Tại sao giấc ngủ lại quan trọng

Ngủ đủ giấc có thể thay đổi cuộc sống và có tác dụng nhiều mặt. Với người trưởng thành, chúng ta dành gần như một phần ba thời gian cuộc đời để ngủ. Chí ít đó cũng là thời gian ngủ mà các chuyên gia khuyến nghị. Chúng ta thường nghe đi nghe lại về việc phải ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm, nhưng tại sao?

Ngủ đủ giấc có thể thay đổi cuộc sống
Ngủ đủ giấc có thể thay đổi cuộc sống và có tác dụng nhiều mặt. (Ảnh S_L/Shutterstock)

Mặc dù ngủ là một trong những việc căn bản nhất mà con người và những động vật bậc cao đều làm, nhưng vẫn còn những bức màn bí ẩn về giấc ngủ cần được giải đáp. Các nhà khoa học chưa hoàn toàn chắc chắn về việc tại sao con người lại ngủ. Dù vậy, họ cũng đã đưa ra những giả thuyết lý giải việc tại sao giấc ngủ lại quan trọng, cũng như tìm hiểu sâu về tác động của giấc ngủ đến tâm trí và thân thể con người.

Chức năng não

Nếu không ngủ đủ giấc, não của bạn không thể hoạt động bình thường. Thiếu ngủ dẫn đến các vấn đề về tập trung, hiệu suất, nhận thức, trí nhớ và năng suất. Khi bạn ngủ đủ giấc, nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả trẻ em và người lớn đều có trí nhớ và kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn.

Tại sao giấc ngủ lại quan trọng như vậy
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả trẻ em và người lớn đều có trí nhớ và kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn. (Ảnh Pixabay)

Nguy cơ tim mạch

Những người ngủ ít hơn bảy giờ mỗi đêm có nguy cơ mắc bệnh tim mạch (đột quỵ, bệnh mạch vành) cao hơn nhiều so với những người ngủ từ bảy đến tám giờ, dựa trên kết quả của hơn hàng chục nghiên cứu.

Trầm cảm

Một số vấn đề sức khỏe tâm thần, bao gồm cả trầm cảm, có liên quan đến việc ngủ không đủ và rối loạn giấc ngủ. Một ví dụ là với chứng ngưng thở khi ngủ, liên quan đến giấc ngủ kém, cũng như tỷ lệ trầm cảm cao hơn đáng kể so với những người không gặp vấn đề về giấc ngủ này. Nhìn chung, khoảng 90% những người bị trầm cảm đều đối mặt với thách thức về chất lượng giấc ngủ, bao gồm cả việc ngủ không đủ giấc.

vì sao giấc ngủ lại quan trọng
Khoảng 90% những người bị trầm cảm đều đối mặt với thách thức về chất lượng giấc ngủ, bao gồm cả việc ngủ không đủ giấc. (Ảnh Pixabay)

Đời sống tình cảm và xã hội

Một số nhà nghiên cứu đã báo cáo bằng chứng về việc ngủ không đủ giấc làm giảm khả năng nhận ra các tín hiệu cảm xúc quan trọng từ người khác, bao gồm cả hạnh phúc và tức giận. Điều này có thể gây ra khó khăn trong mối quan hệ xã hội với những người khác

Hệ miễn dịch

Một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để ngăn cảm lạnh hoặc cúm là ngủ đủ giấc. Đó là vì người ta đã chứng minh rằng những người ngủ ít hơn bảy giờ mỗi đêm có nguy cơ bị cảm lạnh thông thường cao hơn gần ba lần so với những người ngủ từ tám giờ trở đi.

Tình trạng viêm nhiễm

Người ta đã chỉ ra rằng viêm nhiễm tác động rất lớn đến sức khỏe, từ bệnh tim đến hen suyễn, viêm khớp, bệnh viêm ruột và bệnh tiểu đường, đến những bệnh khác. Giấc ngủ kém thực sự có thể kích hoạt các dấu ấn viêm nhiễm và tổn thương tế bào. Mối liên quan giữa giấc ngủ kém và các bệnh viêm ruột, đã được chứng minh trong một số nghiên cứu, bao gồm một nghiên cứu trên Tạp chí Tiêu hóa Thế giới và một nghiên cứu khác trong Tiêu hóa & Gan mật.

Hoạt động thể chất

Ngủ không đủ giấc có thể làm thể chất của bạn chùng xuống. Cho dù bạn đi bộ, thực hiện các hoạt động hàng ngày hay chơi một trận tennis, bạn cần phải ngủ để cơ thể hoạt động tốt nhất. Ví dụ, trong một nghiên cứu về phụ nữ lớn tuổi, giấc ngủ kém có liên quan đến việc khó khăn trong thực hiện các hoạt động hàng ngày, đi lại và duy trì lực cầm nắm. Những người thường xuyên hoạt động, chẳng hạn như những người chơi thể thao, cũng có tốc độ, hiệu suất và thời gian phục hồi tốt hơn khi họ ngủ đủ giấc.

Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2

Bạn có ngủ ít hơn sáu giờ mỗi đêm không? Nếu có, bạn có nguy cơ cao sẽ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Ngủ không đủ giấc nói chung có tác động tiêu cực đến mức đường huyết của mọi người. 

Tại sao giấc ngủ quan trọng
Bạn có ngủ ít hơn sáu giờ mỗi đêm không? Nếu có, bạn có nguy cơ cao sẽ mắc bệnh tiểu đường loại 2. (Anhr Pixabay)

Cân nặng

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngủ không đủ giấc có liên quan đến khả năng béo phì ở trẻ em và người lớn cao hơn lần lượt là 89% và 55%.

Một lý do cho mối quan hệ này dường như liên quan đến hormone. Khi chúng ta không ngủ đủ giấc, các hormone thèm ăn của chúng ta bị rối loạn. Ví dụ, mức độ của chất kích thích sự thèm ăn ghrelin tăng lên trong khi chất ức chế sự thèm ăn, leptin, giảm. Những phản ứng này có thể dẫn đến tăng cân.

Deborah Mitchell là một nhà văn tự do viết về sức khỏe, người đam mê động vật và môi trường. Cô là tác giả và đồng tác giả của hơn 50 cuốn sách và hàng nghìn bài báo về nhiều chủ đề. Bài báo này được xuất bản lần đầu tiên trên NaturalSavvy.com

Deborah Mitchell
Hồng Xu biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn