COVID-19 vẫn đang gia tăng và kháng thể của chúng ta cũng đang gia tăng

Cơ thể chúng ta phát triển các kháng thể một cách hiệu quả và có mục tiêu hơn là các đột biến ngẫu nhiên của virus. Thật tuyệt khi biết rằng không chỉ có virus đang đột biến, các kháng thể của chính chúng ta cũng đang theo kịp tốc độ đột biến này.

COVID-19 vẫn đang gia tăng
Trong khi virus đột biến một cách ngẫu nhiên thì hệ thống miễn dịch của chúng ta cũng có một quá trình cải thiện có mục đích. (Ảnh: Lightspring/Shutterstock)

Sự xuất hiện của “các biến thể đáng lo ngại” đã đặt ra câu hỏi về khả năng miễn dịch lâu dài của chúng ta đối với COVID-19. Liệu các kháng thể mà chúng ta tạo ra sau khi bị nhiễm hoặc sau chích ngừa chống lại dòng trội, được gọi là D614G, có bảo vệ chúng ta chống lại các biến thể virus trong tương lai không?

Để trả lời câu hỏi này, các nhà khoa học đã nghiên cứu xem kháng thể chống lại loại coronavirus này phát triển như thế nào theo thời gian. Một số nghiên cứu gần đây đã so sánh sự khác biệt giữa các kháng thể được tạo ra ngay sau khi nhiễm COVID-19 và những kháng thể sáu tháng sau đó. Những kết quả thu được rất ấn tượng và khiến chúng ta cảm thấy an tâm.

Mặc dù kháng thể đặc hiệu chống lại coronavirus xuất hiện sau sáu tháng nhiễm bệnh, nhưng các kháng thể còn lại đã có những thay đổi đáng kể. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra khả năng nhận diện protein từ các biến thể COVID-19 mới và phát hiện ra rằng 83% kháng thể “trưởng thành” có khả năng nhận biết các biến thể tốt hơn. Một nghiên cứu chưa được bình duyệt cũng cho thấy rằng một số kháng thể xuất hiện sau sáu tháng nhiễm bệnh bắt đầu nhận ra các virus liên quan khác, chẳng hạn như coronavirus gây ra bệnh SARS.

Tại sao điều đó có thể xảy ra? Rất đơn giản vì các tế bào B tạo ra kháng thể phát triển sau khi chúng được kích hoạt lần đầu. Mặc dù ai cũng biết rằng virus có thể đột biến theo thời gian, các tế bào B của chính chúng ta cũng có khả năng tận dụng các đột biến để tạo ra các kháng thể vượt trội.

Siêu đột biến soma

Một điểm khác biệt chính yếu giữa đột biến của kháng thể và đột biến của virus là đột biến kháng thể không hoàn toàn ngẫu nhiên. Trên thực tế, chúng được gây ra trực tiếp bởi một loại enzyme chỉ có trong tế bào B, được gọi là AID (activation-induced deaminase). Enzyme này gây ra các đột biến trong DNA chịu trách nhiệm tạo một phần kháng thể nhận ra virus. Cơ chế đột biến này lần đầu tiên được biết đến bởi các nhà nghiên cứu tiên phong tại Phòng thí nghiệm Sinh học Phân tử MRC ở Cambridge, Vương quốc Anh, gần 20 năm trước.

Hoạt động của AID dẫn đến tỷ lệ đột biến ở tế bào B cao hơn nhiều so với bất kỳ tế bào nào khác trong cơ thể. Hiện tượng này được gọi là “siêu đột biến soma”.

Một số đột biến được tạo ra ở vị trí liên kết kháng thể giúp cải thiện sự gắn kết của kháng thể đó với virus đích. Nhưng một số đột biến sẽ không có tác dụng và một số đột biến khác sẽ thực sự làm giảm khả năng bám của kháng thể vào virus mục tiêu. Điều này có nghĩa là cần phải có một hệ thống nơi tế bào B chọn những kháng thể tốt nhất đã được tạo.

Tế bào B tập trung trong các tuyến nhỏ gọi là hạch bạch huyết trong khi chúng phát triển. Các hạch bạch huyết được tìm thấy trên khắp cơ thể và thường trở nên to hơn nếu bạn đang nhiễm trùng.

COVID-19 vẫn đang gia tăng
Tế bào B tập trung trong các hạch bạch huyết khi chúng đang phát triển. (Ảnh: Sakurra / Shutterstock)

Trong các hạch bạch huyết, sau quá trình siêu đột biến soma, tế bào B có thể tạo ra các kháng thể tốt và đưa ra các tín hiệu tích cực để chúng tái tạo nhanh hơn. Các tế bào B khác sẽ bị đào thải và chết. Quá trình này được gọi là quá trình “huấn luyện thuần thục”; giúp tăng sức gắn kết hoặc “ái lực” mà các kháng thể gắn lên mục tiêu theo thời gian. Sau quá trình lựa chọn nghiêm ngặt này, tế bào B mới xuất hiện sẽ sản xuất hàng loạt kháng thể cải tiến, dẫn đến phản ứng miễn dịch hiệu quả hơn.

Quá trình nhiễm COVID điển hình là từ 10 đến 14 ngày, do đó, đợt kháng thể đầu tiên tiêu diệt virus không có đủ thời gian để phát triển vì quá trình huấn luyện thuần thục thường diễn ra trong nhiều tuần. Nhưng nghiên cứu từ Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng các mảnh nhỏ không lây nhiễm của SARS-CoV-2 vẫn còn trong cơ thể sau đợt nhiễm trùng, vì vậy các tế bào B có thể tiếp tục được nhắc nhở về hình dạng của virus. Điều này cho phép sự tiến hóa của kháng thể diễn ra trong nhiều tháng sau khi tình trạng nhiễm trùng đã được giải quyết.

Tóm lại, sự tiến hóa của kháng thể có nghĩa là nếu một người bị nhiễm coronavirus lần thứ hai, các kháng thể có khả năng liên kết vượt trội hơn sẽ sẵn sàng chờ đợi. Quá trình tiến hóa của kháng thể sẽ bắt đầu sau chích ngừa hoặc nhiễm trùng lần đầu từ đó các kháng thể đã được cải thiện và tiến hóa tốt hơn sẽ có mặt nếu gặp lại virus vào một ngày sau đó. Thật tuyệt khi biết rằng không chỉ có virus đang đột biến, các kháng thể của chính chúng ta cũng đang theo kịp tốc độ đột biến này.

Sarah L Caddy là nhà nghiên cứu lâm sàng về miễn dịch học virus và bác sĩ phẫu thuật thú y tại Đại học Cambridge ở Anh. Meng Wang là một nhà khoa học nghiên cứu về ung thư người Anh tại Đại học Cambridge. Bài báo này được xuất bản lần đầu trên The Conversation.

Sarah L Caddy
Thiên Minh biên dịch

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn