Đệ tử thứ truyền của Thần y, có tuệ nhãn nhìn thấu nguyên nhân của bệnh tật

Những trường hợp chữa bệnh thần kỳ của Thần y Lý Cảo thời Nguyên

Lý Cảo là một đại y học gia có y thuật cao minh sống vào thời Nguyên, ông đặc biệt giỏi trong việc chữa trị các loại bệnh như thương hàn, ghẻ lở ung nhọt và bệnh về mắt. Ông không lấy việc trị bệnh để sinh sống, mà lấy cứu người làm trọng. Vậy, vì sao ông luôn có thể nhìn thấu nguyên nhân của bệnh tật mà người khác nhìn không tới, thường lập được kỳ công?

Lý Cảo (tự Minh Chi, người ở vùng Trấn Châu) là một trong “Kim Nguyên tứ đại gia” (bốn nhân vật lớn thời Kim – Nguyên) của lịch sử y học Trung Quốc, cũng là người sáng lập ra “học thuyết Tỳ Vị ” trong Trung y. Ông sinh năm Đại Định thứ 20 thời Kim Thế Tông (năm 1180), mất năm thứ nhất thời Nguyên Hiến Tông (năm 1251).

Gia tộc của Lý Cảo mấy đời giàu có quyền thế, khi còn nhỏ ông đã yêu thích y dược, nhận được y thuật chân truyền của Trương Nguyên Tố, người nổi tiếng khắp vùng Yên Triệu thời bấy giờ.

Nói đến thành tựu y thuật của sư phụ Trương Nguyên Tố, có một truyền kỳ, kể rằng: Trương Nguyên Tố vốn là người vùng Dịch Châu, lúc 8 tuổi đã tham gia cuộc thi Đồng tử khoa mục (khoa thi dành cho trẻ nhỏ), 27 tuổi dự thi Kinh nghĩa và đỗ Tiến sĩ, nhưng vi phạm tên húy tổ tông của Hoàng Đế nên bị xóa tên. Thế là ông buông bỏ nghiệp học hành thi cử mà chuyên tâm học tập y thuật, nhưng tạm thời chưa có thành tựu xuất sắc gì. Vào một đêm, Trương Nguyên Tố nằm mộng thấy có người dùng một chiếc rìu lớn đục mở đầu óc của ông ra, rồi lấy mấy cuốn sách bỏ vào trong đầu của ông. Từ đó Trương Nguyên Tố trở nên thông hiểu y thuật. Lý Cảo dâng lên ngàn vàng làm hậu lễ để xin được học y của ông. Chưa đến một năm, Trương Nguyên Tố bèn đem toàn bộ y thuật của mình truyền hết cho Lý Cảo.

Y thuật của Lý Cảo cao minh, có những thành tựu xuất sắc trong phương diện chữa trị các chứng bệnh thương hàn, ghẻ lở ung nhọt và bệnh về mắt. Bởi vì gia cảnh của ông đã rất giàu có, tuy rằng ông học y, nhưng không dùng năng lực y thuật để sinh sống, chẳng qua là khám bệnh giúp người để đề cao danh vọng của mình, người khác cũng không dám gọi ông là thầy thuốc. Giới sĩ phu luôn kiêng dè với bản tính cao ngạo, nghiêm túc, chính trực, không khuất phục của ông, nếu không phải là bệnh vô cùng nguy cấp, thì không dám đến nhà ông bái kiến.

Vương Thiện Phủ là Tửu quan (quan quản lý về rượu) ở thành Bắc Kinh, mắc bệnh tiểu tiện không thông, mắt lồi ra, phần bụng trướng phù giống như cái trống, từ đầu gối trở lên cứng đến nỗi như muốn nứt ra, ăn đồ ăn vào không kịp tiêu hóa đã bài tiết ra, dùng thuốc lợi tiểu cũng không có hiệu quả.

Lý Cảo nói với các thầy thuốc rằng: “Bệnh rất trầm trọng rồi. Trong cuốn “Nội kinh” có nói như thế này: bàng quang là nơi tập hợp dịch thể, nhất định phải dựa vào khí để vận hóa thì mới có thể bài xuất được. Hiện giờ đã dùng thuốc lợi tiểu mà bệnh tình càng thêm nặng, là bởi vì khí không vận hành. Khải Huyền Tử nói: ‘Không có dương, âm sẽ không có điều kiện tồn tại; không có âm, dương sẽ không cách nào khởi tác dụng’. Hiện giờ cho ông ấy dùng đều là thuốc có tính dương lợi tiểu, chỉ có dương mà không phối hợp với âm, như vậy muốn phát huy tác dụng của khí sao được?”

Ngày hôm sau, Lý Cảo đem mấy loại thuốc có tính âm cho Vương Thiện Phủ uống, không cần đến thang thuốc thứ hai, bệnh đã khỏi rồi.

Đệ tử thứ truyền của Thần y, có tuệ nhãn nhìn thấu nguyên nhân của bệnh tật
Y thuật của Lý Cảo cao minh, đặc biệt xuất sắc trong chữa trị bệnh thương hàn. Hình ảnh: Cuốn “Thương hàn tạp bệnh luận” là tác phẩm lớn của Trương Trọng Cảnh, y học gia thời Đông Hán. (Ảnh: Tài sản công)

Tiêu Quân Thụy là phó quan ở Tây Đài, có một năm vào tháng 2, ông mắc bệnh thương hàn mà nhiệt độ cơ thể lại tăng cao. Thầy thuốc cho Tiêu Quân Thụy uống Bạch Hổ Thang, sắc mặt của ông trở nên đen giống như mực, không còn thấy triệu chứng vốn nên có của bệnh thương hàn, mạch đập sâu mà nhẹ, tiểu tiện mất kiểm soát.

Mới đầu Lý Cảo không biết Tiêu Quân Thụy đã uống những loại thuốc nào, đến sau khi bắt mạch xem bệnh mới nói rằng: “Đây là do dùng sai Bạch Hổ Thang trước tiết Lập hạ gây ra. Bạch Hổ Thang có tính hàn rất mạnh, không phải là loại thuốc khai thông kinh mạch, nó chỉ có thể làm cho phủ tạng sinh hàn, nếu dùng không thích hợp, thì sẽ làm cho gốc bệnh thương hàn ẩn vào trong kinh mạch. Có người đổi dùng loại thuốc có tính nóng rất mạnh để bổ cứu, ức chế tác hại của âm tà trong cơ thể, song các bệnh chứng khác tất nhiên sẽ xuất hiện, đây không phải là biện pháp bổ cứu khi dùng sai Bạch Hổ Thang. Thuốc có tính ôn có thể làm cho khí dương tăng lên, làm cho kinh mạch thông suốt, tôi sẽ dùng nó”.

Có người đưa ra ý kiến phản bác rằng: “Tính hàn của thuốc Bạch Hổ rất mạnh, không dùng loại thuốc có tính nóng mạnh thì sao có thể bổ cứu? Phương án trị bệnh của ông làm sao vậy?”

Lý Cảo nói: “Bệnh ẩn vào trong kinh mạch, dương không tăng lên thì kinh mạch không thông, kinh mạch thông suốt rồi, những triệu chứng của bệnh thương hàn vốn có sẽ biểu lộ ra. Điều trị bệnh thương hàn có gì là khó xử lý đâu chứ”. Ông bèn dùng các loại thuốc ôn dương lưu thông kinh mạch, quả nhiên người bệnh liền bình phục.

Trong mắt thê tử của Ngụy Bang Ngạn đột nhiên mọc lên một lớp vảy mắt màu xanh biếc, từ phía dưới rồi lan rộng hướng lên trên, sưng đau đến không thể chịu được. Lý Cảo nói: “Màng vảy mắt từ phía dưới phát triển rộng lên phía trên, chứng tỏ bệnh xuất phát từ mạch Dương Minh bên dưới mí mắt. Màu xanh biếc không phải là màu chính trong ngũ sắc, có thể là vì phổi và thận cùng thất thường mà sinh ra bệnh mắt”.

Ông bèn trừ bỏ tà khí ở phổi và thận, dùng loại thuốc có thể xâm nhập vào mạch Dương Minh để trị liệu cho thê tử của Ngụy Bang Ngạn, đã đạt được hiệu quả. Nhưng qua một thời gian bệnh mắt lại tái phát ba lần, mà kinh mạch phát ra bệnh mắt cũng khác nhau, màu sắc của vảy mắt cũng khác nhau.

Lý Cảo nói: “Mấy kinh mạch có liên quan đến mắt, một kinh mạch có bệnh sẽ gây ra bệnh mắt. Đây nhất định là kinh mạch không hài hòa, nếu như kinh mạch không hài hòa, như thế bệnh mắt liền sẽ không hết”. Ông hỏi thê tử của Ngụy Bang Ngạn, tình huống quả nhiên là như vậy. Sau đó theo chẩn đoán của Lý Cảo mà bốc thuốc điều trị, thế là bệnh mắt của thê tử Ngụy Bang Ngạn không còn tái phát nữa.

Phùng Lịch cháu trai của Phùng Thúc Hiến, khoảng 15, 16 tuổi, mắc bệnh thương hàn, mắt đỏ lên, miệng khát khô, trong lúc thở ra hít vào mạch đập 7, 8 lần. Thầy thuốc muốn dùng Thừa Khí Thang để loại bỏ tà bệnh, thuốc đã được nấu ở trên bếp. Lúc ấy vừa khéo Lý Cảo ghé qua, Phùng Thúc Hiến đem bệnh và tình hình nấu thuốc của Phùng Lịch nói cho Lý Cảo biết.

Sau khi Lý Cảo dùng chỉ bắt mạch, vô cùng sợ hãi nói rằng: “Suýt chút nữa là hại chết cậu bé này rồi. Trong “Nội kinh” có nói: ‘Về mạch tượng, những mạch nhảy lên nhanh biểu hiện chứng sốt nóng, những mạch đập chậm nhảy lên từ từ biểu hiện chứng cảm lạnh.’ Hiện giờ trong lúc thở ra hít vào mạch đập nảy lên 8, 9 lần, đây là nhiệt nóng đến cực điểm rồi. Thế nhưng, trong “Hội yếu đại luận” nói: ‘Chứng bệnh cùng với mạch tượng là đồng nhất, nhưng người bệnh lại tương phản, xét thế nào đây? Khi mạch nổi lên, dùng ngón tay ấn xuống mà mạch nảy thiếu lực, toàn bộ dương mạch đều là như thế, thì đây chính là âm chứng’”.

Ông bảo người mang can khương (gừng khô), phụ tử tới (những nguyên liệu của Khương Phụ Thang ). Ông nói: “Cần phải dùng phương pháp chữa trị nhiệt do lạnh”. Thuốc chưa nấu xong, móng tay của người bệnh đã đổi màu. Sau khi uống xong một lượng lớn Khương Phụ Thang, mồ hôi lập tức chảy ra, người bệnh đã khỏe lại ngay.

Vị tướng thống lĩnh ở Thiểm Tây Quách Cự Tế mắc bệnh liệt nửa người, ngón chân bám dính vào lòng bàn chân không thể duỗi thẳng ra được. Lý Cảo dùng châm dài châm vào huyệt vị ở đoạn xương gập lại, đi sâu vào xương mà người bệnh không biết đau đớn, chảy máu khoảng một, hai thăng (lít), máu có màu đen như mực, lại châm vào huyệt vị bên đối diện của chân bị bệnh. Lặp lại như thế 6, 7 lần, đồng thời cho người bệnh uống thuốc ba tháng, tình trạng của người bệnh chuyển biến tốt rõ rệt.

Thê tử của Bùi Trạch mắc bệnh sốt rét, kinh nguyệt đã gián đoạn mấy năm rồi, đã có triệu chứng ho khan thở gấp. Các thầy thuốc đều dùng các loại thuốc như cáp giới (tắc kè), quế chi, phụ tử v.v. để cho người bệnh uống. Lý Cảo nói: “Không được, bệnh này là âm bị dương chèn ép, đã sử dụng loại thuốc có tính ấm quá mức, vì vậy không chỉ vô ích mà trái lại còn có hại. Cho người bệnh uống thuốc hàn khí huyết, như thế kinh nguyệt thì sẽ bình thường trở lại”. Sau đó quả nhiên thấy được hiệu quả.

Rất nhiều phương pháp chẩn đoán và chữa trị của Lý Cảo đều tương tự với những trường hợp được nêu ra này, người thời đó đều nhìn nhận ông là Thần y. Những cuốn sách của ông được lưu truyền trong dân gian không ít.

Lý Cảo là một trong “tứ đại y gia” thời Nguyên, đã ứng dụng thành thạo y lý cùng với sự hỗ trợ của phương pháp chẩn bệnh “vọng, văn, vấn, thiết” (nhìn, nghe, hỏi, bắt mạch). Ông luôn có thể nhìn thấu được những điểm mấu chốt của chứng bệnh mà người khác nhìn không thấu được. Ông được danh y Trương Nguyên Tố truyền dạy y thuật, mà y thuật của Trương Nguyên Tố lại được Thần truyền từ không gian khác, như thế có thể nói Lý Cảo là một danh y Thần truyền.

Nguồn tư liệu: “Nguyên sử”

Do Thái Nguyên thực hiệnCổ Dung biên tập
Tiểu Minh biên dịchQuý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn