Thực hành tư duy khoáng đạt như một nhà khoa học

Hãy suy nghĩ khoáng đạt khi mắc phải sai lầm. Đó là sự tự do để tiếp tục học hỏi. Nếu bạn có thể đón nhận niềm vui từ những điều sai lầm, thì bạn sẽ củng cố bản thân mình nhiều hơn khi trở thành một người luôn háo hức khám phá những điều mới mẻ. Một cuốn sách mới đề cao tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi trước những kiến thức và ý tưởng mới.

Thế giới đang biến đổi không ngừng, điều quan trọng là [chúng ta] phải có khả năng thích ứng thay vì cố bám víu vào những ý tưởng cũ và quan niệm cũ. Đây là một trong những bài học của năm 2020, một năm buộc chúng ta phải đặt câu hỏi về nhiều giả định, về những hành vi nào là an toàn, cách thức tiến hành công việc và học hành, cũng như cách chúng ta kết nối với những người khác.

Trong cuốn sách mới của nhà tâm lý học Adam Grant có tên: “Hãy suy nghĩ lại: Sức mạnh của việc biết những điều bạn chưa biết”, giải thích tính trọng yếu của việc mọi người cần phải khiêm tốn về kiến ​​thức, luôn cởi mở hơn để học hỏi và thay đổi suy nghĩ. Cuốn sách chứa đầy những nghiên cứu và hướng dẫn hấp dẫn về cách trở nên linh hoạt hơn trong suy nghĩ, đồng thời chúng ta cũng có thể giúp người khác cùng thực hành tư duy cởi mở hơn.

Đây là kỹ năng rất quan trọng không chỉ để đối mặt với các cuộc khủng hoảng như đại dịch, mà còn để điều hướng các vấn đề xã hội phức tạp, đưa ra các quyết định kinh doanh đúng đắn và còn rất nhiều lợi ích khác nữa.

“Trong một thế giới đang thay đổi, bạn phải sẵn sàng và có thể thay đổi suy nghĩ của mình. Nếu không, kiến ​​thức chuyên môn của bạn có thể thất bại, quan điểm ​​của bạn lỗi thời và ý tưởng của bạn không thành công.” Grant nói.

Gần đây, tôi đã nói chuyện với Grant về cuốn sách của anh ấy và các bài học rút ra từ đó. Dưới đây là phiên bản đã chỉnh sửa cuộc trò chuyện của chúng tôi.

Jill Suttie: Cuốn sách của anh tập trung vào tầm quan trọng của việc mọi người đặt câu hỏi về những gì họ nghĩ là (đã) họ biết và nên cởi mở để thay đổi suy nghĩ của họ. Tại sao nó rất khó để làm điều đó?

 tư duy khoáng đạt
Adam Grant.

Adam Grant: Có một vài lý do. Đầu tiên là cái mà các nhà tâm lý học gọi là “tính cố chấp về nhận thức”, đó là khi bạn có quá nhiều kiến ​​thức trong một lĩnh vực mà bạn bắt đầu coi thường những giả định cần được đặt câu hỏi. Chẳng hạn, có bằng chứng cho thấy rằng khi thay đổi luật chơi cho những người chơi bài brít chuyên nghiệp, họ đã thực sự gặp khó khăn vì họ không nhận ra rằng các chiến thuật mà họ đã sử dụng trong nhiều năm qua lại không (tiếp tục) áp dụng được. Cũng có bằng chứng cho thấy những kế toán viên có nhiều kinh nghiệm lại chậm thích nghi với luật thuế mới hơn những nhân viên mới vào nghề vì họ đã chủ quan hóa một cách nhất định trong khi làm việc.

Rào cản thứ hai là động lực: “Tôi không muốn suy nghĩ lại; Tôi thấy thoải mái với cách tôi đã làm mọi việc. Nó khiến tôi cảm thấy mình thật ngu ngốc nếu thừa nhận rằng tôi đã sai. Sẽ thoải mái hơn nếu cứ theo quan điểm của tôi (hoặc là tùy thuộc vào quan niệm tư tưởng của tôi).”

Lý do thứ ba là yếu tố xã hội. Chúng ta không hình thành niềm tin riêng biệt. Nhìn chung, chúng ta đúc kết những quan điểm vì ​​bị ảnh hưởng và khá giống với những người trong vòng kết nối xã hội của chúng ta. Vì vậy, có nguy cơ là nếu tôi từ bỏ một số quan điểm của mình, tôi có thể bị loại khỏi nhóm của mình và tôi không muốn chấp nhận rủi ro đó.

Cô Suttie: Trong cuốn sách của anh, anh nói về tầm quan trọng của “tư duy khoa học.” Theo anh, tư duy khoa học có nghĩa là gì và nó giúp chúng ta suy nghĩ lại như thế nào?

Anh Grant: Tôi nghĩ rằng đa số chúng ta dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ như những nhà thuyết giáo, công tố viên và chính trị gia. [Phillip] Tetlock đã đưa ra một trường hợp rất thuyết phục rằng khi chúng ta bật chế độ thuyết giáo, chúng ta tự cho rằng mình đúng; khi ở chế độ công tố viên, chúng ta đang cố gắng chứng minh người khác sai; và khi ở chế độ chính trị gia, chúng ta đang cố gắng giành lấy sự đồng tình của khán giả. Mỗi chế độ tinh thần này đều có thể được “suy nghĩ lại”, bởi vì ở chế độ nhà thuyết giáo và công tố viên, tôi đúng còn anh sai, và tôi không cần phải thay đổi suy nghĩ của mình. Ở chế độ chính trị gia, tôi có thể nói với anh những gì anh muốn nghe, nhưng có thể tôi sẽ không thay đổi những gì tôi thực sự nghĩ; Tôi đang dùng kỹ năng “hoa ngôn xảo ngữ” thay vì suy nghĩ lại.

Suy nghĩ như một nhà khoa học không có nghĩa là bạn cần phải sở hữu một chiếc kính viễn vọng hay kính hiển vi. Nó chỉ có nghĩa là bạn ủng hộ sự khiêm tốn hơn là tự hào, tò mò hơn là tin tưởng. Bạn biết những gì bạn chưa biết và bạn háo hức khám phá những điều mới. Bạn không để ý tưởng cá nhân mình trở thành bản sắc của bạn. Bạn tìm kiếm lý do tại sao bạn có thể sai, chứ không chỉ đi tìm những lý do tại sao bạn phải đúng. Bạn lắng nghe những ý kiến (trái chiều) ​​khiến bạn phải suy nghĩ nhiều chứ không chỉ những ý kiến làm bạn cảm thấy hài lòng. Và xung quanh bạn là những người có thể thách thức phương pháp của bạn, chứ không chỉ là những người đồng ý với kết luận của bạn.

Cô Suttie: Tại sao mọi người lại muốn tìm kiếm lý do cho những điều sai?

Anh Grant: Một trong những lý do bạn muốn là vì nếu bạn không thường xuyên suy nghĩ lại vậy nên bạn sẽ mắc sai lầm thường xuyên hơn. Tôi nghĩ đó là một trong những nghịch lý lớn của cuộc sống: Bạn càng nhanh chóng nhận ra khi bạn sai, bạn càng ít sai lầm hơn.

Có một thử nghiệm trong đó các nhà doanh nghiệp được hướng dẫn cách suy nghĩ như các nhà khoa học, đó là một minh chứng tốt về điều mà tất cả chúng ta đều có thể thực hành. Những người sáng lập công ty khởi nghiệp người Ý đã trải qua một khóa học kéo dài từ ba đến bốn tháng về cách thành lập và điều hành một doanh nghiệp. Nhưng một nửa trong số họ được chỉ định ngẫu nhiên để suy nghĩ như các nhà khoa học, nơi họ được cho biết rằng chiến lược của bạn là một lý thuyết. Bạn có thể thực hiện các cuộc phỏng vấn khách hàng để phát triển các giả thuyết cụ thể và sau đó khi bạn khởi chạy sản phẩm hoặc dịch vụ đầu tiên của mình, hãy coi đó như một thử nghiệm và kiểm tra giả thuyết của bạn.

Những nhà doanh nghiệp mà chúng tôi hướng dẫn cách suy nghĩ như các nhà khoa học đã mang lại doanh thu gấp 40 lần so với nhóm kiểm soát. Lý do cho điều đó là họ có khả năng xoay chuyển cao hơn gấp đôi khi lần ra mắt sản phẩm hoặc dịch vụ đầu tiên của họ không hoạt động thay vì khiến cái tôi của họ dồn hết vào việc chứng minh rằng họ đúng. Đối với tôi, đó là một số bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy việc sẵn sàng thừa nhận mình sai thực sự có thể đẩy nhanh tiến độ của bạn để trở thành đúng.

Cô Suttie: Vậy phải chăng chúng ta không thể giữ lấy chuyên môn của mình thay vì luôn đưa ra mọi ý tưởng có trọng lượng ngang nhau?

Anh Grant: Tôi không nói rằng bạn không nên có các tiêu chuẩn. Điểm mấu chốt của việc suy nghĩ lại là thay đổi suy nghĩ của bạn khi đối mặt với logic tốt hơn hoặc bằng chứng mạnh mẽ hơn – không phải chỉ tung xúc xắc và nói, hôm nay tôi sẽ ngẫu nhiên chọn một ý kiến ​​mới.

 tư duy khoáng đạt
Suy nghĩ lại: Sức mạnh của việc biết những điều bạn chưa biết (Viking, 2021, 320 trang)

Có một cách tuyệt vời để mô tả những gì tôi nói sau đây, đó là điều mà Bob Sutton đã viết trong nhiều năm. Ông định nghĩa một thái độ sáng suốt là hành động dựa trên thông tin tốt nhất bạn có trong khi nghi ngờ những gì bạn biết. Đó là những gì tôi đang nói ở đây. Bạn cần có thái độ khiêm tốn.

Tôi nghĩ mọi người hiểu sai sự khiêm tốn là gì. Khi nói về sự khiêm tốn trong giới chuyên gia hoặc các nhà lãnh đạo, mọi người nói, “Không, tôi không muốn mất tự tin. Tôi không muốn có quan niệm ​​thấp về bản thân.” Nhưng, tôi nói, đó không phải là sự khiêm tốn. Từ gốc tiếng Latinh của sự khiêm tốn có nghĩa là “từ trái đất.” Đó là về cơ sở, nhận ra rằng, vâng, chúng ta có điểm mạnh, nhưng chúng ta cũng có điểm yếu. Bạn có thể mắc sai lầm. Sự tự tin với thái độ khiêm nhường có thể nói, “Tôi không biết và tôi có thể sai” hoặc “Tôi chưa tìm ra,” về cơ bản là tin vào bản thân nhưng nghi ngờ kiến ​​thức hoặc kỹ năng hiện tại của bạn.

Cô Suttie: Mọi người dường như thường không muốn suy nghĩ lại và họ sẽ sử dụng các chiến thuật để kết thúc cuộc trò chuyện, chẳng hạn như nói, “Tôi có quyền giữ quan điểm ​​của tôi” hoặc “Tôi không muốn thay đổi ý kiến của tôi, tôi không quan tâm những gì bạn nói.” Làm cách nào anh có thể khuyến khích ai đó cởi mở hơn để suy nghĩ lại nếu họ không có động lực?

Anh Grant: Các lựa chọn của bạn không phải lúc nào cũng hoạt động hiệu quả. Nhưng một lựa chọn là thể hiện sự cởi mở và thừa nhận rằng bạn có thể sai hoặc kiến ​​thức của bạn có thể chưa đầy đủ. Lý do mọi người che giấu thường là vì họ sợ bị đánh giá. Vì vậy, họ thà buông xuôi và né tránh điều đó. Nhưng nếu bạn nói, “Này, bạn biết không? Tôi không chắc về ý kiến ​​của mình ở đây,” có khả năng họ sẽ nhận ra rằng cả hai bạn ở đây để học hỏi lẫn nhau.

Lựa chọn thứ hai có thể là đặt những câu hỏi giúp xem xét điều gì sẽ mở mang đầu óc của họ, điều này ít nhất khuyến khích họ suy ngẫm về các tình huống mà họ có thể suy nghĩ lại. Nếu họ thừa nhận bằng chứng có thể thay đổi ý định của họ, thì ít nhất đó cũng là một bước tiến tới sự tiến bộ.

Khả năng thứ ba là làm điều tôi đã thực hiện kể từ khi viết cuốn sách này: thừa nhận sự bướng bỉnh của bản thân khi bắt đầu những cuộc trò chuyện kiểu này và thừa nhận rằng tôi có thói quen xấu là hay đi vào “chế độ bắt bẻ logic.” Tôi tấn công mọi người bằng các sự kiện và dữ liệu, nhưng đó không phải là con người tôi muốn. Tôi muốn trò chuyện với những người bất đồng với hy vọng rằng tôi có thể học được điều gì đó từ họ. Tôi không muốn trở thành một công tố viên.

Vì vậy, tôi đề nghị mọi người khi thấy tôi đang làm như vậy hãy vui lòng nói cho tôi biết. Một vài tình huống xảy ra khi tôi làm điều đó. Một là đôi khi mọi người sẽ nhắc tôi và điều đó giúp ích cho tôi. Tuần trước, khi tôi đang tranh luận qua email với một đồng nghiệp và anh ấy nói, “Anh lại chuyển sang chế độ luật sư.” Đó là một lời nhắc nhở tốt để tôi suy nghĩ, “Ừ, ồ, tốt hơn là tôi nên suy nghĩ lại về cách mà tôi đang có cuộc tranh luận này.” Một điều khác xảy ra là khi tôi giải thích thành thật vấn đề của mình, thường người khác sẽ nói, “Ôi trời ơi, tôi cũng làm vậy. Tôi cũng không muốn như vậy.” Nó có chút thiết lập các điều khoản cho cách thức trò chuyện dựa trên sự thành thực.

Cô Suttie: Ở cuối cuốn sách, anh có 30 bài học thực hành để suy nghĩ lại. Anh có thể đề cập đến một số điểm đặc biệt quan trọng hoặc dễ nắm bắt hơn không?

Anh Grant: Một trong những niềm yêu thích của tôi là trở thành “người siêu dự báo,” có nghĩa là, khi bạn đưa ra ý kiến, bạn lập một danh sách các điều kiện có thể khiến bạn thay đổi ý nghĩ. Điều đó giúp bạn trung thực, bởi vì một khi bạn dính mắc vào một ý kiến, bạn sẽ rất khó để từ bỏ nó. Nhưng nếu bạn xác định được các yếu tố có thể thay đổi suy nghĩ của mình, bạn sẽ giữ cho mình sự linh hoạt.

Để khuyến khích người khác suy nghĩ lại, bạn có thể tránh làm cho cuộc tranh luận bị loãng đi. Hầu hết chúng ta cố gắng thuyết phục mọi người bằng càng nhiều lý do càng tốt, bởi vì chúng ta nghĩ rằng đưa ra càng nhiều lý do sẽ khiến họ dễ dàng thay đổi ý định. Nhưng chúng ta quên rằng có hai điều xảy ra. (Tôi muốn cung cấp cho bạn nhiều điều nữa, nhưng tôi sẽ cố gắng tránh làm loãng lý lẽ của chính mình.) Chúng ta càng đưa ra nhiều lý do, thì càng kích hoạt nhận thức của người khác rằng chúng ta đang cố thuyết phục họ, và họ đề cao cảnh giác. Ngoài ra, nếu họ phản đối, việc đưa ra nhiều lý do sẽ cho họ có cơ hội chọn ra lý do kém thuyết phục nhất và phản bác lại toàn bộ cuộc tranh luận.

Bài học ở đây là, nếu bạn có một đối tượng có thể đồng ý với quan điểm của bạn, đôi khi sẽ hiệu quả hơn nếu đưa ra hai lý do thay vì năm lý do. Hai lý do đó dẫn đầu bằng lập luận mạnh mẽ nhất của bạn.

Nhìn chung, tôi thích ý tưởng thực hiện một cuộc kiểm tra việc suy nghĩ lại. Tất cả chúng ta đều đến bác sĩ để kiểm tra sức khỏe định kỳ, ngay cả khi không có gì bất thường. Chúng ta cũng nên làm như vậy với những quyết định quan trọng trong cuộc đời. Nhiều năm qua, tôi đã khuyến khích sinh viên của mình thực hiện đánh giá học tập hàng năm, chỉ cần tự hỏi bản thân một hoặc hai lần mỗi năm, “Tôi đã đạt đến mức ổn định trong học tập chưa? Tôi còn giữ vững tầm quan trọng của giá trị và đam mê của mình không?” Chúng ta có thể làm điều tương tự với các mối quan hệ cá nhân hoặc bất kỳ điều gì quan trọng đối với chúng ta.

Cô Suttie: Anh viết rằng sai lầm sẽ gắn liền với một cuộc sống vui vẻ hơn. Tại sao vậy?

Anh Grant: Tôi nhận thấy Danny Kahneman [nhà kinh tế học hành vi từng đoạt giải Nobel] bừng sáng lên vui mừng khi phát hiện ra rằng một trong những giả thuyết của mình là sai. Vì vậy, tôi đã hỏi anh ấy, “Tại sao anh lại trông rất phấn khích khi phát hiện ra rằng mình đã sai?” Và anh ấy đã sửa lại cho tôi. Anh ấy nói rằng không ai thích mình sai, nhưng anh ấy thực sự vui mừng khi phát hiện ra rằng mình đã sai, bởi vì điều đó có nghĩa là bây giờ anh ấy đã ít sai hơn trước đây. Đột nhiên tôi phát hiện ra rằng: Sai có nghĩa là tôi đã học được điều gì đó. Nếu tôi phát hiện ra rằng tôi đã đúng, thì sẽ không có kiến ​​thức hoặc khám phá mới nào.

Ở một khía cạnh nào đó, niềm vui của việc sai lầm là sự tự do để tiếp tục học hỏi. Nếu bạn có thể đón nhận niềm vui từ điều sai lầm, thì bạn sẽ củng cố bản thân mình nhiều hơn khi trở thành một người luôn háo hức khám phá những điều mới, và hơn là một người đã biết mọi thứ hoặc mong chờ để biết mọi thứ.

Cô Suttie: Anh có hy vọng gì về việc mọi người tham gia vào việc suy nghĩ lại như một cách hàn gắn chia rẽ chính trị của chúng ta không?

Anh Grant: Điều đó phụ thuộc vào việc bạn đang nói chuyện với ai. Vì vậy, nhiều người trong chúng ta rơi vào thành kiến ​​song phương và chúng ta chỉ tập trung vào phiên bản cực đoan nhất của đối phương, đó là một bức tranh biếm họa, ở đó chúng ta nói rằng họ thật ngu ngốc hoặc tồi tệ. Nếu bạn bỏ qua điều đó, sẽ có cả một quang phổ phức tạp và nhiều sắc thái xám giữa hai thái cực chính trị này.

Nghiên cứu của Peter Coleman chỉ ra rằng, thay vì giới thiệu một chủ đề phức tạp như phá thai, súng đạn hay biến đổi khí hậu như một đại diện cho hai mặt của một đồng xu, nếu bạn có thể khuyến khích người ta nghĩ về nó thông qua nhiều lăng kính, chúng sẽ có nhiều sắc thái hơn, ít phân cực hơn và chúng có nhiều khả năng tìm thấy điểm chung hơn. Bất cứ khi nào bạn thấy ai đó tạo ra sự chia rẽ “chúng tôi đối lập với họ”, bạn có thể hỏi, “Còn góc thứ ba là gì, ống kính thứ tư trên đó là gì?” Điều đó mang lại cho mọi người cơ hội mở rộng nhiều sự tin tưởng khác nhau và mở rộng tâm trí của họ với nhiều ý tưởng, thay vì chỉ gắn chặt với một ý tưởng.

Cô Suttie: Anh kỳ vọng gì về cuốn sách này?

Anh Grant: Tôi hy vọng rằng nó sẽ khuyến khích nhiều người linh hoạt hơn trong suy nghĩ của họ, để nói rằng họ quan tâm đến việc học hỏi và cải thiện bản thân hơn là chứng tỏ bản thân. Quá nhiều người bị mắc kẹt trong nhà tù tinh thần do chính chúng ta tạo nên. Nhưng nếu chúng ta có thể cố gắng suy nghĩ lại, chúng ta có thể có một xã hội cởi mở hơn.

Tân Dân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Jill Suttie
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Jill Suttie, Psy.D., là cựu biên tập viên bình phẩm sách của Greater Good và hiện là biên tập viên và cộng tác viên của tạp chí. Bài báo này đã được đăng lại từ tạp chí trực tuyến Greater Good. 
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn