Hướng dẫn cơ bản về bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và các phương pháp tự nhiên

Hơn 50% phụ nữ và khoảng 12% nam giới bị nhiễm trùng đường tiết niệu ít nhất 1 lần trong đời.

Nhiễm trùng đường tiết niệu [hay đường tiểu] (UTI) xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập đường tiết niệu, gây ra triệu chứng tiểu rát. UTI có thể dẫn đến các triệu chứng trầm trọng hơn và các biến chứng khác nếu không được điều trị [kịp thời].

UTI rất phổ biến ở phụ nữ và không hiếm gặp ở nam giới. Khoảng 50% đến 60% phụ nữ sẽ bị nhiễm trùng đường tiểu ít nhất một lần trong đời, trong khi chỉ khoảng 12% nam giới bị tình trạng này. Trên toàn cầu, số ca bị UTI được báo cáo đã tăng từ khoảng 252 triệu ca vào năm 1990 lên khoảng 404 triệu ca vào năm 2019.

Theo Tổ chức Chăm sóc Tiết niệu, UTI là loại nhiễm trùng phổ biến thứ hai xảy ra trong cơ thể và là nguyên nhân của hơn 8 triệu lượt khám bệnh mỗi năm.

Mặc dù hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu đều không nghiêm trọng và dễ điều trị. Tuy nhiên, tình trạng này có thể nguy hiểm nếu nhiễm trùng di chuyển đến thận và xâm nhập vào máu, dẫn đến nhiễm trùng máu.

Trên trang web American Medical Association (Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ), Tiến sĩ Jennifer J. Bryan cho biết, “UTI thường được coi là vấn đề nhỏ nhưng lại có khả năng đe dọa đến tính mạng. Đây không phải là điều chúng ta có thể xem nhẹ. Do đó, ngay cả khi các triệu chứng là không đáng kể, quý vị vẫn cần điều trị bệnh.”

Các loại nhiễm trùng đường tiết niệu

Đường tiết niệu bao gồm niệu đạo, bàng quang, niệu quản và thận tạng. UTI ảnh hưởng đến niệu đạo (gây viêm niệu đạo), bàng quang (gây viêm bàng quang) hoặc thận tạng (dẫn đến viêm bể thận).

Hầu hết các loại nhiễm trùng đường tiểu được coi là “nhiễm trùng đường tiểu dưới” vì bộ phận bị ảnh hưởng là đường tiết niệu dưới (bàng quang và niệu đạo). UTI tiến triển qua niệu quản (là ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang) vào thận được gọi là “nhiễm trùng đường tiểu trên” và cần điều trị tích cực.

Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của nhiễm trùng đường tiết niệu

Các triệu chứng và dấu hiệu của UTI có thể bao gồm:

  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu.
  • Cảm thấy cần đi tiểu (tiểu gấp).
  • Nước tiểu có màu đỏ máu hoặc đục.
  • Đi tiểu thường xuyên.
  • Căng tức hoặc đau ở vùng bụng dưới.
  • Nước tiểu có mùi hôi.

Tùy vào vị trí bị nhiễm trùng mà các triệu chứng khác nhau, chẳng hạn:

  • Thận: Đau lưng hoặc đau bên hông, sốt, ớn lạnh, buồn nôn, nôn.
  • Bàng quang: Căng tức vùng chậu, khó chịu ở vùng bụng dưới, đi tiểu thường xuyên và/hoặc đau khi đi tiểu, tiểu ra máu.
  • Niệu đạo: Cảm giác nóng rát khi đi tiểu, tiết dịch.

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi có thể khó chẩn đoán hơn vì nhóm đối tượng này có thể không biểu hiện các triệu chứng điển hình hoặc họ gặp khó khăn khi miêu tả các triệu chứng.

Nguyên nhân của nhiễm trùng đường tiết niệu

UTI xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo. Những vi khuẩn này, điển hình là Escherichia coli (E. coli), có thể đến từ âm đạo, hậu môn, ống thông tiểu hoặc nhiễm trùng bộ phận sinh dục. Phụ nữ dễ bị UTI hơn nam giới do cấu trúc giải phẫu của họ, vì niệu đạo của nữ rất gần hậu môn và lỗ niệu đạo nằm gần bàng quang.

Hướng dẫn cơ bản về bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và các phương pháp tự nhiên
Vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo và di chuyển vào đường tiết niệu. Hầu hết các Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra ở niệu đạo và bàng quang. (Ảnh minh hoạ: The Epoch Times/Shutterstock)

Hoạt động tình dục cũng có thể đưa vi khuẩn vào đường tiết niệu. Các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (STI) như: mụn rộp, lậu và chlamydia, cũng có thể gây ra UTI ở niệu đạo, còn được gọi là viêm niệu đạo.

Ai có nguy cơ cao bị UTI?

Các yếu tố sau đây khiến một người có nguy cơ bị UTI cao hơn:

  • Tuổi tác: Người lớn tuổi dễ bị nhiễm trùng đường tiểu hơn, chiếm hơn 1/3 trong tổng số các ca nhiễm trùng liên quan đến viện dưỡng lão. Sau khi mãn kinh, phụ nữ dễ bị tái phát nhiễm trùng đường tiểu hơn do những thay đổi ở vùng âm hộ, một hiện tượng được gọi là hội chứng tiết niệu sinh dục thời kỳ mãn kinh (GSM).
  • Giới tính: Do đặc điểm giải phẫu học của phụ nữ, bao gồm cả niệu đạo ngắn hơn, phụ nữ có khả năng bị bệnh này cao hơn nam giới gấp 30 lần.
  • Hoạt động tình dục.
  • Tiền sử nhiễm trùng đường tiểu.
  • Những thay đổi về vi khuẩn âm đạo “tốt” do các yếu tố như mãn kinh hoặc dùng chất diệt tinh trùng.
  • Các vấn đề về cấu trúc trong đường tiết niệu, như phì đại tuyến tiền liệt.
  • Vệ sinh kém khi đi vệ sinh, đặc biệt là trẻ em.
  • Trào ngược bàng quang niệu quản: Đây là tình trạng mà nước tiểu bị đẩy ngược lên đường [tiết niệu] về phía bàng quang. Trào ngược bàng quang niệu quản phổ biến ở trẻ em bị UTI.
  • [Chỉ số] đường huyết cao.
  • Sỏi thận.
  • Hệ miễn dịch bị ức chế.
  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Đặt ống thông tiểu: UTI là loại nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc sức khỏe phổ biến nhất được báo cáo cho Mạng lưới An toàn Y tế Quốc gia [Hoa kỳ] (NHSN). Bệnh nhân nhập viện cần đặt ống thông tiểu đặc biệt có nguy cơ bị UTI. Hiện tượng này được gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu liên quan đến ống thông (CAUTI). Khi nhiễm trùng đường tiểu xảy ra ở bệnh viện, khoảng 75% là do đặt ống thông tiểu.

Một số người dễ bị UTI phức tạp, vốn là những bệnh nhiễm trùng có nguy cơ thất bại cao khi điều trị. Tại Hoa Kỳ, hơn 626,000 người nhập viện mỗi năm vì nhiễm trùng đường tiểu phức tạp, chiếm khoảng 1,8% tổng số ca nhập viện. Các nhóm dân số sau đây có nhiều nguy cơ bị UTI phức tạp:

  • Người bị nhiễm trùng đường tiểu tái phát: Nhiễm trùng đường tiểu tái phát được định nghĩa là bệnh nhân bị ít nhất 2 lần nhiễm trùng trong vòng 6 tháng hoặc 3 lần nhiễm trùng trong vòng 1 năm. UTI tái phát thường gặp ở phụ nữ trẻ có hoạt động tình dục và những người có đặc điểm giải phẫu học đường tiết niệu bất thường.
  • Bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
  • Nam giới.
  • Phụ nữ mang thai.
  • Người bị sỏi tắc nghẽn niệu quản.
  • Người dùng ống thông tiểu kéo dài.
  • Người bị nhiễm trùng đường tiểu tái phát kháng điều trị.

Cách chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu

Nếu bác sĩ nghi ngờ quý vị bị nhiễm trùng đường tiểu, trước tiên quý vị sẽ được yêu cầu xét nghiệm nước tiểu. Đầu tiên, quý vị đi tiểu vào lọ [đựng mẫu thử nước tiểu], sau đó lọ đựng mẫu nước tiểu sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra nitrit, esterase bạch cầu và các tế bào bạch cầu. Nếu [bệnh nhân] thường xuyên tái phát UTI hoặc kháng điều trị, có thể cần phải thực hiện các xét nghiệm bổ sung như sau:

  • Cấy nước tiểu: Trong xét nghiệm này, một mẫu nước tiểu sẽ được yêu cầu xét nghiệm để phát hiện các loại vi khuẩn khác nhau. Phải mất từ ​​1 đến 3 ngày để vi khuẩn phát triển trong đĩa nuôi cấy và cuối cùng, sẽ kiểm tra độ nhạy của vi khuẩn với các loại kháng sinh khác nhau.
  • Siêu âm thận: Đặc biệt đối với trẻ em, có thể cần phải thực hiện các xét nghiệm khác, bao gồm siêu âm thận.
  • Chụp X-quang bàng quang niệu đạo ngược dòng (VCUG): VCUG cũng có thể cần thiết cho trẻ em. VCUG là một loại tia X để kiểm tra đường tiết niệu. Một ống thông được đưa vào niệu đạo và bàng quang chứa đầy thuốc cản quang. Sau đó, [kỹ thuật viên] sẽ chụp X-quang khi bàng quang đầy nước và khi cạn nước. Xét nghiệm này giúp chẩn đoán tình trạng trào ngược bàng quang niệu quản [nước tiểu từ bàng quang chảy ngược lên niệu quản] và các vấn đề khác trong cấu trúc [đường tiết niệu].
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh CT chính xác hơn chụp X-quang thông thường. Chụp CT có thể giúp phát hiện các vấn đề trong cấu trúc [đường tiết niệu].
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kỹ thuật này được chỉ định cho bệnh nhân bị UTI tái phát, để phát hiện các bất thường về cấu trúc trong đường tiết niệu.
  • Nội soi bàng quang: Trong xét nghiệm này, bác sĩ dùng một dụng cụ mỏng gắn camera và đưa vào niệu đạo để có thể quan sát bàng quang. Xét nghiệm này có thể cần thiết đối với các trường hợp nhiễm trùng tiểu tái phát hoặc nhiễm trùng không đáp ứng với điều trị.

Các biến chứng của UTI?

Nếu UTI không được điều trị kịp thời và tình trạng trở nên trầm trọng hơn, có thể gây ra các các biến chứng sau:

  • Nhiễm trùng thận: Nhiễm trùng thận xảy ra nếu vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiểu dưới di chuyển lên đường tiết niệu trên và vào thận. Các triệu chứng của nhiễm trùng thận bao gồm: buồn nôn, nôn, sốt, ớn lạnh và đau lưng hoặc đau hông.
  • Nhiễm trùng máu: Nếu nhiễm trùng thận không được điều trị, có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, một tình trạng đe dọa đến tính mạng.
  • Tổn thương thận: Nhiễm trùng đường tiểu nặng nếu không được điều trị có thể gây tổn thương thận vĩnh viễn và thận mất chức năng lọc hiệu quả.
  • Hẹp niệu đạo: Tình trạng này xảy ra ở nam giới bị nhiễm trùng niệu đạo nhiều lần. Tình trạng này phổ biến ở nam giới hơn nữ giới, thường do nam giới dễ bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục hơn. Tuyến tiền liệt bị phì đại hoặc bị nhiễm trùng có thể làm phức tạp thêm tình trạng hẹp niệu đạo.
  • Sinh non: Phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai có thể sinh con sớm hoặc sinh con nhẹ cân.

Các phương pháp điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Các loại thuốc kháng sinh phổ biến nhất để điều trị UTI đơn giản bao gồm:

  • Doxycycline.
  • Ciprofloxacin/levofloxacin.
  • Trimethoprim và sulfamethoxazole.
  • Fosfomycin.
  • Nitrofurantoin.
  • Cephalexin.
  • Ceftriaxone.

Thông thường, những loại thuốc kháng sinh này được kê toa dùng trong khoảng một tuần. Bệnh nhân cần uống hết đợt kháng sinh đã được kê, ngay cả khi họ cảm thấy khỏe hơn, để ngăn ngừa tái phát triệu chứng và sự phát triển của vi khuẩn kháng kháng sinh. Trong trường hợp nhiễm trùng đường tiểu tái phát, có thể phải dùng kháng sinh liều thấp trong thời gian dài hơn.

Cách suy nghĩ ảnh hưởng đến nhiễm trùng đường tiết niệu như thế nào?

Mặc dù, một lối suy nghĩ tích cực thì không đủ để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiểu, nhưng người ta đã chứng minh rằng các triệu chứng đường tiết niệu dưới có liên quan đến lo âu và trầm cảm.

Các nhà nghiên cứu tại University of Southern California cho biết, vẫn chưa biết rõ chính xác về mối liên quan tự nhiên giữa các triệu chứng bàng quang và các biện pháp tâm lý xã hội. Đây có thể là do sự tương tác phức tạp giữa khả năng di truyền, các yếu tố tâm lý xã hội và căng thẳng môi trường.

Các nhà nghiên cứu viết rằng, chỉ giải quyết các triệu chứng có thể không đủ đối với một số bệnh nhân có vấn đề đường tiết niệu vốn liên quan đến lo âu, trầm cảm hoặc căng thẳng.

Việc điều trị kịp thời UTI bằng thuốc và tìm kiếm các giải pháp dài hạn cho UTI tái phát, giúp giảm nhẹ nỗi đau đớn cho bệnh nhân. Bệnh nhân với các triệu chứng có vẻ liên quan đến căng thẳng, có thể cần được [bác sĩ] tư vấn hoặc tìm những cách khác để cải thiện sức khỏe tâm thần, giúp ứng phó hoặc kiểm soát UTI.

Các phương pháp tự nhiên điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

Một số nghiên cứu cho thấy uống nước ép trái nam việt quất giúp làm giảm tỷ lệ bị UTI ở phụ nữ. Nam việt quất chứa các hợp chất như A-type proanthocyanidins (PACS), anthocyanins, acid benzoic, D-mannose và acid ursolic. PACS đã được chứng minh là có tác dụng ngăn vi khuẩn E. coli bám vào các tế bào biểu mô tiết niệu trong đường tiểu.

Mặc dù có thể bổ sung Nam việt quất bằng cách uống viên nang hoặc uống nước ép trái Nam việt quất, nhưng nên bảo đảm sản phẩm chứa khoảng 175mg hợp chất Nam việt quất trên mỗi gram. Theo một bài viết của tờ Reuters, ít hơn mức đó có thể tác dụng không hiệu quả.

Các nhà nghiên cứu khác đã khám phá các men vi sinh giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiểu ở phụ nữ. Theo các nhà nghiên cứu ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy có thể dùng [men vi sinh] như bước đầu tiên trong việc điều chỉnh [hệ vi sinh vật trong nước tiểu] nhằm giảm nguy cơ hoặc như một cách điều trị một số bệnh tiết niệu. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều thử nghiệm lâm sàng hơn để xác định hiệu quả thực sự của men vi sinh. Trong một bài viết của hãng thông tấn Reuters còn lưu ý rằng lợi khuẩn Lactobacillus, có trong hầu hết các chế phẩm sinh học, có thể ức chế mạnh mẽ vi khuẩn E.coli.

D-mannose [một loại đường đơn tự nhiên] là thành phần có trong nhiều thương hiệu thực phẩm bổ sung điều trị UTI. Chất này được tìm thấy trong trái nam việt quất và các loại trái cây khác, được cho là có tác dụng ngăn vi khuẩn bám vào các tế bào trong đường tiết niệu. Một đánh giá gần đây về các cuộc điều tra liên quan đến dùng D-mannose lưu ý rằng, nghiên cứu cho thấy D-mannose “có thể giúp cải thiện tỷ lệ phục hồi lâm sàng/triệu chứng sau UTI. Đôi khi, tác dụng của D-mannose thậm chí còn nhanh hơn một số loại kháng sinh. Đặc biệt, D-mannose còn có tiềm năng phòng ngừa bệnh bằng cách làm giảm nguy cơ bị [UTI tái phát].” Thực phẩm bổ sung điều trị UTI có thể ở dạng bột hoặc viên nang.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng quan sát thấy rằng việc kết hợp kháng sinh với D-mannose “có thể tăng cường hiệu quả điều trị.” Họ cũng lưu ý, “để dự phòng trong việc giảm [UTI tái phát], D-mannose dường như có tiềm năng lớn với ít tác dụng phụ nhất.”

Các hợp chất tự nhiên khác có thể giúp điều trị UTI bao gồm:

  • Uva ursi (lá Dâu gấu): Dâu gấu là một thành phần khác, thường được dùng trong các phương pháp tự nhiên điều trị UTI. Tại Đức, Dâu gấu đã được phê chuẩn để điều trị nhiễm trùng bàng quang. [Tuy nhiên], không nên dùng Dâu gấu quá 2 tuần để không làm tổn hại thận và gan. Cũng đã có các báo cáo về khả năng gây ung thư khi dùng Dâu gấu kéo dài do hydroquinone, chất chuyển hóa kháng khuẩn có trong Dâu gấu.
  • Tỏi: Đặc tính kháng khuẩn của tỏi chủ yếu là do thành phần allicin trong tỏi. Trong ít nhất 2 trường hợp nghiên cứu cho thấy, tỏi cũng có tính kháng viêm và [mang lại] nhiều hứa hẹn trong việc điều trị UTI.
  • Trà xanh: Nghiên cứu trên động vật cho thấy, các polyphenol trong trà xanh có hoạt tính kháng khuẩn chống lại E. coli. Ngoài ra, trà xanh còn giúp tăng tác dụng của thuốc kháng sinh, vốn thường được kê đơn điều trị nhiễm trùng đường tiểu.
  • Curcumin: Trong một thử nghiệm lâm sàng có đối chứng cho thấy, chất curcumin (hợp chất trong nghệ tạo nên màu vàng của củ nghệ), kết hợp với các loại thực vật khác, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiểu tái phát ở phụ nữ sau mãn kinh. Curcumin cũng ức chế sự phát triển màng sinh học của các mầm bệnh liên quan đến việc gây ra UTI.
  • Trái việt quất: Trái việt quất có đặc tính tương tự như trái nam việt quất về tác dụng đối với UTI. Hợp chất hoá học tanin có trong trái việt quất và Nam việt quất làm giảm sự bám dính của vi khuẩn vào thành bàng quang. Một số người có thể thích nước ép trái việt quất hơn Nam việt quất vì việt quất ít đắng hơn.
  • Berberine: Là hợp chất alkaloid hoạt tính có trong các loại thảo dược như Hải cẩu vàng (Goldenseal). Do có đặc tính kháng khuẩn, berberine được dùng để điều trị UTI. Berberine hoạt động bằng cách ngăn vi khuẩn như E. coli bám dính vào thành bàng quang.

Pelvic Awareness Project (Dự án Nâng cao Nhận thức về Vùng chậu) khuyến nghị phụ nữ đang bị nhiễm trùng đường tiểu nên tránh ăn trái cây có tính acid, thức ăn cay nóng, đường và tinh bột cũng như chất làm ngọt nhân tạo. Các loại thực phẩm này có thể gây kích ứng bàng quang, cũng như rượu và caffeine có thể gây mất nước. Bất kể quý vị áp dụng phương pháp nào để điều trị UTI, điều quan trọng là cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể để loại bỏ vi khuẩn khỏi hệ thống .

Cách ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu

Một nghiên cứu của các Phật tử Đài Loan cho thấy, thực đơn ăn chay làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu do nhiễm khuẩn E. coli. Nguyên nhân có thể là do thịt (thịt bò, thịt gia cầm và thịt lợn) dễ bị nhiễm E. coli hơn và việc loại bỏ thịt ra khỏi thực đơn ăn uống làm giảm lượng vi khuẩn E. coli trong phân. Tuy nhiên, chiến lược này chỉ nhắm đến một nguồn lây nhiễm vi khuẩn có thể gây ra nhiễm trùng đường tiểu.

Những cách thiết thực hơn giúp ngăn ngừa UTI bao gồm:

  • Uống nhiều nước.
  • Đi tiểu thường xuyên. Đừng nín tiểu lâu hơn mức cần thiết và luôn làm trống bàng quang.
  • Cân bằng độ pH bằng thực đơn ăn uống lành mạnh: Tình trạng nước tiểu bị acid quá có thể gây kích ứng thành bàng quang. Nhưng khi nước tiểu bị kiềm quá có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Cân bằng lượng thức ăn có tính acid, như cam quýt và cà phê, với lượng thức ăn có tính kiềm, như rau và trái cây không phải họ cam. Tránh hoàn toàn thực phẩm chế biến và đường tinh luyện nếu có thể.
  • Thực hành vệ sinh tốt (phụ nữ nên lau “từ trước ra sau” sau khi đi vệ sinh).
  • Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục để loại bỏ vi khuẩn.
  • Tránh dùng chất diệt tinh trùng nếu trước đây chất này đã từng gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Đối với phụ nữ sau mãn kinh: Hãy hỏi bác sĩ xem liệu pháp estrogen có hữu ích hay không.
  • Uống men vi sinh và ăn thực phẩm lên men như sữa chua, bắp cải muối chua và kim chi.
  • Uống nước ép trái nam việt quất hoặc việt quất không đường. Tránh hỗn hợp cocktail vốn thường chứa đường bổ sung và các thành phần gây kích ứng khác.
  • Cân nhắc bổ sung D-mannose.

Đã được xem xét về mặt y tế bởi bác sĩ BeverlyTimeding.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Susan C. Olmstead
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Susan C. Olmstead viết về sức khỏe và y học, thực phẩm, các vấn đề xã hội và văn hóa. Tác phẩm của cô được đăng trên The Epoch Times, Children's Health Defense, Salvo Magazine và nhiều ấn phẩm khác.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn