Nấm dược liệu: Một loại thực phẩm tiềm năng mới

Những cây nấm dược liệu tuyệt vời này mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, một vài trong số đó đã được công nhận từ vài nghìn năm trước. 

Nấm có nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau, sinh trưởng tốt nhất trong môi trường đất nóng ẩm giàu vật chất hữu cơ phân hủy tự nhiên. Nấm là những sinh vật tái chế tự nhiên, có thể phân hủy những sinh vật đã chết để tạo nên sự sống mới. Vì nấm không chứa chất diệp lục nên không thể quang hợp, do đó nấm phải hút chất dinh dưỡng từ đất. Môi trường sống quyết định các loại nấm có thể sinh trưởng ở nơi đó. Quá trình nảy mầm diễn ra nhờ vào bào tử chứ không phải hạt, rễ của những cây nấm được gọi là sợi nấm.

Nhiều nhà khoa học gặp khó khăn khi đưa ra thống nhất về số lượng các loại nấm trên thế giới. Chỉ khoảng 120,000 loại nấm đã được công nhận, trong đó 2% là nấm độc, và rất nhiều loại khác được dùng như dược liệu. Mặc dù chúng ta có thể ăn phần lớn các loại nấm, nhưng chỉ có một vài loại là thực sự được tiêu thụ. Nhiều loại dai, cứng như gỗ hoặc sền sệt, có mùi khó chịu hoặc có vị không ngon. Chỉ có 20 loại là thực sự được ưa chuộng.

Lịch sử ngắn gọn về nấm 

Từ hàng nghìn năm trước người ta đã sử dụng nấm trong nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia Đông phương, như một loại thuốc bổ hữu hiệu cho sinh mệnh, giúp tăng sinh lực, kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra người xưa còn dùng nấm trong nhiều nghi lễ tâm linh khác nhau. Một vài loại nấm được dùng rộng rãi ở Trung Quốc và Ayurvedic nhờ đặc tính trị bệnh.

Danh sách các loại dược chất lâu đời nhất ở Trung Quốc trong cuốn Thần Nông Bản Thảo Kinh chứa thông tin của 365 loại dược chất, bao gồm rất nhiều chủng loại nấm được dùng cho mục đích trị bệnh. Đặc biệt nấm Ganoderma lucidum (hay còn gọi là nấm linh chi) là được biết đến và quan tâm nhiều nhất. Vào năm 2015, nghiên cứu đã tìm thấy các thành phần dược liệu trong hơn 850 loại nấm.

Kampo là phương pháp thực hành y học truyền thống của Nhật Bản ra đời từ thế kỷ 15, dựa trên Trung y nhưng đã được điều chỉnh phù hợp với văn hóa Nhật Bản. Nấm dược liệu là đơn thuốc phổ biến ở Nhật, đặc biệt là trong liệu pháp “ung thư học tích hợp” ở những bệnh nhân ung thư. 

Trong khi Trung Quốc đi đầu trong việc sử dụng nấm để mang đến lợi ích cho sức khỏe, những người thực hành y học Ayurveda ở Ấn Độ lại cẩn trọng hơn. Nhiều người tin rằng thiếu những nghiên cứu và kinh phí về việc sử dụng nấm đã tạo ra một khoảng trống trong các nghiên cứu nhằm ủng hộ hiệu quả của nấm.

Ngày nay, loại nấm được tiêu thụ phổ biến nhất là nấm mỡ, hay nấm Agaricus bisporus, chiếm 40% lượng nấm trên thế giới. Trong thế giới nấm dược liệu, nấm đông cô hiện là loại nấm có thể ăn được trồng nhiều nhất trên thế giới, chiếm khoảng 22% nguồn cung của thế giới với Trung Quốc là nơi sản xuất chính. Tinh hoa trong tất cả loại nấm có thể ăn được chính là nấm truffle (nấm cục). Được biết đến như “viên ngọc của nhà bếp”, truffle là loại nấm đắt đỏ nhất trên thế giới. Những cây nấm này mọc gần gốc cây và được phát hiện ra bởi những chú chó hoặc lợn đã qua huấn luyện để nhận biết mùi hương đặc trưng của nấm truffle.

Nấm cũng có vị mặn umami của thịt. Vị umami này khiến nấm có thể trở thành món ăn thay thế thịt một cách hoàn hảo. Nấm Portobello (nấm bàn) được mệnh danh là bánh “kẹp thịt” và món ăn thay thế thịt phổ biến.

Nấm dược liệu: Một loại thực phẩm tiềm năng mới
Nấm có nhiều loại với hình dạng và màu sắc khác nhau (Ảnh: Pexel)

Nấm dược liệu là gì?

Trong vài năm gần đây, mối quan tâm ngày càng gia tăng đối với dược tính của nấm đã khiến nấm trở thành một loại “thực phẩm quyền lực”.

Thành phần của nấm nói chung chủ yếu bao gồm nước, carbohydrate và protein, tạo nên các chất dinh dưỡng có lợi như vitamin B, chất chống oxy hóa và chất xơ. Nấm dược liệu còn có một thành phần vượt trội khác có lợi cho quá trình chuyển hóa và hệ miễn dịch của cơ thể.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy beta-glucan giúp kháng viêm và hỗ trợ miễn dịch nhờ khả năng kích hoạt tế bào T. Những tế bào này chịu trách nhiệm trong nhiều khía cạnh của miễn dịch thích ứng gồm phản ứng với mầm bệnh nội bào, chất gây dị ứng và khối u. 

Các nghiên cứu lâm sàng Đông phương đã kiểm tra chuyên sâu và chứng minh rất nhiều công dụng của nấm dược liệu. Tuy vậy, mỗi loại nấm là độc nhất và mang đến lợi ích sức khỏe khác nhau. Nhiều nghiên cứu vẫn còn mới mẻ đối với Tây y, đồng thời các bằng chứng chắc chắn đối với con người vẫn cần phải nghiên cứu thêm vì phần lớn nghiên cứu chỉ được thực hiện trên chuột.

Các loại nấm trị liệu phổ biến

1. Nấm linh chi (Ganoderma lucidum)

Trung y sử dụng nấm linh chi từ hơn 2000 năm trước để chữa béo phì và viêm nhiễm. Bằng chứng khoa học từ một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Communications vào năm 2015 đã cho thấy bệnh béo phì ở chuột thuyên giảm bằng cách điều chỉnh hệ vi sinh vật đường ruột.

2. Nấm bờm sư tử (Hericium erinaceus)

Nấm bờm sư tử (nấm hầu thủ) chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp cải thiện trí lực và tăng chức năng miễn dịch. Loại nấm này có thể làm chậm khởi phát chứng sa sút trí tuệ, đồng thời sở hữu thành phần chống trầm cảm và căng thẳng. Nấm bờm sư tử còn giúp phục hồi tổn thương thần kinh.

3. Nấm Chaga (Inonotus obliquus)

Nấm Chaga có tác dụng chống lại các gốc tự do, căng thẳng oxy hóa và kháng viêm. Các thí nghiệm trên chuột cho thấy loại nấm này có thể hữu ích đối với bệnh tiểu đường, khối u và các bệnh về tim.

4. Nấm đông cô (Lentinula edodes)

Nấm đông cô được trồng rộng rãi từ những năm 1000 sau công nguyên và đặc biệt tốt cho tim mạch. Những cây nấm này được chứng minh là làm giảm cholesterol LDL ở chuột, đồng thời chứa các hợp chất có tác dụng ức chế sự hấp thụ và sản xuất cholesterol trong gan.

5. Nấm vân chi (Trametes versicolor)

Loại nấm này chứa hợp chất polysaccharide-k có khả năng kích thích miễn dịch.

6. Nấm khiêu vũ (Grifola frondosa)

Nấm khiêu vũ phổ biến trong y học Kampo Nhật Bản với mức giá thường lên đến 100 Bảng Anh (khoảng 3 triệu VNĐ). Có một vài bằng chứng lâm sàng hạn chế cho thấy loại nấm này có thể làm giảm huyết áp, cải thiện mức cholesterol và giảm đường huyết.

7. Nấm kim châm (Flammulina velutipes)

Nấm kim châm được đánh giá cao nhờ hương vị thơm ngon. Loại nấm này vẫn sinh sôi được vào mùa đông khi chỉ một vài loại nấm có thể phát triển. Nấm kim châm nổi tiếng với hàng loạt các lợi ích y học, giúp chữa nhiều chứng bệnh từ khối u, mất trí nhớ đến viêm loét dạ dày.

8. Đông trùng hạ thảo (Cordyceps sinensis)

Đông trùng hạ thảo là một loại nấm ký sinh, phát triển trên cơ thể ấu trùng. Đây là loại nấm được sử dụng nhiều nhất trong Trung y để chữa trị bệnh thận mãn tính và nhiều người sử dụng để tăng sức đề kháng. 

Nấm dược liệu: Một loại thực phẩm tiềm năng mới
Thị trường dược phẩm dinh dưỡng đã thêm nấm dược liệu vào danh sách sản phẩm từ nhiều năm trước (Ảnh: Pexel)

Thực phẩm tự nhiên chưa qua chế biến hoặc Thực phẩm bổ sung

Vài loại nấm dược liệu, chẳng hạn như nấm đông cô, nấm kim châm, nấm bờm sư tử và nấm khiêu vũ chỉ cần nấu đơn giản là có thể ăn được. Còn những loại khác như nấm linh chi và nấm vân chi khá dai và có vị đắng cần được chế biến thành trà, súp, bột hoặc thuốc rượu để thêm vào sinh tố, trà, cà phê hoặc rắc lên món ngũ cốc.

Thị trường dược phẩm dinh dưỡng đã thêm nấm dược liệu vào danh sách sản phẩm từ nhiều năm trước, và số lượng này vẫn đang tăng. Những thực phẩm bổ sung này bao gồm nhiều sự kết hợp đảm bảo cung cấp một loại dưỡng chất giúp cải thiện sức khỏe con người. Hãy tìm các sản phẩm được làm từ 100% nấm, có chứng nhận hữu cơ và được kiểm chứng khoa học và không chứa các chất độn.

Nâng cao nhận thức về tác dụng phụ tiềm ẩn của các chất điều trị tổng hợp đã dẫn đến nỗ lực tìm kiếm các sản phẩm tự nhiên có lợi cho sức khỏe. Điều này đã làm gia tăng mạnh mẽ những sản phẩm từ nấm trên thị trường. Cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu về các thành phần hoạt tính sinh học trong nấm để xác định phản ứng sinh học của nấm đối với con người cũng như vị trí của chúng trong ngành dược phẩm hoặc dinh dưỡng dược phẩm tương lai.

Minh Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn