Bệnh sỏi túi mật thường xuất hiện triệu chứng sau bữa ăn thịnh soạn

Một số bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ hoặc có tiền sử bệnh sỏi túi mật phải đến gặp bác sĩ chỉ sau một bữa ăn thịnh soạn.

Hầu hết mọi người đều mong muốn được ăn ngon nhân dịp lễ. Tuy nhiên, đối với 1% dân số, cảm giác khó chịu xuất hiện khoảng 20 phút sau bữa tối và cuối cùng họ phải gặp bác sĩ tiêu hóa trong vòng vài ngày.

Đó là một trong những chuyện mà Tiến sĩ Daniel Davila, bác sĩ phẫu thuật đường tiêu hóa tại Trường Y khoa Feinberg thuộc Northwestern University nhận thấy hàng năm, bắt đầu từ sau Lễ Tạ ơn.

Ông nói với The Epoch Times, “Thông thường, triệu chứng này liên quan đến bệnh sỏi mật, một căn bệnh không hiếm gặp, đặc biệt là ở người Mỹ. Sỏi mật thường được sinh ra sau bữa ăn có nhiều chất béo. Đặc biệt là sau Lễ Tạ ơn, không có gì lạ khi chúng tôi thấy bệnh nhân đến khám vì bữa ăn Lễ Tạ ơn, thường nhiều chất béo, đã gây ra các triệu chứng mới hoặc trầm trọng hơn liên quan đến sỏi mật.”

Sỏi mật — được tạo thành từ cholesterol hoặc bilirubin — có thể nhỏ như hạt cát hoặc lớn như quả bóng golf. Túi mật có thể tạo ra một hoặc hàng trăm viên sỏi mật với nhiều kích cỡ và chủng loại khác nhau. Căn bệnh này phổ biến hơn ở các nước phát triển. Những người có nguy cơ sỏi mật cao hơn bao gồm những phụ nữ có nhiều estrogen, người lớn tuổi và những người có tiền sử gia đình bị sỏi mật. Các triệu chứng tương tự như viêm loét bao tử, viêm ruột thừa, viêm tụy và bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Một cơ quan giống như túi nhỏ ở góc phần tư phía trên bên phải của bụng, túi mật lưu trữ mật. Mật rất cần thiết để phân hủy chất béo thành acid béo trong quá trình tiêu hóa.

Dịch mật — bao gồm chủ yếu là cholesterol, muối mật và bilirubin — được tạo ra bởi gan và được dự trữ trong túi mật cho đến khi cơ thể có tín hiệu sẽ được đổ vào đường mật rồi đi đến đến tá tràng, lối vào ruột non.

Tiến sĩ Davila cho biết, “Một số tế bào trong ruột non phát hiện bữa ăn nhiều chất béo và gửi một loại hormone đến túi mật để túi mật tiết ra nhiều mật hơn. Đôi khi, những viên sỏi ở đó và gây ra các triệu chứng và làm cho bệnh nhân đau đớn.”

Nguyên nhân có thể do sỏi bị kẹt trong đường mật, gây ra cơn đau quặn mật, có thể dẫn đến viêm túi mật, cũng như tổn thương cơ quan, đường mật hoặc gan. Sỏi cũng có thể khiến mật ứ lại trong đường mật và tràn vào các cơ quan lân cận như tuyến tụy, gây viêm tụy.

Cơn đau quặn mật

Tiến sĩ Davila cho biết các cơn đau quặn mật thường kéo dài khoảng ba đến bảy tiếng. Khi cơn đau dịu đi, điều đó thường có nghĩa là những viên sỏi đã tự rớt vào ruột.

Ông nói, “Đối với những người bị đau dai dẳng và kéo dài trong bảy tiếng… những viên sỏi đó có thể không biến mất và họ có thể cần phải đến bệnh viện cấp cứu để được đánh giá. Căn bệnh này thực sự có thể xảy ra với bất cứ ai. Thông thường, bệnh nhân thậm chí còn không biết mình bị sỏi mật.”

Theo Viện Đái tháo đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia, có khoảng 25 triệu người ở Hoa Kỳ bị sỏi mật, ảnh hưởng đến 15% dân số. Hàng năm có khoảng 1 triệu người được chẩn đoán bệnh sỏi mật, có khoảng 25% bệnh nhân được điều trị, thường bằng phẫu thuật.

Dược sĩ Loredana Shapson, dược sĩ, huấn luyện viên sức khỏe và bác sĩ trị liệu dinh dưỡng chức năng cho biết, “Cơn đau quặn mật rất dữ dội. Cách điều trị khẩn cấp để thoát khỏi cơn đau là cắt bỏ túi mật. Hãy nghĩ xem những ống dẫn mật đó nhỏ đến mức nào. Khi bạn nói về đá, bạn đang nói về những vật sắc nhọn giống như pha lê. Cuối cùng những viên sỏi mật ấy sẽ làm rách các mô tế bào.”

Sống không có túi mật

Bởi vì bạn có thể sống mà không cần túi mật nên phẫu thuật cắt túi mật — phẫu thuật phổ biến đối với bệnh sỏi mật có biến chứng — không được coi là nguy cơ đối với sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống. Gan của bạn vẫn sản xuất ra đủ lượng mật cần thiết. Nhưng nó có thể không đủ để tiêu hóa những bữa ăn lớn hoặc nhiều chất béo.

Mặc dù phẫu thuật cắt túi mật nói chung là an toàn nhưng tất cả các ca phẫu thuật đều có rủi ro do gây mê và tổn thương các cơ quan lân cận. Theo bệnh viện Mayo Clinic, những biến chứng cắt túi mật khác bao gồm rò rỉ dịch mật, chảy máu, nhiễm trùng, cục máu đông và viêm phổi. Nếu không có túi mật, nhu động ruột có thể trở nên yếu ớt hoặc không nhất quán.

Bà Shapson nói, “Bạn không nhận được [mật] vào bữa ăn vì không có mật dự trữ. Bạn không thể ăn một số loại thực phẩm vì nó gây khó chịu cho dạ dày. Sau đó, bạn sẽ bị hạn chế một số thực phẩm. Khi không có túi mật, bạn sẽ thường bị táo bón.”

Biến chứng của sỏi mật có thể bao gồm buồn nôn và nôn, sốt, ớn lạnh, vàng da, nước tiểu có màu trà và phân nhạt màu. Quá trình biến đổi chính xác của mật thành sỏi vẫn chưa được hiểu đầy đủ.

Điều trị bảo tồn túi mật

Nghiên cứu mới hơn đang cân nhắc chỉ định phẫu thuật cắt túi mật vì đau và sỏi. Một nghiên cứu được công bố trên tờ The Lancet năm 2019 đã kết luận rằng một số nhóm bệnh nhân nhất định không được hưởng lợi từ việc cắt bỏ túi mật.

Trong ba năm, 1,067 bệnh nhân đã được phân tích: 537 bệnh nhân được áp dụng phác đồ “điều trị bình thường” và 530 bệnh nhân được áp dụng phác đồ “hạn chế phẫu thuật”. Bệnh nhân được theo dõi trong một năm và kết quả 56% không bị đau ở nhóm hạn chế, so với 60% ở nhóm điều trị thông thường. Ngoài ra, nhóm hạn chế có 358 ca cắt túi mật, so với 404 ở nhóm điều trị thông thường.

Tiến sĩ Philip de Reuver, bác sĩ phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Đại học Radboudumc nói, “Chúng tôi phải kết luận rằng phương pháp hạn chế không giải quyết được vấn đề. Việc cắt bỏ túi mật cũng không hiệu quả, bởi vì một năm sau thủ thuật, khoảng 40% vẫn còn các triệu chứng.” Tác giả chính của nghiên cứu cho biết trong một tuyên bố, “Cần có nghiên cứu mới xác định được bệnh nhân nào, với loại triệu chứng nào, được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​phẫu thuật cắt túi mật.”

Các nhà nghiên cứu tin rằng những bệnh nhân không có lợi từ phẫu thuật cắt túi mật có thể được xác định trước. Họ đã hoàn thành một nghiên cứu tiếp theo và phát triển một ứng dụng để giúp bệnh nhân và bác sĩ phẫu thuật đưa ra đánh giá tốt hơn.

Phẫu thuật cắt túi mật không phải là phương pháp điều trị duy nhất cho sỏi túi mật, nhưng ursodiol, loại thuốc dùng để phá vỡ sỏi có thể được kê đơn, mặc dù phải cần nhiều tháng hoặc nhiều năm điều trị.

Phương pháp tán sỏi, sử dụng sóng xung kích để phá vỡ sỏi mật thành những mảnh nhỏ hơn, hiếm khi được sử dụng—thường kết hợp với thuốc ursodiol.

Bà Shapson cũng giúp đỡ những bệnh nhân muốn tránh phải cắt bỏ túi mật bằng nhiều loại thực phẩm bổ sung và thay đổi lối sống.

Bà Shapson nói, “Bạn có thể cứu túi mật, ngay cả khi nó đầy cặn bùn, đầy sỏi và thực sự bị tắc nghẽn. Mọi người có thể vượt qua khi họ bắt đầu cảm thấy khó chịu ở vùng hạ sườn phải. Nếu bắt đầu đủ sớm, bạn có thể nắm bắt được nó trước khi rơi vào tình trạng đau đớn tột cùng.”

Theo bà, chìa khóa là làm loãng mật bằng cách:

  • Uống nước ấm với chanh vào buổi sáng để kích thích hệ tiêu hóa.
  • Uống enzyme tiêu hóa.
  • Ăn các thực phẩm có vị đắng, chẳng hạn như rau arugula, trước mỗi bữa ăn.
  • Ăn củ cải đường giúp lưu thông mật tốt hơn.
  • Uống đủ nước.
  • Ăn chất béo lành mạnh.

Bà Shapson nói, “Tránh dùng dầu hạt, hãy dùng dầu bơ, dầu dừa, dầu ô liu, dầu mè và dầu hạt mắc ca cũng như mỡ động vật hữu cơ ăn cỏ. Ngay cả khi bị bệnh sỏi túi mật, bạn vẫn nên ăn chất béo vì lợi ích tăng tiết dịch mật, nếu đường mật có sỏi bùn cũng sẽ bị thải ra ngoài.”

Cân nặng cũng là một yếu tố

Viện Y tế Quốc gia cũng đề nghị nên ăn ít carbohydrate tinh chế, ít đường và ăn nhiều thực phẩm dồi dào chất xơ. Điều quan trọng nữa là giảm cân theo cách lành mạnh. Béo phì có liên quan đến bệnh sỏi túi mật.

“Thật khó để nói rằng bệnh sỏi túi mật có liên quan đến cách ăn uống không, đặc biệt là trong một thế giới đầy rẫy những loại thuốc [dành cho] ăn kiêng thì ngay cả việc giảm cân cũng là yếu tố nguy cơ gây sỏi mật,” Tiến sĩ Davila nói, “Chúng tôi nhận thấy trong nhóm bị sỏi mật có nhiều bệnh nhân giảm cân nhanh hoặc đã phẫu thuật để giảm cân.”

Ông cho biết, mối liên hệ đó có thể là do rối loạn nội tiết tố hoặc liên quan đến những thay đổi trong quá trình trao đổi chất. Sống lành mạnh bao gồm bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây bệnh cũng như giảm căng thẳng – yếu tố giúp ngăn chặn các cơ chế gây các bệnh đường tiêu hoá. Thật không may, một khi cơn đau sỏi mật bắt đầu, không có gì có thể làm dịu nó ngoại trừ thời gian.

Tiến sĩ Davila nói, “Hãy cố gắng bảo vệ sức khỏe của mình trong việc ăn uống hàng ngày, không chỉ Lễ Tạ ơn. Cho dù bạn có bị sỏi mật hay không, đặc biệt là trong Lễ Tạ ơn khi các bữa ăn có xu hướng béo hơn một chút, hãy cứ tận hưởng.”

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amy Denney
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amy Denney là ký giả về sức khỏe của The Epoch Times. Amy có bằng thạc sĩ về báo cáo các vấn đề công cộng của Đại học Illinois Springfield và đã đạt được một số giải thưởng về báo cáo điều tra và sức khỏe. Cô tập trung vào hệ vi sinh vật, các phương pháp điều trị mới và sức khỏe tích hợp.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn