Vỗ vào kinh đởm có thể giải độc, làm thon chân

Mỗi ngày trước khi đi ngủ vỗ kinh đởm vừa giúp bạn giải độc, lại làm thon chân và dưỡng nhan sắc. Kinh đởm rốt cuộc nằm ở đâu, cách vỗ như thế nào mới hiệu quả?

Kinh đởm liên quan đến cảm xúc và khả năng làm việc của con người

Đông y xem hệ thống cơ thể con người, có mười hai kinh mạch, bao gồm ba kinh âm ở tay (phế, tâm bào, tâm), ba kinh dương ở tay (đại trường, tam tiêu, tiểu trường), ba kinh dương ở chân (vị, đởm, bàng quang), ba kinh âm ở chân (tỳ, can, thận).

Kinh đởm chính là chỉ Túc thiếu dương đởm kinh.

Vị trí kinh đởm nằm ở hai bên trái phải của cơ thể con người, bắt đầu từ huyệt Đồng Tử Liêu ở phía ngoài mắt và kết thúc ở huyệt Túc Khiếu nằm ở phía ngoài của ngón chân thứ 4. Từ đầu tới chân có 44 huyệt vị.

Cuốn “Hoàng đế nội kinh” có viết “Đảm dã, trung chính chi quan, quyết đoán xuất yên.” Nghĩa là đởm là cơ quan Trung chính, quyết đoán từ đó mà sinh ra.

Bác sĩ Thái Uyển Dư chủ trị Phòng khám Đông y Hân Duyệt chỉ ra rằng, kinh đởm liên quan đến cảm xúc và căng thẳng.

Kinh đởm thông suốt giúp giải tỏa cảm xúc, căng thẳng, đồng thời cũng cải thiện khả năng quyết đoán khi làm việc.

Thời gian hoạt động của kinh đởm là từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Vì vậy, những người thường xuyên thức khuya trong thời gian này, cơ thể sẽ cảm thấy không thoải mái vào ngày hôm sau, thậm chí rất dễ rơi vào trạng thái do dự, không quyết đoán khi quyết định sự việc.

Ngược lại, những người thường xuyên phải đưa ra quyết định, thường xuyên phải chịu áp lực lớn, kinh đởm cũng dễ hoạt động không thông suốt, dẫn tới xuất hiện các vấn đề về sức khỏe.

bấm huyệt giải độc
Kinh tuyến kinh đởm bắt đầu từ huyệt Đồng Tử Liêu ở bên ngoài của mắt và kết thúc ở huyệt Túc Khiếu nằm ở bên ngoài của ngón chân thứ tư. (Ảnh: Đồ họa của Epoch Times)

Vỗ kinh đởm thanh nhiệt giải độc, cải thiện làn da mụn và làm thon chân

Thường xuyên vỗ kinh đởm không những có thể cải thiện cảm xúc, nâng cao khả năng quyết đoán, mà còn có 5 lợi ích lớn đối với cơ thể con người:

1.Thanh nhiệt giải độc:Kinh đởm có chức năng thanh nhiệt, cũng chính là chống viêm được giảng trong y học hiện đại. Vỗ kinh đởm có thể thúc đẩy tuần hoàn, giúp cơ thể giải độc, loại bỏ các chất gây viêm và chất thải ra khỏi cơ thể.

2.Cải thiện đường tiêu hóa: Người thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, do dự, sẽ xuất hiện vấn đề về chức năng đường tiêu hóa. Trường hợp này nếu kinh đởm thông suốt có thể ổn định trạng thái tinh thần và cải thiện hệ tiêu hóa.

3.Cải thiện làn da bị mụn: Thường xuyên thức khuya, ăn đồ cay, áp lực lớn sẽ gây ra mụn. Mụn dễ mọc ở một bên mặt, trước tai, bên cổ và những vị trí khác mà kinh đởm đi qua.

Cuộc sống áp lực cao trong thời gian dài, cũng sẽ làm giảm khả năng miễn dịch, gây ra bệnh herpes zoster. Bệnh herpes zoster cũng xuất hiện ở một bên cơ thể, mạn sườn và những vị trí khác của kinh đởm .

Hỗ trợ kinh đởm thông suốt có thể thanh nhiệt giải độc, giúp làn da khỏe mạnh hơn.

4.Làm thon chân: Kinh đởm đi qua chân, đi ở mặt ngoài đùi, thường xuyên vỗ kinh đởm có thể làm cho tuần hoàn ở đùi tốt hơn, đào thải chất cặn bã tích tụ, làm thon chân.

Bác sĩ Thái Uyển Dư nói thêm, nếu chân sưng tấy là do các vấn đề khác như tim và thận gây ra, thì hiệu quả của việc vỗ kinh đởm là tương đối hạn chế.

5.Cải thiện triệu chứng đau căng ngực, đau bụng kinh: Kinh đởm đi qua xương sườn gần bầu ngực, bụng dưới, vào sâu trong tạng phủ. Vì vậy giữ gìn kinh đởm còn có thể điều hòa các vấn đề về phụ khoa.

Có đến 70% đến 80% phụ nữ rất dễ nóng giận trước kỳ kinh, do cảm xúc và căng thẳng dẫn đến đau bụng kinh, đau căng ngực. Kinh đởm thông tốt có thể được cải thiện được rõ ràng.

Thời điểm, vị trí và cách vỗ kinh đởm

Thời gian: Vỗ vào thời gian kinh lạc hoạt động mạnh nhất sẽ có hiệu quả tốt nhất. Thời gian hoạt động của kinh đởm là 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng, có thể bắt đầu vỗ ngay lúc gần 11 giờ hoặc 11 giờ, vỗ lặp lại sau 10 phút, sau đó có thể đi ngủ.

Vị trí: Kinh đởm nằm ở hai bên cơ thể, vì vậy nên vỗ cả hai bên. Vỗ dọc theo kinh đởm, có thể bắt đầu từ huyệt Phong thị đi xuống. Đứng thẳng để hai tay buông thõng tự nhiên, nơi ngón tay giữa chạm vào là huyệt Phong thị.

Phụ nữ cũng có thể vỗ từ nách, từ bên cạnh sườn, liên tục đến thắt lưng và bên hông, xuống đến bên đùi và bắp chân, cho đến mắt cá chân.

bấm huyệt giải độc
Kinh đởm nằm ở hai bên cơ thể, vì vậy cần vỗ nhẹ cả hai bên, vỗ dọc theo kinh đởm. (Ảnh: Thái Uyển Dư cung cấp)

Phương pháp vỗ

Bàn tay hơi khum, lòng bàn tay trống rỗng. Bác sĩ Thái Uyển Dư chỉ ra rằng, vỗ như vậy mới có thể vỗ khí và năng lượng vào trong cơ thể. Không cần dùng quá nhiều lực, sau khi vỗ có cảm giác “hơi tức tức” là được.

bấm huyệt giải độc
Khi vỗ kinh đởm, lòng bàn tay nên hơi nâng lên làm lòng bàn tay trống rỗng, mang năng lượng, khí vỗ tiến vào cơ thể. (Ảnh: Thái Uyển Dư cung cấp)

Kéo dãn cũng có thể làm lưu thông kinh đởm, ví dụ, nếu bạn muốn kéo kinh đởm ở phía bên phải, cần uốn cong người sang bên trái, tay phải nâng lên qua đầu uốn cong sang trái, lại kéo về như cũ rồi đổi hướng.

Lâm Mộc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn