Dung hòa sự hổ thẹn bằng lý trí

Sự hổ thẹn có thể khiến chúng ta che giấu cảm xúc của chính mình khi điều chúng ta thực sự cần làm là dừng lại và xem xét vấn đề. Đào sâu vào cảm giác xấu hổ có thể tiết lộ quan niệm của chúng ta về bản thân. 

dung hòa sự hổ thẹn bằng lý trí
Sự hổ thẹn có thể khiến chúng ta che giấu cảm xúc của chính mình. (Ảnh Elena Helade/Shutterstock)

Hôm qua tôi nói chuyện với một người bạn đang trải qua một khoảng thời gian rất khó khăn. Tôi nhận thấy rằng trong rất nhiều cảm xúc như tức giận, sự tuyệt vọng …thì sự hổ thẹn lại là thử thách khó khăn nhất.

Tất cả chúng ta đều cảm thấy hổ thẹn và thấy điều đó là hoàn toàn ổn. Không sai nếu chúng ta cảm thấy hổ thẹn — đó là một cảm xúc rất bình thường của con người.

Chúng ta cảm thấy hổ thẹn khi không đạt được tiêu chuẩn ứng xử của bản thân, điều này cũng không hẳn là xấu. Tuy nhiên, cảm xúc này đôi khi không được đặt đúng chỗ và trong nhiều hoàn cảnh nó không mang lại lợi ích. Và chhúng ta hoàn toàn có thể dùng lý trí để ứng xử và học cách dung hòa nó.

Trước khi chúng ta có thể dung hòa được sự hổ thẹn, hãy sử dụng lý trí của mình.

Sự hổ thẹn cho ta cơ hội thấy được những gì chúng ta nghĩ về bản thân

Thông thường chúng ta cảm thấy hổ thẹn khi chúng ta đã làm điều gì đó không ổn ở bản thân, điều gì đó bất cập, xấu xí, hoặc không xứng đáng được yêu thương.

Tất nhiên, quan niệm này không đúng. Nhưng để từ bỏ quan niệm đã ăn sâu đó, trước tiên chúng ta phải nhìn nhận một cáh lý trí về những hành động hoặc những sự việc khiến chúng ta cảm thấy như vậy. 

Tôi sẽ đưa ra một số ví dụ từ chính cuộc đời của tôi.

Gần đây, tôi ăn uống vô độ. Điều này khiến tôi cảm thấy thừa cân và kém hấp dẫn. Cảm giác này làm tôi nghĩ mình xấu xí và vô kỷ luật, vì vậy tôi không xứng đáng được yêu thương.

Tôi cũng đã trải qua một khoảng thời gian bận rộn tới mức tôi đã từ bỏ tất cả những thói quen quý báu như tập thể dục, thiền định và sẵn sàng chịu trách nhiệm. Quả thực đáng hổ thẹn vì tôi đã vô kỷ luật, vì tôi nói được mà không làm được. Sự hổ thẹn này khiến tôi  tin rằng bản thân mình là một kẻ vô kỷ luật, một kẻ lừa đảo, và là người đàn ông không có tư cách.

dung hòa sự hổ thẹn
Quả thực đáng hổ thẹn vì tôi đã vô kỷ luật, vì tôi nói được mà không làm được. Sự hổ thẹn này khiến tôi  tin rằng bản thân mình là một kẻ vô kỷ luật, một kẻ lừa đảo, và là người đàn ông không có tư cách. (Ảnh Pixabay)

Tôi cũng cảm thấy rất xấu hổ khi lâm vào cảnh nợ nần. Nỗi hổ thẹn này  làm tôi nghĩ rằng tôi không giỏi kiếm tiền, không giỏi chăm sóc gia đình, tôi là một ông bố tệ và một chỗ dựa tồi. Thêm một lần nữa, nó bộc lộ những quan niệm về sự kém cỏi và không xứng đáng được yêu thương của tôi.

Cuối cùng sự hổ thẹn này dẫn chúng ta đến quan niệm cốt lõi rằng chúng ta không đủ năng lực và chúng ta không xứng đáng được yêu thương. Nó xuất phát từ những kỳ vọng mà xã hội đặt lên vai chúng ta từ khi ta mới được sinh ra đời. Ví dụ như bố mẹ đã từng kỳ vọng chúng ta trở nên thành công, tinh tế, có kỷ luật, hào phóng, trở thành người có đóng góp cho xã hội, có ý thức về môi trường v.v… Những kỳ vọng này nằm trong tâm trí của chúng ta, vô hình chung gây áp lực cho chúng ta.

Trong khi một số kỳ vọng và quan niệm quan trọng đối với một xã hội hài hòa và có đạo đức, thì có những kỳ vọng và quan niệm lại không cần thiết hoặc thậm chí là được thêu dệt nên. Ví dụ: cảm thấy hổ thẹn nếu chúng ta cố ý làm tổn thương người khác là điều lành mạnh, nhưng cảm thấy hổ thẹn khi không đạt được những tiêu chuẩn sắc đẹp không thực tế thì hơi vô nghĩa.

Tư duy một cách có lý trí với những quan niệm dẫn tới sự hổ thẹn

Viết ra những quan niệm đang khiến chúng ta cảm thấy hổ thẹn hoặc chỉ cần thừa nhận chúng với một người khác, chẳng hạn như một người bạn đáng tin cậy hoặc một bác sĩ trị liệu đều rất hữu ích. Đưa chúng ra khỏi đầu giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chúng. Và đôi khi phơi bày chúng ra có thể khiến chúng ta cảm thấy bớt kỳ cục hơn. Tôi nhận thấy điều đó đúng với bản thân — thừa nhận một quan niệm với người khác sẽ làm giảm đi một phần sức mạnh của nó và có thể làm tôi cảm thấy tôi mạnh mẽ hơn nó.

Vì vậy, một khi chúng ta đã thừa nhận nó, hãy tìm hiểu xem cách xử lý nó một cách khôn ngoan.

Hãy để chính bạn cảm thấy hổ thẹn

Chúng ta thường không để cho bản thân mình thực sự tìm hiểu cảm xúc này bởi vì chúng ta không thích nó. Thay vào đó, hãy mở lòng và thực sự tìm hiểu nó. Hãy tò mò về nó: nó có cảm giác như thế nào? Nó nằm ở đâu trong cơ thể bạn? Nó có nhiệt độ, kết cấu, hương vị ra sao? Hãy dùng cặp mắt háo hức của một đứa trẻ mà quan sát nó.

Tự hỏi bản thân liệu quan niệm này đúng hay sai

Nếu bạn tin rằng mình vô kỷ luật, hãy tự hỏi bản thân: “Có đúng là tôi vô kỷ luật không?” Thoạt có vẻ như đúng là như vậy hoặc không có gì phải nghi ngờ, nhưng khi đặt câu hỏi này, hãy chừa lại một khả năng điều này hoàn toàn không đúng, hoặc ít nhất là không hoàn toàn đúng. Có lúc nào đó bạn cũng có kỷ luật đó chứ? Có ví dụ nào chứng minh rằng quan niệm này sai không? Quả thực là không có quan niệm nào là hoàn toàn chắc chắn cả.

Nhìn vào bản chất tốt đẹp của bạn

Nếu chúng cho cho rằng ta chưa tốt về phương diện nào đó rồi dẫn đến hổ thẹn thì ta nên nhìn nhận rằng bản chất của chúng ta vẫn là tốt. Bản chất của chúng ta là tốt. Hãy thử thực hành thiền định về bản chất tốt đẹp trong con người bạn và bắt đầu tin tưởng rằng những bản tính tốt đẹp này vẫn luôn ở đó.

dung hòa sự hổ thẹn
Hãy thử thực hành thiền định về bản chất tốt đẹp trong con người bạn và bắt đầu tin tưởng rằng những bản tính tốt đẹp này vẫn luôn ở đó. (Ảnh Le Minh Phuong/ Unsplash)

Hãy cho mình cơ hội được đồng cảm và yêu thương

Nếu bạn tin rằng bạn không xứng đáng được yêu thương, bạn có thể bác bỏ ngay lập tức niềm tin này bằng cách yêu thương chính bản thân mình. Đầu tiên, hãy rèn luyện sức mạnh của tình yêu và lòng trắc ẩn bằng cách cảm nhận nó khi ta trao nó cho người khác. Hãy tưởng tượng một người mà bạn yêu quý, và hình dung họ đang gặp khó khăn. Hãy đồng cảm với họ, hãy chân thành chúc phúc cho họ và cảm nhận nó từ trong tim mình. Tiếp theo, bạn quay về với chính mình, vì bạn cũng đang đau khổ và xứng đáng nhận được tình yêu và lòng trắc ẩn của chính bạn. Bạn cảm nhận nó và để nó minh chứng rằng bạn cũng xứng đáng được yêu thương.

Nếu bạn thực hành theo cách này, bạn có thể bắt đầu nới lỏng quan niệm gây ra nỗi hổ thẹn của bản thân, để mình cảm thấy tin tưởng vào bản chất tốt đẹp và xứng đáng được yêu thương. Và nếu bạn làm như vậy, nỗi hổ thẹn sẽ không còn là vấn đề lớn nữa. Bạn sẽ được gì nếu bạn không có gì phải hổ thẹn?

Leo Babauta là tác giả của 6 quyển sách, là blogger của  “Những thói quen thiền định” thu hút hơn 2 triệu lượt theo dõi và là nhà sáng lập một số chương trình hỗ trợ hoàn thiện thói quen của bạn. Ghé thăm trang web của anh ấy tại Zen Habits.net

Leo Babauta
Hạo Nhiên biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn