Công dụng tuyệt vời của cháo – Món ăn dưỡng sinh cổ xưa của người Á Châu

Nấu nướng đơn giản, dinh dưỡng phong phú mà dễ tiêu hóa, vị mặn hay ngọt đều thích hợp, phù hợp cho bữa điểm tâm, cũng có thể làm món ăn khuya. Đây chính là Cháo – món ăn bình dân truyền thống của người Á Châu.

Từ xưa đến nay, người ta đều cho rằng cháo có công dụng dưỡng sinh rất tốt. Trong “Phổ tế phương” có nói: “Mặc dù là món ăn nấu từ gạo, nhưng có nhiều cách để nấu cháo… Cháo được xem là nguồn sống của sinh mệnh, ăn cháo có thể có công dụng như một nửa lượng thuốc”. Công thức nấu cháo có rất nhiều sự biến hóa sáng tạo, có thể cho thêm vào các loại nguyên liệu như đậu, thịt, rau dưa, thậm chí là hoa quả để cùng nấu chín lên, từ đó đạt được những hiệu quả bồi bổ khác nhau.

Nguồn gốc của Cháo

Ở Trung Quốc, có thể ngược dòng lần theo những ghi chép liên quan với cháo đến khoảng thời gian từ năm 2697 TCN đến năm 2597 TCN. Tương truyền, ban đầu là Hoàng Đế đem hạt ngũ cốc nấu chín thành cháo.

Về công dụng trị bệnh của cháo, có thể bắt nguồn từ danh y Thuần Vu Ý thời Tây Hán, ông từng dùng “Cháo hỏa tề” trị bệnh cho Tề Vương. Trong bộ sách cổ Trung y “Thương hàn tạp bệnh luận”, (bộ sách đầu tiên có đầy đủ cả lý, pháp, phương, dược của y học gia thời Đông Hán Trương Trọng Cảnh), công dụng trị liệu của cháo đã được ghi chép lại một cách chính thức.

Người xưa dùng cháo để kính Phật

Ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch hàng năm là ngày lễ Lạp Bát (còn gọi là ngày Bồ Đề). Đây là ngày Phật Thích Ca Mâu Ni ở dưới cội Bồ Đề khai công khai ngộ. Tương truyền Phật Thích Ca Mâu Ni ở dưới cội Bồ Đề nhập định tu hành 49 ngày, không ăn không uống, từng có tín đồ dùng trái cây và các loại lương thực nấu thành cháo cung phụng Đức Phật. Để kỷ niệm ngày Phật Thích Ca Mâu Ni khai ngộ, hàng năm các ngôi chùa Phật giáo đều nấu cháo dâng Phật, đồng thời phân phát cho khách thập phương viếng chùa.

Đến khoảng giữa thế kỷ thứ 6, lễ Lạp Bát đã trở thành một ngày lễ lớn của Trung Quốc. Đến thời Khang Hy triều Thanh (1644~1912), lễ này đã trở thành một trong những nghi thức chính của Hoàng gia.

Hàng năm vào ngày 8 tháng Chạp, các Hoàng đế của nhà Thanh đều cử hành một buổi lễ long trọng tại chủ điện của Ung Hòa Cung ở Bắc Kinh. Ung Hòa Cung có một chiếc nồi cổ bằng đồng có chiều rộng 2 mét, sâu 1.5 mét và nặng 4 tấn, chuyên được dùng để nấu cháo Lạp Bát.

Cháo là món ăn dưỡng sinh
Ung Hòa Cung ở Bắc Kinh từng là nơi các Hoàng đế triều Thanh hàng năm cử hành lễ Lạp Bát. (Ảnh: Shutterstock)

Tám ngày trước khi các nghi lễ chính thức bắt đầu, các quan viên trong triều đình sẽ mang củi và các loại nguyên liệu nấu cháo đưa vào cung. Các loại nguyên liệu nấu cháo bao gồm mỡ bò, thịt dê, ngũ cốc, quả hạch và các loại hoa quả khô.

Thành phần nguyên liệu phong phú như thế đủ để nấu đầy sáu nồi. Nồi cháo đầu tiên được dùng để cúng Phật; nồi cháo thứ hai được cung cấp cho Hoàng đế và người trong cung, nồi cháo thứ ba cho các quý tộc Hoàng gia và các vị Đại Lạt Ma, nồi cháo thứ tư nấu cho các quan viên trong hoàng cung và các tỉnh, nồi cháo thứ năm dành cho các tăng nhân trong chùa, nồi cháo thứ sáu dùng để bố thí.

Theo các tư liệu lịch sử ghi chép, nguyên liệu cho mỗi nồi cháo gồm có 60.5 kg ngũ cốc chính (gạo), 50kg các loại ngũ cốc khác, 50kg hoa quả khô, và cần 5kg củi đun.

Lửa dùng để nấu cháo phải được nhóm lên trước một ngày, phải nấu suốt 24 giờ đồng hồ, được nhân viên chuyên trách của Hoàng thất giám sát và quản lý.

Sau khi hoàn thành, dưới ánh đèn rực rỡ, cùng với hương khói, âm nhạc và tiếng tụng kinh của các tăng sư, phần cháo đầu tiên sẽ được dâng lên trước tượng Phật ở trong cung điện .

Sau đó, Hoàng đế, các quan viên trong triều mới bắt đầu dùng cháo. Cuối cùng, cháo được cho vào hộp kín và được đưa đến các cung điện khác của Hoàng gia và những nơi xa hơn bằng khoái mã.

Các gia đình dân chúng bình thường cũng nấu cháo để mừng ngày lễ Lạp Bát giống như trong Hoàng cung.

5 lợi ích của cháo

Cháo có thể điều chỉnh khẩu vị, tăng cảm giác ngon miệng

Cháo có hương vị ngon, thanh đạm mà mềm nhuyễn, đặc biệt thích hợp cho những người chán ăn, kém ăn.

Cháo có thể kiện tỳ ích vị, dưỡng âm sinh tân

Ăn cháo có thể điều dưỡng tỳ vị, thông thuận vị khí, còn có thể dưỡng âm sinh tân dịch, nhu dưỡng xương cốt tứ chi. Bản chất cháo nhuyễn mịn, dễ tiêu hóa, giúp cơ thể tập hợp được đầy đủ dinh dưỡng và nhanh chóng phục hồi thể lực. Người già yếu hoặc khi mệt mỏi, suy yếu, ăn cháo là lựa chọn tốt nhất, có thể giúp cơ thể nhanh chóng được bổ sung năng lượng và tăng cường thể lực.

Cháo có thể thúc đẩy cơ thể toát mồ hôi giải độc

Cháo nóng có thể tăng dương khí, làm ấm cơ thể, giúp cơ thể toát mồ hôi, đẩy tà khí gây bệnh thâm nhập vào cơ thể ra ngoài. Thực tiễn chứng minh, ăn cháo giúp cơ thể đổ mồ hôi, là một cách giải độc rất hiệu quả, đặc biệt phù hợp với những người vừa bị cảm lạnh.

Cháo có thể tăng cường hiệu quả trị liệu của thảo dược

Thánh y Trương Trọng Cảnh từng nói, sau khi uống thuốc, tùy theo tình huống mà ăn các loại cháo nóng hay lạnh khác nhau, sẽ có tác dụng hỗ trợ hiệu lực của thuốc. Ví dụ, khi dùng “Thập táo thang”, người bệnh cần “mi chúc tự dưỡng” (bồi dưỡng bằng cháo nhuyễn). Bởi vì hiệu lực của “Thập táo thang” rất mạnh, sợ tổn thương vị khí; mà vị khí bị tổn thương, những tạng phủ khác trong cơ thể cũng sẽ bị tổn thương theo, gây bất lợi cho việc chữa khỏi bệnh. Vào lúc này ăn cháo nhuyễn để dưỡng vị khí, thì có thể giúp cho thuốc phát huy hiệu quả tốt hơn.

Bữa sáng ăn cháo, có thể thúc đẩy tuần hoàn năng lượng trong cơ thể

Sáng sớm sau khi thức dậy, thân thể của chúng ta cũng sẽ dần dần tỉnh lại, ăn cháo ấm có thể cung cấp đầy đủ nhiệt lượng cho cơ thể, làm cho khí ở tỳ vị được hơi ấm thúc đẩy mà vận chuyển tinh chất ngũ cốc đến toàn thân, thúc đẩy năng lượng tuần hoàn của cơ thể bắt đầu vận chuyển một cách có hiệu quả.

Cháo là món ăn dưỡng sinh
Cháo không chỉ vị ngon, còn có thể kiện tỳ ích vị, hỗ trợ hiệu lực của thuốc, có công dụng dưỡng sinh rất tốt. (Ảnh: Shutterstock)

Cháo làm từ các loại ngũ cốc và nguyên liệu, dược liệu khác nhau có tác dụng chữa bệnh khác nhau. Bác sĩ Trung y Hồ Nãi Văn của Phòng khám Đồng Đức Đường Thượng Hải ở Đài Bắc cho biết, trong “Bản thảo cương mục” có ghi chép rằng cháo nấu từ các loại ngũ cốc như cháo lúa mì, cháo gạo nếp, cháo cao lương, cháo gạo kê có thể trị chứng tỳ vị hư hàn, tả lỵ; Cháo gạo tẻ, cháo ngô, cháo lương mễ… có tác dụng lợi tiểu, trị chứng phiền khát. Còn có những loại cháo khác được nấu từ các loại rau, ngũ cốc và thịt, ví như cháo đậu đỏ, cháo đậu xanh, cháo rau cải bó xôi, rau chân vịt, rau cần, rau cải xanh, rau quỳ, rau hẹ, cháo vịt… mỗi loại cháo cũng có tác dụng chữa bệnh riêng.

Cháo mặc dù có công dụng tốt, nhưng cần phải ăn cho phù hợp. Đối với người bị các bệnh dạ dày trướng khí, trào ngược dạ dày thực quản, thì ăn cháo có thể làm cho bệnh càng nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, nếu ăn cháo thuốc nhằm bồi bổ thân thể, nên căn cứ vào tình huống cụ thể để chọn loại cháo phù hợp. Ví dụ, các chứng hàn thích hợp với các loại cháo có tính ôn, chứng nhiệt thích hợp ăn các loại cháo có tính hàn v.v…

Những chú ý về nguyên liệu phối hợp nấu cháo theo bốn mùa

Điều khiến người ta ngạc nhiên là công dụng về nhiều mặt của cháo. Cháo gạo trắng là phổ biến nhất, nhưng nguyên liệu nấu cháo có thể kết hợp các loại ngũ cốc với rất nhiều thành phần khác. Để đạt được hài hòa thuận theo tự nhiên và cân bằng trong cơ thể, Trung y đề xuất khi nấu cháo nên chọn các loại nguyên liệu nấu ứng với từng mùa.

Mỗi một mùa có mỗi loại màu sắc, nguyên tố ngũ hành, bộ phận trong thân thể và nguyên liệu nấu ăn tương ứng với mùa đó. Mà màu sắc của nguyên liệu nấu ăn được kiến nghị là nên giống với màu tương ứng của từng mùa. Hãy xem xem hiện giờ mùa này thì dùng nguyên liệu gì thêm vào cháo cho thích hợp.

Cháo là món ăn dưỡng sinh
Khi nấu cháo, có thể căn cứ vào các mùa khác nhau mà thêm vào nguyên liệu nấu ăn tương ứng. (Ảnh: Epoch Times)

Hai món cháo ngon cho mùa đông

1. Cháo thịt gà

Thời gian chuẩn bị: 20 phút

Thời gian nấu: 1 giờ đồng hồ

Lượng nấu cho 06 người ăn

Nguyên liệu nấu:

– 1/2 cân thịt gà còn cả xương, thịt có màu đậm là tốt nhất

– 1/2 chén gạo lứt

– 1/4 chén đậu đen

– 8 cây nấm hương khô (30 gram)

– 2 muỗng cà phê gừng tươi cắt sợi

– 5 múi tỏi, lột vỏ

– 9 chén nước lã

– 1 muỗng canh câu kỷ

– 1/2 muỗng muối, hoặc thêm bớt tùy khẩu vị

– 1 muỗng canh hành lá cắt nhỏ

Các bước thực hiện:

  1. Rửa sạch đậu đen và nấm hương khô, sau khi ngâm nước ít nhất 4 giờ đồng hồ thì rửa sạch vớt ra;
  2. Cho thịt gà vào rổ, lấy nước sôi dội qua, sau đó dùng nước lạnh rửa lại cho sạch;
  3. Cho tất cả nguyên liệu nấu vào nồi, chừa lại câu kỷ, muối và hành. Đổ nước vào nấu sôi;
  4. Để lửa nhỏ hầm 50 phút, thỉnh thoảng khuấy đều;
  5. Tắt bếp, cho câu kỷ và muối vào. Nếm thử, tùy khẩu vị mà thêm muối. Cho hành lá vào để trang trí và điều vị.

2. Món cháo ngọt

Thời gian chuẩn bị: 20 phút

Thời gian nấu: 1 giờ đồng hồ

Lượng nấu cho 06 người ăn

Nguyên liệu nấu:

– 1/2 chén gạo lứt hoặc gạo nếp màu nâu

– 1/2 chén gạo đen hoặc gạo nếp đen (nếp cẩm)

– 1/4 chén đậu đen

– 1/4 chén nho khô

– 1 muỗng canh rượu gạo hoặc rượu Rum (không có cũng được)

– 1/2 chén đường đỏ

Các bước thực hiện:

  1. Rửa sạch đậu đen, sau khi ngâm nước ít nhất 4 giờ đồng hồ thì rửa sạch vớt ra;
  2. Nếu dùng rượu gạo hoặc rượu Rum thì đem nho khô ngâm với rượu;
  3. Cho gạo lứt, gạo đen, đậu đen đã ngâm vào 9 chén nước lã, nấu sôi;
  4. Bật bếp hầm 50 phút, thỉnh thoảng khuấy đều;
  5. Thêm đường đỏ, nho khô, rượu gạo hoặc rượu Rum, nấu sôi lên.

Món cháo tuyệt ngon mùa đông này có thể làm bữa ăn sáng, điểm tâm ngọt, hoặc có thể tùy thời thưởng thức.

Tác giả: Moreen Liao, Trịnh Tuệ Văn (Bác sĩ Trung y)
Lý Thanh Phong biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn