Trung y cũng có ‘phương pháp hồi sức tim phổi’! Bác sĩ truyền thụ bí quyết

Mọi người đều biết CPR là phương pháp cấp cứu hồi phục tim phổi của Tây y, nhưng bạn có thể không biết, Trung y cũng có “Phương pháp hồi sức tim phổi (CPR)”. Ông Đổng Diên Linh, năm nay 84 tuổi, được mệnh danh là “Trung y sư cấp quốc bảo” (Bác sĩ Trung y quý của quốc gia) từng dùng nó để cứu rất nhiều người. Trong bài viết này, ông dạy chúng ta bí quyết cấp cứu bằng phương pháp của Trung y trong thời gian ngắn nhất.

Mấy năm trước, tôi được mời đến Hoa Kỳ để diễn thuyết, trên máy bay trở về Đài Loan, khi đang bay qua Thái Bình Dương thì thấy loa phát thanh thông báo rằng: “Cần gấp nhân viên y tế, trên máy bay có một cô gái bị ngất xỉu, yêu cầu trợ giúp khẩn cấp”. Sau khi nghe thấy, tôi vội vàng chạy tới hiện trường.

Đến nơi thấy cô gái đang bất tỉnh nhân sự, hai bác sỹ người da trắng đang ở đó, một bác sỹ trẻ tuổi đang không biết xử trí ra sao, một người khác đang tìm ống nghe khám bệnh và những đồ sơ cứu. Tôi tiến tới và nói “Let me try” (Để tôi thử), họ liền bước sang một bên.

Tôi lập tức chẩn đoán, bắt mạch cho cô gái, phát hiện mạch rất chìm, rất yếu, nhận định bị suy tim. Tôi bèn dùng phương pháp cấp cứu tay không, véo vào cơ ngực dưới nách bên trái, nhanh chóng véo mạnh 3 lần. Chưa đầy 5 giây, người đó tỉnh lại. Hai bác sỹ, cơ trưởng và tiếp viên đang theo dõi đều kinh ngạc.

Nhiều năm qua tôi luôn luôn mong muốn phổ biến phương pháp cấp cứu này của Trung y ra thế giới. Tại sao? Nói chung, khi một người đột nhiên bị sốc và hôn mê, chúng ta sẽ đưa người đó đến bệnh viện càng sớm càng tốt, điều này tất nhiên là tốt. Nhưng có một vấn đề, khi bệnh viện lớn tiếp nhận bệnh nhân phải tìm ra nguyên nhân mới tiến hành điều trị. Tuy nhiên một người bạn của tôi đã tử vong trong quá trình chờ đợi kéo dài hai tiếng đồng hồ. Sau khi biết được, tôi cảm thấy rất tiếc. Nếu trong lúc đó có thể dùng phương pháp của Trung y để cấp cứu, có lẽ thảm cảnh như vậy đã không xảy ra.

Phương pháp cấp cứu của Trung y có từ 2000 năm trước

Thời Xuân Thu Chiến Quốc cách đây hơn hai nghìn năm, có một câu chuyện về cứu người dùng thuật cấp cứu của Trung y. Một ngày nọ, khi Biển Thước đến nước Quắc, vừa đúng lúc người dân nước này chuẩn bị đưa Thái tử Đan vào khâm liệm. Người xung quanh nói với Biển Thước rằng thái tử Đan vừa mới qua đời.

Biển Thước hỏi: “Qua đời bao lâu?”

Họ trả lời: “Hai, ba giờ.”

Lúc này Biển Thước phán đoán, Thái tử chưa hẳn đã chết. Ông nói rằng thái tử bị mắc bệnh Thi Khuyết, tức là đột ngột ngất xỉu vì bị choáng. Ngay tại chỗ, ông đã châm cứu “Tam Dương Ngũ hội” cho Thái tử, cũng chính là “huyệt Bách Hội” trên đỉnh đầu. Sau khi châm một kim, thái tử tỉnh dậy.

Cấp cứu của Trung y có lịch sử lâu đời, nhưng hiện nay ít người tìm đến Trung y để cấp cứu.

Phương pháp cấp cứu bấm huyệt “CPR của Trung y” thực hành thế nào?

Đối với bác sĩ Trung y, nếu muốn cấp cứu bạn phải hiểu về châm cứu. Trong châm cứu của Trung y có “Hồi dương cửu châm”, có tác dụng cải tử hoàn sinh. Bao gồm chín huyệt đạo: Á Môn, Lao Cung, Tam Âm Giao, Dũng Tuyền, Thái Khê, Trung Quản, Hoàn Khiêu, Túc Tam Lý, Hợp Cốc.

Những người bình thường không biết châm cứu, khi gặp người đột nhiên bị ngất, có thể dùng một phương pháp cấp cứu, chính là “phương pháp bấm huyệt cấp cứu”. Phương pháp này có năm ưu điểm chính: Giản (đơn giản), tiện (thuận tiện), rẻ (không tốn kém), nghiệm (hiệu nghiệm), an (an toàn).

Bấm huyệt cấp cứu thao tác như thế nào? Nói chung, những người bị choáng thường nằm xuống, người thực hiện cấp cứu nên đứng bên trái của bệnh nhân; dùng tay phải nắm vào cổ tay trái của bệnh nhân, sau đó nâng cánh tay trái của bệnh nhân lên thẳng một cách tự nhiên.

Khi giơ tay lên cao, cơ ngực nhỏ sẽ lộ ra bên cạnh nách và gần ngực. Bốn ngón tay của bàn tay trái của người thực hiện bấu chặt phía bên ngoài cơ ngực nhỏ của bệnh nhân và ngón cái còn lại móc chặt vào chính giữa nách. Sau khi móc chặt, dồn lực vào năm ngón tay, kéo mạnh một cái hướng sang bên trái ra ngoài thân thể. Sau đó lặp lại vài lần dùng lực móc chặt, dùng lực kéo mạnh ra, thì bệnh nhân có thể dần dần tỉnh lại.

Khi bấm huyệt, lực mạnh yếu thì cũng phải tùy tình huống. Cần căn cứ vào tình trạng của bệnh nhân để quyết định, nếu là trẻ em, người già, người gầy yếu, thì không nên dùng lực quá mạnh.

Tôi từng dùng phương pháp này để cứu mười bảy, mười tám người, có người thậm chí đã ngừng thở vẫn có thể cứu được.

Khi gặp người bị ngất xỉu, hãy gọi xe cấp cứu trước, trong thời gian đợi xe đến, bạn có thể thực hiện phương pháp cấp cứu này. Tôi có một người bạn, một hôm mẹ anh ấy đột nhiên bị ngất xỉu, anh ấy vội vàng gọi xe cấp cứu, rồi dùng cách tôi dạy để bấm cho mẹ anh ta. Khi véo đến cái thứ ba, mẹ anh đột nhiên mở miệng nói: “Đừng có làm mạnh như vậy chứ, đau quá!”. Sau khi xe cấp cứu đến, thấy mẹ anh không sao, xe lại trở về không.

Tại sao phương pháp bấm huyệt có thể cứu được người?

“Hoàng đế nội kinh” của Trung y có viết, Phế chủ khí, điều khiển tất cả nguồn khí trong cơ thể. Hai huyệt Vân Môn và Trung Phủ ở bên ngoài cơ ngực nhỏ mà chúng ta bấm, lại chính là khởi đầu hai huyệt đạo của Phế kinh, hai huyệt đạo này thông với nhau, thì cũng tương tự như một sợi dây điện trực tiếp thông tới phổi.

Thông thường khi bị ngất, chính là sắp ngừng thở, phổi không có năng lượng, không có khí, vì vậy sau khi ấn vào hai huyệt đạo này, cũng giống như đang dùng khí quản bơm khí. Một khi bấm xuống, lập tức sẽ có phản ứng.

Các huyệt vị được sử dụng trong cách cấp cứu CPR của Trung Y: Vân Môn, Trung Phủ là các huyệt của phế kinh, huyệt Cực Tuyền là huyệt vị của tâm kinh (Ảnh chụp màn hình video/ Epoch Times tổng hợp)
Các huyệt vị được sử dụng trong cách cấp cứu CPR của Trung Y: Vân Môn, Trung Phủ là các huyệt của phế kinh, huyệt Cực Tuyền là huyệt vị của tâm kinh (Ảnh chụp màn hình video/ Epoch Times tổng hợp)

Vị trí giữa nách bị ngón tay cái bóp chặt, chính là “Huyệt Cực Tuyền”, nó là huyệt đạo của Tâm Kinh, trực tiếp hướng vào tim. Khi bị ngất tim gần như cũng ngừng đập, ấn vào huyệt Cực Tuyền một cái, có thể giúp nó hoạt động. Do đó, bấm vào những huyệt ở Phế Kinh và Tâm Kinh, sẽ giúp tim phổi hồi phục năng lượng, bệnh nhân tỉnh lại một cách tự nhiên. Vì vậy, có thể gọi đó là thuật hồi phục tim phổi của Trung y.

Trung y còn có những phương pháp cấp cứu nào?

Ngoài phương pháp Hồi Dương Cửu Châm, bấm huyệt cấp cứu vừa đề cập trên đây, còn có một phương pháp cấp cứu mà nhiều người đều biết đến, đó là “bấm Nhân Trung”, “Nhân Trung” chính là một huyệt đạo ở Đốc Mạch.

Hôm đó, giáo sư Mao, một tiến sĩ y khoa đang ở Mỹ đột nhiên hôn mê, tôi liền dùng kim châm vào Nhân Trung. Vì ông tuổi đã cao, tình trạng cũng khá nguy cấp, châm vào Nhân Trung vẫn không đủ, tôi lại dùng kim châm dịch lên phía trên một chút để châm, vẫn không được, nên đành lấy máu huyệt Bách Hội. Ba chiêu châm cứu, bấm huyệt, lấy máu đều dùng rồi, cuối cùng đã cứu sống được ông ấy.

Sau đó, vị giáo sư này có viết một bài báo, trong đó có nói: Đây là việc không có trên toàn thế giới, một cụ ông 81 tuổi mất một tiếng đồng hồ để cứu sống một cụ ông 86 tuổi, lại không có di chứng.

Ông nói, ông đã kiểm tra lịch sử y học và không có ghi chép trường hợp nào như vậy, đây là trường hợp cấp cứu thành công trên thế giới.

Tác giả: Đổng Diên Linh (Bác sĩ Trung y)
Hoàng Yên Hoa chỉnh lý
Thanh Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn