Tìm thấy tự do tại mọi thời điểm

Khi chúng ta tìm kiếm bên trong bản thân mình để buông bỏ điều đang ngăn trở chúng ta, sự tự do sẽ đến

Một trong những khát vọng sâu thẳm nhất của chúng ta là sự tự do: giải thoát khỏi căng thẳng, lo lắng, một người phiền nhiễu, một hoàn cảnh khó khăn, những chật vật tài chính, những vấn đề sức khỏe, công việc buồn chán thường nhật, những can nhiễu khiến bản thân mất tập trung, cảm giác kém cỏi.

Rất nhiều những quyển sách, những sản phẩm, và những giải pháp được trả tiền khác cung cấp một phiên bản của sự tự do này. Trốn chạy. Sự yên tĩnh. Thiền định. Sự đơn giản. Sự tự tin. Một mối quan hệ tốt hơn. Sức khỏe và thể lực. Tự do dường như luôn có một cái giá phải trả.

Một trong những khám phá tuyệt vời nhất đời tôi đó là sự tự do này luôn luôn hiện hữu với chúng ta. Tại bất kể thời điểm nào.

Điều đó nghe có vẻ hiển nhiên đối với một số các bạn, nhưng bạn sẽ ngạc nhiên vì chúng ta thường xuyên lãng quên điều này, ngay cả khi chúng ta đã khám phá ra nó.

Đó là một sự luyện tập suốt đời.

Hãy cùng tôi khám phá điều đó một chút.

Chướng ngại cản trở sự tự do

Nếu sự tự do luôn luôn hiện hữu với chúng ta, thì tại sao nó lại khó tìm đến như vậy?

Việc nhận thức được chướng ngại cản trở sự tự do là một điều quan trọng, trước khi chúng ta xem xét đến những giải pháp.

Hãy thử tưởng tượng bạn đang trong tình huống phải đối mặt với một người nào đó vô cùng phiền nhiễu. Bạn chỉ mong thoát khỏi họ, đến một nơi yên bình và tĩnh lặng. Bạn muốn được giải thoát khỏi cuộc đối mặt khủng khiếp này.

Trong tình huống này, điều gì đang ngăn cản bạn cảm thấy được tự do? Nó dường như bắt nguồn từ phía người kia, nhưng thật ra, nó không phải do hoàn cảnh bên ngoài. Họ có thể là nguồn cơn dẫn đến cảm xúc đó của bạn. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta mới chính là những người tạo nên cảm giác khó chịu đó. Nó bắt nguồn từ bên trong chúng ta, bởi vì nó thể hiện cách nhìn nhận của chúng ta đối với hoàn cảnh hoặc với người khác.

Để tôi nhấn mạnh điều này: Cách chúng ta nhìn nhận về người khác, hoặc về hoàn cảnh, tạo nên những cảm xúc căng thẳng, khó chịu, giận dữ, hoặc thất vọng.

Hoàn cảnh bên ngoài như: những người chung quanh bạn, tình hình chính trị, một sự kiện thể thao, hành vi của bản thân khiến chúng ta bực mình đều không phải là vấn đề. Nếu một cảm xúc nào đó được hình thành tạo ra, thì đó thì chính là là do cách nhìn của chúng ta.

Điều này không phải để trách cứ bản thân chúng ta – chúng ta không đang làm điều gì sai cả. Mục đích ở đây đơn giản chỉ là khiến chúng ta nhận thức được căn nguyên của chướng ngại này.

Sự tự do ở đây là nếu những quan niệm của chúng ta là nguyên nhân gây ra khó nạn này, thì chúng ta có sức mạnh để thay đổi hoàn cảnh. Luôn luôn là như vậy.

Tạo ra sự tự do tại bất kể thời điểm nào

Vậy, hãy cùng quay lại thời điểm khi ai đó khiến ta khó chịu, và chúng ta chỉ muốn tránh xa họ, để tìm sự yên bình và tự tại.

Trong tình huống này, chúng ta có thể tìm thấy sự tự do cho chính mình bằng những truy cầu bên ngoài, ví dụ như thoát ra khỏi hoàn cảnh đó, có thể là đi dạo bộ và tìm sự tự do khi hòa mình với thiên nhiên. Và, thực tế là, tôi đánh giá cao điều này trong phần lớn các trường hợp.

Tuy nhiên tôi muốn dùng viễn cảnh này để cho [bạn] thấy rằng chúng ta có thể có được sự giải thoát [ngay cả khi] chúng ta không đi ra khỏi hoàn cảnh đó. Điều này không có nghĩa là bạn nên mắc kẹt ở tình cảnh phiền muộn đó.

Vậy chúng ta tìm được sự giải thoát như thế nào? Đây là một phương pháp đơn giản mà ta có thể rèn luyện:

Nhận thức được rằng bạn đang khó chịu

Hãy ghi lại những cảm xúc của bạn, bất kể đó là khi bạn cảm thấy căng thẳng, thất vọng, cô đơn, hay giận dữ. Hãy để bản thân bạn cảm nhận được những cảm xúc này, như những cảm giác trần thịt trên cơ thể bạn. Không có gì sai với việc bạn cảm thấy thế nào.

Nhận thức được quan niệm của chính mình

Hãy nhìn vào bên trong bản thân bạn để tìm ra quan niệm nào đang gây ra sự khó chịu: “Họ không nên hành động như thế” hay “Họ luôn chỉ trích mình, mình chẳng hiểu tại sao họ cứ phải khó tính như vậy” hay “Mình đáng ra không nên là một đứa trì hoãn như vậy, mình thật tồi tệ.”

Không phải chúng ta đang chỉ trích quan niệm đó, hay nói rằng nó sai, mà chúng ta chỉ đang nhận thức [rõ] rằng quan niệm đó đang khiến chúng ta thấy mất tự do.

Hãy tự hỏi bản thân rằng quan niệm đó có đang giúp ích hay phục vụ cho bạn không

Nếu bạn đang cảm thấy phiền muộn hoặc tổn thương, thì cảm xúc đó có thể không hẳn [là đang giúp ích cho bạn]. Hãy tự hỏi bản thân rằng bạn có đang cố chấp trong trạng thái này không, hay bạn muốn thay đổi nó. Nếu bạn muốn thay đổi, hãy đến với bước tiếp theo.

Hãy buông lỏng sự cố chấp của bạn vào quan niệm này

Lấy ví dụ: Bạn có thật sự biết một người nào đó nên hay không nên hành động như thế nào trong một hoàn cảnh cụ thể không? Bạn đã từng ở trong tình huống của họ chưa? Chẳng lẽ bạn biết [tất cả] mọi người nên hành động ra sao chăng? Cá nhân tôi còn không biết tôi nên hành động như thế nào, nói chi cách những người khác hành động.

Những câu hỏi này không phải để nói rằng quan điểm của chúng ta là sai – nó chỉ đơn giản là khiến chúng ta buông lỏng sự cố chấp của mình vào quan niệm này, để cho ta thấy rằng [luôn] có thể có những giải pháp khác. Có thể có những quan niệm khác chăng? Những điều mà bạn không biết?

Trải nghiệm những quan điểm tự do khác nhau

Ở bất kỳ thời điểm nào, chúng ta cũng có thể nhẹ nhàng buông xuống những quan niệm của bản thân và quan sát thế giới như nó vẫn vậy. Hãy nhìn những đồ vật, ánh sáng, màu sắc và kết cấu, sự rộng lớn của thế giới xung quanh chúng ta.

Hãy nhìn người khác một cách đơn giản như là một tổ hợp của vật chất và năng lượng. Mỗi khoảnh khắc trải nghiệm là một trải nghiệm trực tiếp, chứ không phải là một phần câu chuyện mà chúng ta có trong đầu.

Đây là sự tự do chân chính, và nó chỉ đơn giản là [chúng ta] sống trong thực tại tự do về quan điểm, chỉ là sự trải nghiệm. Nó giống như khi bạn đang ở bên ngoài hòa mình với thiên nhiên, hoàn toàn đắm mình trong sự trải nghiệm mà không thực sự suy tư điều gì, như nằm trên bãi cỏ một cách thảnh thơi ngắm nhìn những tán cây và bầu trời, [hay bồng bềnh] trôi trong đại dương [và] cảm giác như hòa làm một với làn nước, [hoặc] một kỳ nghỉ hoàn toàn thư giãn nằm trên võng và không lo nghĩ điều gì. Đây là sự tự do tự tại hiện hữu với chúng ta trong mọi thời khắc.

Tiếp thu góc nhìn mới mẻ và đầy hữu ích

Đầu tiên nhất đó là bạn không cần một góc nhìn mới – sự tự do là trải nghiệm một khoảnh khắc mà không có quan niệm nào. Điều đó nói lên rằng, đôi khi việc áp dụng những quan điểm mới có thể hữu ích.

Ví dụ như, chúng ta có thể thấy biết ơn người này, hay chính bản thân chúng ta không? Chúng ta có thể nhìn thấy họ, hay chính chúng ta, là một món quà [vô giá] không? Chúng ta có thể cảm nhận được sự kết nối với họ, hoặc đồng cảm và từ bi với nỗi sợ hãi và đau đớn mà họ đang cảm thụ không? Chúng ta có thể đối mặt với hoàn cảnh đó bằng sự tò mò và khám phá không? Điều này không phải lúc nào cũng giúp ích (lấy thí dụ, nếu bạn đang gặp nguy hiểm hoặc trong một hoàn cảnh bị ngược đãi, hãy thoát ra khỏi đó). Tuy nhiên, [sự tò mò và khám phá khi đối mặt với hoàn cảnh] thường có thể rất đáng để áp dụng thử.

Tất nhiên, tất cả những điều này cần được luyện tập. Bạn không thể làm được những bước cuối cùng nếu bạn không rèn luyện từ những bước đầu tiên. Những bước cuối có thể là một sự vật lộn cố gắng khi chúng ta mãi kiên trì vào những quan niệm [cũ] của mình. Đừng quá lo lắng về điều đó, chỉ cần bền bỉ luyện tập.

Sức mạnh của việc tìm thấy tự do

Nếu chúng ta học cách luyện tập tự do trong mọi thời khắc, chúng ta [đang] bắt đầu có nhiều lựa chọn hơn.

Lấy ví dụ:

Nếu chúng ta đang nghĩ đến việc chia tay ai đó vì chúng ta mệt mỏi với việc cứ mãi mâu thuẫn bực mình với họ, thì chúng ta có thể buông xuống sự khó chịu này và tìm kiếm sự bình an, ngay cả khi những mâu thuẫn đó khiến ta buồn bực. Điều này có thể giúp chúng ta thiện đãi hơn với họ, và thay đổi hoàn toàn mối quan hệ. Không phải nhất định như vậy, nhưng có khả năng sẽ như thế.

Nếu chúng ta phiền muộn về bản thân mình, đây có thể là khởi đầu của một mối quan hệ tốt đẹp hơn với chính bản thân ta.

Nếu chúng ta đang lảng tránh điều gì đó, ví dụ như khai thuế hay ngân sách của mình, thay vì trốn tránh áp lực của việc đó, chúng ta thực ra có thể tìm thấy sự tự do khi làm công việc [này].

Điều này cho phép chúng ta tìm thấy sự tự do tự tại trong bất kỳ công việc hay hoạt động nào như: tập thể dục, làm sạch nhà, dọn dẹp, viết lách, hay tham gia một cuộc họp.

Cuối cùng, chúng ta có thể được giải thoát khỏi bất cứ điều gì: khởi nghiệp, viết và xuất bản một cuốn sách, đăng những sáng tạo của ta lên mạng xã hội, kết nối trực tuyến với mọi người, lên sân khấu, [hay] tạo ra một phong trào. Bởi vì những điều đã từng trói buộc chúng ta trước đây giờ không còn là những giới hạn nữa – chúng ta có thể được tự do làm tất cả những điều này.

Nó sẽ là cảm giác gì nhỉ?

Leo Babauta là tác giả của sáu cuốn sách và là nhà văn của Zen Habits, một blog với hơn 2 triệu người đăng ký. Hãy ghé thăm trang ZenHabits.net

Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn