3 bí quyết phòng loãng xương! Toàn bộ sơ đồ về triệu chứng, điều trị và dự phòng bệnh

Loãng xương đã trở thành căn bệnh phổ biến thứ hai trên thế giới sau bệnh mạch vành, nó không chỉ là một trong những thủ phạm chính gây chứng đau lưng, mà còn gây ra gãy xương, vận động kém và các vấn đề khác.

Nhưng loãng xương là căn bệnh thầm lặng, thường ẩn chứa trong những cơn đau không được chú ý, cho đến khi đột nhiên gãy xương mới phát hiện thấy.

Các triệu chứng của loãng xương là gì, có cách nào để kiểm tra và điều trị? Làm thế nào để ngăn ngừa thông qua ăn uống và vận động?

Bệnh loãng xương là gì? 4 triệu chứng chính cần chú ý

Xương sẽ ngày càng chắc khỏe theo sự phát triển của cơ thể con người, đạt thể trạng tốt nhất ở 20 đến 30 tuổi. Nhưng sau ba mươi tuổi, khối lượng xương mất dần theo tuổi tác. Trong đó, tốc độ mất xương ở nữ giới nhìn chung nhanh hơn nam giới, khả năng bị loãng xương cũng cao hơn nam giới.

Loãng xương được chia thành nguyên phát và thứ phát. Nguyên nhân nguyên phát chủ yếu gây loãng xương là do lão hóa, ví dụ như phụ nữ sau mãn kinh, nồng độ hormone trong cơ thể giảm dẫn đến loãng xương. Loãng xương thứ phát là do các bệnh hoặc nguyên nhân khác, như bệnh tiểu đường, bệnh bạch cầu, hoặc đã cắt bỏ buồng trứng, tác dụng phụ của việc dùng một số loại thuốc.

Loãng xương là quá trình mất xương trong thời gian dài. Khi mới bắt đầu bị mất xương, thường cơ thể không có triệu chứng rõ ràng. Nhưng khi tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, xương trở nên giòn yếu, có thể xuất hiện các các triệu chứng sau:

  • Đau lưng
  • Chiều cao giảm dần , còng lưng (do cột sống dần dần xẹp xuống)
  • Giảm cân
  • Dễ bị gãy xương
bí quyết phòng loãng xương
Loãng xương là quá trình mất xương trong thời gian dài. (Ảnh: Wikimedia BruceBlaus, CC BY 3.0)

Đau mỏi lưng là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh loãng xương. Khi mới bắt đầu, cơn đau thường khu trú ở một bộ phận nào đó, về sau dần dần lan ra khắp cơ thể. Nhưng nhiều người không để ý đến, cảm giác đau mỏi cơ thể khi về già là rất bình thường, cho đến khi đột nhiên xuất hiện gãy xương, đau dữ dội mới nhận ra.

Người sau khi bị loãng xương, khả năng bị gãy xương tăng lên rất nhiều lần, đặc biệt là người cao tuổi, rất dễ bị gãy xương do té ngã hoặc va chạm.

Có ba vị trí dễ bị gãy xương nhất: cột sống, cổ tay và cổ xương đùi. Khoảng 20% ​​đến 35% bệnh nhân lớn tuổi sẽ bị một lần gãy xương ở một trong ba vị trí này.

Gãy xương cột sống thường là gãy do chèn ép sau khi ngã hoặc mang vật nặng, dẫn đến đau lưng dữ dội, đau thắt lưng, cũng như gù lưng và giảm chiều cao;

Gãy xương cổ tay nếu không điều trịđúng cách, thường gây biến dạng cổ tay, thậm chí mất chức năng.

Gãy xương đùi sẽ khiến bệnh nhân không thể đi lại được, phải mất ít nhất nửa năm mới hồi phục.

Một khi đã bị gãy xương, khả năng xảy ra gãy xương ở vị trí tương đồng sẽ tăng hơn 5 lần, nghiêm trọng hơn là, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân trong một năm lên tới 20%.

Tại sao bị mất xương? Tế bào hủy xương, tế bào tạo xương quyết định mật độ xương

bí quyết phòng loãng xương
Tế bào hủy xương, tế bào tạo xương quyết định mật độ xương (Ảnh: Wikimedia, Laboratoires Servier, CC BY-SA 3.0)

Nhìn từ bề ngoài, xương có vẻ nhẵn, chắc, sự thực là, mô xương bên trong là sống, luôn luôn có hoạt động sống bên trong.

Trong mô xương, có hai loại tế bào đặc biệt, tế bào hủy xương và tế bào tạo xương. Tế bào hủy xương sẽ phá vỡ các mô xương cũ, còn tế bào tạo xương sẽ lấp đầy mô xương mới, hai loại tế bào này, cho phép xương liên tục được thay cũ đổi mới. Trong trường hợp bình thường, tốc độ hoạt động của hai loại tế bào này là như nhau nên sẽ bảo đảm duy trì được mật độ xương bình thường của cơ thể.

Bệnh loãng xương thường do quá trình lão hóa hoặc các nguyên nhân khác, làm cho sự phối hợp giữa các tế bào hủy xương và tế bào tạo xương bị mất cân bằng, tế bào hủy xương phân hủy quá nhiều mô xương, tế bào tạo xương lại tạo ra quá ít, khiến cho mật độ xương của bệnh nhân ngày càng thấp.

Ai dễ bị loãng xương? 7 yếu tố nguy cơ cần lưu ý

Những người trong các tình huống sau, dễ bị loãng xương hơn người bình thường:

Tuổi cao: Bệnh nhân trên 50 tuổi, nên bắt đầu chú ý xem mình có bị loãng xương hay không.

Phụ nữ: Mật độ xương của phụ nữ vốn đã thấp hơn nam giới, họ dựa vào hormone để duy trì chúng, phụ nữ mãn kinh hoặc cắt bỏ tử cung, do giảm tiết hormone, nên dễ bị mất xương hơn nam giới.

Tiền sử gia đình: Những người có tiền sử gia đình bị loãng xương có nguy cơ cao bị loãng xương khi về già.

Hút thuốc, uống rượu: Hút thuốc sẽ đẩy nhanh quá trình mất xương, uống quá nhiều rượu sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương.

Sử dụng steroid: sử dụng steroid trong thời gian dài cũng có thể gây loãng xương.

Thiếu canxi và vitamin D: Canxi là nguyên tố tố quan trọng để duy trì sức khỏe của xương, vitamin D có nhiệm vụ giúp hấp thụ canxi.

Ít vận động: Hàng ngày ít vận động, lực tác động đến xương không đủ, mật độ xương dễ giảm sút.

Bạn có bị loãng xương không? Kiểm tra mật độ xương: chỉ số T-score là then chốt

Bệnh loãng xương thường sử dụng “T- score” làm cơ sở chẩn đoán. Tuy nhiên, T- score này được tính như thế nào? Đầu tiên, bệnh nhân phải kiểm tra các giá trị mật độ xương của xương hông, cổ xương đùi và cột sống thắt lưng thông qua máy đo hấp thụ năng lượng kép tia X, sau đó thông qua tính toán bằng công thức cụ thể, mới có thể nhận được T- score. Cách đọc chỉ số:

Xương bình thường: T- score > -1

Thiếu xương: -1>T-score> -2.5

Loãng xương: Nếu T- score <-2.5

bí quyết phòng loãng xương
Dựa theo chỉ số T-score, chẩn đoán tình trạng xương: Bình thường, Thiếu xương, Loãng xương (Ảnh: myupchar.com, CC BY-SA 4.0)

Vậy những người nào cần kiểm tra mật độ xương?

Nói chung, bốn nhóm người được khuyến nghị làm kiểm tra:

  • Phụ nữ trên 65 tuổi
  • Phụ nữ dưới 65 tuổi mãn kinh, phụ nữ có yếu tố nguy cơ gãy xương cao (chẳng hạn như nhẹ cân)
  • Đàn ông trên 70 tuổi
  • Đàn ông 50 đến 70 tuổi có yếu tố nguy cơ loãng xương

Ngoài ra, nếu phát hiện bản thân thường gặp đau nhức mạn tính, đau mỏi thắt lưng, gù lưng hoặc giảm chiều cao, cũng nên kiểm tra mật độ xương để phát hiện sớm và điều trị sớm.

Loãng xương điều trị như thế nào? Bốn loại thuốc thường dùng

Thuốc điều trị loãng xương hiện nay, hầu hết là làm chậm quá trình mất xương, chứ không phải tăng khối lượng xương, có 3 loại thuốc thường được sử dụng: estrogen, bisphosphonates và calcitonin.

  1. Estrogen: Có thể chống lại quá trình phân giải xương, giảm thiểu mất xương, sử dụng nhiều ở phụ nữ sau mãn kinh. Tuy nhiên, sử dụng estrogen lâu dài có thể gây ung thư, những bệnh nhân có tiền sử ung thư vú, bệnh về nội mạc tử cung không thích hợp sử dụng.
  1. Bisphosphonates: Có thể ức chế hoạt động của tế bào hủy xương, từ đó làm giảm mất xương, giảm khả năng gãy xương. Tuy nhiên, cũng vì do giảm hủy xương, tế bào tạo xương cũng không thể hoạt động tốt, do đó, xương không thể chuyển hóa bình thường, khả năng tái tạo giảm đi đáng kể. Một khi bị thương hoặc bị nhiễm trùng, rất dễ dẫn đến xương bị hoại tử cục bộ. Bisphosphonates thường gây ra tác dụng phụ là đau xương, khớp, cơ và khó chịu đường tiêu hóa.
  1. Calcitonin: Tuyến giáp của cơ thể con người sản xuất ra calcitonin, nhằm mục đích ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương. Vì vậy, việc bổ sung calcitonin có thể ức chế hoạt động của tế bào hủy xương tốt hơn, nhằm đạt được mục đích ngăn ngừa sự mất xương, ngoài ra nó còn có thể giảm đau do gãy xương. Do axit dạ dày phân hủy calcitonin, vì vậy nó thường được bổ sung bằng cách tiêm hoặc xịt niêm mạc mũi. Tác dụng phụ của calcitonin thấp, nhưng dạng bào chế xịt mũi có thể gây ra các vấn đề như sổ mũi, chảy máu cam.
  1. Hormon tuyến cận giáp (Teriparatide, Forteo): Hormon tuyến cận giáp tổng hợp hiện là loại thuốc duy nhất có thể kích thích tổng hợp xương, nhược điểm là phải tiêm hàng ngày, và giá thành khá đắt.

Trung y điều trị bệnh loãng xương, chủ yếu lấy việc bổ thận làm chủ

Trong Trung y truyền thống không có ghi chép liên quan đến bệnh “loãng xương”, nhưng có những danh từ gần với từ “loãng xương”, chẳng hạn như “cốt nuy”, “cốt tý”, “cốt khô”, v.v. Trung y cho rằng xương có được chắc hay không là do thận khí có đầy đủ hay không.

“Hoàng đế nội kinh” có ghi: “Thận tàng tinh, chủ cốt sinh tủy.” Khi tinh khí của thận đầy đủ, xương mới có thể chắc chắn, khỏe mạnh.

Các phương thuốc Trung y được sử dụng để điều trị loãng xương, có Nhị chí hoàn, Tả quy hoàn, Hữu quy hoàn, Lục vị địa hoàng hoàn, v.v. Sau khi phân tích các phương thuốc này, thấy rằng các dược liệu thường được sử dụng bao gồm: Đỗ trọng, Địa hoàng, Đương quy, Hoàng kỳ, Nhục quế, Xuyên tục đoạn, Hà thủ ô, Thỏ ty tử, đều có thể bổ thận tinh và khí huyết.

Nắm vững 3 điều để ngăn ngừa loãng xương hiệu quả

bệnh loãng xương
Những bài tập vận động nhảy, dịch chuyển lên xuống giúp tăng trưởng xương ở người trẻ (Ảnh: Flickr, Fred Hsu, CC BY 2.0)

Tập thể dục là cách tốt nhất để ngăn ngừa loãng xương, và hãy tập thể dục nhiều hơn khi bạn còn trẻ. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Clinical Densitometry (Journal of Clinical Densitometry, khi còn trẻ lúc xương chắc khỏe nhất, lượng xương tăng trưởng hơn 10% thì khi về già, khả năng gãy xương do loãng xương sẽ giảm đi một nửa.

Tuy nhiên, không phải bài tập nào cũng đều có thể tăng mật độ xương một cách hiệu quả. Bài tập hiệu quả nhất là bài tập chịu trọng lực. Chẳng hạn như lên xuống cầu thang, nhảy tại chỗ hoặc chơi tennis,… những bài tập dịch chuyển theo chiều lên xuống có thể khiến xương chịu trọng lượng lớn hơn, tiếp theo là chạy bộ.

Còn bơi lội và đi xe đạp, có thể làm tăng chức năng của tim phổi, nhưng là vận động theo chiều ngang, cơ thể chịu trọng lực ít hơn, tác dụng kích thích tăng trưởng xương ít, nên không thể tăng mật độ xương một cách hiệu quả.

Về chế độ ăn cho người loãng xương, nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu canxi, như các sản phẩm từ sữa, tảo biển, rong biển, rau có màu xanh đậm, vừng đen, cá khô, tôm khô. Thực phẩm giàu vitamin D cũng rất quan trọng với chất xương, chẳng hạn như dầu gan cá, cá nhiều chất béo (như cá hồi, cá mòi), gan bò, lòng đỏ trứng và các sản phẩm từ sữa tăng cường.

Lý Hàng Triết thực hiện
Lâm Lộc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn