Vài cách để có giấc ngủ ngon

Nếu bạn đang gặp vấn đề về giấc ngủ, có nhiều cách có thể giúp bạn ngủ ngon hơn.

Bạn đã có một ngày dài và giờ bạn đã kiệt sức. Bạn cuối cùng cũng đi nghỉ ngơi và lên giường với mong muốn có một giấc ngủ 8 tiếng đầy thoải mái và thư thái [để nạp lại năng lượng]. Bạn cố gắng thư giãn, nhưng rồi đột nhiên, tâm trí bạn trở nên tăng động. Trong đầu bạn tua đi tua lại [những việc diễn ra] trong ngày và lên kế hoạch cho ngày hôm sau, tuần tới, và năm tới.

Những vấn đề về giấc ngủ có một ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn, bất kể đó là thiu thiu ngủ, chợt tỉnh vào giữa đêm, hay không ngủ sâu – hoặc tất cả những điều đó xảy ra suốt đêm. Khi ngủ, cơ thể bạn trẻ hóa, chữa lành, và tự phục hồi. Không ngủ đủ giấc khiến bạn kiệt sức, mất tập trung, hay quên, dễ mắc sai lầm và tai nạn hơn. Chất lượng giấc ngủ kém cũng có thể gia tăng nguy cơ bị các bệnh về sức khỏe khác, như bệnh tim, béo phì, trầm cảm, và viêm loét. Điều quan trọng nhất là bạn cần ngủ đủ để có thể duy trì cơ thể khỏe mạnh.

Tuy nhiên, phần lớn trường hợp, bạn không cần đến những dược phẩm hỗ trợ giấc ngủ được hay không được kê đơn. Một số thay đổi nhỏ trong lối sống của bạn và những điều cần làm trước khi đi ngủ [sau đây] có thể là tất cả những gì bạn cần. Nếu bạn thấy khó ngủ hoặc đang cố gắng để có một ngủ đủ giấc, thì đây là những gì bạn có thể thử:

  1. Đặt việc đi ngủ ở vị trí ưu tiên – Ngủ cũng quan trọng như việc [có thói quen] ăn uống khỏe mạnh, tập luyện thể dục, và uống thuốc. Nếu bạn là một người vô cùng bận rộn, điều này có thể được hiểu là hãy đưa việc đi ngủ vào thời gian biểu của bạn.
  2. Làm việc gì đó thư giãn, ví dụ như đọc một cuốn sách, thiền định, duỗi người, hoặc tắm nước ấm trước khi đi ngủ. Những hoạt động này giúp bạn nghỉ ngơi và theo thời gian, cơ thể bạn sẽ liên kết chúng với việc đi ngủ.
  3. Kết thúc bữa ăn tối 2,3 tiếng trước khi đi ngủ. [Như thế,] việc tiêu hóa đồ ăn và việc ngủ sẽ không bị hòa lẫn vào nhau. Bạn cũng nên tránh ăn đồ ăn quá kích thích vào buổi tối muộn. Cà phê, đồ ăn cay, và đồ uống có cồn đều là những thứ gây rối loạn giấc ngủ.
  4. Giữ phòng ngủ của bạn thoáng mát, vì nhiệt độ phòng cao có thể làm bạn khó ngủ.
  5. Bảo đảm rằng phòng ngủ của bạn tối. Chỉ một chút ánh sáng thôi cũng đủ khiến bạn thao thức.
  6. Tránh xa màn hình máy tính, điện thoại, và tivi ít nhất 1 giờ đồng hồ trước khi bạn đi ngủ. Ánh sáng phát ra từ những màn hình này cũng sáng như các loại đèn trị liệu ánh sáng theo mùa, thứ có thể khiến bạn tỉnh như sáo.
  7. Tập thể dục trong ngày để giúp bạn ngủ ngon hơn. Chỉ là đừng vận động thể chất kịch liệt ngay trước khi đi ngủ.
  8. Cố gắng đi ngủ vào một thời điểm cố định mỗi buổi tối. Sau một vài tuần, cơ thể bạn sẽ [tự động] nhận được tín hiệu rằng đã đến giờ đi ngủ và [nó sẽ] bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vào khoảng giờ đó. Bạn cũng nên thức dậy vào một thời điểm cố định mỗi ngày, kể cả các ngày cuối tuần. Việc đặt ra thời gian đi ngủ và thức dậy cố định giúp cơ thể bạn ngủ ngon hơn vào ban đêm.
  9. Thiền định. Nếu bạn cứ trằn trọc không thể ngủ được, thì hãy thử tập trung vào nhịp thở của bạn. Nó mang một chút [cảm giác] thôi miên và có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ. Nếu bạn cần sự trợ giúp, thì có rất nhiều ứng dụng thiền định và hình ảnh [có thể giúp bạn], và có một số rất hữu dụng mà lại miễn phí – hãy thử ghé qua trang Insight Timer xem.
  10. Hãy nghỉ ngơi một cách từ từ trước khi bạn thực sự lên giường đi ngủ. Hãy dừng làm việc, xem tivi, hay các hoạt động kích thích tâm trí khác. Điều này giúp cơ thể bạn hiểu rằng bạn đang chuẩn bị đi ngủ.
  11. Hãy đi ngủ khi bạn cảm thấy buồn ngủ. Cơ thể bạn đang giải phóng melatonin, một loại hormone khiến bạn cảm thấy buồn ngủ. Mặc dù vậy, sự tăng trưởng hàm lượng melatonin chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Nếu bạn lờ đi cơn buồn ngủ, thì khi đến lúc thật sự đi ngủ, bạn sẽ cảm thấy khó đi vào giấc ngủ hơn.
  12. Bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ châm cứu hoặc xoa bóp. Từ hàng ngàn năm nay, châm cứu và những liệu thuốc Trung Hoa đã được sử dụng để giúp người ta ngủ ngon hơn. Ở Trung Quốc, nó là một trong những biện pháp trị liệu đầu tiên dành cho bệnh nhân để cải thiện chất lượng giấc ngủ của họ. Việc thường xuyên xoa bóp [cho cơ thể] cũng giúp làm giảm sự căng cơ, dịu đi căng thẳng, và khiến cơ thể được thư giãn.
Vài cách để có giấc ngủ ngon
Khi ngủ, cơ thể bạn trẻ hóa, chữa lành, và tự phục hồi (Ảnh: Pixabay)

Vậy bạn cần ngủ bao lâu? 

Thực ra, nó còn dựa trên tuổi tác của bạn. Một điều thú vị là, khi bạn càng cao tuổi, thì bạn càng ít cần ngủ hơn. Trong khi các em bé và trẻ nhỏ cần khoảng 12-17 tiếng để ngủ, thì các thanh thiếu niên cần 8-10 tiếng, người lớn dưới 64 tuổi cần 7-9 tiếng, và những ai trên 65 tuổi cần khoảng 7-8 tiếng mỗi đêm. Nếu bạn thường xuyên ngủ ít hơn số giờ được khuyến nghị cho độ tuổi của mình, thì bạn có khả năng sẽ không thể làm việc với trạng thái tốt nhất của mình, và sức khỏe bạn có thể kém đi.

Điều cuối cùng là nếu bạn thấy rằng việc ngủ đủ giấc giống như một thử thách, thì có một số điều bạn có thể làm [để cải thiện tình trạng đó]. Bạn không cần phải nằm đó mỗi đêm và nhìn [chăm chăm] trần nhà. Hãy sắp xếp việc đi ngủ thành việc ưu tiên hàng đầu cho sức khỏe và chỉnh lại các công việc [của bạn] một chút, đó là tiền đề để có một giấc ngủ ngon hơn.

Lynn Jaffee là một bác sĩ có chứng nhận châm cứu và là tác giả của quyển sách “Các phương pháp Trung Hoa đơn giản để đạt được sức khỏe tốt hơn”. Bài báo này ban đầu được xuất bản trên AcupuntureTwinCities.com 

Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn