Tại sao cơ thể bạn cần kẽm?

Kim loại này đóng vai trò quan trọng cho các chức năng của cơ thể, từ phản ứng miễn dịch cho đến quá trình chữa lành vết thương, và hơn thế nữa.

Kẽm là một anh hùng thầm lặng, thiết yếu đến mức các tế bào của bạn sẽ không biết phải làm gì nếu không có nó. Kẽm là một khoáng chất vi lượng quan trọng được tìm thấy khắp cơ thể bạn, chỉ đứng sau sắt về mức độ phổ biến trong các tế bào và mô. Kẽm có mặt trong các quá trình quan trọng như quá trình chữa lành vết thương, phản ứng của hệ thống miễn dịch và các chức năng như tăng trưởng và sửa chữa tế bào.

Thậm chí, một mối liên hệ đã được thiết lập giữa hàm lượng kẽm và sức khỏe đường hô hấp. Việc bổ sung kẽm rất quan trọng trong mùa cúm và mùa lạnh cũng như bất cứ khi nào cơ thể bạn bị căng thẳng.

Tại sao cơ thể cần kẽm
Có nhiều loại thực phẩm dồi dào kẽm.(Ảnh: Evan Lorne/Shutterstock)

Tại sao bạn cần kẽm?

Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao mọi người lại uống viên ngậm kẽm khi có dấu hiệu đầu tiên của cảm lạnh? Nhiều bằng chứng cho thấy rằng bổ sung kẽm trong vòng 24 giờ sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng có thể giúp rút ngắn thời gian bị cảm lạnh. Bổ sung kẽm bằng đường uống dưới dạng viên ngậm, viên nang và xi-rô tốt hơn là bổ sung kẽm qua đường mũi vì việc bổ sung kẽm qua đường mũi có liên quan đến việc mất khứu giác ở một số người.

Một chức năng khác của kẽm là điều hòa sự trao đổi chất. Được tìm thấy trong hơn 300 loại enzym, kẽm rất quan trọng đối với quá trình tiêu hóa và giúp chúng ta hấp thụ và chuyển hóa các vi chất dinh dưỡng cần thiết. Thiếu kẽm có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, đây là một vấn đề lớn trên toàn thế giới.

Bổ sung đủ kẽm đặc biệt quan trọng đối với trẻ em ở mọi lứa tuổi cũng như các bà mẹ trong giai đoạn mang thai hoặc cho con bú. Sự thiếu hụt kẽm trong thời kỳ hình thành bào thai có thể dẫn đến chậm phát triển các hệ thống sinh học như đường tiêu hóa, hệ xương, hệ miễn dịch và sinh sản.

Những thực phẩm giàu kẽm hàng đầu

Không giống như sắt, được chứa bên trong các thành phần tế bào trong cơ thể của bạn, kẽm thấm qua các tế bào và mô, thực hiện các chức năng cấu trúc, xúc tác và điều hòa quan trọng. Đó là lý do tại sao việc cung cấp đủ lượng kẽm thông qua chế độ ăn uống hoặc việc bổ sung kẽm rất quan trọng.

Bảo vệ chống lại sự thiếu hụt kẽm có nghĩa là đảm bảo một chế độ ăn uống đa dạng với các thực phẩm giàu kẽm. Các loại protein như thịt bò, thịt gia cầm, cá và hàu đều là những nguồn cung cấp loại khoáng chất thiết yếu này. Nguồn thức ăn chay chứa kẽm bao gồm ngũ cốc hữu cơ, đậu, các loại hạt, yến mạch và đậu phụ.

Trong khi người lớn và người cao tuổi cần một lượng kẽm như nhau, sự hấp thụ kẽm có thể giảm khi chúng ta già đi. Các loại chất bổ sung sinh học chất lượng cao có thể đảm bảo nhu cầu về kẽm của cơ thể, đặc biệt là trong thời gian căng thẳng hoặc ăn uống kém.

Kẽm: Một kim loại quý

Các nghiên cứu về tầm quan trọng của kẽm đã xác định ra các cơ chế có lợi của kẽm – một kim loại nhóm 2B – trong cơ thể con người:

  • Đặc tính chống oxy hóa, bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương bởi các gốc tự do
  • Giúp ổn định các bào quan – cấu trúc bên trong tế bào giúp kiểm soát các chức năng như tăng trưởng và sản xuất năng lượng
  • Là chất chống apoptotic, bảo vệ tế bào khỏi chết
  • Một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình tổng hợp chuỗi DNA
  • Thành phần quan trọng của việc chữa lành vết thương
  • Hoạt động như một chất chống viêm

Những chức năng quan trọng này khiến cho việc bổ sung kẽm trở nên quan trọng đối với bất kỳ ai đang đối mặt với bệnh tật. Đối với bệnh nhân hen và những người bị nhiễm trùng đường hô hấp, kẽm có thể là một trong những chiến lược phòng bệnh tốt nhất trong chế độ ăn uống của bạn.

Kẽm với sức khỏe đường hô hấp

Một nghiên cứu năm 2021, công bố trên tạp chí BMJ Global Health, đã xác định nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một phân tích tổng hợp để ước tính tác động tổng hợp của việc bổ sung vitamin D, C, kẽm và đa vi chất dinh dưỡng (MMS) đối với sự xuất hiện của nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và thời gian kép dài của các triệu chứng.

Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin D làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và rút ngắn thời gian của các triệu chứng xuống 6%. Vitamin C có tác dụng tương tự ở mức độ 9%, với tác dụng ở nam giới nhiều hơn phụ nữ và ở các nước có thu nhập trung bình nhiều hơn so với các nước có thu nhập cao. Mặc dù kẽm được cô lập không làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, nhưng nó làm giảm đáng kể thời gian của các triệu chứng.

Kết quả rút ra từ nghiên cứu vi chất dinh dưỡng quan trọng này nhấn mạnh sự cần thiết của một chế độ ăn uống đa dạng, giàu vitamin và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên hoặc một chất bổ sung chất lượng cao, khả dụng sinh học kết hợp vitamin C và D với kẽm và các vi chất dinh dưỡng cần thiết để bảo vệ phổi và đường hô hấp ở mức độ cao nhất .

Ăn quá nhiều kẽm cũng mang lại rủi ro. Uống kẽm với liều lượng cao trong thời gian dài có thể dẫn đến thiếu đồng. Các triệu chứng của việc thiếu đồng mức thấp bao gồm việc tê và yếu các chi của bạn. Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho rằng người lớn chỉ nên bổ sung tối đa 40 mg kẽm mỗi ngày.

Do Nhóm Nghiên cứu GMI thực hiện
Thiên Minh biên dịch
Qúy vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Green MedInfo
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Nhóm Nghiên cứu GMI chuyên nghiên cứu các vấn đề sức khỏe và môi trường quan trọng nhất, đặc biệt chú trọng đến sức khỏe môi trường. Nghiên cứu chuyên sâu và tập trung của nhóm sẽ khám phá nhiều cách – mà tình trạng hiện tại của cơ thể con người phản ánh trực tiếp trạng thái thực của môi trường xung quanh.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn