Ngồi lâu một chỗ có liên quan đến trầm cảm, lo âu

Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng mặt trái của các biện pháp đối phó với đại dịch là khiến một số người trở nên ít vận động và bị trầm cảm. 

Hầu hết mọi người đều đã nghe về việc “ngồi lâu cũng không tốt như hút thuốc lá”, nhưng một nghiên cứu mới đây cho thấy việc ngồi nhiều cũng ảnh hưởng đến chứng trầm cảm và lo lắng. Rất nhiều người phải tự cách ly trong những tháng đầu của đợt bùng phát dịch COVID-19 và nhiều người đã nhận ra rằng họ ngồi một chỗ nhiều hơn bao giờ hết.

Các cuộc họp qua ứng dụng Zoom đã tước mất đi thời gian đi bộ đến phòng họp và Netflix đã thế chỗ vào khoảng thời gian mà trước đây họ dành cho việc tập thể thao. Mọi người đột nhiên trở nên ít vận động hơn trong một xã hội vốn đã rất ít vận động.

Để có được một cái nhìn tổng thể về mức độ phổ biến của những thay đổi này, một nhóm các nhà nghiên cứu đã xem xét cẩn thận 3,000 đối tượng tham dự từ tất cả 50 tiểu bang và Quận Columbia. Những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu tự báo cáo về việc họ đã dành bao nhiêu thời gian cho các hoạt động như ngồi, nhìn vào màn hình và tập thể dục so với thời điểm trước đại dịch.

Tất cả các đối tượng tham gia cũng được yêu cầu chỉ ra những thay đổi về mặt sức khỏe tinh thần của họ bằng cách sử dụng các thang đánh giá lâm sàng tiêu chuẩn về các chứng lo lắng, trầm cảm, căng thẳng và cô đơn.

Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng những đối tượng tham gia nghiên cứu nào đáp ứng được các hướng dẫn về hoạt động thể chất của Hoa Kỳ từ trước khi có đại dịch (từ 2,5 – 5 giờ tập luyện thể chất với cường độ trung bình – cao mỗi tuần) đã có sự suy giảm hoạt động thể chất trung bình 32% chỉ trong một thời gian ngắn sau khi triển khai các quy định hạn chế đi lại do COVID-19. Đồng thời, họ cũng trải qua nhiều cảm giác trầm cảm, cô đơn và lo lắng hơn.

Một nghiên cứu thứ hai được thực hiện ngay sau nghiên cứu đầu tiên để kiểm tra xem liệu biểu hiện hành vi và sức khỏe tâm thần của những người tham gia nghiên cứu có thay đổi theo thời gian không. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, trung bình, sức khỏe tinh thần của các đối tượng tham gia được cải thiện.

Tuy nhiên, đối với những người có thời gian ngồi nhiều, các triệu chứng trầm cảm về trung bình không hồi phục giống như những người khác. Những người tiếp tục dành nhiều thời gian cho việc ngồi sẽ có tỷ lệ cải thiện sức khỏe tâm thần thấp hơn.

Cần thêm nhiều nghiên cứu về vấn đề này 

Các nhà nghiên cứu cho rằng cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu khác về những phát hiện này. Tác giả chính của nghiên cứu, ông Jacob Meyer cho biết: “Tôi nghĩ rằng việc nhận biết được một số thay đổi nhỏ của chúng ta trong thời gian đại dịch và cách thức mà những thay đổi này có thể đem đến lợi ích hoặc gây ra tác hại là thực sự quan trọng khi chúng ta hướng đến cuộc sống sau đại dịch”. 

Các nhà nghiên cứu khuyên mọi người nên chia nhỏ thời gian ngồi nếu phải ngồi trong thời gian dài.

Những người làm việc tại nhà nên đứng dậy và di chuyển nhiều lần trong ngày. Các nhà nghiên cứu đề xuất việc đi bộ xung quanh khu nhà trước và sau giờ làm việc giống như lộ trình đi làm trước đại dịch. Điều này được cho là có ích với sức khỏe cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, cũng như giúp họ hoạt động nhiều hơn trong ngày.

Sarah Cownley đã nhận bằng tốt nghiệp về liệu pháp dinh dưỡng từ Học viện Khoa học Sức khỏe ở Luân Đôn, cô thích giúp đỡ người khác bằng những hướng dẫn thay đổi lối sống lành mạnh thông qua tham vấn cá nhân và những đóng góp thường xuyên của cô ấy cho tờ báo Doctors Health Press. Bài báo này ban đầu được xuất bản trên Bel Marra Health

Tâm Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times 

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn