Vị thuốc tự nhiên trong căn bếp của bạn

Tủ bếp của chúng ta đã có sẵn các loại thực phẩm chữa bệnh có lịch sử lâu đời. Lần tới khi bạn tìm cách làm dịu cổ họng bị ngứa, muốn giảm bớt cân nặng hoặc tăng cường hệ miễn dịch, hãy tìm kiếm trong căn bếp của bạn. Như ông bà ta đã nói, thiên nhiên cung cấp nhiều lựa chọn tuyệt vời để cải thiện sức khỏe. Bạn có lẽ sẽ rất ngạc nhiên về điều này.

Vị thuốc tự nhiên trong căn bếp gia đình
Hình ảnh được cung cấp bởi Pezibear từ Pixabay

“Ăn mỗi ngày 1 quả táo, bệnh tật liền tránh xa” ít ra đó cũng là triết lý của bà tôi, bà Konchesky. Như đa số ông bà ta, bà tôi cũng thường dùng nhiều vị thuốc ở ngay trong nhà. Với bà, tỏi là một vị thuốc chữa bệnh, một ngụm dầu gan cá tuyết mỗi ngày tốt cho trí não, và tạp chí Prevention (Phòng bệnh) viết về rất nhiều vị thuốc tự nhiên thường xuyên có mặt trong căn bếp của bà.

Trong khi y học hiện đại đã rời xa những phương pháp chữa bệnh truyền thống, cổ xưa, thì bà tôi vẫn lưu giữ lại chúng. Rốt cuộc bà đã sống rất khỏe mạnh cho đến khi qua đời ở tuổi 93. Bà thậm chí vẫn còn tham gia các hoạt động kinh doanh cho đến một số năm trước khi bà mất.

Nhưng đừng lo, tôi không có ý định ép bạn dùng dầu gan cá đâu. Thật may là trong bếp còn có nhiều loại thực phẩm ngon miệng khác nhưng rất có lợi cho sức khỏe.

1. Gừng

gừng Vị thuốc tự nhiên trong căn bếp
Hình ảnh được cung cấp bởi Joseph Mucira từ Pixabay

Là một dược liệu Trung y trong nhiều thiên niên kỷ, gừng không chỉ giúp hoạt huyết mà còn là một trong những thực phẩm chống viêm tốt nhất, với một số nghiên cứu cho thấy nó thậm chí còn sánh ngang với ibuprofen trong việc điều trị viêm khớp và đau bụng kinh. Gừng cũng rất tốt để giảm buồn nôn, giúp giải độc ruột kết và gan, hỗ trợ tiêu hóa, và có đặc tính kháng nấm, kháng khuẩn và kháng vi-rút.

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy gừng giúp cải thiện mức glucose ở bệnh nhân tiểu đường và những phát hiện sơ bộ này khích lệ cho những nghiên cứu sâu hơn rất cần được triển khai. Một số nghiên cứu cũng cho thấy mức cholesterol giảm đáng kể và thậm chí có lợi trong việc giảm cân.

Để tận dụng được một số lợi ích tuyệt vời này, hãy thử thêm một ít gừng vào món gà hoặc món xào trong bữa ăn tới của bạn, hoặc ngâm một vài lát trong nước nóng và thưởng thức một tách trà gừng ấm. Ngoài ra còn có một số loại kẹo gừng trên thị trường nhằm điều trị chứng buồn nôn.

2. Mật ong

mật ong là Vị thuốc tự nhiên
Hình ảnh được cung cấp bởi PollyDot từ Pixabay

Mật ong đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ vì cả lợi ích y học lẫn ẩm thực. mật ong có thể làm tăng thời hạn sử dụng, cải thiện màu sắc và kết cấu của vải dệt trong quá trình thanh trùng hoặc đun nóng, . Người ta cũng tin rằng mật ong nguyên chất mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe. Chỉ cần đảm bảo mua nó từ một nguồn có uy tín.

Phương thuốc cổ xưa này đã được sử dụng để không chỉ giúp làm dịu cơn đau họng, mà các nghiên cứu thậm chí còn cho thấy nó hiệu quả hơn một số loại xi-rô trị ho không kê đơn, đặc biệt là ở trẻ em (lưu ý, không nên sử dụng mật ong cho trẻ em dưới tuổi 1, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa của bạn).

Mật ong chứa các chất dinh dưỡng thực vật có đặc tính chống viêm, ngoài ra còn có các đặc tính tăng cường khả năng liên lạc giữa các tế bào và miễn dịch. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mật ong Manuka đặc biệt còn có thể tiêu diệt một số mầm bệnh phổ biến như E.Coli, Staph aureus và H. pylori. Vì lý do này, nó được sử dụng để điều trị vết cắt, vết thương và vết bỏng, tiêu chảy, loét dạ dày và viêm dạ dày mãn tính

Lần tới khi bạn bị ho, hãy thử uống một thìa cà phê mật ong. Một ít mật ong khuấy vào trong món trà yêu thích của bạn hoặc phết lên trên cá hồi, là một cách tuyệt vời khác để nhận được lợi ích từ mật ong

3. Giấm táo

Táo Vị thuốc tự nhiên trong căn bếp
Hình ảnh được cung cấp bởi lumix2004 từ Pixabay

Tôi đã có nhiều bệnh nhân đã sử dụng giấm táo (ACV) trong nhiều năm, đặc biệt là ở dạng nguyên chất, chưa lọc có chứa vi khuẩn khởi đầu được gọi là “cái giấm”, chứa đầy các enzym và vi khuẩn tốt.

ACV từ lâu đã được cho là có đặc tính kháng khuẩn, và trong khi có rất ít nghiên cứu về lợi ích của nó, đã có những nghiên cứu cho thấy nó có đặc tính chống oxy hóa. Một nghiên cứu đánh giá được công bố trên Molecular Nutrition & Food Research vào năm 2016 cho thấy nó thậm chí có thể giúp giảm huyết áp và lượng đường trong máu. Giấm táo cũng đã được chứng minh là làm giảm cảm giác đói và có thể giúp thúc đẩy giảm cân và giảm mỡ bụng, theo một nghiên cứu của Nhật Bản được công bố vào năm 2014.

Nhiều bệnh nhân cho biết họ sử dụng 1 đến 2 muỗng canh ACV, pha trong một cốc nước lớn, để giải quyết chứng ợ nóng. Mặc dù còn phải chứng minh được một số vấn đề khi sử dụng tính axit để điều trị chứng ợ nóng, nhưng nó cũng khá khả quan. Họ cũng đã nói rằng nó còn có tác dụng như một loại mẹo để chữa chuột rút ở chân.

Điều quan trọng cần lưu ý là vì giấm táo có tính axit nên đừng sử dụng mình nó, nếu không bạn có nguy cơ làm mòn men răng của mình. Thay vào đó, hãy kết hợp với nước xốt salad, như một phần nguyên liệu nấu ăn của bạn hoặc trộn một thìa canh giấm táo với một ít chanh và mật ong trong một cốc nước lớn để thưởng thức.

4. Tỏi

tỏi Vị thuốc tự nhiên trong căn bếp
Hình ảnh được cung cấp bởi Steve Buissinne từ Pixabay

Chứa nhiều chất dinh dưỡng, tỏi từ lâu đã được sử dụng cho cả công dụng chữa bệnh và ẩm thực. Nguyên liệu rất được ưa chuộng này không chỉ có đặc tính kháng nấm, kháng vi-rút và kháng khuẩn mà còn có đặc tính chống oxy hóa.

Là một nhánh thuộc họ hành, tỏi có vị đậm khi ăn sống, nhưng lại có vị ngọt nhẹ khi nấu chín. Trong khi bà tôi sử dụng cả hai cách, bà thường ăn tỏi sống hơn, giống như chồng tôi. Trong nhiều năm, anh ấy đã sử dụng cách pha chế tỏi nghiền ngâm trong mật ong và giấm táo nguyên chất. Anh ấy uống một cốc nước từ 1 đến 2 lần mỗi ngày và tin rằng đó là lý do đã giúp anh ấy có thể ngăn chặn căn bệnh viêm xoang mãn tính từng hành hạ anh ấy. Chồng tôi và bà của tôi khi còn sống chắc chắn đã miễn nhiễm với bệnh viêm xoang!

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỏi giúp làm giảm khoảng 10% đến 15% lượng cholesterol toàn phần hoặc lipoprotein cholesterol tỷ trọng thấp trong khi chiết xuất tỏi liều cao đã được chứng minh có hiệu quả làm giảm áp lực máu tương tự như dùng thuốc aternolol.

Và nếu điều đó vẫn chưa đủ ấn tượng thì một đánh giá năm 2006 được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng cho thấy chiết xuất tỏi già giàu chất chống oxy hóa thậm chí có thể làm giảm nguy cơ mất trí nhớ và bệnh tim.

5. Dầu ô liu

dầu ô lưu Vị thuốc tự nhiên trong căn bếp
Hình ảnh được cung cấp bởi Steve Buissinne từ Pixabay

Với thành phần chủ yếu là các axit béo không bão hòa đơn, dầu ô liu từ lâu đã được biết đến về lợi ích của nó trong chế độ ăn của người Địa Trung Hải. Chứa nhiều polyphenol, dầu ô liu có đặc tính chống oxy hóa mạnh giúp chống lại chứng viêm. Chính vì những đặc tính này mà các nghiên cứu cho thấy dầu ô liu có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, ung thư và thậm chí là đột quỵ.

Dầu ô liu cũng đã được chứng minh giúp làm giảm rủi ro tiểu đường nhóm 2 và thậm chí ngăn ngừa bệnh Alzheimer. Nếu kết hợp cùng với dầu cá, nó cũng giúp cải thiện tình trạng đau khớp trong bệnh viêm khớp dạng thấp.

Với những lợi ích ấn tượng như trên, việc sử dụng dầu ô liu như thực phẩm chính trong chế độ ăn của bạn rất có ý nghĩa.

Kết luận

Dù sao, hãy luôn nhớ là hãy tuân theo lời khuyên của bác sỹ trước, vì đôi khi các vị thuốc tự nhiên cũng vẫn có những tác dụng phụ không mong muốn và cần chống chỉ định khi dùng chung với một số loại thuốc hoặc tình trạng sức khỏe đặc thù.

Thuần Thanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Tatiana Denning
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Tatiana Denning, D.O. là một bác sĩ gia đình và chủ sở hữu của Simpura Weight Loss and Wellness. Cô tin vào việc cung cấp cho bệnh nhân kiến ​​thức và kỹ năng cần thiết để duy trì và cải thiện sức khỏe của chính họ thông qua quản lý cân nặng, tạo lập thói quen lành mạnh để phòng ngừa bệnh tật.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn