Bài tập chống đẩy cơ dép giúp đốt mỡ và hạ đường huyết dành cho người ít vận động

Nhấc gót làm co một cơ nhỏ ở bắp chân, giúp tăng quá trình trao đổi chất lên mức cao trong nhiều giờ mà không gây mệt mỏi.

Một nghiên cứu sinh lý thực nghiệm liên quan đến một cơ nhỏ gọi là cơ dép (cơ soleus) có thể là một hồi chuông cảnh tỉnh cho bất kỳ ai định dùng công việc hay lối sống ít vận động của mình như là một cái cớ để biện minh cho việc trao đổi chất kém của cơ thể.

Những đối tượng tham gia thí nghiệm cho biết, họ nhận thấy có những lợi ích sức khỏe khác biệt bao gồm quá trình trao đổi chất oxy hóa tăng cao chỉ bằng cách thực hiện bài tập “chống đẩy cơ dép” trong nhiều giờ khi ngồi.

Cơ dép là một trong nhóm 600 cơ trong cơ thể con người, chạy từ dưới đầu gối đến gót chân và là một trong ba cơ tạo nên bắp chân.

Bài tập chống đẩy cơ dép giúp đốt mỡ và hạ đường huyết dành cho người ít vận động

Bài tập chống đẩy cơ dép

Bài tập đơn giản nhưng hiệu quả này chỉ cần ngồi trên ghế với đầu gối cong ít nhất 90 độ.

1. Ngồi trên ghế với hai chân đặt trên sàn.
2. Hãy chắc chắn rằng chân được uốn cong đủ để gót chân ở phía sau đầu gối chứ không phải ở phía trước.
3. Giữ mũi chân trên mặt sàn và nhấc gót chân lên.
4. Đặt lại gót chân xuống sàn.
5. Lặp lại động tác từ đầu.

Tác dụng độc đáo từ bài tập chống đẩy cơ dép

Hiệu quả của bài tập này được trình bày chi tiết trong nghiên cứu công bố trên tập san iScience vào tháng 9 năm 2022. Phương pháp này đã được quảng bá là một giải pháp tiềm năng cho tỷ lệ bị bệnh tiểu đường loại 2 – căn bệnh do rối loạn chuyển hóa đang gia tăng.

Khoảng 13% người trưởng thành ở Hoa Kỳ bị bệnh tiểu đường và hơn một phần ba có đủ các tiêu chí bị tiền tiểu đường. Rối loạn chuyển hóa cũng làm tăng nguy cơ bị chứng mất trí nhớ, ung thư, bệnh tim mạch và biến chứng COVID-19.

Động tác chống đẩy cơ dép được thực hiện một cách nhẹ nhàng cho thấy chúng ta không cần phải nỗ lực quá nhiều hoặc tập luyện lâu trong các phòng gym để cải thiện sức khỏe trao đổi chất.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận dựa trên một nghiên cứu và việc nhấc gót chân liên tục trong nhiều giờ là không thực tế.

Mark Hamilton, đồng tác giả của nghiên cứu kiêm giáo sư về sức khỏe và hoạt động của con người tại Đại học Houston, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng, so với các phương pháp khác (như tập thể dục, giảm cân, và nhịn ăn gián đoạn) thì việc thực hiện các động tác chống đẩy cơ dép mang lại hiệu quả cao hơn trong việc duy trì quá trình trao đổi chất oxy hóa.

Ông nói: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng loại cơ bắp này lại có năng lực đó. Cơ dép đã có trong cơ thể chúng ta từ lâu, nhưng cho đến tận bây giờ vẫn chưa có ai nghiên cứu cách dùng nó để tối ưu hóa sức khỏe của chúng ta. Khi được kích hoạt đúng cách, cơ dép có thể nâng quá trình trao đổi chất oxy hóa cục bộ lên mức cao trong nhiều giờ chứ không chỉ trong vài phút.”

Cơ dép là một cơ xương và nhóm cơ đó chịu trách nhiệm chính trong việc làm sạch glucose trong máu.

Bác sĩ y học thể thao Srikanth Nithyanandam nói với Thời báo The Epoch Times rằng, để hạn chế rủi ro liên quan đến sức khỏe hoặc tàn tật, chỉ những người đang thực hiện các công việc đòi hỏi ít vận động mới nên cân nhắc áp dụng bài tập chống đẩy cơ dép. Trong một số tình huống hiếm hoi, họ có thể dùng monitor đường huyết liên tục để kiểm tra tính hiệu quả của bài tập này.

Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng mình sẽ bảo bệnh nhân của tôi làm điều này. Bạn có thể vừa làm việc vừa tập động tác được không? Liệu bạn có thể tập trung vào hai việc cùng một lúc không? Hầu hết các công việc ít vận động vẫn đòi hỏi phải có sự tập trung cao.”

Bác sĩ Nithyanandam cho biết cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa, một phần để khám phá xem điều gì có thể xảy ra nếu người đó thường xuyên bị gián đoạn luyện tập, và một phần để tiến hành thí nghiệm trên các đối tượng là bệnh nhân tiểu đường.

Nghiên cứu đã thử nghiệm với 25 tình nguyện viên tương đối không phù hợp và ít khi hoạt động nhưng đại diện cho nhiều độ tuổi và chỉ số khối cơ thể.

Những người tham gia được theo dõi bằng một thiết bị để bảo đảm là họ đang thực hiện đúng bài tập. Về cơ bản, các động tác sẽ là: nâng gót chân lên trong khi vẫn giữ mũi chân ở trên mặt đất và khi gót chân đạt đến giới hạn chuyển động tối đa thì sẽ hạ gót chân xuống.

Thông thường, cơ thể được thiết kế để hạn chế dùng đến cơ dép, một cơ chống mệt mỏi và co rút chậm, trợ giúp cho việc đứng. Trong quá trình chống đẩy, cơ dép dùng càng nhiều năng lượng càng tốt. Những người tham gia thí nghiệm đã thực hiện bài tập liên tục trong ba giờ.

“Việc thực hiện các động tác chống đẩy cơ dép nhìn từ bên ngoài có vẻ đơn giản, nhưng đôi khi những gì chúng ta nhìn thấy bằng mắt thường không phải là toàn bộ câu chuyện. Đây là một hoạt động rất cụ thể, đòi hỏi kinh nghiệm và cần có công nghệ thiết bị đeo để tối ưu hóa lợi ích sức khỏe,” bác sĩ Hamilton nói.

Nam Khanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amy Denney
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amy Denney là ký giả về sức khỏe của The Epoch Times. Amy có bằng thạc sĩ về báo cáo các vấn đề công cộng của Đại học Illinois Springfield và đã đạt được một số giải thưởng về báo cáo điều tra và sức khỏe. Cô tập trung vào hệ vi sinh vật, các phương pháp điều trị mới và sức khỏe tích hợp.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn