Nguyên nhân rụng tóc là gì? 3 phương thức của Trung y giúp mọc tóc

Theo Trung Y, rụng tóc không chỉ liên quan đến tình trạng của nang tóc mà còn liên quan đến sức khỏe của các cơ quan nội tạng. Các phương pháp như bôi gừng và rượu gạo có thể làm cho tóc mọc trở lại không?

Nguyên nhân rụng tóc là do suy yếu các nội tạng sản xuất và vận hành khí huyết

Tại sao tóc lại ngày một thưa đi? Bác sĩ Hứa Đằng Hồng (Xu Tenghong) – Phòng khám Trung Y Hoài Nguyên tại Đài Loan chỉ ra rằng trong Trung Y, rụng tóc chủ yếu liên quan đến can, thận, tỳ vị, những phủ tạng ảnh hưởng đến việc sản xuất và vận hành khí huyết.

Can: Theo Trung Y, can có liên quan đến cảm xúc và áp lực của con người, những người chịu nhiều áp lực trong công việc, thường xuyên thức đêm, suy nghĩ lung tung, can sẽ dễ bị chứng âm hư hỏa vượng, khí huyết tổn thất cực kỳ nhanh chóng.

Ngoài ra, can có nhiệm vụ dự trữ huyết, tóc ảnh hưởng bởi huyết rất nhiều, can có bệnh khiến khí huyết rối loạn lên xuống sẽ dễ dẫn đến rụng tóc. Ví dụ như chứng hói đầu tạo thành do căng thẳng.

Tỳ vị: Tỳ vị khỏe mạnh có thể biến thức ăn thành chất dinh dưỡng để nuôi nang tóc và làm chắc chân tóc một cách hiệu quả. Nếu cơ thể bị khó tiêu hoặc tiêu chảy kéo dài, cơ thể khó hấp thu chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến khí huyết không đủ, chân tóc không chắc chắn. Mặc dù theo quan điểm của dinh dưỡng học, sắt, kẽm và các khoáng chất khác có ích cho tóc, nhưng tỳ vị kém hấp thu thì cũng không thể có hiệu quả.

Thận: Hầu hết các trường hợp rụng tóc do thận đều có nguyên nhân di truyền, chẳng hạn như chứng hói đầu ở nam giới. Một số người khi sinh ra lượng tóc rất ít, thậm chí khi lớn lên lượng tóc cũng không tăng nhiều, tình trạng này có liên quan đến việc thận tinh bẩm sinh không đủ.

Trung Y cho rằng, thận chứa tinh, từ đó phát sinh khí huyết, khi thể lực và sức lực tiêu hao vượt quá mức chịu đựng của cơ thể sẽ sinh ra tình trạng mệt mỏi kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan nội tạng. Điều này không chỉ dẫn đến rụng tóc mà còn làm suy giảm chất lượng móng tay, chất lượng giấc ngủ, khả năng ghi nhớ và chức năng tiêu hóa.

2 dấu hiệu báo trước khi tóc bị rụng

Thay đổi màu tóc và chất tóc: Trước khi phát triển đến thành rụng tóc, màu tóc và chất tóc sẽ thay đổi đầu tiên. Bác sĩ Hứa Đằng Hồng nhắc nhở rằng nếu bạn không nhuộm và uốn tóc mà màu tóc nhạt dần hoặc chất tóc xơ và khô, thì bạn nên chú ý xem cơ thể mình có vấn đề gì không.

Da đầu nhờn và ngứa: Da đầu bắt đầu tiết nhiều dầu và dễ bị ngứa, nguyên nhân là do da đầu đang trong tình trạng bị viêm và trở nên nhạy cảm, thời gian lâu rồi sẽ bắt đầu rụng tóc. Nhất là những người thường xuyên ngủ muộn, hãy chú ý khi da đầu tiết nhiều dầu.

Nguyên nhân rụng tóc là gì? 3 phương thức của Trung y giúp mọc tóc
Nguyên nhân rụng tóc do vấn đề ở nội tạng, gừng, rượu gạo và các bài thuốc mọc tóc khác có hiệu quả không? (Ảnh: Shutterstock)

Nếu bị rụng tóc thì phải làm gì? Bôi gừng, rượu gạo hay thuốc mọc tóc liệu có hiệu quả?

Trên mạng có rất nhiều những bài chia sẻ kinh nghiệm về các bài thuốc chống rụng tóc hay thuốc mọc tóc, nhưng không phải đối với ai cũng có hiệu quả.

Bác sĩ Hứa Đằng Hồng nói rằng, các phương pháp dân gian truyền thống để ngăn ngừa rụng tóc chủ yếu là dựa vào gừng và rượu gạo. Rụng tóc đôi khi do lớp sừng của da dày lên. Đắp gừng có thể làm bong một số lớp sừng, cải thiện độ thoáng khí của da và tuần hoàn máu trong nang lông. Rượu có tác dụng thông máu, nếu xét theo dược tính thì rượu gạo và rượu chưng cất có tác dụng tốt hơn.

Nếu bạn muốn thử các phương pháp điều trị tại nhà này thì phải có 2 điều kiện tiên quyết:

1. Sử dụng khi mới bắt đầu rụng tóc.

Nếu nang tóc không bị sừng hóa quá nghiêm trọng hoặc hoại tử, và vẫn có khả năng lưu thông máu, thì có thể dùng những phương pháp này, hãy xoa bóp gừng, rượu gạo lên da đầu với lượng vừa phải để thúc đẩy quá trình bảo vệ chân tóc và mọc tóc.

2. Nếu da đầu trở nên nhạy cảm, hãy dừng lại ngay lập tức.

Bác sĩ Hứa Đằng Hồng nhấn mạnh rằng, cơ thể mỗi người là khác nhau, và một số người sẽ bị dị ứng với các phương pháp này. “Nếu cảm thấy kích thích hoặc khó chịu, phải nhanh chóng dừng lại, nếu không sẽ đẩy nhanh các triệu chứng của da và nang lông.”

Các loại dầu gội, thuốc mọc tóc bán trên thị trường sẽ có tác dụng nhất định, chỉ là tỉ lệ hiệu quả không cao. Vì loại sản phẩm này chủ yếu dành cho nam giới bị hói đầu ở giai đoạn đầu và mức độ nhẹ, khi phát triển đến giai đoạn cuối, lúc nang tóc không còn khỏe như nang tóc bình thường nữa thì hiệu quả không lớn.

y học cổ truyền điều trị rụng tóc
Sử dụng bài thuốc chống rụng tóc với gừng, rượu gạo có điều kiện tiên quyết, khi sử dụng mà cảm thấy khó chịu cần dừng lại ngay. (Ảnh: Shutterstock)

3 phương thức của Trung Y hỗ trợ mọc tóc: xoa bóp da đầu, chườm nóng, chế độ ăn kiêng

Miễn là không phải có vấn đề di truyền, Trung Y chính là có thể nhắm bệnh bốc thuốc, cải thiện tình trạng rụng tóc. Việc điều trị rụng tóc chủ yếu dựa vào thuốc, chẳng hạn như rụng tóc do stress thì dùng các bài thuốc Đông y có tác dụng điều hòa can huyết, an gan, bổ thận. Đối với những bệnh nhân có đường tiêu hóa yếu thì trước hết nên bồi bổ tỳ vị.

Bác sĩ Hứa Đằng Hồng đưa ra một ví dụ, có một bệnh nhân nữ sau khi sinh bị suy nhược khí huyết ở mức độ nhất định,tỳ vị cũng bị suy nhược, dẫn đến không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho nang tóc, tóc rụng nhiều. Lúc này có thể dùng thuốc điều chỉnh khí huyết, đồng thời xử lý vấn đề bị trầm cảm sau sinh hoặc các vấn đề về tình cảm khác nếu có, sau một thời gian thấy màu tóc và chất tóc thay đổi trước, rồi tóc dần dần mọc lại.

3 phương thức chăm sóc tóc hàng ngày

Xoa bóp da đầu: chải đầu thường xuyên, ví dụ, dùng lược sừng tròn để xoa bóp da đầu theo cùng một hướng, từ trước ra sau hoặc từ sau ra trước, từ trái sang phải hoặc từ phải qua trái, chỉ cần cùng một hướng là được.

Điều quan trọng là xoa bóp nhẹ nhàng, không cần phải xoa bóp đến phát nóng, tránh làm tổn thương da đầu. Kiên trì xoa bóp mỗi ngày khi rảnh rỗi, bạn sẽ thấy được hiệu quả.

Chườm nóng phần đầu: dùng mũ chườm nóng hoặc dùng khăn ấm để chườm, rồi sau đó gội sạch và sấy khô tóc. Chườm nóng có thể kích thích sự hoạt hóa của các nang lông, giúp các tuyến bã nhờn đẩy nhanh tốc độ đào thải chất bẩn ra ngoài, tránh khỏi tắc nghẽn. Nhưng cần chú ý đến nhiệt độ và thời gian để tránh bị bỏng, nhiệt độ nên rơi vào khoảng 37 – 38 ° C.

Bác sĩ Hứa Đằng Hồng nhắc nhở rằng khi gội đầu hoặc sấy tóc, nhiệt độ quá cao có thể gây viêm nang tóc, nên kiểm soát nhiệt độ ở mức gần với nhiệt độ của cơ thể, tầm 36 – 37 ° C.

Chế độ ăn uống: Kỷ tử, Hà thủ ô, Đương quy, Mẫu đơn bì, Trắc bá diệp, Địa hoàng, Thục địa hoặc Tứ vật thang… các loại dược vật có thể dưỡng huyết đều có ích cho tóc. Tuy nhiên cũng tùy trường hợp mỗi người, cần hỏi ý kiến ​​thầy thuốc trước khi dùng, không nên dùng tùy tiện.

Ăn ít thức ăn nướng, chiên, cay, có nhiều dầu, đồ uống có đường và có đá. Thường xuyên ăn những thực phẩm này không chỉ ảnh hưởng đến chức năng của tỳ vị mà còn tạo ra gánh nặng cho cơ thể, có thể ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe của da và nang tóc.

Người hiện đại thích uống đồ uống lắc tay có đá lạnh, nhưng cơ thể con người luôn ở nhiệt độ ổn định, việc uống đồ uống có đá khiến cơ thể phải tiêu hao thêm năng lượng để duy trì thân nhiệt, về lâu dài không chỉ khiến thể lực suy giảm, còn dễ gây ra chứng khó tiêu.

Ngoài ra, cần giải tỏa căng thẳng, ít thức khuya. Nguyên nhân gây rụng tóc của người hiện đại đa số đều liên quan đến can, tỳ vị. Rụng tóc do nguyên nhân này sẽ phải mất một thời gian mới phát hiện ra, vì vậy bình thường bạn nên lưu ý hơn đến sức khỏe của tóc.

Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn