Các dấu hiệu sớm tiềm ẩn của ung thư tuyến tụy: Kinh nghiệm từ các trường hợp lâm sàng

Ung thư tuyến tụy có thể xuất hiện với các triệu chứng thường liên quan đến các bệnh khác, do đó việc theo dõi sớm các dấu hiệu như vậy có thể giúp chẩn đoán sớm.

Ung thư tuyến tụy là một căn bệnh nguy hiểm, các dấu hiệu ban đầu thường bị bỏ qua khiến nhiều bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Để nâng cao nhận thức cộng đồng, chúng tôi đã khám phá các trường hợp bệnh nhân thực tế để giúp xác định các dấu hiệu ban đầu của ung thư tuyến tụy.

Ung thư tuyến tụy thường khó phát hiện sớm

Do tính chất khó nắm bắt của các triệu chứng ban đầu, ung thư tuyến tụy thường không được phát hiện ở giai đoạn đầu. Vào thời điểm được chẩn đoán, ung thư đã lan sang các mô xung quanh hoặc các cơ quan khác, khiến cho căn bệnh này trở thành bệnh ở giai đoạn muộn và không thể phẫu thuật cắt bỏ.

Điều trị ung thư tuyến tụy giai đoạn muộn bao gồm hóa trị, xạ trị và liệu pháp miễn dịch nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của ung thư, nhưng những phương pháp này không mang lại hiệu quả chữa khỏi.

Phẫu thuật vẫn là một lựa chọn điều trị tiềm năng cho bệnh ung thư tuyến tụy khi căn bệnh được phát hiện từ rất sớm, ở trạng thái chưa di căn.

Tỷ lệ sống sau 5 năm chẩn đoán ung thư tuyến tụy chỉ là 12%. Bệnh nhân được chẩn đoán bệnh ung thư tuyến tụy giai đoạn muộn thường sống sót trong khoảng một năm sau chẩn đoán. Đối với những người được chẩn đoán trước khi khối u xâm lấn hoặc di căn, thời gian sống sót trung bình là từ 3 đến 3.5 năm.

Khoảng 10% bệnh nhân được chẩn đoán sớm ung thư tuyến tụy có thể được chữa khỏi sau khi điều trị.

Việc phát hiện sớm ung thư tuyến tụy là rất quan trọng để điều trị và tiên lượng.

Phân tích trường hợp các triệu chứng sớm

Bốn trường hợp lâm sàng sau đây minh họa các dấu hiệu sớm tiềm ẩn của ung thư tuyến tụy.

Trường hợp 1: Triệu chứng giống bệnh tiểu đường

Ông Lee, 58 tuổi, trước đây được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2 và đang điều trị. Mặc dù không có tiền sử gia đình và duy trì thói quen sinh hoạt đều đặn nhưng đột nhiên ông xuất hiện các triệu chứng của bệnh tiểu đường như khát nước quá mức, đi tiểu thường xuyên và sụt cân đáng kể.

Sau đó, ông đến gặp tôi để tìm cách điều trị chứng đau lưng dưới với hy vọng có thể giảm bớt cơn đau bằng phương pháp châm cứu của Trung y. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, tôi nhận thấy ông có triệu chứng vàng da kín đáo nên đề nghị ông đi khám bác sĩ nội khoa.

Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện ông Lee không hề mắc bệnh tiểu đường hay thoát vị đĩa đệm thắt lưng mà là ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu. Khối u tuyến tụy của ông nằm gần túi mật, khiến ông bị vàng da.

Một nghiên cứu tổng quan được công bố trên Tập san BMJ vào năm 2015 đã tìm thấy mối quan hệ tuyến tính giữa nồng độ đường trong máu lúc đói và tỷ lệ mắc ung thư tuyến tụy trong phạm vi tiền tiểu đường và tiểu đường. Cứ tăng 0.56 milimol/lít lượng đường trong máu lúc đói thì tỷ lệ mắc ung thư tuyến tụy tăng 14%.

Trường hợp này nhấn mạnh sự cần thiết phải cảnh giác nếu một người trung niên đột nhiên xuất hiện các triệu chứng của bệnh tiểu đường mà không có tiền sử gia đình hoặc thói quen sinh hoạt không lành mạnh, vì đây có thể là dấu hiệu sớm của ung thư tuyến tụy.

Trường hợp 2: Mệt mỏi và trầm cảm

Cô Wong, 45 tuổi, vui vẻ và có cuộc sống gia đình hòa thuận, không có vấn đề gì về sức khỏe. Tuy nhiên, cô bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và cảm xúc xuống thấp, thiếu năng lượng cho bất kỳ hoạt động nào. Có lúc, cô cảm thấy vô cùng đau buồn, thậm chí rơi nước mắt.

Nghi ngờ mình có thể đang gặp phải các triệu chứng trầm cảm, cô đã đến gặp bác sĩ tâm thần. Khi kiểm tra, người ta xác nhận rằng cô ấy có tất cả các dấu hiệu điển hình của bệnh trầm cảm – giảm cảm giác thèm ăn, sụt cân, mệt mỏi, khó tập trung, thiếu hứng thú với các hoạt động và mất ngủ. Vì vậy, cô đã được kê đơn thuốc chống trầm cảm nhưng không thấy cải thiện. Cô cũng đã thử liệu pháp tâm lý, nhưng bác sĩ tâm thần không thể xác định được nguyên nhân tâm lý cụ thể nào.

Một số triệu chứng của cô Wong khiến chúng tôi lo ngại. Cô thường xuyên bị đau bụng, mặc dù không nghiêm trọng nhưng lan ra các vùng xung quanh. Ngoài ra, cô còn bị trào ngược acid dạ dày nghiêm trọng và bị chướng bụng.

Trong những trường hợp như vậy, điều quan trọng là phải xem xét khả năng các yếu tố khác gây trầm cảm, một trong số đó có thể là khối u. Sự hiện diện của khối u có thể dẫn đến việc sản xuất các cytokine gây viêm. Ngược lại, điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa các chất dẫn truyền thần kinh trong não, bao gồm serotonin và adrenaline, cả hai đều đóng vai trò điều chỉnh tâm trạng. Hơn nữa, các khối u có thể kích hoạt một số tế bào viêm thần kinh, dẫn đến phản ứng căng thẳng gia tăng nhanh chóng, ảnh hưởng đến não và tuyến thượng thận, từ đó làm tăng nguy cơ trầm cảm.

Sau một loạt xét nghiệm và thăm khám, cô Wong được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy. May mắn thay, cô được phát hiện tương đối sớm và cô đã trải qua một cuộc phẫu thuật cắt bỏ một phần và điều trị thành công căn bệnh ung thư của mình.

Một nghiên cứu được công bố trên Molecular Psychiatry (Tập san Tâm thần học Phân tử) vào năm 2019 cho thấy rằng trầm cảm và lo lắng được chẩn đoán lâm sàng có liên quan đến tỷ lệ mắc ung thư cao hơn, tỷ lệ sống sót sau ung thư thấp hơn và tỷ lệ tử vong do ung thư cụ thể cao hơn.

Một nghiên cứu khác cho thấy bệnh nhân ung thư tuyến tụy có nhiều khả năng bị trầm cảm và lo lắng đồng thời và dường như có mối liên hệ sinh học. Ở một số bệnh nhân, trầm cảm có thể là dấu hiệu báo trước của ung thư tuyến tụy.

Điều này cho thấy rằng khi ai đó bị trầm cảm không rõ nguyên nhân, đặc biệt nếu kèm theo các triệu chứng tiêu hóa và tiền sử gia đình mắc bệnh di truyền, nên xem xét khả năng có khối u.

Trường hợp 3: Tiêu chảy và táo bón

Ông Vương, 60 tuổi, có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, gần đây ông bị tiêu chảy mạn tính, thỉnh thoảng bị táo bón. Sự hiện diện của cả tiêu chảy và táo bón cho thấy hội chứng ruột kích thích, một tình trạng thường liên quan đến sự thay đổi tâm trạng và căng thẳng tâm lý. Tuy nhiên, ông Vương không gặp bất kỳ vấn đề về rối loạn cảm xúc nào.

Vì vậy, chúng tôi khuyên ông nên tiến hành kiểm tra thêm để điều tra bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào khác. Trong quá trình nội soi, người ta phát hiện một khối tắc nghẽn cục bộ trong ruột của ông, do một khối u có nguồn gốc từ tuyến tụy. Nếu được phát hiện sớm, can thiệp phẫu thuật kịp thời và điều trị bổ sung dự kiến sẽ mang lại tiên lượng thuận lợi.

Các vấn đề về đường tiêu hóa mạn tính cần được xem xét nghiêm túc nếu triệu chứng kéo dài mà không cải thiện. Điều đặc biệt quan trọng là phải quan sát xem phân có màu đen hay không, vì nó có thể cho thấy khả năng chảy máu hoặc thiếu máu, cần chú ý kỹ hơn đến khả năng có khối u.

Trường hợp 4: Cách ăn uống không lành mạnh

Ông Trương bị béo phì do thói quen ăn uống không lành mạnh từ lâu, bao gồm thức ăn chiên rán, thức uống có đường, thịt và đồ ngọt. Ông cũng không vận động thể chất trong thời gian dài. Nhận thức được những nguy cơ sức khỏe liên quan đến béo phì, ông quyết định cải thiện cách ăn uống của mình. Sau khi bắt đầu ăn uống lành mạnh hơn, ông đã giảm cân nhanh chóng. Tuy nhiên, ông nhận thấy rằng sau một thời gian, ông đã trở nên hơi thiếu cân. Ông cũng cảm thấy chán ăn, mệt mỏi rõ rệt, tâm trạng thấp và mức năng lượng giảm. Ông Trương đã đến bệnh viện để xét nghiệm nhưng không tìm ra nguyên nhân cụ thể nào gây ra các triệu chứng của mình.

Sau khi bị đau bụng đột ngột, ông đến phòng cấp cứu. Ở đó ông được chụp CT và kết quả cho thấy một khối u ở tuyến tụy, sau đó được chẩn đoán là ung thư tuyến tụy.

Một nghiên cứu cho thấy rằng béo phì có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy qua các cơ chế khác nhau, bao gồm viêm, kháng insulin và thay đổi hệ vi sinh vật.

Thói quen không lành mạnh lâu dài có thể làm tăng nguy cơ phát triển khối u. Do đó, bạn cần sớm nhận ra nhu cầu thay đổi lối sống càng sớm càng tốt. Tất nhiên, các yếu tố di truyền khác cũng cần được xem xét.

Tóm tắt các triệu chứng tiềm ẩn của ung thư tuyến tụy

Những trường hợp trên đây nhắc nhở chúng ta phải cảnh giác về khả năng mắc bệnh ung thư tuyến tụy nếu xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Lượng đường trong máu tăng đột ngột
  • Trầm cảm không rõ nguyên nhân
  • Giảm cân nhanh chóng
  • Mệt mỏi không rõ nguyên nhân
  • Đau bụng hoặc đau lưng
  • Các vấn đề về đường tiêu hóa dai dẳng

Việc phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng đối với bệnh ung thư tuyến tụy. Tôi hy vọng bài viết này đóng vai trò như một lời nhắc nhở hữu ích cho mọi người.

Thu Anh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm Thần Học Tích Hợp," "Các Vấn Đề về Thuốc," và "Liệu Pháp Tích Hợp cho Bệnh Ung Thư." Ông cũng là đồng tác giả "Hướng về Phương Đông: Bí Quyết Cổ Xưa về Sắc Đẹp+Sức Khỏe cho Thời Hiện Đại" của HarperCollins và "Châm Cứu Lâm Sàng và Trung Y" của Oxford Press.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn