Khăn tắm bao lâu nên giặt một lần? 4 cách giúp khăn không bị ố vàng và nhiễm khuẩn

Chiếc khăn bạn dùng để lau người sau khi tắm có thực sự sạch sẽ không? Nhiều yếu tố có thể khiến khăn tắm phát sinh mầm bệnh và thậm chí gây bệnh truyền nhiễm. Giặt khăn tắm như thế nào, bao lâu mới giặt một lần mới hợp vệ sinh?

Khăn tắm bẩn hơn so với tưởng tượng! Là môi trường thích hợp để vi khuẩn gây bệnh phát triển

Bạn nghĩ rằng mình chỉ dùng khăn để lau người sau khi tắm xong thì khăn sẽ không bị bẩn? Kỳ thực, khăn tắm là nơi rất dễ “nuôi dưỡng” vi khuẩn gây bệnh.

Bác sĩ Chu Uyển Nghi (Zhou Yanyi), bác sĩ điều trị của Phòng khám Da liễu La Kỳ Thủ (Luo Qi shou) giải thích rằng, lớp biểu bì da vốn đã có đầy các loại vi khuẩn, bao gồm cả vi khuẩn cộng sinh và vi khuẩn gây bệnh ở trong đó. Hầu hết chúng là vi khuẩn có ích, nhưng cũng có một bộ phận là vi khuẩn gây hại. Tắm rửa không thể rửa sạch hết vi khuẩn, khi dùng khăn lau thân thể, vi khuẩn còn sót lại trên bề mặt da sẽ dính vào trên khăn tắm.

Khăn tắm vốn thấm hút nước, lại thêm môi trường ẩm ướt trong phòng tắm, cùng với khi xả nước bồn cầu các giọt nước li ti văng tung tóe ra bên ngoài, những điều này đều có thể trở thành điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi.

Giáo sư vi sinh vật học Chuck Gerba thuộc Trường đại học Arizona, Hoa Kỳ từng nói trên Tạp chí Time rằng, nếu khăn tắm dùng hàng ngày thì vi khuẩn sẽ không ngừng sinh sôi. Ông nghiên cứu và phát hiện, gần 90% khăn tắm bị nhiễm vi khuẩn Coliform (vi khuẩn Gram âm hình que thường kí sinh trong ruột già của người và hầu hết các loài thú), ngoài ra có 14% khăn tắm có vi khuẩn E.coli.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho khăn tắm bị ngả vàng sau một thời gian dài sử dụng. Ở bề mặt da, ngoài vi khuẩn ra còn có tế bào da chết, mồ hôi, vết bẩn dầu mỡ, các sản phẩm chăm sóc da và trang điểm chưa rửa sạch còn sót lại…, đều có thể làm cho khăn tắm càng ngày càng ố vàng.

Không nên dùng chung khăn tắm, có thể truyền nhiễm bệnh ngoài da

Khăn tắm đã qua sử dụng rất bẩn, tại sao rất hiếm khi nghe nói có người bị bệnh sau khi lau khăn tắm? Bà Emily Martin, phó giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Michigan, chỉ ra rằng cơ thể của con người thích ứng với các vi sinh vật trên người của mình, vì vậy trong phần lớn tình huống sẽ không xảy ra ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe.

Tuy nhiên, mọi người không nên dùng chung khăn tắm. Mặc dù người khỏe mạnh khi dùng chung khăn tắm thì sẽ không có những vấn đề về về da một cách rõ ràng, nhưng nếu một số người dùng khăn trước có các bệnh truyền nhiễm, mà khăn tắm lại không được vệ sinh đúng cách, thì có thể truyền bệnh cho người dùng khăn tiếp theo.

Bác sĩ Chu Uyển Nghi cho biết, một số vi khuẩn gây bệnh có thể sẽ làm thay đổi hệ sinh vật trên thân người dùng chung, nếu là người có sức đề kháng yếu, làn da có vết thương hở hoặc bệnh mẩn ngứa, thì sẽ làm cho bệnh nghiêm trọng hơn.

Dùng chung khăn tắm có thể sẽ bị các bệnh: mẩn ngứa, nhiễm vi khuẩn (viêm chân lông, mụn nhọt), nhiễm virus (mụn cóc, mụn thịt hoặc viêm kết mạc mắt), nhiễm nấm mốc (như nấm bàn chân, nấm đùi, nấm tóc), thậm chí có thể sẽ nhiễm ký sinh trùng (chấy, rận, hoặc ghẻ).

Giặt khăn tắm
(Ảnh: Pezibear từ Pixabay)

Năm 2003, trong các vận động viên bóng Bầu dục của một trường đại học ở Los Angeles đã bùng phát một đợt lây nhiễm khuẩn Staphylococcus aureus (Tụ cầu vàng). Sau đó, người ta phát hiện rằng việc các vận động viên thi đấu dùng chung khăn tắm đã khiến vi khuẩn này lây lan.

Khăn tắm lâu ngày không giặt sẽ làm cho số lượng vi khuẩn, nấm mốc càng ngày càng nhiều. Cho dù là khăn tắm riêng của cá nhân, nhưng khi có vết thương hở ngoài da hoặc khi sức đề kháng hơi yếu, thì vi khuẩn gây bệnh có thể sẽ nhân cơ hội mà xâm nhập, gây nhiễm trùng da hoặc viêm da.

Khi phát hiện làn da dễ mọc mụn hoặc mụn mủ, thì cũng cần lưu ý. Giáo sư Philip Tierno, nhà vi sinh vật học và giáo sư lâm sàng về bệnh học tại Viện y học thuộc đại học New York cho biết, dùng khăn bẩn lau ngoài da, đặc biệt là khi trên cơ thể có mụn mủ hở miệng, thì vi khuẩn có thể sẽ dính vào da, dẫn đến mụn mủ dễ phát triển.

Một tuần nên giặt khăn tắm một lần, 4 cách giúp khăn không dễ bị ố vàng và nhiễm khuẩn

Điều kiện ẩm ướt và không thông thoáng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển. Bác sĩ Chu Uyển Nghi cho biết, có 4 phương pháp giữ cho khăn tắm sạch sẽ:

  • Sau khi dùng xong phải phơi khô: Khăn tắm sử dụng xong tuyệt đối đừng vò lại thành một cục rồi vứt trong phòng tắm. Tốt nhất là treo khăn tắm lên giá treo, trải rộng ra phơi khô, nhằm giảm cơ hội cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.
  • Không nên dùng chung khăn tắm: Nếu khăn tắm không giặt sạch sẽ mà lại còn dùng chung, có thể dẫn đến mắc bệnh truyền nhiễm.
  • Một tuần giặt một lần, dùng đúng loại bột giặt: ít nhất một tuần giặt khăn tắm một lần, nếu như khăn tắm bắt đầu xuất hiện mùi lạ, chứng tỏ có thể số lượng vi khuẩn hoặc nấm mốc đã sinh sôi phát triển quá cao, cần phải nhanh chóng giặt sạch ngay. Người mắc các bệnh về da như viêm chân lông, viêm da cơ địa… thì nên 2 ngày giặt một lần. Khăn tắm sau khi giặt xong cần được treo ở nơi khô ráo thoáng gió.
Giặt khăn tắm
(Ảnh: Gabriele Lässer từ Pixabay)

Mặc dù khăn tắm hơn một tuần không giặt, thì có thể sẽ không xảy ra vấn đề gì, nhưng đây lại là hành vi không vệ sinh. Giáo sư Philip Tierno mô tả, điều này cũng giống như tắm xong lại mặc vào đồ lót bẩn.

Khi giặt khăn tắm, bạn có thể đọc các lưu ý vệ sinh trên nhãn nhỏ của khăn tắm, các chất liệu khác nhau có cách giặt thích hợp riêng. Thông thường, có thể dùng nước giặt hay bột giặt quần áo là được; nếu khăn tắm bị ố vàng có thể cân nhắc dùng giấm, thuốc tẩy bảo vệ màu gốc oxy hoặc baking soda để làm sạch. Khi giặt nếu máy giặt có chương trình giặt nước nóng thì tốt hơn, đồng thời máy giặt cũng cần được vệ sinh thường xuyên.

  • Thay khăn tắm thường xuyên: Khăn tắm quá cũ, có mùi lạ giặt không sạch thì cần bỏ đi, thay bằng khăn mới.

Lý Thanh Phong biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn