Chúng ta cần làm gì để giảm nguy cơ trầm cảm ở trẻ em

Trong suốt thập kỷ qua, những đứa trẻ đã dần dần bị chìm đắm vào sự cô độc về cả thể chất lẫn tinh thần. Tỷ lệ trầm cảm ở trẻ em đang ngày càng gia tăng. 

Tôi vừa trở về sau khi dự đám tang của một bệnh nhân tử vong vì sử dụng ma túy quá liều. Tôi không phải là bác sĩ nội khoa. Tôi là một bác sĩ nhi khoa. Cô gái này đã ra đi ở độ tuổi còn quá trẻ với chứng trầm cảm. Cuộc sống của cô cũng có những thăng trầm, nhưng cô ấy có cha mẹ và anh chị em tuyệt vời, những người luôn ở bên cạnh cô. Và hãy để tôi nói rõ: Cha mẹ cô đã nuôi dưỡng cô rất tốt. Họ là những bậc cha mẹ tuyệt vời và không liên quan gì đến cái chết của con gái họ. Tuy nhiên đó mới là phần khiến người ta thấy đáng sợ nhất. Thật không may, những câu chuyện tương tự như vậy đang xảy ra ngày càng phổ biến.

Tôi hành nghề bác sĩ nhi khoa đã 32 năm và chưa bao giờ thấy tỷ lệ trầm cảm ở trẻ em cao như hiện nay. Chúng ta có thể đổ trách nhiệm cho dịch bệnh COVID và các quy định phong tỏa là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng cảm giác tuyệt vọng và lo lắng. Điều này chính xác một phần. Thế nhưng trước khi COVID xuất hiện, có nhiều thanh thiếu niên cũng đã phải trải qua những cảm xúc tiêu cực này vì nhiều nguyên nhân trong cuộc sống.

Mức độ tàn phá của sự cô đơn

Đầu tiên, trong suốt thập kỷ qua, con cái của chúng ta đã dần dần bị chìm đắm vào sự cô độc về cả thể chất lẫn tinh thần. Nếu chúng ta tin tưởng rằng mỗi người trong chúng ta đều được sinh ra với sứ mệnh kết nối và có đức tin thiêng liêng vào Thượng đế đồng thời yêu thương, bao dung những người xung quanh thì sự cô lập ấy là một điều vô cùng thống khổ và tàn khốc. 

Đặc biệt khi những đứa trẻ mang một tâm hồn non nớt, mỏng manh. Chúng ta thực sự cần được kết nối và thấu hiểu. Sự xâm chiếm ngày càng nhiều của màn hình công nghệ đã mang đến cho con trẻ một phương pháp mới và thuận tiện hơn để giao tiếp với bạn bè. 

Chúng ta tin rằng nhắn tin và mạng xã hội sẽ giúp trẻ em giao tiếp với xung quanh nhiều hơn, nhưng đây là một ảo tưởng mà cả chúng ta và con cái chúng ta đều có thể nhận thấy. Sự cô đơn càng trở nên trầm trọng hơn thông qua các màn hình điện tử. Chúng ta không hề phóng đại điều này. Trẻ em tìm kiếm điện thoại để có sự kết nối, nhưng không phải lúc nào chúng cũng được cho phép. Điều đó khiến những đứa trẻ cảm thấy tồi tệ.

Trước COVID, trẻ em phải chật vật để giao tiếp với những thứ ngoài xã hội. Và khi COVID diễn ra với các lệnh phong tỏa, tình trạng này đã tăng lên gấp 10 lần. Một số trẻ em chỉ đơn giản là không khống chế được bản thân. Chúng cố gắng kết nối với bên ngoài nhiều hơn bằng cách dùng điện thoại thường xuyên hơn. Nhưng khi điều đó không thành công, một số đứa trẻ đã thu mình khỏi cuộc sống. 

giảm nguy cơ trầm cảm ở trẻ em
Những đứa trẻ mang một tâm hồn non nớt, mỏng manh (Ảnh: Pixabay)

Chúng ta nên dạy cho con trẻ điều gì

Ngoài việc sử dụng internet quá nhiều, chúng ta nên truyền cho con trẻ những giá trị tốt đẹp của đức tính tự lập, cá nhân, và tự chủ, cũng như giữ một quan điểm và góc nhìn đúng đắn mà chúng cần có. Tuy nhiên, chúng ta đã quên mất điều này. Chúng ta cần dạy những đứa trẻ rằng thành công sẽ đến khi có sự cân bằng giữa việc tin tưởng, học tập, và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc.

Khi bọn trẻ bỏ mặc những lời dạy bảo từ cha mẹ, ăn mặc xuề xòa hay hở hang thái quá, và liên tiếp từ chối tiếp thu kinh nghiệm sống của cha mẹ, chúng ta có thể nói rằng chúng là những người có ý chí mạnh mẽ và mong muốn thành công. Nhưng chúng ta càng biết rõ một điều và bọn trẻ cũng vậy, tính độc lập từ khi còn quá nhỏ sẽ khiến chúng trở nên tách biệt với những người khác.

Chủ nghĩa cá nhân sẽ đẩy chúng vào một nơi xa lạ và khiến chúng cảm thấy tội lỗi. Bản tính tự chủ dạy chúng rằng không cần bất cứ ai — thậm chí không cần cha mẹ chăm sóc hay những người thân yêu quan tâm. Cuối cùng, tất cả những điều này sẽ khiến chúng cảm thấy tổn thương và lạc lõng.

Những đứa trẻ có tâm hồn mong manh

Những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình tan vỡ thường phải chịu đựng nhiều tổn thương kéo dài trong suốt phần đời còn lại của chúng. Không ai thích nghe điều này nhưng đây là những điều trẻ con muốn nói ra. Các con không thật sự “ổn” sau cuộc ly hôn và những chấn thương tâm lý khác. Các con không “phục hồi trở lại bình thường” như những gì chúng ta muốn tin. 

Những trái tim non nớt cần sự bảo vệ của người lớn để có một cuộc sống bình yên. 

Gia đình ly hôn, dịch bệnh COVID, những ca tử vong, hoặc thậm chí quá nhiều phương tiện truyền thông xã hội làm dấy lên sự sợ hãi, tất cả sẽ khiến những đứa trẻ rơi vào tình cảnh chao đảo. 

Nếu không có sự giúp đỡ của cha mẹ, chúng sẽ không biết phải lấy lại cân bằng như thế nào. 

Và một số đã suy sụp. 

Các con trở nên khủng hoảng và chán nản.

Xin hãy hiểu rằng, tôi không cố đổ mọi trách nhiệm lên cha mẹ bởi vì tình trạng bệnh này là quá phức tạp. Trầm cảm là do sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm di truyền, môi trường, mối quan hệ, nỗi đau và tính cách. 

Khi một đứa trẻ bắt đầu cuộc sống với những thứ chống lại chúng, thêm một lần đau khổ, rối loạn, hoặc thậm chí là tiếp xúc với những người bạn hư hỏng có thể đẩy cuộc đời đứa trẻ đó xuống vực sâu. 

Điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm cho con cái là cố gắng kiểm soát các yếu tố môi trường xung quanh khiến chúng trầm cảm. Chúng ta có thể thực hiện được điều này bằng cách mạnh dạn phân tích và loại bỏ những thứ gây hại cho những đứa trẻ. 

Thật không may, nhiều bậc cha mẹ e ngại làm như vậy. Họ đã bất lực và nói câu nói muôn thuở: “Tất cả thanh thiếu niên đều có điện thoại. Chúng dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội, chơi trò chơi điện tử, say sưa uống rượu và hút thuốc trong phòng. Chúng tôi không thể làm gì vì nếu không sẽ khiến chúng cảm thấy chúng tôi giống kẻ phiền phức.”

Các bạn của tôi, những điều này chỉ là cái cớ mà chúng ta tự ngụy biện để không phải trở thành kẻ xấu. Tôi rất thấu hiểu điều đó. 

Khi con trai tôi học trung học, chúng tôi đã có một cuộc đụng độ và tranh cãi kéo dài vì trò chơi điện từ. Vợ chồng tôi sẽ không cho phép trò chơi điện tử xuất hiện trong nhà chúng tôi. Khi lên đại học, cậu bé đã cảm ơn chúng tôi. Cậu nhận ra rằng có quá nhiều bạn bè đã lãng phí hàng giờ trong phòng tối để chơi điện tử và tiêu tốn tới 45,000 đô la mỗi năm.

giảm nguy cơ trầm cảm ở trẻ em
Trẻ dành quá nhiều thời gian cho màn hình điện thoại (Ảnh: Pixabay)

Ngừng bào chữa cho sự vô tâm của chính chúng ta 

Con trẻ của chúng ta đang trưởng thành trong một nền văn hóa có hại cho sức khỏe tinh thần của chúng. Theo thời gian, những tác động này ngày càng trở nên không tốt. Một số là do lỗi của chúng ta. Nhưng chúng ta không có cớ để né tránh những việc mà chúng ta biết là tốt nhất cho con mình.

Với cương vị của bậc cha mẹ và ông bà, tôi hiểu điều này khó khăn đến nhường nào. Cuối cùng, chúng ta cần bắt buộc đưa ra một số quyết định khó khăn, và quyết tâm hành động. Làm mọi thứ bạn có thể để giúp cho con của bạn không bị cô lập về mặt cảm xúc.

Giảm dần thời gian sử dụng thiết bị điện tử cho những đứa trẻ và chính bạn, đồng thời tăng thời gian giao tiếp trực tiếp với chúng. 

Hãy khích lệ con bạn gặp trực tiếp bạn bè xung quanh. Dạy trẻ tầm quan trọng của gia đình, bạn bè và đức tin vào Thượng Đế. Dạy chúng kết nối thực sự với gia đình bằng cách dành thời gian bên nhau vào cuối tuần, lên lịch thời gian không sử dụng màn hình công nghệ cho mọi người trong gia đình và trò chuyện với con bạn. Hãy ân cần lắng nghe những đứa trẻ và vui chơi cùng nhau.

Những điều này có thể không ngăn ngừa tất cả các chứng trầm cảm ở trẻ, nhưng sẽ là một khởi đầu tốt. Tôi tin chắc rằng, chúng ta với tư cách là cha mẹ hoàn toàn có khả năng thay đổi lối sống của con cái mình. 

Trong hơn 30 năm qua, tôi đã chứng kiến rằng ​​các bậc cha mẹ tác động đến cuộc sống của con cái họ sâu sắc như thế nào. Khi cha mẹ quan tâm và hành động, cơ hội những đứa trẻ được phát triển khỏe mạnh về tinh thần sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Hãy can đảm thực hiện kế hoạch đó vì những lợi ích và tương lai của con cái chúng ta.

Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Meg Meeker
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn