Thầy thuốc kể chuyện: Bệnh Rắn bay

Một ngày nọ trời trong nắng ấm, tôi nhìn thấy một ông lão khoảng 85 tuổi ở trước quầy ghi danh. Đôi mày ông lão nhíu chặt cau lại trên gương mặt già nua với những nếp nhăn in dấu thời gian, sắc mặt u ám, ánh mắt u buồn, còn cái miệng thì dẫu lên ước chừng có thể treo được xâu thịt. Thực không biết là trong tâm của ông đang oán hận ai, hay là do bị đau đớn bệnh tật nào đó hành hạ?

Khi ông bước vào phòng khám, tôi hỏi ông: “Bác ơi, bác có chỗ nào không thoải mái ư?” Trong ánh mắt ngờ vực kia của ông, dường như đang tự hỏi liệu Trung y có thể chữa trị bệnh của ông không? Ông do dự một chút, rồi nói bằng tiếng Đài Loan với vẻ bất mãn: “Bị bệnh rắn bay đó! Cũng đã hai năm rồi mà vẫn còn đau, đã đi khám ở vài vị bác sĩ rồi đều không hết được! Loại bệnh này rốt cuộc có chữa trị được không?” Vì vậy, tôi lập tức kiểm tra các vị trí nhiễm bệnh của ông. Bề ngoài chỉ còn lại một số vết sẹo, mụn nước hẳn là đã khỏi, nhưng vẫn còn để lại di chứng đau thần kinh, dọc theo bên sườn phải, chạy thẳng đến phần lưng gần huyệt Cao hoang. Điều này đối với chất lượng giấc ngủ vốn đã kém thực sự là càng tăng thêm gánh nặng, khác nào đã rét vì tuyết lại lạnh vì sương. Tiếp đó tôi nói với ông: “Bác à, tuổi của bác cũng lớn rồi, sức đề kháng, khả năng phục hồi sẽ kém một chút. Cháu giúp bác chữa trị phục hồi thần kinh bị tổn thương, có được không ạ?” Khuôn mặt của ông cụ vẫn biểu lộ vẻ nghi ngờ.

Bệnh “rắn bay,” trong y học còn gọi là bệnh Zona, nguyên nhân là do virus varicella zoster gây ra, thường xuất hiện ở một bên cơ thể. Vị trí phát bệnh thông thường ở vùng ngực, thắt lưng, tay chân, trên mặt ở phần đầu, rất dễ phát bệnh vào mùa xuân và mùa thu. Lúc đầu sẽ xuất hiện những mụn nước có kích thước bằng hạt gạo, đậu xanh, đậu nành, tập trung thành từng dải, dọc theo vùng phân bố thần kinh ngoại biên và vùng chi phối thần kinh cảm giác, gây đau dọc theo các đầu dây thần kinh. Ban đầu khi mới xuất hiện, các vết ban sẽ có màu đỏ, sau 1 đến 2 ngày sẽ mọc lên mụn nước, dần dần trở thành vết lở loét; sau vài ngày da sẽ chuyển thành vảy màu nâu sẫm, vảy sẽ khô và tróc ra, rồi khỏi hẳn.

Bình thường, quá trình bệnh kéo dài khoảng ba tuần, sau khi bệnh hết sẽ miễn dịch, sau đó không bị tái phát lại nữa. Chỉ có một số ít trường hợp nặng, những người có hệ thống miễn dịch yếu kém là ngoại lệ; nếu không được điều trị tốt, sẽ để lại di chứng đau dây thần kinh sau khi khỏi bệnh. Trong thời gian phát bệnh, các hạch bạch huyết sưng to, có hiện tượng sốt nhẹ, mệt mỏi, không muốn ăn, da ngứa, có cảm giác nóng rát, giống như kiến bò. Thông thường, bệnh thường xâm lấn vào dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh sinh ba, dây thần kinh eo, trong đó thường gặp nhất là dây thần kinh liên sườn, còn đối với các kinh mạch thì nhiều nhất là ở kinh Thiếu dương đảm và Đới mạch.

Trong Trung y, bệnh Zona thần kinh còn được gọi với các tên như: Hỏa đái sang, tri chu sang, xà đan, xà xuyến sang, triền yêu hỏa đan. Còn trong dân gian, dựa vào hình dạng vết lở loét có dạng chuỗi, phát triển như hình dáng con rắn nên gọi là “phi xà” (rắn bay). Theo dân gian tương truyền, nếu “phi xà” phát triển ra toàn thân thành một vòng thì sẽ “gặp Diêm Vương.” Nguyên nhân của bệnh thông thường do Can và Đảm (gan và mật) hỏa nhiệt, Can kinh thấp nhiệt, tỳ thấp nội uẩn, xen lẫn phong thấp nhiệt ngưng kết mà tạo thành, liên lụy Can tâm tỳ phế kinh (các kinh gan, tim, tỳ, phổi).

Người mắc bệnh này không nên đến gần trẻ nhỏ, vì trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, dễ có nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, vì rắn thích ăn trứng nên trong thời gian bị bệnh không nên ăn trứng; ăn ít các loại thực phẩm gây kích thích, tôm, cua, bí đỏ, măng, thịt đầu heo, các loại cá có mùi quá tanh, đồ ướp lạnh, đồ uống lạnh. Vì rắn sợ lửa, nên nếu tạm thời không có loại thuốc nào đặc trị thì hãy dùng lửa để hơ chỗ đau. Mặc dù “phi xà” không phải là rắn, mà các mụn nước thuộc các chứng nhiệt, theo lý thì nên dùng các loại thuốc có tính hàn lương để điều trị, nhưng phương pháp này (hơ lửa) là do người xưa lưu truyền lại, quả thực rất hữu hiệu.

Phương pháp thực liệu trị chứng

  1. Đậu đen xanh lòng 01 chén, cam thảo 02 lát. Dùng 03 chén nước sắc còn 01 chén, dùng nước uống.
  1. Bồ công anh 3 chỉ (10 chỉ là 01 lượng), rau sam 03 chỉ, đại thanh diệp 03 chỉ, sắc lấy nước uống thay trà.
  1. Ý dĩ 01 chén, thêm 03 chén nước, nấu còn 01 chén nước, lấy nước uống trước, sau đó ăn hạt ý dĩ, có tác dụng kiện tỳ lợi thấp.
  1. Trước bữa cơm uống 50cc nước dây mướp, nếu người có bệnh nghiêm trọng thì uống 100cc; sau khi bệnh giảm bớt, thì dùng nước dây mướp phun vào vết đau.
  1. Đại thanh diệp 05 chỉ, sài hồ 05 chỉ, cho thêm 03 chén nước nấu còn 02 chén; chắt lấy nước thuốc cho vào 01 lạng gạo tẻ, một ít đường trắng, nấu thành cháo, ăn liên tục trong 06 ngày.

Phương pháp dân gian Đài Loan

Rắn sợ nhất là con rết, nên trị bệnh xà nên dùng con rết. Các loại thảo dược có thể dùng trị bệnh phi xà gồm: Bạch vĩ ngô công (Cân cốt thảo, tên khoa học Ajuga macrosperma Wall. ex Benth), Ngô công thảo (Cây cỏ rết, tên khoa học Eremochloa ciliaris), Bán chi liên (Hoàng cầm râu, tên khoa học Scutellaria barbata).

Bạch vĩ ngô công là cây cỏ mọc thành bụi có nụ hoa bao quanh một vòi, thuộc họ Hoa môi, thường gặp mọc ven đường nông thôn ở vùng đồng bằng đến vùng núi trung du ở Đài Loan, dùng lá của nó làm thuốc. Ngô công thảo có lá giống con rết, là loại cỏ có nhiều đốt thuộc họ Polygonaceae, thường gặp mọc trong vườn nhà, sử dụng lá của cây này làm thuốc. Bán chi liên dùng cả cây. Có thể chọn một trong ba loại dược thảo này, dùng nước đun sôi để nguội rửa sạch, không được để nước lã dính vào, sau đó cho rượu gạo đã được làm nóng vào giã nhuyễn.

Sau đó dùng cọ lông hoặc tăm bông nhúng vào nước thuốc rồi chấm vào “mắt rắn.” Mắt rắn là hai vết mụn rộp mọc đầu tiên, hoặc chọn hai vết mẩn đỏ nhất. Chấm xong mắt rắn, lại bôi thuốc theo vòng tròn xung quanh bên ngoài vùng bị đau cách từ 2-5cm, chú ý bôi vòng tròn từ ngoài tiến vào trong, như vậy mới có thể bao vây tổ rắn. Nếu bôi từ vòng trong ra vòng ngoài, rắn sẽ bay đi, để lại di chứng đau dây thần kinh. Người xưa nói rằng phương pháp này thực sự hiệu quả.

Điều trị bằng châm cứu:

Các huyệt chính gồm huyệt Dương lăng tuyền và Chi câu. Huyệt Dương lăng tuyền là kinh huyệt thuộc Túc thiếu dương đảm kinh, có tác dụng thông gan lợi đảm, tả thấp nhiệt. Huyệt Chi câu là kinh huyệt thuộc Thủ thiếu dương Tam tiêu kinh, có tác dụng thông kinh mạch, tiêu ứ, thông quan khai khiếu. Đối với chứng đau dây thần kinh liên sườn, nên châm cứu tại huyệt Dương lăng tuyền trước, rồi sau đó châm huyệt Chi Câu. Để đả thông kinh mạch giúp giảm đau, châm các huyệt Nội quan, Ngoại quan, Hợp cốc và Khúc trì. Kiện tỳ lợi thấp, châm các huyệt Túc tam lý và Tam âm giao. Khư phong giải độc, châm các huyệt Khúc trì, Huyết hải.

Để điều trị sẹo vết loét, châm xung quanh vết loét, tức là cách chỗ bị loét khoảng 1cm, châm theo chiều ngang về phía trung tâm một góc 15 độ. Cũng có thể dùng kim hoa mai để châm vào vùng mụn nước lở loét, cho đến khi hơi ửng đỏ là được. Ngoài ra, vì rắn sợ lửa nên có thể dùng cây ngải cứu để cứu (đốt) vùng bị lở loét, mỗi ngày thực hiện cứu ít nhất 30 phút, hiệu quả vô cùng tốt. Thực hiện cứu như vậy cho đến khi vết loét khô đi, cơn đau sẽ không còn tái phát nữa. Vì vết loét mụn nước của ông lão đã lành nên không cần thực hiện phương pháp điều trị như vậy.

Đây là lần đầu tiên ông châm cứu, nên cảm giác châm tương đối nhẹ. Châm cứu xong, tôi đều quan sát sắc mặt của bệnh nhân để kiểm tra tình trạng bệnh. Tôi thấy sắc mặt của ông chuyển sang hồng hào, hẳn là đã dễ chịu hơn rồi, nên hỏi ông: “Bác ơi, bác thấy khá hơn không?” Vẻ mặt ông vẫn tỏ ra khó chịu, nói một câu lạnh lùng: “Căn bản chẳng có gì khác cả!”

Ba ngày sau tái khám, ông nói sườn ngực đã không còn đau nữa, chỉ còn phần lưng vẫn đau. Có lẽ là do phản ứng vận chuyển khí trong cơ thể ông còn hơi chậm. Lại thực hiện trị liệu thêm 6 lần nữa, thì ông đã hoàn toàn hết đau. Để tăng cường hiệu quả của quá trình trị liệu, tôi thực hiện châm cứu thêm hai lần, cuối cùng ông đã nở nụ cười rồi ra về.

(Bài viết trích từ cuốn “Minh Huệ Chẩn Gian – Dung quang tất chiếu” [Tạm dịch: Phòng khám Minh Huệ – Nét mặt tỏa sáng], của bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung, do Nhà xuất bản Bác Đại – Đài Loan ấn hành).

Lam Yên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Ôn Tần Dung
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung hiện là Giám đốc Phòng khám Trung y Minh Huệ ở thành phố Đài Trung, Đài Loan. Bà đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong tiếp xúc và điều trị bằng Trung y, đã thực hiện trên 3 triệu mũi kim châm cứu. Bà lĩnh hội sâu sắc sự huyền diệu vô cùng của Trung y. Bà đã tập hợp những kinh nghiệm quý báu từ việc hành nghề y trong nhiều thập niên của mình để viết thành sách. Sau khi được ấn hành, các tác phẩm này rất được đón nhận. Trong đó, bà phân tích từ nông cạn đến thâm sâu bệnh lý, hướng điều trị. Đồng thời bà rất chú trọng và quan tâm đến trạng thái tâm lý, cảm xúc của bệnh nhân, cố gắng giải khai những khúc mắc tâm lý của họ, vì bà quan niệm rằng “Vạn bệnh do tâm sinh.” Bà cũng là một trong những tác giả chuyên trang Trung y trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn