất để dễ ngủ trên giường hơn là tránh ngủ trên ghế sofa ngay từ đầu. Khi đó, tất cả áp lực giấc ngủ tích tụ trong ngày sẽ giúp bạn có giấc ngủ sâu trên giường.

Bài viết được tái bản từ The Conversation theo giấy phép Creative Commons. Đọc bài viết gốc tại đây

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn