Các triệu chứng thiếu Vitamin B12

Sự thiếu hụt loại vitamin thiết yếu này là nguyên nhân tiềm ẩn đằng sau nhiều căn bệnh.

Phần đông người Mỹ bị thiếu một vài loại vitamin, một trong số đó là vitamin B12. Vitamin B12 (còn được gọi là cobalamin) là vitamin tan trong nước có vai trò quan trọng để một người có được sức khỏe tối ưu.

Thật không may, rất nhiều triệu chứng của thiếu vitamin này lại tương tự như một số tình trạng sức khoẻ khác, cho nên nó thường được xem xét cuối cùng trong nhiều vấn đề sức khỏe.

Có bốn dạng vitamin B12 đã biết, bao gồm:

  • Hai dạng có hoạt tính chuyển hoá
  • Methylcobalamin
  • 5-deoxyadenosylcobalamin
  • Hai dạng có hoạt tính sinh học sau khi được biến đổi
  • Hydroxocobalamin
  • Cyanocobalamin

Vitamin B12 là một vitamin thiết yếu, điều đó nghĩa là cơ thể quý vị không thể tạo ra nó. Thay vào đó, quý vị phải ăn trung bình 2.4 microgam vitamin B12 mỗi ngày từ thực phẩm hoặc các thực phẩm bổ sung. Trong khi nó được tìm thấy ở rất nhiều các thực phẩm có nguồn gốc động vật, Viện Sức khỏe Quốc gia cảnh báo rằng thiếu vitamin B12 vẫn ảnh hưởng tới 3% đến 43% số người lớn tuổi.

Vitamin B12 giữ vai trò thiết yếu trong nhiều chức năng của cơ thể. Ví dụ, nó là thành phần quan trọng để tạo các tế bào máu và giữ cho các tế bào thần kinh được khỏe mạnh.

Vitamin B12 cũng giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ. Vitamin này cần thiết cho sức khỏe tim mạch và hoạt động nhận thức, đồng thời nó cũng giúp sản xuất huyết sắc tố, cải thiện sức mạnh thần kinh và điều chỉnh nồng độ homocysteine.

Homocysteine là một acid amin được sản xuất trong cơ thể, với số lượng lớn có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Một chức năng của vitamin B12 là phá vỡ homocysteine trong máu.

Vậy những triệu chứng nào có thể cảnh báo là quý vị hoặc người thân có thể bị thiếu vitamin B12?

Các triệu chứng thiếu Vitamin B12
Vitamin B12 là thành phần quan trọng để tạo các tế bào máu và giữ cho các tế bào thần kinh được khỏe mạnh (Ảnh: Pixabay)

Các triệu chứng của thiếu Vitamin B12 không được chẩn đoán

Nguyên nhân hay gặp nhất của thiếu máu hồng cầu khổng lồ là thiếu vitamin B12. Trong tình trạng này, tủy xương sản xuất ra các tế bào hồng cầu có kích thước to hơn bình thường và chưa trưởng thành, dẫn đến các biểu hiện mệt mỏi, choáng váng và da xanh xao. Các triệu chứng khác của thiếu vitamin B12 gồm:

  • Thở nhanh
  • Chóng mặt
  • Chán ăn
  • Cảm giác kiến bò hoặc tê bì ở tay hoặc chân
  • Các vấn đề về thăng bằng hoặc dáng đi
  • Mất thị lực
  • Rối loạn tâm thần
  • Mất trí nhớ
  • Mất ngủ
  • Cơn hoảng loạn
  • Vô sinh
  • Sa sút trí tuệ
  • Lưỡi bị sưng hoặc viêm
  • Hội chứng Paranoid và hoang tưởng
  • Són tiểu
  • Đau đầu
  • Nhịp tim nhanh
  • Trầm cảm
  • Giảm cân
  • Đau khớp
  • Táo bón

Trẻ sơ sinh thiếu vitamin B12 có biểu hiện lớn chậm, thiếu máu hồng cầu khổng lồ, chậm phát triển và có thể bị tổn thương hệ thần kinh vĩnh viễn. Vì vậy việc phát hiện sự thiếu hụt vitamin ở những người có biểu hiện đầu tiên không phải thiếu máu hồng cầu khổng lồ là rất quan trọng để có thể điều trị càng sớm càng tốt.

Mặc dù một bác sĩ có kinh nghiệm có thể nhận ra các triệu chứng và đưa ra giả thuyết rằng quý vị bị thiếu vitamin, nhưng cần làm xét nghiệm để khẳng định tình trạng bệnh. Một số nhóm người nhất định có nguy cơ thiếu vitamin B12 cao hơn. Những người này gặp khó khăn trong việc hấp thu vitamin từ thức ăn, hoặc khẩu phần ăn của họ không có đủ lượng vitamin.

Cơ thể hấp thu vitamin thông qua một quá trình gồm hai bước.

  • Đầu tiên, acid HCl trong dạ dày sẽ tách vitamin khỏi protein trong thức ăn.
  • Sau đó, vitamin B12 gắn vào yếu tố nội (một protein do dạ dày sản xuất) để có thể hấp thu vào trong cơ thể.

Trong những điều kiện nhất định, ngay cả những người dùng thực phẩm bổ sung cũng không thể hấp thu vitamin vì họ không tạo ra đủ yếu tố nội để gắn với vitamin giúp chúng được hấp thu.

Các triệu chứng thiếu Vitamin B12
Thiếu Vitamin B12 dẫn đến các biểu hiện mệt mỏi, choáng váng và da xanh xao (Ảnh: Pixabay)

Những người có nguy cơ cao thiếu vitamin B12

  • Người già: Tuổi là yếu tố làm tăng khả năng không tạo đủ lượng acid HCl trong dạ dày.
  • Người uống cà phê thường xuyên: Một nghiên cứu cho thấy những người uống từ bốn tách cà phê mỗi ngày có nồng độ vitamin B12 trong huyết tương thấp hơn.
  • Người uống rượu thường xuyên: Mức vitamin B12 thấp hơn được chứng minh ở những phụ nữ sau mãn kinh, khỏe mạnh và được nuôi dưỡng tốt có uống rượu thường xuyên. Điều này có khả năng là do vitamin B12 được dự trữ trong gan.
  • Đang dùng một số loại thuốc: Các chuyên gia khuyến cáo rằng “cũng nên đặc biệt chú ý với những bệnh bệnh đang dùng các loại thuốc như PPI, thuốc kháng thụ thể H2, thuốc kháng acid, metformin, colchicine, cholestyramine và những bệnh nhân thường xuyên sử dụng các thuốc kháng sinh hoặc chống co giật’.
  • Một căn bệnh tự miễn được gọi là viêm teo dạ dày: Tình trạng này làm giảm acid HCl và yếu tố nội, cả hai đều cần thiết để xử lý và hấp thụ vitamin.
  • Thiếu máu ác tính: Những người bị thiếu máu loại này không tạo được yếu tố nội. Điều này có nghĩa là họ không thể hấp thụ vitamin B12 từ các thực phẩm bổ sung hoặc từ thực phẩm ăn vào. Những người này cần chích vitamin B12 để điều trị.
  • Phẫu thuật dạ dày hoặc ruột: Ví dụ, phẫu thuật giảm cân có thể cắt đi một phần lớn dạ dày, do đó làm giảm lượng acid HCl và yếu tố nội để hấp thụ vitamin B12.
  • Các bệnh của dạ dày hoặc ruột non: bệnh celiac (rối loạn dung nạp gluten), bệnh Crohn, tiêu chảy nhiệt đới, hoặc hội chứng loạn khuẩn ruột non.
  • Ăn chay hoặc thuần chay: Vitamin B12 chỉ được tìm thấy trong tự nhiên ở các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, cá, sữa và trứng. Ngoài ra, những phụ nữ ăn chay nghiêm ngặt và đang mang thai hoặc cho con bú sẽ không cung cấp đủ vitamin B12 cho thai nhi.

Nồng độ vitamin B12 thấp có thể bị bỏ qua

Trừ khi quý vị có các dấu hiệu dễ nhận biết của thiếu vitamin B12, bác sĩ có thể không nghĩ đến việc định lượng vitamin của quý vị. Tuy nhiên, ngay cả khi được định lượng thì các định mức huyết thanh ở Hoa Kỳ có thể ở dưới điểm tối ưu.

Ngoài ra, các nhu cầu của mỗi cá nhân có thể khác nhau, vì vậy quý vị có thể có các triệu chứng thiếu vitamin ngay cả khi mức huyết thanh dường như ở trong khoảng bình thường.

Mức vitamin trong huyết thanh cũng có thể bị thay đổi phụ thuộc vào sự có mặt của protein liên kết. Một số xét nghiệm huyết thanh xác định được các dạng cobalamin không hoạt động, chúng che giấu đi sự thiếu hụt các dạng hoạt động của loại vitamin này.

Để thay thế, các nhà nghiên cứu khuyến cáo đánh giá sự thiếu hụt dạng hoạt động của vitamin chính xác hơn thông qua việc đo lường các chất chuyển hoá, gồm homocysteine hoặc mức cobalamin gắn với holo-transcobalamin.

Bằng chứng cho thấy, dựa vào mức vitamin B12 huyết thanh có thể đánh giá thấp tình trạng thiếu hụt ở mô tới 50%. Vitamin B12 có thể được kéo ra khỏi mô để duy trì nồng độ trong huyết thanh. Điều đó nghĩa là, khi giá trị xét nghiệm trên ngưỡng bình thường không đồng nghĩa với việc quý vị có đủ lượng vitamin để cơ thể sử dụng.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Practical Neurology, Tiến sĩ Ronald Devere lưu ý rằng các chuyên gia và nghiên cứu đề xuất một số cách để dự đoán chính xác hơn sự thiếu hụt tiềm tàng. Một phương pháp là xem xét các chuỗi bất thường về chuyển hoá và các triệu chứng lâm sàng so với nồng độ homocysteine và MMA (acid methylmalonic).

Các triệu chứng thiếu Vitamin B12
Mức vitamin trong huyết thanh cũng có thể bị thay đổi phụ thuộc vào sự có mặt của protein liên kết (Ảnh: Pixabay)

Thiếu vitamin B12 có thể là một nguyên nhân không được đánh giá cao của chứng sa sút trí tuệ

Một số triệu chứng của thiếu vitamin B12 là các rối loạn sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm. Một nghiên cứu trên 89 trẻ em và thanh thiếu niên bị trầm cảm cho thấy những người bị trầm cảm có mức vitamin B12 và vitamin D “thấp rõ ràng” và mức homocysteine “cao đáng kể.”

Một nghiên cứu khác thu hút 199 người lớn bị trầm cảm, những người này được bổ sung vitamin B12 cùng với các thuốc chống trầm cảm và các triệu chứng đã được cải thiện đáng kể.

Ngoài trầm cảm, mức vitamin B12 thấp còn liên quan đến tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ và sa sút trí tuệ. Đây có thể là một lựa chọn điều trị để cải thiện kết quả của bệnh nhân.

Một nghiên cứu khác đã mô tả mô hình nhận thức của những người lớn tuổi bị thiếu vitamin B12 và so sánh nó với những người bị bệnh Alzheimer. Kết quả cho thấy một mô hình khác biệt rõ ràng ở cả hai bệnh.

Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy 12 trong 19 người có mức vitamin B12 thấp có cải thiện với điều trị và 7 người tiếp tục xấu đi. Các nhà nghiên cứu đã tiếp tục phân tích đánh giá tâm lý thần kinh ban đầu của hai nhóm bệnh nhân và thấy rằng có sự khác biệt giữa nhóm người bị sa sút trí tuệ có đáp ứng với vitamin B12 và nhóm người không đáp ứng.

Ở nhóm đáp ứng với việc bổ sung B12, ban đầu có nhiều triệu chứng tâm thần hơn và khả năng tập trung và chức năng điều hành suy giảm nhiều hơn. Ở nhóm không đáp ứng với việc bổ sung thì có nhiều vấn đề hơn về ngôn ngữ và mất phối hợp động tác.

Các nhà khoa học phát hiện những thách thức mô hình trí nhớ cũng khác nhau, khiến họ tin rằng thiếu hụt vitamin B12 có thể được phân biệt với bệnh Alzheimer bằng một đánh giá tâm lý kỹ lưỡng.

Họ cũng nhận thấy các ảnh hưởng của việc thiếu vitamin B12 đến hệ tạo huyết và tâm thần kinh có thể không xảy ra một cách hệ thống. Tỷ lệ thực sự của các triệu chứng tâm thần kinh là không rõ. Tuy nhiên, tùy thuộc vào dân số được nghiên cứu và định nghĩa về sự thiếu hụt vitamin B12 được các nhà khoa học sử dụng, tỷ lệ có thể thay đổi từ 4% đến 50%.

Kiểm tra thiếu hụt vitamin B12 với biểu hiện suy giảm nhận thức

Ngay từ năm 2009, ông Devere, khi đó là giám đốc phòng khám rối loạn vị giác và khứu giác và Trung tâm bệnh Alzheimer và rối loạn trí nhớ ở Austin, Texas, đã khuyến nghị các hướng dẫn đánh giá vitamin B12, folate, MMA và homocysteine trong máu để thấy rõ những người có thể có đáp ứng với việc bổ sung vitamin B12 hoặc folate nhằm làm giảm triệu chứng suy giảm nhận thức.

Ông khuyến nghị tiếp tục sử dụng vitamin B12 và nồng độ folate huyết thanh ở những người có biểu hiện thay đổi chức năng nhận thức. Thêm vào đó, ông còn đặt ra các giới hạn đo lường với MMA và homocysteine để xác định xem liệu vitamin B12 huyết thanh có phản ánh chính xác mức vitamin hay không.

Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Neuropsychiatry, các nhà khoa học nhận thấy chỉ có 1/3 số người có mức vitamin B12 thấp được bổ sung đầy đủ. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng trong giai đoạn đầu của liệu pháp thay thế ở bệnh nhân có thiếu máu hồng cầu khổng lồ, các nhà lâm sàng nên theo dõi mức độ giảm kali vì có thể dẫn đến tử vong sớm.

Cung cấp folate cùng với bổ sung vitamin B12 có thể giúp khắc phục một phần tình trạng thiếu máu hồng cầu khổng lồ. Mặt khác, họ cho rằng nó có thể làm trầm trọng thêm bệnh não có thể xuất hiện khi thiếu vitamin B12.

Các bác sĩ gợi ý rằng tác động tàn phá của chứng sa sút trí tuệ đối với cá nhân và gia đình của họ đã đảm bảo cho việc kiểm tra sự thiếu hụt và khả năng bổ sung vitamin B12. Vì thiếu vitamin B12 ở người già là một tình trạng phổ biến, và các công cụ chẩn đoán hiện đại ngoài các thông số sinh lý thần kinh có thể giúp cải thiện hoạt động nhận thức.

Các triệu chứng thiếu Vitamin B12
Kiểm tra thiếu hụt vitamin B12 với biểu hiện suy giảm nhận thức(Ảnh: Pixabay)

Vitamin nhóm B có thể giúp ngăn ngừa các kết quả tồi tệ nhất của COVID

Vitamin B12 thuộc về phức hợp vitamin B mà các nhà nghiên cứu cho rằng có thể cải thiện đáng kể các kết quả của COVID-19.

Một nghiên cứu thuần tập trên 43 bệnh nhân có chẩn đoán mắc COVID-19 được nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Singapore vào đầu năm 2020, đã phân tích việc sử dụng vitamin D3, magie và vitamin B12 đường uống, được gọi chung là DMB, với nhóm đối chứng không được điều trị bằng DMB.

Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy chỉ có 17.6% cần đến liệu pháp oxy trong suốt quá trình nhập viện so với 61.5% những người ở nhóm đối chứng. Trong những bệnh nhân cần liệu pháp oxy ở nhóm dùng DMB, có hai người được nhận vào ICU và một người thì không. Trong nhóm đối chứng cần bổ sung oxy, tất cả đều được nhận vào ICU.

Vitamin nhóm B đóng vai trò quan trọng trong một hệ thống miễn dịch hoạt động khỏe mạnh. Ngoài ra, nhóm vitamin này còn có vai trò trong việc giảm các tác động nghiêm trọng của COVID-19, bao gồm sự nhân lên của virus, cảm ứng bão cytokine, miễn dịch thu được và tăng đông máu.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Maturitas, các nhà khoa học đã trình bày chi tiết các cách khác nhau mà mỗi loại vitamin B có thể có tác dụng trong việc ngăn ngừa hoặc điều trị ngay từ sớm các triệu chứng của COVID-19.

Đặc biệt với vitamin B12, sự thiếu hụt có thể làm tăng đáp ứng viêm và mức homocysteine. Những đáp ứng này có thể làm kích hoạt rối loạn chức năng nội mô, hoạt hóa dòng tiểu cầu và quá trình đông máu, điều này có khả năng dẫn đến sự hình thành cục máu đông.

Nguồn cung cấp Vitamin B12

Vitamin B12 hầu như chỉ được tìm thấy ở trong mô động vật, bao gồm các loại thực phẩm như thịt bò, thịt cừu, thịt nai, thịt gia cầm, trứng và các sản phẩm từ sữa.

Men dinh dưỡng chứa nhiều vitamin B12 được khuyến khích cho những người ăn chay và thuần chay. Hai muỗng canh men dinh dưỡng cung cấp 7.8 microgam vitamin.

Xịt dưới lưỡi hoặc chích vitamin B12 cũng có hiệu quả vì chúng cho phép các phân tử lớn được hấp thu trực tiếp vào máu và bỏ qua nhu cầu về acid HCl và yếu tố nội sinh.

Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
 

Joseph Mercola
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ bác sĩ Joseph Mercola là người sáng lập Mercola.com là tác giả có sách bán chạy nhất, nhận nhiều giải thưởng trong lĩnh vực sức khỏe tự nhiên. Tầm nhìn cốt lõi của ông là thay đổi mô hình y tế hiện đại bằng cách cung cấp cho mọi người nguồn tài nguyên quý giá để giúp họ kiểm soát sức khỏe của mình.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn