3 lời khuyên giúp giảm tình trạng đau do căng cơ thắt lưng

Trong Trung y, có một bài thuốc gọi là “Thông khí tán,” thường được dùng để điều trị cơn đau thắt lưng. Bài thuốc này gần như có hiệu quả ngay lập tức.

Căng cơ thắt lưng thường xảy ra do tư thế không đúng khi một người với lấy đồ vật như nhặt đồ từ mặt đất, vươn tay qua đầu, vặn người ra sau hoặc nâng vật nặng. Tư thế ngủ hoặc ngồi không đúng cũng có thể góp phần gây ra tình trạng này.

Hầu hết các bác sĩ gọi chấn thương này là “sự căng cơ.” Tôi nhớ cách đây hàng chục năm, khi vợ tôi bị căng cơ gần đốt sống ngực thứ tư – huyệt Cao hoang du (BL 43). Bác sĩ nói rằng lựa chọn duy nhất là chích vitamin và phải mất một thời gian dài bà ấy mới bình phục lại. Tuy nhiên, theo Trung y, tình trạng này được cho là dễ điều trị hơn.

Sơ cứu tình trạng căng cơ

Khi một người bị căng cơ thắt lưng, triệu chứng phổ biến nhất là đau ở bên trái hoặc phải – thường xuất hiện tình trạng cấp tính kèm theo tổn thương cơ. Nếu cơn đau xảy ra ở vùng cột sống, đó có thể là căng cơ cột sống, trường hợp này rất hiếm gặp. Đau ở một bên gần xương cụt có thể do màng hoạt dịch của đốt sống thắt lưng thứ năm bị căng.

1. Sơ cứu căng cơ thắt lưng – 1 động tác đơn giản

Bạn có thể làm gì khi bị căng cơ thắt lưng cấp? Hãy để tôi hướng dẫn cách bấm một huyệt cực kỳ đơn giản để sơ cứu – huyệt này được gọi là “điểm bong gân.”

Trong châm cứu, điểm bong gân là huyệt Thủ tam lý (LI 10) và rất hiệu quả trong điều trị bong gân. Khi lòng bàn tay hướng về phía cơ thể, điểm này nằm ở vị trí khoảng ba khoát ngón tay bên dưới nếp gấp khuỷu tay.

3 lời khuyên giúp giảm tình trạng đau do căng cơ thắt lưng
Huyệt Thủ tam lý (Ảnh: The Epoch Times)

Thông thường, ấn vào điểm này không gây đau nhiều, nhưng khi bị căng cơ thắt lưng – dù là cột sống hay đốt sống – việc ấn vào sẽ gây đau dữ dội. Với tình trạng căng cơ thắt lưng bên trái, hãy ấn vào huyệt cánh tay trái; với bên phải, hãy ấn vào cánh tay phải.

Nếu cơn đau kéo dài, nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được châm cứu hoặc cho dùng thuốc.

2. Thông khí tán

Trong Trung y có một bài thuốc tên là “Thông khí tán,” thường được dùng để điều trị chứng đau thắt lưng. Bài thuốc này gần như có hiệu quả ngay lập tức.

Thành phần:

  • 30g sài hồ
  • 30g thân rễ hương phụ
  • 15g thân rễ xuyên khung

Chuẩn bị và liều lượng:

Nghiền các dược liệu trên thành bột. Lấy 9g hòa tan trong nước sôi, dùng một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối.

3. Châm cứu tai

Châm cứu tai có thể nhanh chóng làm giảm tình trạng căng cơ thắt lưng. Phần ngoài cùng của tai gọi là “gờ luân” và phần bên trong là “gờ đối luân,” chia thành các đoạn trên và dưới, giống hình chữ Y. Bên dưới đoạn dưới của chỗ phân nhánh, hãy ấn vào điểm đau nhất gọi là “điểm kích thích thần kinh tọa.”

3 lời khuyên giúp giảm tình trạng đau do căng cơ thắt lưng
(Ảnh: The Epoch Times)

Nếu bạn đau thắt lưng bên trái, hãy ấn vào tai trái, đau bên phải thì ấn vào tai phải. Sau khi ấn, di chuyển cột sống và đốt sống thắt lưng một chút, điều này có thể nhanh chóng giảm bớt vấn đề căng cơ ở thắt lưng.

Nếu không được điều trị đúng cách trong giai đoạn cấp, tình trạng căng cơ thắt lưng có thể tiến triển sang giai đoạn mạn, dẫn đến đau lưng dai dẳng. Vì vậy, điều quan trọng là cần tìm cách điều trị kịp thời trong giai đoạn cấp hoặc mạn tính sớm.

Lưu ý: Một số loại thảo mộc được đề cập ở trên nghe có vẻ xa lạ nhưng rất nhiều loại có sẵn ở các cửa hàng thực phẩm sức khỏe hoặc tạp hóa Á Châu. Vì thể trạng của mỗi người là khác nhau nên các phương pháp điều trị tương ứng có thể khác nhau, vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có kế hoạch điều trị cụ thể.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Hồ Nãi Văn
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Tiến sĩ Hồ Nãi Văn là bác sĩ Trung y tại Trung tâm Y học cổ truyền Đồng Đức Thượng Hải ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Ông là giáo sư tại Đại học Y khoa Nine Star ở Sunnyvale, California, Hoa Kỳ. Ông cũng là nhà nghiên cứu khoa học đời sống tại Viện nghiên cứu Standford. Trong hơn 20 năm hành nghề y, ông đã điều trị hơn 140,000 bệnh nhân. Ông nổi tiếng với việc chữa trị thành công bệnh nhân ung thư hắc tố thứ năm trên thế giới bằng Trung y. Bác sĩ Hồ hiện đang dẫn chương trình sức khỏe trên YouTube với hơn 700,000 người đăng ký. Ông cũng được biết đến với chương trình trình diễn lưu động về sức khỏe nổi tiếng được tổ chức ở nhiều thành phố khác nhau ở Úc và Bắc Mỹ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn