Phương pháp nhịn ăn gián đoạn có phù hợp cho bạn?

Chỉ cần cho cơ thể một chút thời gian để nghỉ ngơi ngay cả khi đó chỉ là một vài ngày trong tuần, bạn cũng đã thu nhận được nhiều lợi ích về sức khỏe.

Tại văn phòng Be Well, gần đây chúng tôi đã nghe nói nhiều về phương pháp nhịn ăn gián đoạn và chúng tôi đã thử trải nghiệm phương pháp này. Đối với bất kỳ trào lưu mới nào liên quan đến sức khỏe, tôi vẫn luôn nghiên cứu thật kỹ tất tần tật mọi thứ về nó. Tôi dành hằng giờ để tìm hiểu về lợi ích, cách áp dụng tốt nhất cũng như một loạt ý kiến trái chiều liên quan đến việc nhịn ăn gián đoạn, và giờ đây tôi xin chia sẻ với các bạn một vài phát hiện của tôi. Cá nhân tôi thấy phương pháp này thật thú vị.

Nhịn ăn gián đoạn (IF) chính xác như tên gọi của nó – là một phương pháp ăn uống có chu kỳ xen kẽ giữa việc ăn và nhịn ăn. Trong hầu hết các phiên bản IF là sự luân phiên giữa việc ăn trong khoảng thời gian nhất định và nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định.

Phiên bản IF mà chúng tôi đang trải nghiệm là phiên bản 16/8 (ban đầu được phổ biến bởi trang leangains.com). Phương pháp này nghĩa là bạn duy trì khoảng thời gian không ăn 16 tiếng giữa bữa ăn cuối cùng trong ngày và bữa ăn đầu tiên ngày hôm sau (do đó bạn sẽ có khoảng 8 giờ để ăn mỗi ngày). Ví dụ, nếu bạn dùng bữa cuối lúc 7 giờ tối, bạn sẽ nhịn ăn trong 16 giờ và bắt đầu ăn lại lúc 11 giờ sáng ngày hôm sau. Nếu bạn ăn tối xong lúc 9 giờ tối, ngày sau bạn sẽ bắt đầu ăn lúc 1 giờ chiều.

Có nhiều phiên bản IF khác, chẳng hạn như thực hiện nhịn ăn liên tục 24 giờ một hoặc hai lần mỗi tuần, nhưng tôi đã chọn phương pháp 16/8 vì nó có vẻ dễ dàng sắp xếp công việc và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày (trong hầu hết mọi ngày).

Phương pháp này có những lợi ích gì?

Một số lợi ích của việc nhịn ăn gián đoạn bao gồm:

  • Cải thiện tiêu hóa. Dành thời gian cho hệ tiêu hóa nhiều hơn nghĩa là bạn không nạp thêm thức ăn mới vào khi lượng thức ăn cũ chưa kịp tiêu hóa hết, điều này cải thiện đáng kể sức khỏe tổng thể của đường ruột.
  • Cơn đói thực sự khiến người ta cảm giác rất khó chịu. Nhiều người trong chúng ta đã quen với việc ăn vặt và ăn lắt nhắt cả ngày để tránh cảm giác đói, việc này khiến chúng ta khó biết được khi nào mình thực sự no. Khi nhịn ăn, bạn đang học cách nhận biết khi mình đói và sau đó bạn cũng sẽ cảm nhận nhiều hơn về cảm giác no. Thậm chí bạn có thể nhận ra rằng ăn ít hơn bạn tưởng cũng làm bạn cảm thấy no.
  • Tăng cường đốt cháy lượng mỡ dự trữ. Cơ thể bạn mất khoảng 6-8 giờ để đốt cháy lượng glycogen dự trữ để tạo năng lượng, sau đó bắt đầu chuyển sang đốt cháy chất béo. Nếu bạn ăn quá thường xuyên, cơ thể sẽ khó chuyển sang chế độ đốt cháy chất béo dự trữ.
  • Tăng khả năng chống lại bệnh tật và các dấu hiệu lão hóa. Nhịn ăn cho phép các tế bào của cơ thể tập trung vào việc chữa lành, sửa chữa, loại bỏ tế bào chết và chất thải ra khỏi cơ thể và tái tạo tế bào mới.

Nhưng điều này đồng nghĩa với việc bạn không ăn sáng !?

Với lịch trình IF 16/8, nó tùy thuộc vào sự thiết lập giờ ăn của bạn, bạn vẫn có thể ăn sáng Nhiều người có ý kiến trái chiều và tôi hoàn toàn hiểu được điều đó. Tôi không nói phương pháp IF 16/8 là dành cho tất cả mọi người hay ăn sáng là một tối kiến. Trên thực tế, ăn sáng là một ý tưởng tuyệt vời đối với nhiều người.

Bạn chỉ nên thử trải nghiệm điều này khi bạn thực sự hứng thú với nó. Nếu bạn đã thử nhịn ăn, hãy chú ý đến mức năng lượng của cơ thể và chỉ tiếp tục khi bạn vẫn cảm thấy ổn. Tôi đã có cảm nhận tích cực về phương pháp này trong suốt thời gian qua, nó khiến tôi có những trải nghiệm thực sự thú vị.

Nếu toàn bộ ý tưởng này nghe có vẻ điên rồ đối với bạn, thì bạn đừng thử nó. Nhưng hãy cân nhắc điều này: đôi khi trải nghiệm những thứ điên rồ nhất lại mang lại những sự mới lạ tốt nhất. Điều quan trọng là phải có tinh thần lạc quan để bất kỳ kế hoạch dinh dưỡng nào cũng đem lại hiệu quả cho bạn, thay vì mệt nhọc, bạn có thể bắt đầu với cảm giác trải nghiệm những thứ mới mẻ này!

Dù bạn có lựa chọn thử nghiệm IF hay không, điều quan trọng là phải cho cơ thể đủ thời gian để tiêu hóa. Một phương pháp khác nhẹ nhàng hơn mà nhiều người thực hành Ayurvedic đề xuất là cho cơ thể khoảng nhịn ăn 12 giờ giữa bữa tối và bữa sáng. Điều này giúp tiêu hóa tốt hơn trong khi bạn vẫn kiểm soát được nhu cầu ăn sáng trong ngày. Nếu bạn ngừng ăn lúc 8 giờ tối, bạn bắt đầu ăn lại lúc 8 giờ sáng. Điều này không quá tệ phải không?

Điều tuyệt vời nhất của nhịn ăn gián đoạn là bạn không phải thực hiện nó hàng ngày. Việc này mang lại nhiều lợi ích khi bạn cho cơ thể một chút thời gian để nghỉ ngơi ngay cả khi đó chỉ là một vài ngày trong tuần.

Bài báo này ban đầu được xuất bản trên www.drfranklipman.com. Đọc bản gốc ở đây.

Tâm Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn