Trung y: Giải pháp không phẫu thuật cho chứng đau thắt lưng

Bên cạnh khu vực bị đau khu trú, còn có nhiều yếu tố có thể là nguyên nhân căn bản gây ra chứng đau thắt lưng — Trung y đã khám phá những yếu tố này.

Đau thắt lưng là tình trạng phổ biến ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Cơn đau được phân loại là cấp tính nếu kéo dài không quá 4 tuần và bán cấp nếu kéo dài từ 4 đến 12 tuần. Nếu cơn đau kéo dài từ 12 tuần trở lên thì được phân loại là đau thắt lưng mạn tính.

Trong một số trường hợp, chứng đau thắt lưng mạn tính vẫn tồn tại dai dẳng dù đã điều trị. Một số người đáp ứng kém sau phẫu thuật. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ nêu ra các nguyên nhân gây đau thắt lưng, cũng như sự khác biệt giữa phương pháp điều trị bằng Trung y và Tây y.

Nguyên nhân phổ biến gây đau thắt lưng

1. Những thay đổi thoái hóa ở cột sống

Khi con người già đi, đốt sống thắt lưng và đĩa đệm trải qua quá trình lão hóa. Ví dụ, đốt sống thắt lưng có thể phát triển gai xương, có thể kích thích hoặc chèn ép dây thần kinh, dẫn đến đau thắt lưng và co cơ. Các tình trạng như thoát vị đĩa đệm và thoái hoá khớp cũng có thể gây đau thắt lưng.

2. Căng cơ hoặc dây chằng

Loại đau thắt lưng này là cấp tính, thường do các yếu tố như chấn thương, gắng sức quá mức và hình thức tập luyện không đúng cách. Các triệu chứng bao gồm đau dữ dội ở vùng bị thương và hạn chế cử động ở vùng lưng dưới.

3. Ngồi lâu hoặc tư thế kém

Ngồi lâu hoặc duy trì các tư thế sai, chẳng hạn như cúi người, khom lưng hoặc ngồi không đúng cách, có thể làm căng cơ lưng dưới, dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi và cuối cùng gây đau thắt lưng.

4. Thừa cân hoặc béo phì

Thừa cân hoặc béo phì có thể tăng thêm gánh nặng cho thắt lưng, dẫn đến đau thắt lưng.

5. Tình trạng bệnh lý nền

Trong một số trường hợp, đau thắt lưng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác, chẳng hạn như sỏi thận, rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh túi mật. Di căn xương từ khối u hoặc nhiễm trùng xương cũng có thể gây đau thắt lưng.

Điều trị đau thắt lưng

Đối với chứng đau thắt lưng cấp tính, Tây y thường khuyên bạn nên nghỉ ngơi và sử dụng thuốc chống viêm, thuốc giảm đau hoặc thuốc giãn cơ để giảm triệu chứng. Nếu cơn đau kéo dài, có thể chích corticosteroid vào vị trí đau để giảm viêm.

Nếu cơn đau thắt lưng vẫn tiếp diễn dù đã nghỉ ngơi vài tháng, các bác sĩ có thể đề nghị chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ. Nếu những lần chụp này cho thấy các thay đổi thoái hóa như thoát vị đĩa đệm hoặc hình thành gai xương, bệnh nhân có thể lựa chọn điều trị bằng phẫu thuật và theo sau là liệu pháp phục hồi chức năng.

Tuy nhiên, người bệnh nên thận trọng khi đưa ra quyết định phẫu thuật và không nên vội vàng. Lý do là vì nguyên nhân gây đau thắt lưng thường phức tạp và có thể không nhất thiết là do các vấn đề được xác định trong các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Việc trải qua phẫu thuật mà không cân nhắc kỹ lưỡng có thể không giải quyết hiệu quả các vấn đề tiềm ẩn gây đau thắt lưng, và có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau, chẳng hạn như nhiễm trùng và sẹo.

Đau thắt lưng không chỉ là vấn đề khu trú tại vùng lưng dưới, mà còn phản ánh tình trạng sức khỏe tổng thể của cơ thể. Bác sĩ nên phân tích kỹ lưỡng kết quả xét nghiệm hình ảnh, xem xét các yếu tố khác về sức khỏe của bệnh nhân trước khi đề xuất kế hoạch điều trị thích hợp.

Bệnh nhân có thể cân nhắc các phương pháp điều trị bảo tồn như vật lý trị liệu, tập thể dục và châm cứu trước khi lựa chọn phẫu thuật. Giải quyết các yếu tố tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng trong điều trị chứng đau thắt lưng.

Giảm đau lưng bằng Trung y

Một lần nọ, người bạn của tôi ở độ tuổi 50, bị đau thắt lưng trầm trọng khiến ông khó ngồi hoặc đứng lên. Tôi lập tức xoa bóp bấm các huyệt đạo trên tay ông. Có hai huyệt chữa đau thắt lưng trên mỗi bàn tay, nằm giữa xương đốt bàn tay thứ hai và thứ ba, giữa xương đốt bàn tay thứ tư và thứ năm, ở điểm giữa giữa nếp gấp cổ tay và đường đốt ngón tay.

Ông cảm thấy đau nhói ở các huyệt đạo được xoa bóp, nhưng đồng thời, cũng cảm nhận được hơi nóng tỏa ra từ lưng dưới. Sau đó chứng đau thắt lưng của ông đã giảm đáng kể. Sự thuyên giảm nhanh chóng này khiến bạn tôi ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên ông ấy tiếp xúc với tác dụng kỳ diệu của Trung y.

Trung y và Tây y có những hiểu biết khác nhau về nguyên nhân gây đau thắt lưng. Theo Trung y, kinh lạc là những kênh mà năng lượng chảy trong cơ thể con người. Các kinh lạc có nhiệm vụ vận chuyển khí và huyết đi khắp cơ thể. Khí là năng lượng hay sức mạnh cấu tạo nên sự sống trong cơ thể và trong Trung y, tất cả các chất dinh dưỡng bổ sung cho cơ thể đều được gọi chung là huyết.

Cảm xúc có ảnh hưởng đáng kể đến sự lưu thông khí và huyết trong cơ thể. Những cảm xúc mãnh liệt như giận dữ, oán giận, trầm cảm, buồn bã và thất vọng có thể làm gián đoạn dòng chảy này, dẫn đến sự trì trệ và ứ đọng. Điều này sau đó có thể gây đau thắt lưng.

Một cảm xúc khác có liên quan chặt chẽ đến chứng đau thắt lưng là sợ hãi. Theo Trung y, nỗi sợ hãi có thể trực tiếp gây hại cho thận và làm suy yếu thận khí, biểu hiện là đau ở một hoặc cả hai bên lưng dưới.

Liệu pháp năng lượng

Đối với cơn đau thắt lưng cấp tính, tốt nhất nên bắt đầu bằng việc nghỉ ngơi, tránh hoạt động quá mức hoặc nâng vật nặng để phần lưng dưới được thư giãn và hồi phục. Các liệu pháp năng lượng điều trị bảo tồn, chẳng hạn như liệu pháp nhiệt, xoa bóp, bấm huyệt và châm cứu, có thể được sử dụng để giảm đau thắt lưng và viêm.

Trung y tin rằng các cơ quan nội tạng được kết nối với bề mặt cơ thể qua những kinh lạc. Dọc theo các kinh lạc là những điểm cụ thể được gọi là huyệt, có chức năng độc đáo. Bằng cách kích thích các huyệt tương ứng qua các kỹ thuật như châm cứu và xoa bóp, có thể điều trị các bệnh liên quan đến các cơ quan cụ thể.

Năm 2017, Hiệp Hội Bác sĩ nội khoa Hoa Kỳ (American College of Physicians) đã ban hành hướng dẫn thực hành lâm sàng điều trị chứng đau thắt lưng, cho thấy rằng hầu hết bệnh nhân bị đau thắt lưng cấp tính hoặc bán cấp tính sẽ cải thiện theo thời gian, bất kể sử dụng phương pháp điều trị nào. Đối với những bệnh nhân bị đau thắt lưng mạn tính, các phương pháp điều trị không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp và tập thể dục nên được cân nhắc trước tiên.

Một nghiên cứu khác lưu ý rằng đối với những bệnh nhân mắc chứng rối loạn sử dụng opioid, liệu pháp opioids hoặc các thuốc khác có thể đặc biệt có hại, nêu bật tầm quan trọng của các phương pháp điều trị không dùng thuốc trong việc kiểm soát cơn đau mãn tính cho những bệnh nhân này.

Quản lý cảm xúc tiêu cực

Quản lý cảm xúc và trạng thái tinh thần của một người sẽ liên quan đến sự điều chỉnh năng lượng. Một nghiên cứu được công bố trên Tập san The Lancet vào năm 2021 đưa ra kết luận rằng chứng đau thắt lưng mạn tính là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội. Các sự kiện chấn thương tâm lý có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm cơn đau thắt lưng.

Bệnh nhân bị đau thắt lưng nên cố gắng hiểu và suy ngẫm về cảm xúc của mình. Xả bỏ những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, oán giận, sợ hãi, đồng thời duy trì lối suy nghĩ lạc quan và bình yên là một điểm trọng yếu khác, có thể giúp giảm nhẹ và điều trị chứng đau thắt lưng.

Đại Hải biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm Thần Học Tích Hợp," "Các Vấn Đề về Thuốc," và "Liệu Pháp Tích Hợp cho Bệnh Ung Thư." Ông cũng là đồng tác giả "Hướng về Phương Đông: Bí Quyết Cổ Xưa về Sắc Đẹp+Sức Khỏe cho Thời Hiện Đại" của HarperCollins và "Châm Cứu Lâm Sàng và Trung Y" của Oxford Press.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn