Phụ nữ nên đồng bộ cuộc sống theo chu kỳ kinh nguyệt để giảm hiện tượng mất cân bằng nội tiết

Phương pháp điều chỉnh lối sống và thực đơn ăn uống của người phụ nữ theo nhịp điệu tự nhiên của chu kỳ kinh nguyệt đã trở nên phổ biến.

Đồng bộ cuộc sống theo chu kỳ kinh nguyệt nhằm mục đích giúp phụ nữ quản lý hormone tốt hơn. Theo bà Alisa Vitti, bác sĩ sức khỏe toàn diện và chuyên gia về hormone, người đã đưa ra thuật ngữ “đồng bộ hóa chu kỳ” vào năm 2014, việc cân bằng lại hormone có thể giúp duy trì sức khỏe và sức sống.

Bà Vitti đã viết ba cuốn sách về cách phụ nữ có thể điều chỉnh theo chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên để tối đa hóa sức khỏe và hạnh phúc.

Sự dao động nội tiết tố dẫn đến những thay đổi về tình trạng viêm, trao đổi chất và hoạt hoá cơ, ảnh hưởng đến mức năng lượng và hiệu suất của cơ thể.

Do đó, việc đồng bộ cuộc sống theo chu kỳ kinh nguyệt sẽ điều chỉnh các bài tập và phương pháp ăn uống cho từng giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt để cân bằng hormone tốt hơn, từ đó có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cải thiện mức năng lượng, ít triệu chứng tiền kinh nguyệt hơn, và sức khỏe tổng thể tốt hơn.

Đồng bộ cuộc sống theo chu kỳ kinh nguyệt

Bà Vitti ủng hộ việc phụ nữ gặp vấn đề về kinh nguyệt hãy cố gắng lên kế hoạch cho các hoạt động hàng tháng xoay quanh những giai đoạn chính của chu kỳ kinh nguyệt.

Chu kỳ kinh nguyệt bao gồm bốn giai đoạn: nang trứng (tiền rụng trứng), rụng trứng (kỳ rụng trứng), hoàng thể (tiền kinh nguyệt), và kinh nguyệt (hành kinh).

Theo nghiên cứu của bà, các tác vụ và sự kiện cụ thể sẽ tối ưu trong những khoảng thời gian nhất định của chu kỳ.

Ví dụ, giai đoạn nang trứng là thời điểm hoàn hảo để thực hiện các dự án lớn mới, vì phụ nữ có xu hướng nhiều năng lượng hơn trong nửa đầu chu kỳ. Giai đoạn rụng trứng rất tốt cho các cuộc họp và đàm phán, còn giai đoạn hoàng thể rất tốt cho việc tổ chức.

Trong thời kỳ hành kinh, mức năng lượng chậm lại, nhưng hai bên não phải và trái của người phụ nữ vẫn giao tiếp nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong tháng. Đây là thời điểm lý tưởng để đưa ra quyết định và thực hiện các dự án sáng tạo.

Việc áp dụng vào thực tế sẽ khó hơn nói lý thuyết, đặc biệt đối với những người có chu kỳ không đều. Việc lập kế hoạch cho mọi khía cạnh của cuộc sống theo chu kỳ cũng mất nhiều công sức chuẩn bị.

Tuy nhiên, bà Vitti cho biết ngay cả những điều chỉnh nhỏ cũng có thể giúp giảm mạnh các triệu chứng và mất cân bằng nội tiết tố. Chẳng hạn, việc đảm nhận các công việc tiêu tốn nhiều năng lượng trong giai đoạn hành kinh vốn có mức năng lượng thấp, có thể dẫn đến căng thẳng và kiệt sức thêm.

Nghi lễ truyền thống

Trong một số nền văn hóa cổ xưa, chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ được coi trọng. Một số bộ lạc Thổ dân [da đỏ] cho rằng phụ nữ đang có kinh nguyệt có sức mạnh tinh thần mạnh mẽ và tìm kiếm lời khuyên cũng như hướng dẫn từ họ.

Ở một số vùng ở Ghana và Tây Phi, các cô gái trẻ ngồi dưới những chiếc ô nghi lễ xinh đẹp khi bắt đầu hành kinh.

Alma Gottlieb, giáo sư nhân chủng học tại University of Illinois, nói với NPR (Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia Hoa Kỳ), “Gia đình sẽ tặng quà và bày tỏ lòng kính trọng đối với cô ấy. Cô ấy được tôn vinh như nữ hoàng.”

Trong những thập niên qua, quan điểm văn hóa về kinh nguyệt đã thay đổi, thường thay thế sự tôn trọng bằng định kiến về những người phụ nữ cáu kỉnh vì “thời điểm đó trong tháng.”

Phụ nữ ngày nay cũng không được dạy phải tôn trọng chu kỳ hành kinh. Nhiều người được khuyến khích điều khiển chu kỳ kinh nguyệt hoặc thậm chí kiểm soát kinh nguyệt bằng cách sử dụng các đơn thuốc. đồng bộ cuộc sống theo chu kỳ kinh nguyệt mang đến một cách truyền thống và hợp lý hơn để quản lý khía cạnh này của người phụ nữ.

Ngọc Thuần biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Jessie Zhang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Jessie Zhang là một phóng viên thường trú tại Sydney. Cô chuyên đưa tin về các tin tức của Úc, tập trung vào vấn đề về sức khỏe và môi trường. Quý vị có thể liên hệ với cô Zhang qua [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn