Uống đủ nước có thể ngăn ngừa suy tim

Thói quen uống nước đầy đủ trong suốt cuộc đời được chứng minh là làm giảm nguy cơ suy tim trong tương lai.

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra mối liên quan giữa việc uống nước và giảm nguy cơ suy tim. Theo nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị Tim mạch Châu Âu năm 2021, cung cấp đủ nước cho cơ thể trong suốt cuộc đời có thể làm giảm nguy cơ suy tim.

Theo khuyến cáo, nhu cầu lượng dịch hàng ngày là từ 1.6 đến 2.2 lít đối với phụ nữ và 2 đến 3 lít đối với nam giới. Tuy nhiên, trên khắp thế giới, hiếm khi mọi người tiêu thụ đủ lượng nước này, ngay cả ở mức thấp nhất.

Khi cơ thể không được cung cấp đủ nước, nồng độ natri huyết thanh sẽ tăng lên. Điều này sẽ khiến cơ thể có xu hướng giữ nước, kích hoạt một quá trình góp phần gây nên suy tim.

Nồng độ Natri huyết thanh cao có liên quan đến suy tim

Các nghiên cứu đã cho thấy rằng nồng độ natri huyết thanh được duy trì ở một khoảng giới hạn hẹp trong thời gian dài. Trước đây, nhiều người đã nghĩ rằng sự hydrat hóa (khả năng giữ nước của tế bào) và nồng độ natri huyết thanh sẽ thay đổi hàng ngày, tùy thuộc vào lượng nước uống vào. Thật không may, điều này không đúng và nó có nhiều khả năng liên quan đến thói quen cung cấp dịch cho cơ thể.

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra xem liệu nồng độ natri huyết thanh ở tuổi trung niên có thể dự đoán sự phát triển của suy tim sau 25 năm hay không. Mối quan hệ giữa sự hydrat hóa và dày lên các thành trong buồng tâm thất của tim, một dấu hiệu báo trước của chẩn đoán suy tim cũng đã được kiểm tra.

Nghiên cứu bao gồm 15,792 người trưởng thành tham gia vào nhóm nghiên cứu Nguy cơ xơ vữa động mạch trong cộng đồng (ARIC). Tất cả đều ở độ tuổi từ 44 đến 66 và được đánh giá qua 5 lần thăm khám cho đến khi họ 70 đến 90 tuổi.

Tất cả những người tham gia được chia thành bốn nhóm dựa trên nồng độ natri huyết thanh của họ khi bắt đầu nghiên cứu. Đối với mỗi nhóm, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra số người bị suy tim và phì đại tâm thất trái trong lần khám thứ 5 vào 25 năm sau.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng nồng độ natri huyết thanh cao hơn trong giai đoạn trung niên có liên quan đến cả suy tim và phì đại tâm thất trái 25 năm sau đó. Những kết quả này vẫn đúng ngay cả khi đã điều chỉnh các yếu tố khác, bao gồm tuổi tác, huyết áp, lượng cholesterol trong máu, chỉ số khối cơ thể, đường huyết, chức năng thận, v.v.

Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Natalia Dmitrieva kết luận: “Kết quả cho thấy rằng duy trì tốt một cơ thể đầy đủ nước trong suốt cuộc đời có thể làm giảm nguy cơ phì đại thất trái và suy tim. Ngoài ra, chúng tôi phát hiện rằng nồng độ natri huyết thanh vượt quá 142 mmol/l làm tăng nguy cơ bất lợi cho tim, có thể giúp xác định những người có thể hưởng lợi từ việc đánh giá mức độ giữ nước của họ.

Mức natri này nằm trong giới hạn bình thường và sẽ không bị coi là bất thường trong kết quả xét nghiệm nhưng có thể được các bác sĩ nội khoa sử dụng khi khám sức khỏe định kỳ cho những người cần đánh giá lượng dịch đưa vào hằng ngày.”

Sarah Cownley đã nhận bằng tốt nghiệp về liệu pháp dinh dưỡng từ Học viện Khoa học Sức khỏe ở Luân Đôn, cô thích giúp đỡ người khác bằng những hướng dẫn thay đổi lối sống lành mạnh thông qua tham vấn cá nhân và những đóng góp thường xuyên của cô ấy cho tờ báo Doctors Health Press. Bài báo này ban đầu được xuất bản trên Bel Marra Health.

Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Sarah Cownley
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Sarah Cownley có bằng tốt nghiệp về liệu pháp dinh dưỡng từ Học viện Khoa học Sức khỏe ở London. Niềm yêu thích của cô là giúp đỡ những người khác bằng cách dạy họ thay đổi lối sống lành mạnh hơn thông qua các tham vấn cá nhân và những đóng góp thường xuyên của cô cho trang Doctors Health Press. Bài viết này được đăng lần đầu tiên tại Bel Marra Health.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn