Dược tính của cây sơn trà trong chữa bệnh tim mạch và tiêu hóa

Cây sơn trà đã được dùng làm thực phẩm và thảo dược trị bệnh trong hàng ngàn năm. Nó là một trong những thảo dược mà các công ty thuốc lâu đời nhất phân phối ở Châu Âu. Cho đến thế kỷ 19, loài thảo dược này đã nổi tiếng qua nhiều công dụng và khả năng chữa bệnh thần kì của nó. 

Dược tính của cây sơn trà
Một nhành sơn trà gồm hoa và lá. (Ảnh miền công cộng)

Ngày nay sơn trà được xếp hạng trong số ba loại “thảo mộc cho tim” thường được sử dụng nhất ở phương Tây (cùng với tỏi và ớt cayenne) và được các bác sĩ sử dụng phổ biến cho bệnh nhân để điều trị tất cả các vấn đề tim mạch: huyết áp cao, cholesterol cao, rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực, tim to, xơ cứng động mạch.

Cây sơn trà còn được dùng để dự phòng ngừa bệnh lý tim mạch. Một phân tích tổng hợp năm 2010 về nghiên cứu cây sơn trà và thực hành lâm sàng kết luận rằng loại thảo mộc này có “tiềm năng đáng kể như một phương thuốc hữu ích trong điều trị bệnh tim mạch”.

Cứng và sắc

Có kích thước khác nhau từ cây bụi đến cây gỗ, Sơn trà xanh tươi quanh năm. Nó cùng họ với hoa hồng. Mỗi độ xuân về, nó sẽ nở ra những cụm hoa nhỏ có màu sắc thay đổi từ hồng, đỏ hoặc trắng.

Vào mùa thu, sơn trà cho ra những quả nhỏ, cứng, giống như quả táo được gọi là “haws” (một cái tên xuất phát từ một từ cổ của người Saxon có nghĩa là “hàng rào”). Khi những chiếc lá sáng bóng rụng xuống, cây lộ ra những chiếc gai to bằng đầu kim khâu. Tên thực vật – crataegus – xuất phát từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là cứng và sắc.

Sơn trà thường rất nhỏ nhưng sống rất lâu (một số cây trên 700 năm tuổi). Ở Đức và Anh, hàng rào cây sơn trà đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ để đánh dấu ranh giới.

Tên gọi cũ của sơn trà là “bánh mì và cây pho mát” vì quả mọng, hoa và lá đều an toàn để ăn và cung cấp thực phẩm trong thời kỳ đói kém. Ngay cả vào mùa trĩu quả, quả mọng được sử dụng để làm mứt, xi-rô hoặc rượu vang.

Dược tính của cây sơn trà
Hình minh họa Hawthorn từ “From Wild Fruits of the Countryside” của F. Edward Hulme, 1902.  (Ảnh miền công cộng)

Các bộ phận của cây sơn trà

Quả sơn trà được sử dụng nhiều làm đồ ăn. Lá và hoa dùng làm thuốc điều trị tim mạch. Điều đó không có nghĩa là quả mọng không có lợi cho tim mạch. Nghiên cứu chỉ ra hàm lượng giàu chất chống oxy hóa của quả có khả năng chữa bệnh. Mỗi bộ phận của cây sơn trà đều có hàm lượng khác nhau của các hợp chất hữu ích.

Khi lựa chọn một chất bổ sung, tiêu chuẩn khuyến nghị của các hợp chất là ít nhất 1.8% vitexin và 10% procyanidins. Các tiêu chuẩn khuyến nghị này giúp người tiêu dùng so sánh với các sản phẩm hiệu quả được tìm thấy trong nghiên cứu và thực hành lâm sàng.

Cách hoạt động của sơn trà dựa trên ACE (men chuyển đổi angiotensin). Enzyme này làm co mạch máu, do đó làm tăng huyết áp. Tương tự như các loại thuốc ức chế men chuyển, chiết xuất sơn trà có tác dụng điều chỉnh hoạt động của ACE, làm giãn mạch do đó giảm áp lực và cải thiện tuần hoàn.

Nghiên cứu sâu hơn đã chỉ ra rằng cây sơn trà cũng có thể điều chỉnh nhịp tim, tăng lưu lượng máu đến tim và dùng như một loại thuốc an thần nhẹ.

Sơn trà Trung Quốc

Điều thú vị về lịch sử thảo dược là bạn thường thấy các nền văn hóa khác nhau sử dụng cùng một loại cây theo những cách rất khác nhau.

Ở phương Tây, các vấn đề về tim là dấu hiệu chính của sơn trà. Còn trong y học cổ truyền Trung Quốc, nó chủ yếu được sử dụng cho các vấn đề tiêu hóa, chẳng hạn như tiêu chảy và đầy hơi, đặc biệt là sau một bữa ăn quá nhiều, nhiều dầu mỡ.

Quả sơn trà cũng có thể làm kẹo, thạch hoặc bột để pha một chén trà vừa chua vừa ngọt và thưởng thức sau bữa tối.

Với sự thành công chữa bệnh tim ở phương Tây bằng cây sơn trà (và sự gia tăng bệnh tim trên khắp thế giới), các bác sĩ Trung Quốc hiện cũng đang sử dụng nó theo hướng này.

 cây sơn trà
Nghiên cứu về một nhánh sơn trà – tranh sơn dầu trên vải của Betzy Marie Petrea Libert. (Ảnh miền công cộng)

Mối quan tâm về an toàn

Cây sơn trà là một loại thảo mộc rất an toàn, và các bác sĩ châu Âu thường kết hợp nó với điều trị bằng thuốc thông thường. Mặc dù vậy, bệnh nhân dùng thuốc tim được khuyên nên nói chuyện với bác sĩ trước khi bổ sung sơn trà.

Chất chiết xuất từ cây sơn trà có nhiều dạng: bột, cồn, viên nang, và nhiều dạng khác. Liều dùng từ 160 miligam một ngày đến 900 miligam một ngày. Bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn để biết liều lượng phù hợp.

Conan Milner
Thiên Minh biên dịch

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn