3 bài thuốc dân gian từ bạc hà bổ trợ tiêu hóa, diệt khuẩn và chống ung thư

Với hương vị tươi mát và đặc tính thanh nhiệt, bạc hà phù hợp làm trà uống mùa hè và làm thảo dược dùng quanh năm.

Hương vị tươi mát của bạc hà được nhiều người ưa chuộng và thường dùng kết hợp với đồ uống, các món ăn cũng như nhiều sản phẩm dược phẩm và mỹ phẩm khác. Bạc hà không chỉ được dùng trong nấu ăn mà còn là một loại thảo mộc truyền thống phổ biến với lịch sử lâu đời được ghi chép lại trong các sách cổ Trung Hoa. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá những lợi ích của bạc hà và chia sẻ một số công thức chữa bệnh dân gian.

Công dụng và lợi ích của bạc hà

Bạc hà thường được thu hoạch vào mùa hè để pha trà, giúp thanh nhiệt cơ thể và ngăn ngừa đột quỵ do nhiệt. Thời điểm thu hoạch khác nhau tùy thuộc vào việc sử dụng. Từ tháng Năm đến tháng Sáu thường thu hoạch lá để dùng, còn để sản xuất dầu bạc hà và tinh dầu bạc hà người ta thường thu hoạch lá vào cả đầu tháng Bảy và đầu đến giữa tháng Mười.

Bạc hà dùng với lượng nhỏ có thể làm dịu các dây thần kinh nội tạng, hoạt động như một chất làm mát. Bạc hà cũng có thể làm giảm đầy hơi và thúc đẩy tiêu hóa.

Một nghiên cứu được đăng trên Current Pharmaceutical Design (Tập san Thiết kế Dược phẩm Hiện thời) đã chứng minh rằng dầu bạc hà và các thành phần bên trong có tác động nổi trội đến chức năng đường tiêu hóa. Cụ thể, bạc hà giúp giãn cơ trơn và làm giảm co thắt ở các cơ quan tiêu hóa, bao gồm cơ vòng thực quản dưới, dạ dày, tá tràng và đại tràng. Ngoài ra, dầu bạc hà còn thể hiện khả năng điều chỉnh độ nhạy cảm ở cả hệ thần kinh nội tạng và trung ương. Dầu bạc hà còn có tiềm năng trở thành lựa chọn điều trị chứng khó tiêu chức năng và hội chứng ruột kích thích, nhờ giúp giảm các triệu chứng liên quan đến những tình trạng này.

Sau khi được hấp thụ vào máu, bạc hà có thể làm giãn mao mạch của da và tăng tiết tuyến mồ hôi, mang lại tác dụng đổ mồ hôi và hạ sốt. Trong Trung y, bạc hà được cho là có tác dụng phân tán ứ trệ và điều hòa khí – năng lượng quan trọng của con người – có thể giúp giải quyết cơn đau ngực và xương sườn do ứ đọng khí ở gan.

Hơn nữa, chiết xuất lá bạc hà có đặc tính chống ung thư, có thể thể ức chế sự phát triển của các mạch máu trong các tổn thương ung thư, làm mất nguồn cung cấp máu cho khối u. Cuối cùng tế bào ung thư sẽ bị “bỏ đói” và chết.

Một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Salford (Anh) thực hiện đã phát hiện ra chiết xuất từ lá bạc hà có tiềm năng trong điều trị ung thư. Chiết xuất này có tác dụng chống ung thư hiệu quả bằng cách nhắm mục tiêu và phá hủy các mạch máu cung cấp cho khối u, do đó làm chúng thiếu chất dinh dưỡng thiết yếu. Khám phá này mở ra con đường mới cho việc sử dụng chiết xuất bạc hà như một lựa chọn điều trị hiệu quả chống lại sự phát triển của ung thư.

Khi bôi tại chỗ lên da, bạc hà có đặc tính kháng khuẩn và có thể làm tê các dây thần kinh ngoại biên, giúp giảm đau và ngứa. Ngoài ra, ngậm lá bạc hà trong miệng có thể tiêu diệt vi khuẩn trong miệng và giúp giảm viêm.

Trung y cũng sử dụng dầu bạc hà để giảm bớt các triệu chứng như sốt, nhức đầu, nghẹt mũi và chóng mặt trong giai đoạn đầu của “bệnh nhiệt” hoặc cảm lạnh thông thường.

3 bài thuốc dân gian phổ biến từ bạc hà

Bạc hà là một thành phần quan trọng trong nhiều món ăn. Những công thức nấu ăn đơn giản này có thể giúp điều hòa cơ thể và phục hồi sức khỏe.

1. Trà đậu hũ bạc hà

Trà này có thể được sử dụng để điều trị giai đoạn đầu của cảm lạnh. Các triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, thỉnh thoảng hắt hơi, khó chịu ở cổ họng hoặc ho nhẹ có thể xuất hiện trước khi sốt. Uống loại trà này có thể xua tan gió nóng, ngừa cảm sốt toàn thân. Bài thuốc này đặc biệt phù hợp với trẻ em và người già.

Thành phần

  • Khoảng 50 gram lá bạc hà tươi
  • 2 miếng đậu hũ
  • 2 cây hành lá tươi

Hướng dẫn

Chiên đậu hũ trong nồi sắt cho thơm rồi cho hành lá tươi và lá bạc hà vào xào. Thêm hai bát nước và đun nhỏ lửa cho đến khi lượng nước còn một nửa. Dùng cả nước và phần thức ăn khi còn nóng.

Sau khi ăn, bạn có thể đổ mồ hôi nhẹ và các triệu chứng cảm lạnh sẽ biến mất sau một giấc ngủ ngon. Vào mùa thu hoặc mùa đông, bạn cũng có thể thêm một ít gừng và 10 đến 15 gram đậu nành lên men. Bổ sung thêm các nguyên liệu này giúp cơ thể dễ đổ mồ hôi hơn, tăng cường khả năng khứ phong, thanh nhiệt của trà.

2. Nước mật ong bạc hà

Thức uống này có khả năng giải say nắng rất hiệu quả.

Các bước:

  • Lấy 100g bạc hà tươi — rửa sạch và ép lấy nước.
  • Thêm 200l mật ong và đường trắng vào nước (200ml). Đun sôi trên lửa nhỏ trong khoảng 20 phút.
  • Trộn nước ép bạc hà vào và đun nhỏ lửa thêm 2-3 phút nữa trước khi dùng.
  • Uống 50ml mỗi lần, hai lần một ngày.

3. Cháo kê bạc hà

Cháo kê bạc hà có thể giúp giảm tình trạng ứ trệ thức ăn và cải thiện tiêu hóa.

Thành phần

  • 10 gram lá bạc hà
  • 50 gram kê

Hướng dẫn

  • Rửa kỹ hạt kê, thêm nước (200ml) và đun nhỏ lửa cho đến khi đặc lại.
  • Thêm lá bạc hà vào, trộn đều và đun nhỏ lửa trong 5 phút.
  • Ăn cháo hai đến ba lần mỗi ngày.

Những lưu ý khi sử dụng bạc hà:

  1. Những người có thể trạng yếu và đổ mồ hôi nhiều nên tránh dùng bạc hà. Bạc hà có tính mát nên những người bị bệnh dạ dày, tỳ vị yếu dẫn đến tiêu chảy lâu ngày cũng nên tránh dùng bạc hà.

  1. Bạc hà có chứa dầu dễ bay hơi nên tốt nhất pha dưới dạng trà và không nên đun sôi trong thời gian dài.

Đại Hải biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Kuo-Pin Wu
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Kuo-pin Wu is the superintendent of Taiwan Xinyitang Heart Clinic. In 2008, he started to study traditional Chinese medicine and obtained a bachelor’s degree from China Medical University in Taiwan.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn