Quá nhiều vi khuẩn ruột non cũng sinh bệnh – Kỳ 3

Kỳ 1. Giới thiệu về Hội chứng loạn khuẩn ruột non SIBO

Kỳ 2. Làm thế nào để chẩn đoán Hội chứng loạn khuẩn ruột non

Kỳ 3. Giải pháp cho Hội chứng loạn khuẩn ruột non

SIBO là một bệnh phức tạp thường yêu cầu phải được điều trị toàn diện.

Trong kỳ 1 của loạt bài này, chúng tôi đã giới thiệu tổng quan về Hội chứng loạn khuẩn ruột non – hay còn gọi là SIBO. Trong kỳ 2, chúng ta đã thảo luận về cách chẩn đoán nó. Kỳ 3 và cũng là kỳ cuối cùng chúng ta sẽ tìm hiểu về cách điều trị bệnh lý này.

SIBO khó điều trị là điều không có gì phải bí mật. Để tìm ra giải pháp thực sự đòi hỏi một phương pháp tiếp cận toàn diện bao gồm việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống để cân bằng đường ruột.

 vi khuẩn tại ruột non
Khi vi khuẩn ngược dòng tiêu hoá vào ruột non, tiêu hóa sẽ bj ảnh hưởng. Chúng ta cần thay đổi chế độ ăn uống và hỗ trợ hệ thống miễn dịch. (Ảnh: Emily frost/Shutterstock)

Tóm tắt nhanh

Hệ tiêu hóa của bạn có một số bộ phận với những vai trò cụ thể. Thức ăn qua dạ dày đến ruột non, tại đây diễn ra phần lớn công việc hấp thụ chất dinh dưỡng. Những gì còn lại sẽ đi vào ruột già, ở đó có hàng loạt vi khuẩn và nấm giúp hoàn thành công việc tiêu hóa. Sau đó, các chất thải sẽ ra khỏi cơ thể bạn.

Mặc dù những vi khuẩn này rất cần thiết trong ruột già, nhưng khi chúng sinh sôi nảy nở trong ruột non, chúng sẽ gây ra SIBO và có thể phá hoại quá trình tiêu hóa và còn gây ra nhiều bệnh khác nữa.

Những cách can thiệp vào chế độ ăn uống

Loại bỏ các thực phẩm gây viêm là quan trọng nhất 

Thực phẩm có chứa carbohydrate tinh chế, đường, chất bảo quản và các thành phần nhân tạo sẽ thúc đẩy vi khuẩn sinh sôi khắp ruột non.

Không chỉ vậy, những thực phẩm này còn gây ra tình trạng viêm nhiễm toàn cơ thể, làm suy yếu hệ thống miễn dịch, có thể khiến một người dễ mắc SIBO hơn. 

Tập trung vào những thực phẩm nguyên chất, giàu dinh dưỡng như protein chất lượng cao, rau, trái cây và chất béo không gây viêm sẽ giúp cân bằng hệ vi sinh vật.

 vi khuẩn tại ruột non
Rau, trái cây và chất béo không gây viêm sẽ giúp cân bằng hệ vi sinh vật. (Ảnh: silviarita/Pixabay)

Có nhiều chế độ ăn uống khác cho SIBO, bao gồm:

  • Chế độ ăn ít FODMAP (các oligosaccharide có thể lên men, disaccharide, monosaccharide và polyol)
  • Chế độ ăn kiêng cơ bản
  • Chế độ ăn kiêng carbohydrate cụ thể (SCD)
  • Chế độ ăn kiêng hội chứng tâm lý và ruột (GAPS)
  • Chế độ ăn ít lên men (LF) hoặc
  • Chế độ ăn ít/không có tinh bột. 

Các chế độ ăn này hạn chế tiêu thụ các loại carbohydrate để tránh nuôi dưỡng vi khuẩn phát triển quá mức trong ruột non, giúp chữa lành niêm mạc ruột non.

Điều hạn chế nhất của việc can thiệp này là thời gian kéo dài nhiều tuần không tiêu thụ thức ăn mà chỉ uống một dung dịch các chất dinh dưỡng dễ tiêu hoá gồm có vitamin, khoáng chất, acid amin, chất béo và một số loại đường sẽ không đi đến ruột non.

Vì thế cần cân nhắc đến sự tuân thủ của bệnh nhân.

Chế độ ăn được sử dụng nhiều nhất cho SIBO là chế độ ăn ít FODMAP, hạn chế carbohydrate chuỗi ngắn không được hấp thụ hoàn toàn trong đường tiêu hóa. Các carbohydrate chuỗi ngắn này có thể tồn tại trong ruột non và khiến vi khuẩn phát triển quá mức, dẫn đến các triệu chứng tiêu hóa khác nhau.

Loại bỏ FODMAPS khỏi chế độ ăn uống giúp giảm đau ngắn hạn. Tuy nhiên, áp dụng FODMAP trong một thời gian dài có nguy cơ gây hại cho các vi khuẩn có lợi trong ruột già vốn rất quan trọng đối với sức khỏe tổng quát. Ruột già cần carbohydrate lên men để nuôi các vi khuẩn có lợi trong ruột già.

Trên thực tế, những vi khuẩn có lợi trong ruột già sản xuất butyrate khi tiêu thụ đủ lượng carbohydrate có thể lên men. Butyrate là một acid béo chuỗi ngắn có nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cơ chế chống viêm và bảo vệ sức khỏe của ruột, cụ thể là ruột già.

Khôi phục tình trạng nguyên vẹn của ruột

Điều quan trọng là phải hỗ trợ sức khỏe thành ruột của bạn để phục hồi sau SIBO. 

Kết hợp collagen và nước hầm xương vào chế độ ăn uống của bạn sẽ giúp làm dịu tình trạng viêm trong ruột và phục hồi tình trạng nguyên vẹn của nó. 

Ngoài ra, các chất dinh dưỡng như L-glutamine, kẽm carnosine, sữa non không chứa lactose và các globulin miễn dịch khác nhau có thể giúp xây dựng lại các điểm nối tế bào chặt chẽ trong niêm mạc ruột. 

Bổ sung HCl có thể hữu ích theo một số cách: thúc đẩy nhu động dạ dày, hỗ trợ việc tiết dịch vị, tuyến tụy và túi mật, và cản trở hoặc tiêu diệt các loại vi khuẩn có hại. Nguyên nhân là do acid dạ dày thấp (acid clohydric hoặc HCl) có thể là một yếu tố góp phần vào SIBO. 

Bổ sung probiotic còn gây tranh cãi trong việc điều trị SIBO, nhưng chúng có thể giúp hỗ trợ đường ruột.

Hỗ trợ hệ thống miễn dịch

Những người mắc SIBO thường có hệ thống miễn dịch bị tổn thương. Một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh là điều quan trọng để ngăn ngừa bệnh tật, bao gồm cả sự tái phát của SIBO.

May mắn thay, các hợp chất như curcumin (được tìm thấy trong nghệ), resveratrol (có trong vỏ của nho, quả việt quất, quả mâm xôi, v.v.) và glutathione liposomal có tác động sâu đến việc hỗ trợ hệ thống miễn dịch.

Bệnh nhân SIBO thường bị thiếu chất dinh dưỡng và có lượng vitamin D thấp. Mức vitamin D thấp có liên quan đến chức năng miễn dịch thấp, vì vậy việc bổ sung vitamin D một cách thích hợp có thể được chỉ định [trong điều trị].

Bạn cũng có thể gia tăng chức năng miễn dịch bằng cách loại bỏ khả năng tiếp xúc với độc tố môi trường, nấm mốc và các mầm bệnh khác như vi rút và nhiễm nấm.

Ngủ đủ giấc, tập thể dục và kiểm soát căng thẳng cũng rất quan trọng đối với một hệ thống miễn dịch hoạt động tối ưu.

Kết hợp các loại thảo mộc

Thuốc kháng khuẩn thảo dược là công cụ mạnh mẽ giúp cân bằng lại các khuẩn lạc vi khuẩn trong ruột và ngăn chặn sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong ruột non.

Một số chất kháng khuẩn thảo mộc phổ biến được sử dụng cho SIBO là berberine, oregano, allicin (từ tỏi), và một số hợp chất thảo dược được gọi là Biocidin và Atrantil.

Vì nguyên nhân tiềm ẩn của SIBO là giảm hoạt động của phức hợp vận động di chuyển hoặc làm chậm hoạt động của cơ trơn đường tiêu hóa, nên các thuốc cường động (thuốc hỗ trợ nhu động đường tiêu hoá) thường được khuyên dùng.

Các loại thảo dược cường động làm tăng co thắt cơ trong ruột non bao gồm gừng, atiso, một chất bổ sung kết hợp được gọi là Iberogast và các công thức thảo dược khác nhau của Trung Y.

 vi khuẩn tại ruột non - Atiso
Atiso là một loại thảo dược cường động làm tăng co thắt cơ trong ruột non. (Ảnh: suju-foto/Pixabay)

Trương lực dây thần kinh phế vị

Được biết đến với cái tên thần kinh lang thang, dây thần kinh phế vị là dây thần kinh sọ não dài nhất kết nối não với ruột và phần còn lại của cơ thể. Dây thần kinh phế vị chịu trách nhiệm điều chỉnh hệ thống thần kinh tự chủ và các chức năng không tự chủ của cơ thể như thở, chớp mắt, nhịp đập của tim, kích thích các cơ quan và tiêu hóa.

Khi rối loạn chức năng dây thần kinh phế vị, nó làm suy yếu phức hợp vận động di chuyển và tình trạng tiêu hoá nói chung. Khó có thể nói cái nào đến trước, SIBO hay phức hợp vận động di chuyển chậm lại, nhưng có một mối tương quan trực tiếp với trương lực dây thần kinh phế vị.

Có nhiều phương sách khác nhau để làm trương lực dây thần kinh phế vị bao gồm hát, ngâm nga, súc miệng, tắm nước lạnh, thở hộp, mát-xa, cầu nguyện, thiền chánh niệm và kiểm soát căng thẳng. 

Có lẽ sách lược quan trọng nhất là quản lý căng thẳng, vì căng thẳng có tác động sâu sắc đến chức năng và sinh lý đường ruột.

Thuốc

Một số trường hợp nặng của SIBO có thể yêu cầu sử dụng dược phẩm, bao gồm cả thuốc kháng sinh, để giảm vi khuẩn trong ruột non. Rifaximin và neomycin là những loại kháng sinh khá an toàn và được dung nạp tốt đã được chứng minh là có hiệu quả khoảng 85% trong điều trị SIBO, tùy thuộc vào loại SIBO đó là gì. 

Như đã đề cập ở trên, thuốc tăng co bóp cũng có thể hữu ích. Các đơn thuốc thông thường, bao gồm naltrexone (LDN) và erythromycin liều thấp, thường thành công trong việc kích hoạt phức hợp vận động di chuyển.

Một lời nhắc quan trọng

Như với bất kỳ can thiệp sức khỏe nào, phương pháp điều trị dành riêng cho từng cá nhân vượt trội hơn nhiều so với phương pháp tiếp cận một phương thuốc phù hợp với tất cả. Tôi khuyên bạn nên làm việc với một bác sĩ y khoa chức năng và tích hợp có tay nghề cao để đưa ra một kế hoạch được cá nhân hóa dựa trên sinh lý học riêng có của bạn để giải quyết các vấn đề về đường tiêu hóa và SIBO.

Bác sĩ Ashley Turner là một bác sĩ chữa bệnh theo liệu pháp tự nhiên được đào tạo truyền thống và là bác sĩ được hội đồng chứng nhận về sức khỏe toàn diện của Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Phục hồi. Một chuyên gia về y học chức năng, Turner là tác giả của hướng dẫn chữa bệnh đường ruột “Nhà bếp phục hồi sức khoẻ” và “Truyền thống phục hồi sức khoẻ”, sách dạy nấu ăn có các công thức nấu ăn cho một kỳ nghỉ không viêm nhiễm.

Bác sĩ Ashley Turner thực hiện
Tân Dân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn