Thói quen là để thay đổi

Bạn quan tâm đến sống một cuộc sống đầy những trải nghiệm phong phú, nhiều màu sắc và ngập tràn ký ức. Vậy hãy tìm cách, dù ít hay nhiều,  phá vỡ các thói quen và đưa thêm những điều mới mẻ và các “khoảnh khắc đầu tiên” trong ngày vào cuộc sống của bạn.

Các trải nghiệm mới mẻ có sức mạnh kéo giãn thời gian

Các thói quen có vai trò rất quan trọng. Hình thành các thói quen ổn định giúp chúng ta có được những ngày làm việc hiệu quả. Khi thực hiện một số hành động theo thông lệ, chẳng hạn như thức dậy vào buổi sáng, tập thể dục và ăn những gì, thì chúng ta có thể dành được ý chí và kỷ luật cho những sự kiện bất ngờ mà cuộc sống đem đến.

Nhưng đồng thời, thói quen cũng trở thành cố hữu. Một cuộc sống quá cứng nhắc khiến người ta cảm giác như đang chạy trên chiếc bánh xe của chuột hamster mà không thể thoát ra. Ngày qua ngày, và trước khi bạn kịp nhận ra điều đó, nhiều năm đã trôi qua và bạn bắt đầu tự hỏi thời gian đã trôi đi đâu.

Vậy làm thế nào bạn có thể thoát khỏi chiếc bánh xe hamster đơn điệu ấy? Hãy chủ động cam kết có mục đích để chào đón nhiều điều mới lạ hơn đến với cuộc sống của bạn.

Mở rộng thời gian

Nhắc đến bánh xe hamster, gần đây các bài tập của tôi đang đi theo lối mòn. Luyện tập trên máy chạy bộ quá nhiều và không có đủ dopamine. Tôi hay rời khỏi phòng tập với cảm giác khó chịu thay vì dồi dào năng lượng. Vì vậy, vào sáng thứ Ba tuần trước, tôi đã không đến phòng tập thể dục như thường lệ mà thay vào đó là chạy bộ 45 phút trên cung đường mòn gần nhà. Trời vẫn còn tối khi tôi vừa bắt đầu, nhưng khi chạy gần hết con đường đó thì mặt trời bắt đầu ló dạng phía đường chân trời. Không khí lúc ấy thực sự trong lành và sạch sẽ. Không gian thật tĩnh mịch — tôi chỉ thấy có một người nữa ở trên con đường mòn sáng hôm đó.

Đây quả là một cách tuyệt vời để bắt đầu một ngày mới và hôm ấy tôi đã cảm thấy thật tràn đầy năng lượng. Không chỉ vậy, trải nghiệm đó đã in đậm một cách sống động trong tâm trí tôi. Mặc dù thực tế là cùng một thời điểm thức dậy và cùng một hoạt động theo thói quen là tập thể dục, việc chạy bộ trên con đường mòn vào hôm thứ Ba ấy vẫn nổi bật hơn. Thực ra, tôi không thể nhớ lại cụ thể các chi tiết của bất kỳ buổi sáng nào khác trong tuần trước. Khi hầu hết các buổi sáng khác dường như trôi qua trong nháy mắt và không thể phân biệt được, thì buổi sáng thứ Ba đã diễn ra — ít nhất là trong tâm trí tôi — một cách chậm rãi và có chủ ý. Tôi chỉ chạy trên con đường mòn đó trong 45 phút, giống như các buổi tập luyện khác, nhưng tôi cảm giác là dài hơn nhiều.

Các nhà tâm lý học gọi hiện tượng này là “sự mở rộng thời gian theo chủ quan”. Chiếc đồng hồ của bạn có thể cho bạn biết một sự thật về thời gian, nhưng tâm trí lại cho bạn biết một sự thật khác. Thời gian, theo nghĩa đen, mang tính khách quan — chúng ta ai cũng đều có 24 giờ trong ngày như nhau. Nhưng cách chúng ta trải nghiệm thời gian là một trải nghiệm mang tính bản ngã sâu sắc. Khi chúng ta từ bỏ thói quen cũ và trải nghiệm những điều mới mẻ, thời gian dường như trôi chậm lại. Ông Joshua Foer, tác giả cuốn sách “Cùng Einstein đi trên Mặt Trăng: Nghệ thuật và khoa học ghi nhớ mọi thứ”, đã viết: “Sự đơn điệu làm sụp đổ thời gian; sự mới mẻ lại mở ra thời gian”

Hiệu ứng Bóng lẻ (The Oddball Effect)

Rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện với nỗ lực giải thích lý do tại sao sự “mới và lạ” dường như làm chậm quá trình diễn giải của chúng ta về thời gian. Một nghiên cứu đã đưa ra có tên là “Hiệu ứng Bóng lẻ”.

Trong quá trình nghiên cứu, các đối tượng tham gia nghiên cứu nhiều lần được cho xem hình ảnh một chiếc giày màu nâu đơn giản. Sau khi họ đã quen với sự lặp đi lặp lại của cùng chiếc giày nâu, hình ảnh của một chiếc đồng hồ được chèn vào chu kỳ hình ảnh.

Mặc dù thực tế là hình ảnh chiếc đồng hồ hiển thị trên màn hình trong cùng một khoảng thời gian với chiếc giày, người xem cảm nhận rằng nó được hiển thị lâu hơn thực tế. Họ đã hình thành trạng thái có điều kiện và quen với hình ảnh chiếc giày đến nỗi một hình ảnh mới lạ khiến não bộ đưa ra một nhận thức hoàn toàn khác về thời gian. Sự đơn điệu của chiếc giày màu nâu khiến họ khát khao thay đổi, và não bộ của họ bám víu  vào một trải nghiệm khác được đưa chen lẫn [trong quá trình thí nghiệm].

Điều đáng nói là, nếu bạn quan tâm đến sống một cuộc sống đầy những trải nghiệm phong phú, nhiều màu sắc và ngập tràn ký ức, bạn cần phải tìm cách, dù ít hay nhiều,  phá vỡ các thói quen và đưa thêm những điều mới mẻ và các “khoảnh khắc đầu tiên” trong ngày vào cuộc sống của bạn.

Điều quan trọng là phải sắp xếp thời gian cho sự ngẫu hứng. Nhà thơ người Anh William Cowper đã viết: “Đa dạng là gia vị của cuộc sống, mang đến cho chúng ta những hương vị tuyệt vời nhất.”

Điều này nghe có vẻ không hợp lý vì chúng ta làm việc rất chăm chỉ để lập nên những thói quen tốt, nhưng chính việc phá bỏ những khuôn mẫu trong cuộc sống của chúng ta mới là thứ mang lại “gia vị cuộc sống”. Mặc dù chúng ta có thể cảm thấy thoải mái nhất khi mọi thứ diễn ra như thường lệ, nhưng chúng ta lại cảm thấy sống động nhất khi chúng không diễn ra theo thói quen.

Bạn có muốn thêm nhiều “mới và lạ” trong ngày không? Dưới đây là một vài ý tưởng hữu ích dành cho bạn.

Lập kế hoạch cho sự ngẫu hứng

Nhìn trên bề mặt, việc lập kế hoạch cho sự ngẫu hứng nghe có vẻ mâu thuẫn, tuy nhiên, điều đó là cần thiết nếu bạn muốn mở ra cho mình những trải nghiệm mới. Lập một danh sách các hoạt động mà bạn muốn trải nghiệm — chơi một nhạc cụ, tạo một thói quen tập luyện mới, một công thức mới — và lên lịch mỗi tuần để bản thân có thời gian thử chúng.

Đọc những cuốn sách hay

Nếu bạn muốn trải nghiệm những điều mới, bạn cần mở lòng mình với những ý tưởng mới. Sách viễn tưởng, phi hư cấu, lịch sử, tiểu sử — đó là những cuốn sách chứa đầy những khám phá về trải nghiệm của con người. Chúng là nguồn cảm hứng dồi dào đem đến nhiều điều mới lạ hơn trong cuộc sống.

Thay đổi đến từ những việc nhỏ nhặt

Một trong những lý do khiến nhiều người khó thoát khỏi thói quen của chính mình là vì đặt mục tiêu quá cao. Chúng ta muốn sự chuyển đổi thật nhanh chóng và khiến chúng ta hài lòng ngay lập tức. Tuy nhiên, sự thay đổi không đến ngay một lúc mà thường diễn ra từ từ. Bằng cách tập trung vào thực hiện những thay đổi nhỏ — chẳng hạn như đạp xe đi làm một lần mỗi tuần — chúng ta có thể tạo động lực cho chính mình. Rốt cuộc, sự chuyển đổi đến cùng thời điểm với những sự thay đổi nhỏ nhặt.

Vậy bạn sẽ làm gì khác trong ngày hôm nay đây?

Tác giả Jay Harrington là một tác giả, luật sư chuyển sang kinh doanh và điều hành một thương hiệu phong cách sống lấy cảm hứng từ phía bắc Michigan có tên Life and Whim. Anh sống cùng vợ và ba cô con gái nhỏ trong một thị trấn nhỏ và viết về đề tài sống có mục đích và đời sống trong thiên nhiên.

Do Jay Harrington thực hiện
Thành Trang biên dịch
Quý vị tham khảo “bản gốc” từ The Epoch Times

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn