9 thay đổi có ảnh hưởng tích cực đến chỉ số huyết áp

Nếu bạn bị chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp, bạn có thể thực hiện một số thay đổi lối sống đơn giản thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục. Thực hành lối sống lành mạnh có thể giúp bạn tránh, trì hoãn hoặc giảm nhu cầu sử dụng thuốc.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thay đổi lối sống theo 9 cách sau đây có thể giúp cải thiện huyết áp.

1. Kiểm soát cân nặng

Khi cân nặng tăng, huyết áp thường cũng tăng lên. Kiểm soát cân nặng là một trong những thay đổi lối sống hiệu quả nhất mà bạn có thể thực hiện để giảm huyết áp. Nói chung, nếu giảm được 1kg cân nặng thì có thể giảm khoảng 1 milimét thủy ngân (mmHg) huyết áp

Bên cạnh việc giảm cân, hãy chú ý đến vòng eo của bạn. Khi cân nặng tập trung quá nhiều vào vùng bụng có thể khiến bạn gặp nhiều nguy cơ tăng huyết áp hơn.

2. Tập thể dục thường xuyên

Các nghiên cứu cho thấy hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm huyết áp khoảng từ 5 đến 8 mmHg. Nên tập 150 phút mỗi tuần hoặc khoảng 30 phút mỗi ngày. Bạn nên duy trì tập luyện đều đặn để giữ cho huyết áp thấp.

3. Chế độ ăn uống lành mạnh

Bằng cách tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh giàu ngũ cốc, trái cây, rau và các sản phẩm từ sữa ít béo, bạn có thể giảm đến 11 mmHg chỉ số huyết áp của mình. Thật không dễ dàng gì để thay đổi thói quen ăn uống, nhưng bạn có thể bắt đầu từ từ và ghi lại một quyển sổ nhật ký về việc ăn uống của mình, dần dần bạn sẽ tự nhiên quen với thói quen đó.

4. Hạn chế rượu

Rượu là một chủ đề khó vì nó được phát hiện có thể làm giảm và cả tăng huyết áp. Quan trọng là bạn phải sử dụng nó một cách điều độ, vì vậy một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly đối với nam giới có thể làm giảm huyết áp khoảng 4 mmHg.

5. Bỏ hút thuốc lá

Bỏ thuốc lá có thể cải thiện tất cả các khía cạnh của sức khỏe. Riêng đối với huyết áp, bỏ thuốc lá có thể giúp huyết áp của bạn trở lại mức bình thường và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

6. Cắt giảm Caffeine

Đây là một chủ đề được tranh luận nhiều giữa các chuyên gia y tế, nhưng có một điều chắc chắn là đối với những người hiếm khi tiêu thụ caffeine, huyết áp cũng có thể tăng đến 10 mmHg. Vì vậy, bạn vẫn nên thỉnh thoảng thưởng thức một tách cà phê, và hãy chọn cà phê decaf (không có caffeine).

7. Giảm căng thẳng

Căng thẳng mãn tính đã được phát hiện là nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp. Hãy thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm căng thẳng và hãy nhớ rằng người ta thường hay phản ứng với căng thẳng bằng cách ăn thực phẩm không lành mạnh, hút thuốc hoặc uống rượu. Vì thế khi đã rơi vào căng thẳng thì bạn nên tránh nó đi.

8. Theo dõi huyết áp

Bằng cách đầu tư vào một thiết bị theo dõi huyết áp tại nhà, bạn có thể theo dõi huyết áp của mình để đảm bảo rằng những thay đổi trong lối sống của bạn có hiệu quả.

9. Tìm kiếm sự hỗ trợ

Sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè có thể giúp bạn có hướng đi đúng đắn trong nỗ lực giảm huyết áp, giúp cho tinh thần và cảm xúc của bạn thăng hoa.

Ngọc Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bài gốc từ The Epoch Times

Sarah Cownley
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Sarah Cownley có bằng tốt nghiệp về liệu pháp dinh dưỡng từ Học viện Khoa học Sức khỏe ở London. Niềm yêu thích của cô là giúp đỡ những người khác bằng cách dạy họ thay đổi lối sống lành mạnh hơn thông qua các tham vấn cá nhân và những đóng góp thường xuyên của cô cho trang Doctors Health Press. Bài viết này được đăng lần đầu tiên tại Bel Marra Health.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn